Các chuyến công du diễn ra như con thoi tại Đông Bắc Á sau thượng đỉnh liên Triều ngày 27-4. Gần như mọi nguồn lực ngoại giao của các nước đã đổ về hướng Triều Tiên.
Tin thế giới đọc nhanh tối 29-02-2016
- Cập nhật : 29/02/2016
Cựu thủ tướng Úc: Hành động của Trung Quốc đe dọa ổn định khu vực
Đường băng trên đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam đang bị Trung Quốc chiếm đóng - Ảnh: DigitalGlobe
Phát biểu tại thủ đô Tokyo của Nhật Bản tối 26.2 (giờ địa phương), cựu thủ tướng Úc Tony Abbott khẳng định những hành động vừa qua của Trung Quốc ở Biển Đông đang đe dọa sự ổn định và an ninh của khu vực.
“Những quốc gia nào biến các bãi đá thành đảo nhân tạo gây tổn thất môi trường lớn, củng cố lãnh thổ tranh chấp và cố sức hạn chế tự do hàng hải gây nguy cơ cho ổn định và an ninh. Trung Quốc nên sử dụng sức mạnh của mình để bảo đảm tự do hàng hải, chứ không phải để thách thức quyền này”, ông nhấn mạnh.
Đài ABC dẫn lời vị cựu thủ tướng tiết lộ thêm trong 18 tháng qua, Úc đã âm thầm gia tăng các cuộc tuần tra bằng tàu hải quân và máy bay ở Biển Đông. Theo ông, chính quyền Canberra cần sẵn sàng thực hiện quyền tự do hàng hải thay vì để Mỹ một mình triển khai.
Bên cạnh đó, theo AFP, Giám đốc về vấn đề châu Á thuộc Hội đồng an ninh quốc gia Mỹ Daniel Kritenbrink cho rằng Bắc Kinh đã có những bước đi đơn phương ở Biển Đông trong nhiều năm qua, làm leo thang căng thẳng và gây bất ổn ở khu vực.
Trước tình trạng Trung Quốc đã triển khai tên lửa đất đối không và chiến đấu cơ tới đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa cũng như xây đường băng và lắp radar quân sự ở một số đảo thuộc Trường Sa, ông Kritenbrink lặp lại lời kêu gọi Chủ tịch Tập Cận Bình mở rộng cam kết phi quân sự hóa ra khắp Biển Đông.
Ngoài ra, Washington tiếp tục kêu gọi Bắc Kinh tôn trọng phán quyết sắp tới của Tòa trọng tài thường trực (PCA) ở Hà Lan về vụ Philippines kiện Trung Quốc liên quan tới yêu sách chủ quyền phi lý ở Biển Đông. Bắc Kinh lâu nay không công nhận thẩm quyền xét xử của PCA dù vụ kiện được xét xử theo Công ước LHQ về luật Biển mà nước này đã ký tham gia.
Thủ tướng Ukraine lên báo công kích Tổng thống
Trong một cuộc phỏng vấn với báo Frankfurter Allgemeie Zeitung của Đức, Thủ tướng Ukraine Arseny Yatsenyuk đã lên tiếng chỉ trích mạnh mẽ Tổng thống Petro Poroshenko.
"Ngay cả những phe đối lập cũng không lên án chúng tôi như họ. Khối Poroshenko thực tế chưa bao giờ muốn hoạt động cải cách diễn ra. Họ luôn hành động dựa trên tỉ lệ tín nhiệm mà họ đang nắm giữ", ông Yatsenyuk cho biết.
Các chính trị gia ở Đức đều bày tỏ sự quan ngại sâu sắc đối với tình hình nội bộ lục đục trong chính phủ Ukraine. Mới đây, ngoại trưởng hai nước Đức và Pháp đã có bài phát biểu về vấn đề này trong chuyến công du tới thủ đô Kiev.
