Tranh chấp lãnh thổ Nga-Nhật thành tâm điểm cuộc gặp Abe-Putin
Ứng cử viên tổng thống Philippines nghĩ gì về biển Đông?
Trung Quốc đón soái hạm Hạm đội 7 của Mỹ thăm Thượng Hải
Hải quân Mỹ lo không đủ khả năng theo dõi tàu ngầm Nga
Mỹ “bật đèn xanh” cho phép bán 9 tỷ USD chiến đấu cơ cho 3 nước vùng Vịnh
Tin thế giới đọc nhanh trưa 17-08-2016
- Cập nhật : 17/08/2016
Biển Đông gây sóng gió quan hệ Trung Quốc - Singapore
Dù không phải là bên tranh chấp ở Biển Đông, các cử chỉ của Singapore liên quan đến phán quyết của Tòa Trọng tài dường như đã làm Bắc Kinh khó chịu.
Trong vài thập kỷ qua, Trung Quốc và Singapore có quan hệ chặt chẽ, đặc biệt là trong kinh tế. Tuy nhiên, những bình luận của Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long liên quan đến phán quyết của Tòa Trọng tài hôm 12/7 đã làm dấy lên lo ngại ở Bắc Kinh về việc mối quan hệ giữa hai quốc gia có thể đi xa đến mức nào.
Sau khi Tòa Trọng tài ở The Hague ra phán quyết cho rằng Trung Quốc không có quyền lịch sử đối với nguồn tài nguyên trong yêu sách "đường lưỡi bò" nước này đơn phương vạch ra, ông Lý cho rằng phán quyết là "một tuyên bố mạnh mẽ" về pháp luật quốc tế trong tranh chấp hàng hải, theo SCMP.
Bắc Kinh phản ứng bằng cách kêu gọi Singapore có lập trường "khách quan và công bằng", vì Singapore là điều phối viên quan hệ giữa Trung Quốc và Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).
Shen Shishun, nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Nghiên cứu Quốc tế Trung Quốc, trung tâm trực thuộc Bộ Ngoại giao Trung Quốc, cho rằng nếu Singapore giữ lập trường tương tự Mỹ, Trung Quốc sẽ xem việc đó như là "đùa cợt với vấn đề có tính nguyên tắc".
"Trung Quốc tin rằng Singapore có thể cân bằng quan hệ giữa các cường quốc nhưng họ không nên 'đùa bỡn' với những vấn đề này", Shen nói. "Là một quốc gia châu Á, Singapore nên gần gũi hơn với Trung Quốc".
Căng thẳng cũng nổi lên hồi đầu tháng này khi ông Lý nói với Tổng thống Mỹ Barack Obama rằng ông hy vọng Washington sẽ tiếp tục tham gia tích cực trong khu vực. Ông Obama đáp lại rằng Singapore và Mỹ là "đối tác vững chắc".
Báo Trung Quốc Global Times viết trong một bài xã luận rằng chuyến đi của ông Lý đến Mỹ khiến một số người Trung Quốc "rất khó chịu", đặc biệt là khi ông Obama ca ngợi Singapore là "mỏ neo" cho sự hiện diện của Mỹ tại châu Á. Trước đó, Mỹ chỉ dùng từ "mỏ neo" để gọi Nhật Bản và Australia, hai đồng minh của Mỹ trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Quan hệ tốt
Trung Quốc và Singapore vốn có mối quan hệ tốt đẹp. Khi lãnh đạo Trung Quốc Đặng Tiểu Bình thăm Singapore năm 1978, ông rất ấn tượng với cách đất nước vận hành và sau đó ông đã xin lãnh đạo Singapore Lý Quang Diệu lời khuyên để đưa Trung Quốc đến thịnh vượng. Ông Lý cho rằng Trung Quốc nên mở cửa với thế giới tư bản chủ nghĩa, và trong hơn ba thập kỷ sau, Trung Quốc đã hưởng lợi từ những cải cách thị trường đó.
Hai nước cũng có liên kết kinh tế mạnh mẽ. Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Singapore và Singapore cũng đóng vai trò quan trọng trong kế hoạch "con đường tơ lụa" trên biển của Bắc Kinh. Các dự án giữa hai chính phủ, chẳng hạn như các khu công nghiệp Tô Châu và Thiên Tân, cũng là những điểm nhấn của quan hệ hợp tác.
Là người bạn đáng tin cậy với cả Bắc Kinh và Đài Bắc, Singapore đã được chọn làm nơi hai lãnh đạo Tập Cận Bình và Mã Anh Cửu tổ chức cuộc gặp lịch sử tháng 11 năm ngoái, đánh dấu cuộc hội đàm đầu tiên những người đứng đầu hai bờ eo biển Đài Loan trong gần 70 năm.
