Do tỷ lệ ủng hộ thấp hoặc cạn tiền, trong quá trình tranh cử, một số ứng viên đã phải rời bỏ cuộc chơi. Chiến dịch tranh cử ở Mỹ đang bước vào giai đoạn gay cấn.
Tin thế giới đọc nhanh trưa 18-08-2016
- Cập nhật : 18/08/2016
Iran tuyên bố chia sẻ các cơ sở với Nga để chống khủng bố
Theo Reuters, ngày 16/8, người đứng đầu Hội đồng An ninh Quốc gia Iran Ali Shamkhani cho biết Tehran và Moskva đang chia sẻ các cơ sở để chống khủng bố.
Phát biểu trên được đưa ra sau khi Nga xác nhận các máy bay cường kích tầm xa của nước này được triển khai tại Iran đã tấn công các mục tiêu bên trong lãnh thổ Syria.
Hãng thông tấn IRNA dẫn lời ông Ali Shamkhani nói: “Sự hợp tác Iran-Nga trong cuộc chiến chống khủng bố ở Syria là sự hợp tác chiến lược và chúng tôi chia sẻ các khả năng và cơ sở trong lĩnh vực này."
Trước đó Nga thông báo đã triển khai các máy bay cường kích Tupolev-22 đến một căn cứ không quân gần thành phố Hamadan của Iran để tiến hành các hoạt động không kích phiến quân ở Syria.(Vietnamplus)
Trung Quốc kêu gọi ASEAN cảnh giác với 'lực lượng bên ngoài'
Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc cho hay sự can thiệp của nước khác vào Biển Đông đang làm tình hình phức tạp thêm, trong khi COC có thể sắp hoàn thành.
"Tình hình ở Biển Đông đang trở nên ngày càng phức tạp, đặc biệt khi có sự can thiệp của các lực lượng bên ngoài. ASEAN và Trung Quốc đã nhận ra chúng ta phải nắm lấy chìa khóa của vấn đề Biển Đông trong tay mình", tờ China Daily hôm nay dẫn lời Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Lưu Chấn Dân cho biết.
Phát biểu của ông Lưu được đưa ra trong cuộc họp giữa Trung Quốc và ASEAN trong hai ngày 15 và 16/8 tại thành phố cảng Mãn Châu Lý, miền bắc Trung Quốc.
Ông Lưu cũng thông báo hai bên đạt được "đồng thuận lớn" về việc thúc đẩy Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC), đánh giá đây là "một thành công của cuộc họp".
"Tất cả các bên nhất trí tăng cường tần suất đàm phán mà không bị gây trở ngại, nỗ lực thảo khung COC vào giữa năm 2017", ông nói.
Các lãnh đạo Trung Quốc và ASEAN cũng đã thông qua các nguyên tắc chỉ đạo về đường dây nóng trong trường hợp khẩn cấp trên biển giữa hai bên. Thỏa thuận ngăn chặn những chạm trán bất ngờ trên biển mà hai bên ký năm 2014 cũng sẽ được áp dụng ở Biển Đông. Hai tài liệu này sẽ được đưa ra thảo luận để phê duyệt trong cuộc họp trong tháng 9 tại Lào.
Đây là cuộc họp thứ ba về COC giữa Trung Quốc và ASEAN trong năm nay. Trung Quốc từng lên án Mỹ và các nước đồng minh, trong đó có Nhật Bản, can thiệp vào tranh chấp Biển Đông.
Bắc Kinh đòi chủ quyền ở hầu hết Biển Đông, vẽ ra đường lưỡi bò đi sâu vào vùng biển của Việt Nam, Philippines, Malaysia và Brunei. Tòa trọng tài phụ lục VII của Công ước Luật biển năm 1982 của Liên Hợp Quốc (UNCLOS) giữa tháng trước đã ra phán quyết về vụ kiện của Philippines, bác bỏ yêu sách phi lý này của Trung Quốc.(Vnexpress)
Phó đại sứ Triều Tiên tại Anh đào tẩu
Tờ JoongAng Ilbo của Hàn Quốc ngày 16-8 cho hay một quan chức ngoại giao cấp cao làm việc tại đại sứ quán Triều Tiên ở Anh đã cùng gia đình đào tẩu sang “nước thứ ba”. Trong khi đó, đài BBC loan tin người này là Thae Yong Ho, cố vấn và là phó đại sứ tại đại sứ quán Triều Tiên ở Luân Đôn.
Dẫn nguồn tin giấu tên, tờ JoongAng Ilbo nói ông Thae Yong Ho đã lên kế hoạch tỉ mỉ cho cuộc đào tẩu và đang trong quá trình xin tị nạn ở một "nước thứ ba”.
Hiện chưa rõ "nước thứ ba" này có phải là Anh hay không, song truyền thông Hàn Quốc thường dùng cụm từ “nước thứ ba” là để chỉ một quốc gia không phải Triều Tiên hay Hàn Quốc.