Ông Ralf Fuchs, giám đốc của Quỹ Heinrich Boll, một cơ quan nghiên cứu chính trị của Đức cho biết: "Tình hình ở Ukraine đang rất đáng báo động. Nhiều người cho rằng Ukraine gần như đã là một nhà nước thất bại. Họ đang cần được hỗ trợ về mặt tài chính cũng như chính trị, và họ phải hiểu rằng EU đang mong đợi kết quả khả quan trong quá trình đấu tranh chống tham nhũng, tư nhân hóa ngành kinh tế, cải tổ bộ máy nhà nước và trao quyền tự trị".
Trong khi đó, nghị sĩ Ukraine Serhiy Leshchenko tin rằng các nước phương Tây không nên "nói quá" khi nhận định về tình hình Ukraine. "Tôi nghĩ điều quan trọng trước tiên là các nước không nên nói quá về những vấn đề Ukraine mà nên cùng hợp tác với Ukraine để tìm những biện pháp cần thiết", ông cho biết.
"10 năm trước, phương Tây đã từng ủng hộ cựu Tổng thống Yushchenko song những chính sách của ông này đã thất bại. Tiếp đó, phương Tây chuyển sang ủng hộ bà Tymoshenko, song bà này cũng không làm được gì nhiều để rồi sau đó bị bắt vào tù. Sau khi được thả bà Tymoshenko bỏ qua những đề xuất của phương Tây. Tất cả những điều này cho thấy phương Tây cần phải có một bước đi rõ ràng", ông Leshchenko nói thêm.
Nội dung được thực hiện qua tham khảo nguồn tin từ UA Today.TV, kênh tin tức tiếng Anh ra đời hồi tháng 8/2014, chuyên đưa tin về Ukraine, khu vực Đông Âu và khối Liên Xô cũ.
Đức bị tố nghe lén điện thoại Ngoại trưởng Mỹ và quan chức EU
Cục Tình báo liên bang Đức (BND) từng nghe lén điện thoại của cựu Đại diện cấp cao EU và Ngoại trưởng Mỹ.
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và cựu Đại diện cấp cao EU về đối ngoại Catherine Ashton. (Nguồn: norway.usembassy.gov)
Theo phóng viên TTXVN tại Berlin, Cục Tình báo liên bang Đức (BND) từng nghe lén điện thoại của cựu Đại diện cấp cao Liên minh châu Âu (EU) phụ trách chính sách đối ngoại và an ninh Catherine Ashton, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry, cùng nhiều chính trị gia hàng đầu khác.
Báo Der Spiegel (Tấm gương) của Đức ngày 27/2 dẫn các nguồn thạo tin cho biết từ năm 2009, BND đã nhiều năm do thám chính trị gia người Anh, bà Ashton, kể cả giai đoạn bà làm Đại diện cấp cao EU phụ trách chính sách đối ngoại và an ninh cũng như khi làm Phó Chủ tịch Uỷ ban châu Âu.
Theo các nguồn tin từ Chính phủ Đức, BND cũng đã đưa số điện thoại di động của Ngoại trưởng Mỹ John Kerry vào danh sách theo dõi.
Tuy nhiên, việc nghe lén trực tiếp ông Kerry không thành công do một nhân viên BND đã vô tình cài nhầm vào hệ thống mã nước một quốc gia châu Phi thay vì mã của Mỹ. Tuy nhiên, ông Kerry vẫn bị nghe lén thông qua các đường kết nối khác tại Bộ Ngoại giao Mỹ.
Giữa tháng 10/2015 xuất hiện thông tin cho biết BND trong nhiều năm không chỉ cài vào hệ thống theo dõi các khái niệm tìm kiếm theo sự uỷ nhiệm của Cơ quan An ninh quốc gia Mỹ (NSA), mà tình báo Đức còn tự tiến hành do thám nhiều mục tiêu châu Âu và Mỹ.
Mùa Thu năm 2013, Chánh Văn phòng Phủ thủ tướng Đức lúc đó là ông Ronald Pofalla đã cho chấm dứt việc do thám này.