Ngoài ra, đảng Cộng sản Trung Quốc còn gửi cán bộ đi học ở Singapore trong hai thập kỷ qua, nhiều người trong số họ hiện là thị trưởng hoặc lãnh đạo tỉnh Trung Quốc.
Du Jifeng, một chuyên gia về các vấn đề Đông Nam Á tại Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, cho rằng Bắc Kinh có thể cảnh giác hơn với vai trò của Singapore trong sự hiện diện chiến lược của Mỹ ở châu Á-Thái Bình Dương. Tuy nhiên, quan hệ kinh tế giữa Trung Quốc và Singapore sẽ vẫn duy trì mạnh mẽ.
Singapore không phải là một quốc gia tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông. Bình luận của ông Lý có thể không ảnh hưởng đến hướng giải quyết tranh chấp ở Biển Đông giữa Trung Quốc và Philippines, Du bình luận.
Oh Ei Sun, một thành viên cao cấp của trường Nghiên cứu Quốc tế S Rajaratnam tại Singapore, cho rằng Singapore giữ lập trường tương tự các quốc gia Đông Nam Á khác về tranh chấp Biển Đông.
"Hầu hết chúng ta coi phân xử của tòa như một nghị quyết thông thường và hiệu quả để giải quyết tranh chấp quốc tế bằng luật pháp. Vì vậy, chẳng có vấn đề gì khi một nhà lãnh đạo ASEAN bày tỏ những ý kiến như vậy", ông nói. (Vnexpress)
Bề ngoài vui cười, Nga-Thổ vẫn đấu đá rất quyết liệt
Theo Foreign Policy (FP), Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ hồi tuần trước đã có cuộc gặp “phá băng” quan hệ hai nước tại St.Petersburg (Nga). Đây là cuộc gặp đầu tiên giữa lãnh đạo hai nước kể từ sau vụ Ankara bắn rơi chiến đấu cơ Su-24 của Nga hồi tháng 11 năm ngoái.
Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có nhiều dấu hiệu cho thấy quan hệ hai nước Nga-Thổ thực sự “cơm lành canh ngọt” trở lại. Cụ thể, tại phiên họp kín của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc hồi tuần trước, đại sứ Nga Vitaly Churkin đã thẳng thừng chỉ trích Thổ Nhĩ Kỳ vì những điều mà ông tuyên bố là tiếp tục tuồn vũ khí và dung túng những kẻ khủng bố vượt qua biên giới Syria, tờForeign Policy dẫn lời các nhà ngoại giao hội đồng cho biết.
Những lời quở trách trên cho thấy căng thẳng giữa họ vẫn đang âm ỉ ngay cả trong giai đoạn này khi Nga và Thổ đang cố có những bước đi cụ thể để đưa quan hệ hai nước trở về con đường “đúng đắn” như xưa sau gần một năm tưởng chừng đã đi đến bờ vực chiến tranh.
Lời chỉ trích của Nga đối với Mỹ cũng phản ánh một thực tế là Moscow và Ankara vẫn còn chia cắt sâu sắc trong vấn đề tương lai của Tổng thống Syria Bashar al-Assad. Chính quyền ông Assad hiện là bên nhận trực tiếp những hỗ trợ quân sự từ Nga khi chính quyền ông chống lực lượng quân nổi dậy mà được Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn.
Một nhà ngoại giao tham dự phiên họp kín của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc hồi tuần trước nói rằng người Nga “rất cứng rắn” với Thổ Nhĩ Kỳ. Đại sứ Nga Churkin luôn nhấn mạnh “lập trường của Nga” rằng Thổ Nhĩ Kỳ vẫn là kẻ cho phép lực lượng cực đoan tìm đường tuồn vũ khí và những kẻ thánh chiến vào Syria.
Quan hệ Nga-Thổ vẫn còn phủ bóng. Trong ảnh: Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan (trái) và Tổng thống Nga Putin. Ảnh: FP
Ông Churkin cũng kêu gọi những người ủng hộ phe đối lập, trong đó có Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ, cắt đứt quan hệ với các phần tử chống Assad mà họ ủng hộ.
Sau phiên họp kín trên, đại sứ Nga Churkin cũng gây sức ép với Ankara xem xét lại quan điểm của Thổ Nhĩ Kỳ khi phủ nhận vai trò người Kurd ở Syria trong cuộc chiến chống những kẻ cực đoan tại quốc gia Trung Đông này. Ông Churkin cũng yêu cầu Thổ Nhĩ Kỳ cho phép nhóm người Kurd ở Syria tham gia các cuộc hòa đàm dưới sự hỗ trợ trung gian của Liên Hiệp Quốc.
