Chính phủ Myanmar công bố 12 chính sách kinh tế mới
Nga -Thổ chính thức nối lại hợp tác năng lượng
Tổng thống Ai Cập muốn người dân chấp nhận "thắt lưng buộc bụng"
Hàn Quốc phản đối Sách trắng của Nhật Bản về quần đảo tranh chấp
Tin thế giới đọc nhanh chiều 19-06-2016
- Cập nhật : 19/06/2016
Nga cáo buộc Thủ tướng Anh dùng "Brexit" để "hăm dọa" châu Âu
Tổng thống Nga Putin cho rằng quyết định của Thủ tướng Anh David Cameron tổ chức trưng cầu dân ý về vấn đề "Brexit" là một biện pháp "hăm dọa" châu Âu.
Phát biểu trong cuộc gặp đại diện các hãng thông tấn Trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế Quốc tế St. Petersburg lần thứ 20 (SPIEF 2016) tại thủ đô phương Bắc của nước Nga, Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 17/6 cho rằng quyết định của Thủ tướng Anh David Cameron tổ chức trưng cầu dân ý về vấn đề "Brexit" là một biện pháp "hăm dọa" và khiến châu Âu "hoang mang".
Tổng thống Putin nói: "Tại sao ông ấy phải tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý? Để hăm dọa châu Âu hay làm họ hoang mang? Mục đích của ông ấy là gì khi chính bản thân ông ấy cũng phản đối việc Anh rời Liên minh châu Âu (EU)".
Bên cạnh đó, Tổng thống Putin cũng nêu quan điểm của Nga về cuộc trưng cầu dân ý sắp tới tại Anh. Ông nói: "Đấy không phải là vấn đề của chúng tôi, mà là của người dân Anh. Tôi có quan điểm riêng về vấn đề này, song tôi không thể nói ra vào lúc này".
Ngoài ra, Tổng thống Nga cũng cho biết, hiện chưa thể đưa ra bất cứ bình luận nào về kết quả cuộc trưng cầu dân ý tại Anh sắp tới. Ông nói: "Ai có thể dự đoán kết quả? Không ai cả. Tôi nghĩ sẽ là không hợp lý cho bản thân khi đưa ra những nhận định về sự kiện đó".(Tin Tức)
Indonesia bắt giữ tàu cá và 7 thuyền viên Trung Quốc
Một tàu Hải quân Indonesia ngày 18/6 đã bắt giữ một tàu Trung Quốc cùng 7 thuyền viên vì đánh bắt cá bất hợp pháp trong vùng biển thuộc chủ quyền của quốc gia Đông Nam Á này, giáp với Biển Đông.
Theo người phát ngôn Hải quân Indonesia Edi Sucipto, tàu chiến KRI Imam Bonjol-383 của Hải quân Indonesia đã nhận được thông báo từ giới chức giám sát hàng hải từ trên không về việc 12 tàu cá nước ngoài đánh bắt bất hợp pháp trong vùng Biển Natuna. Ông Sucipto cho biết khi tàu của Hải quân Indonesia tiếp cận, những tàu cá nước ngoài đã di chuyển tìm cách trốn thoát. Tàu chiến của Indonesia đã truy đuổi và bắn cảnh cáo, nhưng những tàu cá này đã lờ đi. Cuối cùng, sau nhiều lần nổ súng cảnh cáo, một trong số 12 tàu cá nước ngoài trên đã bị chặn lại. Sau khi kiểm tra, Hải quân Indonesia phát hiện đó là một tàu cá Trung Quốc với 1 phụ nữ và 6 thuyền viên nam khác, tất cả đều là người Trung Quốc.
Indonesia gần đây đã tăng cường năng lực của mình nhằm bảo vệ các đảo và vùng biển của nước này, cụ thể là xung quanh quần đảo Nutana, quanh khu vực mà nước này tuyên bố là vùng đặc quyền kinh tế vốn chồng lấn với tuyên bố chủ quyền phi lý mà Trung Quốc gọi là "đường 9 đoạn". Hiện Indonesia có khoảng 800 binh lính ở khu vực Natuna. Năm nay, con số này sẽ tăng lên tới khoảng 2.000 binh lính.
Putin: Nga sẵn sàng hợp tác với bất kỳ ai làm Tổng thống Mỹ
Ông Putin khẳng định, thế giới đang phải trải qua một quá trình chuyển giao lớn, ảnh hưởng tới mọi lĩnh vực của cuộc sống. “Diễn đàn St. Petersburg thường là nơi để thảo luận các thách thức và những vấn đề chiến lược. Cuộc đối thoại như vậy trong thời điểm này càng có ý nghĩa quan trọng hơn, khi thế giới đang phải trải qua một sự chuyển đổi lớn và ảnh hưởng tới hầu hết tất cả các lĩnh vực của đời sống”, ông Putin nói.
Người đứng đầu nước Nga cũng nhấn mạnh rằng việc thiếu đi sự tăng trưởng kinh tế kể từ sau cuộc khủng hoảng 2009 là cốt lõi của các cuộc khủng hoảng địa chính trị hiện nay. Vấn đề cấu trúc trong nền kinh tế toàn cầu gây cản trở cho việc lấy lại đà tăng trưởng như trước đây.
