Đức cho rằng Thổ Nhĩ Kỳ hỗ trợ khủng bố ở Trung Đông
HRW: Nga, Syria sử dụng vũ khí gây cháy nhằm vào dân thường
Sinh viên Trung Quốc âm mưu ám sát Nữ hoàng Anh
Cựu lãnh đạo tạp chí nổi tiếng Trung Quốc kiện bị 'cướp' báo
Tin thế giới đọc nhanh sáng 17-08-2016
- Cập nhật : 17/08/2016
Bà Aung San Suu Kyi kêu gọi đoàn kết vì hòa bình vĩnh viễn
Ngày 15/8, Cố vấn nhà nước Myanmar, bà Aung San Suu Kyi đã kêu gọi sự đồng thuận rộng rãi trong việc tìm kiếm nền hòa bình trường tồn ở nước này.
Phát biểu khai mạc cuộc họp Ủy ban Đối thoại chung về hòa bình liên bang (UPDJC) ở thủ đô Nay Pyi Taw, bà Suu Kyi - Chủ tịch UPDJC - tuyên bố việc Myanmar không có hòa bình kể từ khi giành độc lập là do không đáp ứng được nguyện vọng của người dân, đồng thời cảnh báo tình trạng này tiềm ẩn nguy cơ làm sụp đổ kinh tế.
Bà nêu bật sự cần thiết phải nỗ lực vì hòa bình của Myanmar mà không bỏ qua nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội.
Bà cũng kêu gọi sự tin cậy lẫn nhau cũng như đoàn kết để tổ chức thành công Hội nghị Sắc tộc Panglong Thế kỷ 21 sắp tới. Hội nghị này được cho là bước đầu tiên hướng tới một liên bang Myanmar hùng mạnh.
Chính phủ tiền nhiệm của Myanmar và 8/15 nhóm vũ trang thiểu số đã ký một Thỏa thuận Ngừng bắn toàn quốc (NCA) ngày 15/10/2015.
Cùng ngày, Văn phòng Tổng thống Myanmar ra thông cáo cho biết chính phủ nước này đã thành lập một ủy ban trung ương và ủy ban công tác trung ương hữu quan để quản lý và phát triển các đặc khu kinh tế (SEZ).
Theo đó, Ủy ban Trung ương có nhiệm vụ thực thi và tăng cường luật SEZ được ban hành năm 2014, thu thập ý kiến liên quan tới SEZ của các tổ chức chính phủ, báo cáo lên chính phủ và lập kế hoạch và các quy định liên quan tới SEZ.
Trong khi đó, Ủy ban công tác trung ương gồm 15 thành viên do Bộ trưởng thương mại đứng đầu.
Hiện nay tại Myanmmar có 3 đặc khu kinh tế gồm đặc khu Kyahu Phyu ở bang Rakhine, đặc khu Dawei ở vùng Thanintharyi và đặc khu Thilawa ở khu vực Yangon./.(TTXVN)
Indonesia tuyên bố tích cực giải quyết tranh chấp ở Biển Đông
Tổng thống Indonesia Joko Widodo tuyên bố tiếp tục tích cực tham gia giải quyết hòa bình các tranh chấp trên Biển Đông và sẽ bảo vệ từng tấc lãnh thổ của nước này.
"Indonesia tiếp tục tích cực tham gia giải quyết xung đột" ở Biển Đông thông qua đàm phán hòa bình, AFP dẫn lời Tổng thống Indonesia Joko Widodo hôm nay cho biết trong bài phát biểu nhân dịp chuẩn bị đón quốc khánh Indonesia 17/8. "Chúng tôi thúc đẩy giải quyết hòa bình xung đột quốc tế".
Ông Widodo khẳng định chủ quyền của Indonesia với quần đảo Natuna cùng vùng biển giàu tài nguyên xung quanh, sau khi xảy ra các cuộc chạm trán với tàu Trung Quốc quanh quần đảo ở Biển Đông này.
"Chúng tôi đang phát triển những khu vực như Entikong, Natuna và Atambua để thế giới có thể thấy Indonesia là một nước lớn, từng tấc đất và vùng biển đều được quan tâm thực sự", ông nói, không nhắc trực tiếp đến Trung Quốc. Entikong và Atambua là các vùng lãnh thổ của Indonesia, giáp với Malaysia và Đông Timor.
Indonesia chuẩn bị mừng quốc khánh bằng việc phá hủy hàng chục tàu nước ngoài bị bắt vì đánh cá phi pháp trong vùng biển Indonesia. Chính phủ Indonesia thông báo trong số các tàu có cả tàu cá Trung Quốc. Jakarta hồi tháng 5 đánh chìm một tàu Trung Quốc lớn vì đánh cá trái phép quanh Natuna khiến Bắc Kinh tức tối.