Tây Ban Nha phá đường dây đưa người Trung Quốc vào EU
Tây Ban Nha phá đường dây đưa người Trung Quốc vào EU
Theo phóng viên tại châu Âu, giới chức Tây Ban Nha vừa phối hợp với một số nước châu Âu triệt phá thành công một đường dây đưa người Trung Quốc trái phép vào châu lục này, bắt giữ hơn 100 đối tượng.
Báo chí Đức đưa tin sau 2 năm theo dõi và điều tra, cảnh sát Tây Ban Nha ngày 27/2 phối hợp với giới chức Pháp, Italy và Anh tiến hành một chiến dịch lớn nhằm triệt phá đường dây người Trung Quốc sử dụng hộ chiếu giả để đưa người nước này vào châu Âu bất hợp pháp.
Tại nhiều sân bay khác nhau ở Tây Ban Nha cũng như tại sân bay thành phố Milan (Italy), lực lượng chức năng đã bắt giữ hơn 100 người, thu giữ 150 hộ chiếu giả.
Các đối tượng đứng đầu đường dây đều là người Trung Quốc và ở Tây Ban Nha. Đường dây này được tổ chức rất chặt chẽ, thường đưa người bất hợp pháp tới châu Âu, trước tiên là Tây Ban Nha.
Sau đó, những người này lại tiếp tục được đưa tới các nước khác trong Liên minh châu Âu (EU) như Ireland, Italy, Pháp và Anh.
Cảnh sát châu Âu đã được thông báo về hoạt động của đường dây trên hồi năm 2013 sau khi số lượng người Trung Quốc bị chặn lại do sử dụng giấy tờ giả tại các sân bay ở Tây Ban Nha như Madrid, Barcelona, Malaga và Bilbao gia tăng.
Ngoại trưởng Balakrishnan: Singapore sẽ thúc đẩy xây dựng COC
Ngoại trưởng Singapore Vivian Balakrishnan ngày 27/2 khẳng định với tư cách là nước điều phối quan hệ ASEAN-Trung Quốc, Singapore sẽ nỗ lực thúc đẩy việc xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).
Trả lời phỏng vấn báo giới sau hội nghị hẹp Bộ trưởng ngoại giao các nước ASEAN tại Viêng Chăn, Lào, ông Balakrishnan cho biết Bộ trưởng ngoại giao các nước ASEAN đã chia sẻ quan ngại sâu sắc về những diễn biến phức tạp gần đây và đang diễn ra, làm xói mòn lòng tin, gia tăng căng thẳng, đe dọa hòa bình, an ninh và ổn định ở khu vực.
Các bộ trưởng đã tái khẳng định tầm quan trọng của duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông; không quân sự hóa, kiềm chế, giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982 và đạt tiến triển thực chất trong việc thực hiện Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và xây dựng COC.
Ông Balakrishnan cho biết sẽ đưa vấn đề thúc đẩy COC ra thảo luận trong chuyến thăm Trung Quốc của ông sắp tới, đồng thời nhấn mạnh Singapore sẽ tập trung nhiều vào việc này nhằm giảm căng thẳng và ngăn chặn bất kỳ tai nạn, sự cố trên biển có thể xảy ra.
Theo ông Balakrishnan, Singapore sẽ kiên quyết tuân thủ các quy định về một trật tự thế giới dựa trên luật pháp. Ông cho biết trên thực tế, Singapore và tất cả các nước ASEAN, đều được khuyến khích tuân thủ nghiêm ngặt luật pháp quốc tế, tìm kiếm một giải pháp hòa bình cho các xung đột hoặc những khác biệt trên cơ sở tôn trọng đầy đủ các quy trình pháp lý và ngoại giao.
Hội nghị Bộ trưởng ngoại giao các nước ASEAN là cuộc họp cấp bộ trưởng đầu tiên kể từ khi Cộng đồng ASEAN được thành lập ngày 31/12/2015. Những diễn biến ở khu vực Biển Đông là một trong những vấn đề được thảo luận tại hội nghị này./.