tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin thế giới đọc nhanh 01-03-2016

  • Cập nhật : 01/03/2016

Mỹ, Ấn Độ sắp đạt thỏa thuận chung về hậu cần quân sự

Ấn Độ và Mỹ đang tiến gần hơn đến một thỏa thuận chung về hậu cần quân sự sau 12 năm đàm phán, tăng cường quan hệ quốc phòng song phương trong bối cảnh Trung Quốc ngày càng quyết đoán hơn.
binh si an do dung gac gan can cu khong quan o thanh pho pathankot, bang punjab, thang 1/2016. anh: reuters.

Binh sĩ Ấn Độ đứng gác gần căn cứ không quân ở thành phố Pathankot, bang Punjab, tháng 1/2016. Ảnh: Reuters.

Sau nhiều năm lo ngại thỏa thuận hậu cần sẽ ràng buộc Ấn Độ phải hỗ trợ Mỹ trong chiến tranh, chính quyền Thủ tướng Narendra Modi đã bày tỏ mong muốn tiếp tục đàm phán về Thỏa thuận Hỗ trợ Hậu cần (LSA).

LSA cho phép quân đội Mỹ và Ấn Độ sử dụng đất liền, không phận và căn cứ hải quân của nhau để tiếp nhiên liệu, sửa chữa và nghỉ ngơi, Reutersdẫn lời các quan chức cho biết.

Đô đốc Harry Harris, tư lệnh Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương Mỹ, nói hai phía đang bàn về LSA, thỏa thuận tên CISMOA về đảm bảo thông tin liên lạc khi hai quân đội cùng hoạt động và thỏa thuận liên quan đến trao đổi dữ liệu về địa hình, hàng hải và hàng không.

"Chúng tôi chưa ký với Ấn Độ nhưng tôi nghĩ hai bên đã đến gần mốc này", Harris phát biểu trước Ủy ban Quân vụ Hạ viện Mỹ ngày 24/2.

Một quan chức chính phủ Ấn Độ nói trở ngại chính trong việc ký kết LSA đã được loại bỏ sau khi Washington đảm bảo New Delhi sẽ không bị ràng buộc phải hỗ trợ Mỹ khi xảy ra chiến tranh hoặc có hành động mà Ấn Độ không ủng hộ.

"Nó được giải thích rõ là sẽ tùy theo từng trường hợp, không phải hai bên có thể tự động tiếp cận cơ sở của nhau khi có chiến tranh", quan chức trên, hiểu quá trình đàm phán, cho biết. Quân đội Ấn Độ đang quan ngại về CISMOA do nó có thể cho phép Mỹ tiếp cận mạng lưới thông tin của họ.

Giới chức Mỹ hy vọng sau khi LSA được ký, các thỏa thuận tiếp theo cũng sớm hoàn thành. Nguồn tin từ ngành công nghiệp quốc phòng Mỹ cho biết có những đồn đoán LSA sẽ được ký khi Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter đến New Delhi vào tháng 4.

Mỹ và Ấn Độ trước đó tổ chức hội đàm về việc tuần tra hải quân chung, trong đó bao gồm cả khu vực Biển Đông, động thái khiến Trung Quốc tức giận.

Mỹ hiện trở thành nguồn cung vũ khí hàng đầu của Ấn Độ, sau nhiều năm bị Nga vượt qua, và là nước tổ chức tập trận chung với New Delhi nhiều nhất. Mỹ còn đàm phán với Ấn Độ để giúp nước này đóng tàu sân bay lớn nhất, giúp tăng cường sức mạnh hải quân Ấn Độ trong bối cảnh Trung Quốc đang mở rộng hoạt động ra Ấn Độ Dương.


Bầu cử Mỹ: Hillary trước cơ hội quyết đấu Trump

voi uu the ngay cang tang cua clinton truoc sanders, mot thuong nghi sy den tu bang vermont, cac nha tai tro cang rot nhieu ngan sach hon cho ba - anh: reuters.

Với ưu thế ngày càng tăng của Clinton trước Sanders, một thượng nghị sỹ đến từ bang Vermont, các nhà tài trợ càng rót nhiều ngân sách hơn cho bà - Ảnh: Reuters.