Indonesia từ lâu duy trì quan điểm không có tranh chấp trên biển với Trung Quốc ở Biển Đông. Tuy nhiên, "đường lưỡi bò" mà Trung Quốc tự vẽ ra để đòi chủ quyền với Biển Đông lại chồng lấn lên vùng đặc quyền kinh tế của Indonesia quanh Natuna. Nhiều cuộc chạm trán đã xảy ra giữa tàu hải quân, tuần duyên Indonesia với tàu cá Trung Quốc. Tòa Trọng tài ở The Hague, Hà Lan, ngày 12/7 bác bỏ "đường lưỡi bò" phi lý của Trung Quốc nhưng Bắc Kinh không công nhận phán quyết.
Sau một cuộc chạm trán hồi tháng 6, ông Widodo đã đi tàu chiến tới thăm Natuna. Bộ trưởng Quốc phòng Indonesia vạch ra kế hoạch cải thiện một đường băng và điều động tên lửa đất đối không, máy bay không người lái cùng các khí tài quân sự khác tới quần đảo này.(Vnexpress)
Tổng thống Putin 'gửi thông điệp' tới ông Kim Jong-un
Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên KCNA ngày 15-8 đưa tin ông Kim Jong-un đã thông báo với Tổng thống Nga Putin rằng ông đã “gửi lời chào hữu nghị tới đất nước và nhân dân của ngài nhân lễ kỷ niệm lần thứ 71 ngày giải phóng Triều Tiên”.
Ông Kim cũng nhấn mạnh rằng ông tin tưởng vào “sự phát triển mạnh mẽ” của quan hệ Triều Tiên - Nga, nhắc đến “cuộc đấu tranh gian khổ” chống lại một kẻ thù chung trong lịch sử.
Theo KCNA, Tổng thống Putin cũng đã “gửi một thông điệp” tới ông Kim nhân sự kiện này nhưng không nói rõ nội dung thông điệp đó là gì.
Ông chủ Điện Kremlin cũng đã chúc mừng ông Kim nhân “Ngày giải phóng”, trong đó nhấn mạnh các binh sĩ của Hồng quân và những người yêu nước Triều Tiên đã hy sinh mạng sống vì nền độc lập, theo tuyên bố của Triều Tiên.
“Truyền thống hữu nghị và hợp tác vinh quang đã tồn tại từ thời chiến tranh là nền tảng đáng tin cậy cho sự phát triển của mối quan hệ giữa Nga và Triều Tiên” - Triều Tiên dẫn nội dung từ “thông điệp” của ông Putin.
Ông Putin cũng bày tỏ hi vọng hai bên sẽ theo đuổi “sự hợp tác cùng có lợi” trong các lĩnh vực khoa học, công nghệ, nhân đạo, góp phần cho hòa bình và ổn định trên bán đảo Triều Tiên cũng như ở khu vực Đông Bắc Á.
Ngày 15-8, ngày phát xít Nhật đầu hàng và giải phóng Triều Tiên. Tuy nhiên, báo Rodong Sinmun – cơ quan ngôn luận của Đảng Lao động Triều Tiên- cho rằng đây không phải là dịp cho hội hè, lễ lạc.
“Thảm họa chia rẽ sắc tộc vẫn tiếp diễn cho đến tận ngày nay, hơn 70 năm sau ngày giải phóng đất nước” – trang nhất báo Rodong Sinmun viết.
Bài báo kêu gọi độc giả bảo vệ tới cùng Cung điện mặt trời Kumsusan, nơi đặt thi hài cha và ông nội của lãnh đạo Kim là ông Kim Il Sung và Kim Jong-il.
Iran bắt giữ người liên quan đến tình báo Anh
Ngày 16-8, Iran ngày cho biết nước này đã bắt giữ một người mang hai quốc tịch tại Tehran vì có liên quan đến cơ quan tình báo Anh.
Reuters cho biết đây là vụ mới nhất trong một loạt các vụ bắt giữ những công dân mang 2 quốc tịch của nước này từ năm ngoái.
"Kẻ bị buộc tội đã làm việc trong lĩnh vực kinh tế liên quan đến Iran" - tổng công tố Tehran Abbas Jafari Dolatabadi tuyên bố.
Hãng thông tấn nhà nước Iran IRNA đưa tin ông Dolatabadi đã không xác nhận danh tánh người bị bắt cũng như quốc tịch thứ hai của người này.
Công tố viên cho biết việc bắt giữ trên là một phần của một cuộc đàn áp mà các quan chức Iran mô tả là chống lại "sự xâm nhập của phương Tây".
Vệ binh Cách mạng Iran đã bắt giữ ít nhất 6 công dân 2 quốc tịch hay những người bị đày biệt xứ khi họ trở về thăm Iran trong năm vừa qua. Đây là số lượng người Iran có 2 quốc tịch bị bắt giữ cao nhất trong những năm gần đây ở nước này.
Chính phủ Tehran đã xác nhận hầu hết các trường hợp bắt giữ trên nhưng không công bố thông tin chi tiết về bất kỳ cáo buộc nào dành cho những người này.
Trong một cuộc điện đàm hồi tuần trước, Thủ tướng Anh Theresa May đã bày tỏ mối lo ngại với tổng thống Iran Hassan Rouhani vì vụ bắt giữ một số công dân quốc tịch Anh - Iran.(TT)