Thực tế từ lâu Ankara coi đảng Liên minh Dân chủ người Kurd (PYD) vốn được Nga bảo vệ, là một tổ chức khủng bố, có liên hệ với đảng Công nhân người Kurd (PKK), lực lượng đang đòi thiết lập khu tự trị ở đông nam Thổ Nhĩ Kỳ. Nga cũng đã cho mở văn phòng người Kurd ở Syria tại Moscow hồi tháng 2.
Cả hai nước Nga và Mỹ đang tìm cách nuôi dưỡng mối quan hệ thân thiết với PYD và lực lượng vũ trang của người Kurd YPG.
Hôm 9-8, ông Churkin nói với báo giới rằng Thổ Nhĩ Kỳ “cần hiểu rằng việc bao hàm người Kurd trong cuộc thảo luận là một trong những điều quan trọng cho chủ quyền cũng như toàn vẹn lãnh thổ của Syria”.
Theo ông Churkin, có một số nhân tố phức tạp trong tư duy của người dân Thổ Nhĩ Kỳ nhưng đây là điều mà ông tin rằng phải được thực hiện càng nhanh càng tốt.
Trong khi đó, Ankara vẫn duy trì quan điểm người Kurd ở Syria không phải là một phe đối lập Syria hợp pháp và nếu họ góp mặt trong các cuộc hòa đàm, người Kurd sẽ trở thành một phần trong phái đoàn chính phủ Syria.
Mặc dù có những bất đồng sâu sắc với Moscow, Ankara vẫn quyết định “thỏa hiệp” với những bất đồng đó.
“Chúng tôi đã gặp trở ngại lớn ở giai đoạn cuối trong mối quan hệ chúng tôi” - Yasar Halit Cevik, đại sứ Thổ Nhĩ Kỳ tại Liên Hiệp Quốc, nói với FP. “Chúng tôi có truyền thống làm việc với nhau, thậm chí ngay cả khi chúng tôi không hoàn toàn thống nhất về mọi thứ”. Ông nói thêm, cả hai chính phủ đều có “mong muốn lẫn nhau” nhằm khôi phục quan hệ đó.
Andrew Tabler, chuyên gia tại chính sách Mỹ về Syria tại Viện Washington về Chính sách Cận Đông, cho biết những bình luận từ ông Churkin đã phản ánh những khác biệt lớn giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ về cách thức giải quyết cuộc nội chiến đẫm máu ở Syria. “Dường như vấn đề này khó có thể được giải quyết” - ông Tabler nói.
Thổ Nhĩ Kỳ có khả năng hạn chế các lực lượng chống chính phủ vận chuyển vũ khí và những kẻ thánh chiến qua biên giới. Trong khi đó, Moscow có thể giúp hạn chế năng lực các chiến binh người Kurd ở Syria để giành lại ảnh hưởng và quyền lực tại Damacus.
Điều này sẽ đòi hỏi Nga chấm dứt hợp tác với lực lượng người Kurd - vốn được xem là lực lượng chiến đấu chống IS hiệu quả nhất. Về phần mình, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ phải “khuất phục” trước áp lực của Nga mà chấp nhận người đứng đầu Syria hiện này là ông Bashar al Assad hoặc một ai đó mà Moscow “hài lòng”. Đây có thể khiến ông Erdogan khó “nuốt trôi” khi ông luôn yêu cầu ông Assad từ chức.
Richard Gowan, một chuyên gia Liên Hiệp Quốc tại Hội đồng châu Âu về Quan hệ quốc tế nói rằng một số lời chỉ trích Ankara từ Nga là có giá trị bởi vì nhìn chung nó cho thấy Thổ Nhĩ Kỳ đã không hoàn toàn sẵn lòng trong việc kiểm soát biên giới giáp ranh với Syria.
Có thông tin cho hay Mỹ và Nga đang hợp tác để thúc đẩy nỗ lực của họ trong cuộc chiến chống những nhóm khủng bố ở Syria, gồm Tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) và Mặt trận Nusra, chi nhánh Al-Qaeda. Song các nhà ngoại giao hội đồng nói rằng những cuộc đàm phán này dương như không gặt hái được kết quả.
Nhà ngoại giao Nga Vladimir Safronkov tại cuộc họp hội đồng hồi 8-8, nói người Mỹ đã không tuân thủ cam kết nhận diện các nhóm đối lập ôn hòa không phải hứng chịu những trận không khích từ liên quân.