Sau khi giành chiến thắng áp đảo trong cuộc bầu cử sơ bộ diễn ra ở bang South Carolina vào thứ Bảy vừa rồi, ứng cử viên Hillary Clinton của Đảng Dân chủ đang tính đến khả năng đối đầu trực tiếp với đối thủ Donald Trump của Đảng Cộng hòa trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ diễn ra vào ngày 8/11.


“Cho dù các bạn có nghe thấy điều gì, thì chúng ta cũng không cần làm cho nước Mỹ trở nên tuyệt vời thêm một lần nữa. Nước Mỹ chưa bao giờ thôi tuyệt vời cả”, bà Hillary Clinton phát biểu trước đám đông những người ủng hộ ở South Carolina sau khi giành chiến thắng ở bang này. 

Cựu Ngoại trưởng Mỹ không đề cập trực tiếp đến cái tên Trump, nhưng với phát biểu trên, bà đã giáng một đòn vào khẩu hiệu vận động tranh cử của vị tỷ phú bất động sản là “Make America Great Again” (tạm dịch: “Hãy làm cho nước Mỹ trở nên tuyệt vời thêm một lần nữa”.

Trong cuộc bầu cử sơ bộ ở South Carolina, bà Hillary Clinton dẫn trước đối thủ cùng đảng Bernie Sanders tới 48 điểm phần trăm. Cơ hội đang nghiêng về cựu đệ nhất phu nhân Mỹ trước ngày “siêu thứ Ba” 1/3, khi bầu cử sơ bộ diễn ra ở một loạt tiểu bang.

Nếu Hillary Clinton và Trump cùng thắng lớn trong ngày 1/3 theo như các cuộc thăm dò dư luận dự báo, thì cơ hội đối đầu trực tiếp giữa hai người trong cuộc đua vào Nhà Trắng sẽ tăng lên, khiến cuộc chạy đua càng thêm phần “gay cấn” khi mà cử tri Mỹ đang bất bình với nhiều vấn đề từ bất ổn kinh tế, người nhập cư bất hợp pháp, cho tới những mối nguy về an ninh quốc gia.

Lo ngại trước khả năng Trump trở thành ứng cử viên đại diện cho Đảng Cộng hòa, nhiều người ủng hộ bà Hillary Clinton cho rằng chính bà, chứ không phải là Sanders, mới là người đủ khả năng “hạ gục” Trump trong một trận “thư hùng” diễn ra vào tháng 11 tới.

Với ưu thế ngày càng tăng của Hillary Clinton trước Sanders, một thượng nghị sỹ đến từ bang Vermont, các nhà tài trợ càng rót nhiều ngân sách hơn cho bà.

Một nhà huy động tài chính tranh cử cho bà Hillary Clinton ở California nói chiến thắng gần đây của bà ở Nevad và South Carolina đã khiến ngày càng có nhiều người tài trợ cho chiến dịch tranh cử và tham dự các sự kiện tranh cử của ứng cử viên này. Trong tuần qua, chỉ riêng nhà huy động này đã vận động được 10.000 USD tiền tài trợ cho bà Clinton.

South Carolina là bang thứ ba mà bà Hillary Clinton giành chiến thắng trong số 4 bang mà Đảng Dân chủ đã tiến hành bầu cử sơ bộ. Sự áp đảo này đang đặt ra những câu hỏi về triển vọng của Sanders, một người theo trường phái chủ nghĩa xã hội dân chủ, trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ.

Theo một cuộc thăm dò dư luận các cử tri Dân chủ, khi được hỏi ai là người “có thể thắng trong cuộc bầu cử tháng 11”, có tới 79% người trả lời nói bà Hillary Clinton sẽ thắng, và chỉ 21% tin Sanders sẽ thắng.

Trung Quốc ủng hộ LHQ trừng phạt Triều Tiên

Trưởng phái viên hạt nhân của Trung Quốc hôm qua cam kết sẽ thực hiện nghị quyết của Liên Hợp Quốc, áp đặt lệnh trừng phạt mạnh hơn với Triều Tiên.
ong wu dawei, trai, cung nguoi dong cap han quoc hwang trong cuoc gap hom qua tai seoul. anh: epa

Ông Wu Dawei, trái, cùng người đồng cấp Hàn Quốc Hwang trong cuộc gặp hôm qua tại Seoul. Ảnh: EPA

"Trung Quốc và Hàn Quốc nhất trí ủng hộ Hội đồng Bảo an thông qua nghị quyết đáp trả vụ thử hạt nhân và phóng tên lửa của Triều Tiên",Yonhap dẫn lời ông Wu Dawei nói sau cuộc gặp với người đồng cấp Hàn là ông Hwang Joon-kook.