Theo Reuters, một quan chức tại đại sứ quán Triều Tiên ở Luân Đôn đã không xác nhận vụ đào tẩu này, chỉ mô tả thông tin vụ việc này là “khá bất ngờ”. Quan chức này nói thêm họ sẽ đưa ra bình luận vào thời điểm thích hợp.
Reuters cho hay các cuộc gọi sau đó đến đại sứ quán đã không được trả lời, trong khi cuộc gọi vào số máy ông Thae cũng bị chuyển sang hộp thư thoại.
Đại sứ quán Anh tại Seoul cho biết họ biết được vụ đào tẩu đăng trên truyền thông nhưng không bình luận. Bộ Ngoại giao Hàn Quốc nói họ không thể xác nhận hay thảo luận về các trường hợp đào tẩu cụ thể.
Cơ quan Tình báo trung ương Mỹ (CIA) cũng nói họ không bình luận về thông tin vụ đào tẩu trên.
Ông Thae Yong Ho được nói là người khá quen thuộc với báo chí Anh, chịu trách nhiệm liên lạc, tạo điều kiện để các phóng viên người Anh đến Bình Nhưỡng.
Trong các bài phát biểu tại các sự kiện của đảng Cộng sản Anh, ông thường tỏ ra nhiệt huyết nhưng lời lẽ không khoa trương như nhiều quan chức Bình Nhưỡng khác.
Theo báo Guardian, ông John Nilsson-Wright, người đứng đầu chương trình châu Á tại Chatham House, cho biết nhà ngoại giao Thae Yong Ho đào tẩu sẽ là nguồn khai thác thông tin có ích cho tình báo nước ngoài về chính quyền đầy bí ẩn của ông Kim Jong-un.(PLO)
Malaysia sợ sẽ có khủng bố tiếp
Ông Ayob Khan, đứng đầu đơn vị chống khủng bố của cảnh sát Malaysia, cho biết các nghi can khủng bố tại nước này có nhiều lựu đạn và có khả năng lập nhiều kế hoạch tấn công trên khắp nước.
Theo lãnh đạo chống khủng bố của Malaysia, họ phát hiện đây là lần đầu tiên các thành viên người Malaysia của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) có thể điều khiển từ xa những kẻ ủng hộ chúng để tiến hành một vụ khủng bố thành công.
Đài Channel News Asia cho biết vụ tấn công bằng lựu đạn hồi tháng Sáu nhằm vào hộp đêm Movida ở ngoại ô Kuala Lumpur đã làm thay đổi mức độ đe dọa từ tổ chức IS.
Ông Ayob, với kinh nghiệm gần 2 thập niên chống cực đoan, nhấn mạnh rằng điều đó đã gióng hồi chuông cảnh báo trên toàn Malaysia.
"Trước đây chúng tôi đánh giá chúng không có khả năng chuyên môn về lắp ráp bom tự chế bởi vì chúng không được đào tạo. Tuy nhiên với vụ đánh bom Movida thì rõ ràng chúng đã liên kết và có khả năng sở hữu vũ khí từ các quốc gia láng giềng và đó là mối quan tâm chính của chúng tôi hiện nay" - ông Ayob giải thích.
Ông Ayob cho biết các nghi can khủng bố vẫn còn giữ ít nhất 8 quả lựu đạn và có khả năng lập ra nhiều kế hoạch tấn công nhắm vào các văn phòng chính phủ, các nơi tổ chức sự kiện giải trí và trụ sở của quân đội cũng như cảnh sát.
"Dựa vào các báo cáo tình báo, chúng tôi tin rằng chúng từng có 10 quả lựu đạn. Một đã dùng trong cuộc tấn công Movida, một quả chúng tôi đã xoay sở để thu hồi tại Johor. Chúng ta vẫn có 8 quả khác trôi nổi ở ngoài kia. Những quả lựu đạn này rất cũ, kiểu 1967, nhưng vẫn gây chết người" - ông Ayob thông tin.
Các nhà chức trách Malaysia tin rằng thành viên IS người Malaysia Mohd Wanndy Mohd Jedi (27 tuổi) đã chỉ thị từ xa vụ tấn công Movida. Jedi từng là một học sinh thông xuất thân từ một gia đình tan vỡ.
Jedi đã đến Syria năm 2013 và đã chiêu dụ được nhiều phần tử khủng bố trên khắp Malaysia.
"Hắn ta đang vận động quỹ từ những người ủng hộ hắn. Không nhiều nhưng với khoảng 100 người thì chúng có thể xoay sở để mua vũ khí như lựu đạn" - ông Ayob cho biết.
Theo ông Ayob điều thật sự đáng lo ngại là Jedi không chỉ có một mình. Có những người Malaysia khác tại Syria cũng đang điều khiển những kẻ ủng hộ ở quê nhà tiến hành các vụ tấn công kiểu "sói đơn độc".
Kể từ năm 2013 đến nay, Malaysia đã bắt gần 240 nghi can khủng bố. Ông Ayob cho biết con số này cứ tăng lên từng năm.(TT)