Ngược lại Mỹ đang lo ngại người Nga sẽ sử dụng thông tin này để nhắm vào các nhóm đối lập hợp pháp đang cố tìm cách lật đổ chính quyền Assad. “Mọi thứ không hề dịch chuyển. Chúng tôi vẫn không biết chính xác phe đối lập ôn hòa đang ở đâu” - Safronkov nói.(PLO)
Bộ trưởng năng lượng Indonesia bị sa thải vì có quốc tịch Mỹ
Tổng thống Indonesia Joko Widodo vừa sa thải tân bộ trưởng năng lượng và khoáng sản Arcandra Tahar với lý do ông sở hữu trái phép 2 quốc tịch Mỹ và Indonesia.
Theo Bloomberg, ông Tahar là chuyên gia dầu khí đã sống ở Mỹ 20 năm. Thời gian qua, ông này cũng đã phải trải qua áp lực buộc phải từ chức sau khi thông tin ông có một tấm hộ chiếu của Mỹ được tiết lộ.
Ông Tahar được bổ nhiệm vào cương vị Bộ trưởng năng lượng và khoáng sản ngày 27-7 để thay cho ông Sudirman Said trong cuộc cải tổ nội các của tổng thống Widodo, hay còn gọi là Jokowi.
Trong thông báo phát trên truyền hình, ngoại trưởng Indonesia, Pratikno cho biết: "Sau khi cân nhắc thông tin từ nhiều nguồn, tổng thống quyết định sa thải ông Arcandra Tahar khỏi vị trí ông đã được bổ nhiệm".
Quyết định sa thải ông Arcandra Tahar có hiệu lực từ hôm nay, 16-8.
Ông Jokowi đã chỉ định ông Luhut Panjaitan, người đang nắm quyền bộ trưởng điều phối các vấn đề hàng hải tạm đảm nhiệm cương vị của ông Arcandra Tahar cho tới lúc có bổ nhiệm chính thức một bộ trưởng năng lượng mới của Indonesia.
Luật pháp Indonesia cho phép các công dân được giữ hai quốc tịch của họ cho tới khi lập gia đình hoặc 18 tuổi. Việc chấm dứt tình trạng hai quốc tịch được thực hiện tùy theo từng trường hợp khi việc nào tới trước.
Ông Tahar hiện chưa có phản hồi nào sau thông tin này. Tuy nhiên trong một thông báo đưa lên trang web của Bộ năng lượng ngày 14-8, ông Tahar cho biết ông và vợ ông đều sinh ra và lớn lên tại Padang, Indonesia.
Ông Tahar nói: "Tuy nhiên tôi đã học thạc sỹ và tiến sỹ tại Mỹ. Tôi tới Mỹ năm 1996 và cho tới nay tôi vẫn có một hộ chiếu của Indonesia và hộ chiếu của tôi vẫn còn giá trị".(TT)
Palestine cáo buộc Israel có kế hoạch chia đôi Bờ Tây
Theo phóng viên TTXVN tại Israel, ngày 15/8, Thủ tướng Palestine Rami Hamdallah đã ra tuyên bố lên án kế hoạch của Israel chiếm đoạt đất đai Palestine để thành lập một khu định cư mới ở Bờ Tây.
Israel đang tìm cách chiếm đất của Palestine cạnh khu định cư bất hợp pháp Efrat để xây dựng một con đường độc đạo nối Efrat với một khu định cư mới được lên kế hoạch có tên Givat Eitam.
Theo Bộ Xây dựng và Nhà ở của Israel, khu định cư mới này sẽ nằm ở phía Đông bức tường an ninh với 2.500 đơn vị nhà ở. Việc xây dựng khu định cư theo kế hoạch này sẽ bao vây hoàn toàn Bethlehem, cản trở mọi sự phát triển thành phố này.
Thủ tướng Hamdallah nói: "Động thái của Israel xây dựng một khu định cư bất hợp pháp và làm đường vòng cạnh Bethlehem là một bước đi nữa chia đôi Bờ Tây và thôn tính Khu C. Chính quyền Israel đang cố phá hủy tính chất lịch sử của Bethlehem.”
Trong khi đó, Vụ trưởng truyền thông và liên lạc chiến lược thuộc Văn phòng Thủ tướng Palestine Jamal Dajani cho biết: "Việc xây dựng khu định cư này và đường riêng cho người định cư sẽ cắt đứt Bethlehem khỏi phía Nam Bờ Tây. Cộng đồng quốc tế có nghĩa vụ ngăn việc chiếm đất bất hợp pháp hiện nay của Israel."
Các khu định cư Israel kiểm soát hơn 42% đất đai ở Bờ Tây thông qua các hội đồng khu vực.
Trước sức ép của cộng đồng quốc tế, năm 2009, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu cam kết không xây dựng thêm bất kỳ khu định cư mới nào.
Tuy nhiên, lời hứa này không ngăn chính phủ của ông tiếp tục thôn tính đất tư nhân của Palestine và thông qua các kế hoạch cho những khu định cư mới. (TTXVN)