Theo ông Wu, Bắc Kinh và Seoul cũng sẽ hợp tác vì nỗ lực đem lại hòa bình cho bán đảo. Đây là cuộc gặp đầu tiên giữa trưởng phái viên hạt nhân của hai nước.

Ông Hwang cho hay Hàn Quốc và Trung Quốc đã đạt được đồng thuận rằng Triều Tiên cần phải có cải thiện thực sự "trong cả suy nghĩ và hành động". 

Các phiên thảo luận trên diễn ra trong bối cảnh Mỹ cùng Trung Quốc đã nhất trí một bản dự thảo trừng phạt Triều Tiên vì những vụ thử nghiệm hạt nhân và tên lửa gần đây của nước này. 

Bình Nhưỡng hôm 6/1 thực hiện vụ thử hạt nhân lần thứ 4 và một tháng sau phóng vệ tinh lên quỹ đạo bằng tên lửa tầm xa, bất chấp nghị quyết của LHQ. Dù Triều Tiên cho biết đây là đợt phóng vệ tinh lên quỹ đạo, các nước coi đó là vụ thử công nghệ tên lửa tầm xa.

Ông Wu hôm nay sẽ thảo luận với Bộ trưởng Ngoại giao Hàn Quốc Yun Byung-seo cùng các quan chức an ninh chủ chốt khác, trước khi quay về Trung Quốc vào ngày 3/3.


ASEAN phản đối Trung Quốc xây đảo nhân tạo

Hãng tin Kyodo News (Nhật) ngày 28-2 đăng bài viết với tựa đề“Hội nghị hẹp bộ trưởng Ngoại giao ASEAN không bằng lòng với hoạt động quân sự ở biển Đông của Trung Quốc”.

Hội nghị diễn ra ngày 27-2 tại thủ đô Vientiane (Lào). Về vấn đề biển Đông, tuyên bố chung được hội nghị ASEAN thông qua đã phản đối hoạt động xây đảo nhân tạo và củng cố cơ sở quân sự ở biển Đông.

Kyodo News ghi nhận tuyên bố chung không nêu đích danh Trung Quốc nhưng các hoạt động bị ASEAN phản đối nêu trên đều do Trung Quốc thực hiện.

Tuyên bố chung ghi nhận:

• Các bộ trưởng ASEAN rất quan tâm đến diễn biến gần đây đang diễn ra ở biển Đông (ám chỉ hoạt động của Trung Quốc). Các bộ trưởng khẳng định các hoạt động này làm xói mòn lòng tin, gia tăng căng thẳng, có thể làm phương hại hòa bình, an ninh và ổn định trong khu vực.

• Các bộ trưởng ASEAN tiếp tục khẳng định tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình, an ninh, ổn định, tự do hàng hải và tự do bay qua ở biển Đông.

• Các bộ trưởng ASEAN kêu gọi các nước tranh chấp tránh các hoạt động có thể gây phức tạp tình hình thêm nữa và tiếp tục giải quyết hòa bình các tranh chấp phù hợp với luật pháp quốc tế, tôn trọng đầy đủ tiến trình pháp lý và ngoại giao, không đe dọa hay sử dụng vũ lực.

tau do bo uss ashland tren bien dong ngay 26-2. anh: ham doi thai binh duong

Tàu đổ bộ USS Ashland trên biển Đông ngày 26-2. Ảnh: HẠM ĐỘI THÁI BÌNH DƯƠNG

Kyodo News nhận định như các hội nghị ASEAN trước, hội nghị ASEAN lần này tiếp tục nhấn mạnh cần thiết lập một bộ quy tắc ứng xử nhằm giảm nguy cơ dẫn đến xung đột ở biển Đông.

Báo Ashahi Shimbun (Nhật) dẫn lời Bộ trưởng Ngoại giao Campuchia Hor Namhong cho biết ASEAN sẽ tổ chức một hội nghị trao đổi về vấn đề biển Đông với Trung Quốc. Tuy nhiên, thời gian và địa điểm chưa được quyết định.

Ngoài vấn đề an ninh hàng hải, hội nghị hẹp bộ trưởng Ngoại giao ASEAN cũng bàn đến nhiều vấn đề khác, trong đó có các vấn đề an ninh phi truyền thống tiềm tàng như khủng bố, an ninh mạng, thảm họa thiên nhiên, biến đổi khí hậu, di cư bất thường và buôn người.

Hội nghị hoàn toàn ủng hộ phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên, đồng thời kêu gọi các bên liên quan nỗ lực duy trì hòa bình, an ninh và nhanh chóng nối lại đàm phán sáu bên.

Liên quan đến vụ khủng bố ở Jakarta (Indonesia) hồi tháng 1, các bộ trưởng ASEAN tiếp tục khẳng định cam kết của ASEAN cùng cộng đồng quốc tế tăng cường hợp tác chống khủng bố.

Báo The Straits Times (Singapore) đưa tin sau hội nghị ASEAN tại Lào, Bộ trưởng Ngoại giao Singapore Vivian Balakrishnan nói với báo chí Singapore: Singapore là nước điều phối quan hệ ASEAN-Trung Quốc, do đó ông sẽ tập trung bàn đến vấn đề thiết lập bộ quy tắc ứng xử trên biển Đông trong chuyến thăm Trung Quốc sắp tới.

Báo The Straits Times nhận định phát biểu trên được đưa ra chỉ vài ngày sau khi Trung Quốc triển khai tên lửa và máy bay chiến đấu đến đảo Phú Lâm (quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam).

Ngày 28-2, Bộ Ngoại giao Singapore cho biết ông Vivian Balakrishnan sẽ đến thăm Trung Quốc trong hai ngày từ 29-2.


IS đánh bom ở Baghdad, 70 người chết

Những kẻ đi môtô đánh bom tự sát ở khu chợ tại thủ đô Iraq khiến 70 người thiệt mạng và hơn 100 người bị thương, Nhà nước Hồi giáo tự xưng lên tiếng nhận trách nhiệm. 
cac phien quan is danh bom khi dang co dong nguoi tu tap. anh: reuters

Các phiến quân IS đánh bom khi đang có đông người tụ tập. Ảnh: Reuters

Vụ đánh bom xảy ra hôm qua khi đang có đông người mua sắm tại khu bán điện thoại di động tại thành phố Sadr, Reuters dẫn nguồn tin từ cảnh sát cho biết.

Các nhân chứng mô tả cảnh giày dép, điện thoại vung vãi bên cạnh những vũng máu, hiện trường đã bị phong tỏa nhằm tránh có thêm các vụ tấn công.

"Gươm đao của bọn ta sẽ không ngừng lấy đầu của những kẻ đa thần không được chấp nhận, bất kể chúng ở đâu", IS thông báo trên mạng sau khi xảy ra vụ đánh bom, ám chỉ tới những người theo dòng Shi'ite.

Thủ tướng Iraq Haider al-Abadi cho biết nhóm khủng bố thực hiện các vụ tấn công nhằm vào dân thường này do bị thất bại trước lực lượng chính phủ. Lực lượng này gần đây đã đẩy lui các phiến quân ra khỏi tỉnh phía tây Anbar và chuẩn bị giành lại thành phố phía bắc Mosul.

Vào rạng sáng hôm qua, những kẻ đánh bom tự sát và các tay súng của IS còn tấn công lực lượng an ninh Iraq tại Abu Ghraib, chiếm giữ các vị trí ở kho chứa lương thực và một nghĩa trang, giết hại ít nhất 17 người. 

Hãng tin ủng hộ IS là Amaq cho biết các phiến quân đã "tấn công trên diện rộng" ở Abu Ghraib, cách Baghdad khoảng 25 km và gần sân bay quốc tế. Một đoạn video cho thấy các tay súng mang theo tiểu liên, súng máy và lựu đạn. Reuters chưa thể xác minh tính xác thực của video này.

Lực lượng chính phủ đã giành lại hầu hết các vị trí vào tối qua nhưng các quan chức cho hay vẫn còn giao tranh.


(

Tinkinhte

tổng hợp)
Trở về

Bài cùng chuyên mục