Ông thừa nhận: “Sau cuộc khủng hoảng 2008-2009, không thể lấy lại được sự cân bằng tài chính, chúng ta đã hạn chế nhưng vẫn chưa thể vượt qua được vấn đề tăng dư nợ, chưa thể khiến các dòng chảy vốn minh bạch hơn và dễ quản lý hơn. Vẫn rất khó để chúng ta thành công trong việc duy trì tăng trưởng toàn cầu”.
Tổng thống Putin phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới St. Petersburg
Tổng thống Nga cũng cho biết thêm: “Những căng thẳng địa chính trị hiện tại dẫn đến việc gia tăng sự bất ổn về kinh tế, làm cạn kiệt các nguồn tài nguyên truyền thống. Có nguy cơ rất lớn là vấn đề này sẽ tiếp tục trầm trọng thêm”.
Ngoài ra, ông Putin cũng khẳng định, đến năm 2025, thế giới sẽ chỉ còn một thị trường năng lượng duy nhất và Nga sẽ đóng một vai trò to lớn trong thị trường này.
Đề cập đến cuộc bầu cử Tổng thống đang diễn ra tại Mỹ, Tổng thống Putin cho biết Nga sẵn sàng hợp tác với bất kỳ ứng viên nào sẽ trở thành Tổng thống Mỹ tiếp theo, tuy nhiên ông cũng hy vọng người đó sẽ có trách nhiệm thúc đẩy việc hợp tác với Moscow.
“Thế giới cần một cường quốc như Hoa kỳ nhưng Nga không hứng thú với việc bất kỳ ai bắt mình phải làm gì”, ông Putin khẳng định chắc chắn.
Ngoài ra, Moscow cũng không muốn Mỹ gây áp lực lên mối quan hệ hợp tác giữa Nga và Liên minh châu Âu.
Về các lệnh trừng phạt của phương Tây đối với Nga, ông Putin cho biết: “Tất cả những hành động của Moscow chỉ là “có đi có lại”, chúng tôi không có ác cảm gì nhưng như mọi người cũng biết, đây không phải là đường một chiều”.
Tuy nhiên, Tổng thống Nga cũng khẳng định việc thay thế nhập khẩu là một giai đoạn quan trọng trong sự phát triển của kinh tế Nga cũng như giúp Moscow trở thành một đối tác ngang bằng so với các nền kinh tế thế giới khác. Ông chủ Điện Kremlin cũng tự tin cho rằng Nga đã giải quyết được những vấn đề kinh tế tồi tệ nhất và sẽ tăng trưởng trong tương lai.
Chín nước châu Âu tuyên bố trừng phạt Triều Tiên
Ngày 18/6, Liên minh châu Âu (EU) bày tỏ hoan nghênh quyết định tham gia trừng phạt Triều Tiên của 9 nước không thuộc EU.
Danh sách các nước Châu Âu tham gia trừng phạt Triều Tiên gồm: Macedonia và Serbia, hai nước đã nộp đơn xin gia nhập EU, Bosnia Herzegovina, nước được cho là có khả năng sẽ nộp đơn xin gia nhập EU và các nước thuộc Hiệp hội thương mại tự do châu Âu (EFTA) như Na Uy, Iceland và Liechtenstein.Trước đó, hồi tháng 5, một trong bốn nước thuộc khối EFTA là Thụy Sĩ đã công bố lệnh cấm vận riêng của mình đối với Triều Tiên. Điều này đã đưa đến hệ quả là cả bốn nước Tây Âu không thuộc EU đều quyết định tham gia các chế tài trừng phạt Bình Nhưỡng.
Hôm 27/5, EU đã mở rộng thêm phạm vi trừng phạt để đáp trả lại việc Triều Tiên tiến hành vụ thử hạt nhân lần thứ tư và phóng tên lửa tầm xa. Ngoài việc thực thi nghị quyết trừng phạt Bình Nhưỡng của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, EU đã bổ sung các sản phẩm cấm xuất nhập khẩu tới Triều Tiên, hạn chế dịch vụ chuyển tiền và các giao dịch tài chính với Bình Nhưỡng, cấm đầu tư vào nước này và cấm máy bay, tàu thuyền của Triều Tiên được đi qua lãnh hải, không phận hoặc cập cảng vào các nước châu Âu.
Tổng thống Putin ký sắc lệnh tổ chức bầu cử Duma Quốc gia Nga 2016
Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký sắc lệnh ấn định thời điểm diễn ra cuộc bầu cử Duma Quốc gia (tức Hạ viện Nga) khóa VII vào ngày 18/9 tới, sớm hơn dự kiến khoảng 3 tháng.
Cơ quan báo chí thuộc Điện Kremlin ngày 17/6 thông báo sắc lệnh được công bố và có hiệu lực sau khi được Tổng thống Putin ký 5 ngày. Đây cũng là thời điểm các chiến dịch vận động tranh cử chính thức được bắt đầu. Việc bỏ phiếu bầu vào Duma Quốc gia khóa VII sẽ diễn ra trong đúng một ngày. Lần đầu tiên, cuộc bầu cử sẽ diễn ra theo hệ thống hỗn hợp: 225 đại biểu sẽ được bầu theo danh sách các đảng, 225 đại biểu được bầu theo khu vực bầu cử.
Hồi tháng 3/2016, Tổng thống Putin đã giao nhiệm vụ cho Cơ quan an ninh liên bang (FSB) bảo vệ cuộc bầu cử. Theo đó, FSB có nhiệm vụ quan trọng là bảo vệ cuộc bầu cử Duma Quốc gia khỏi sự can thiệp của nước ngoài, mặt khác phải đánh ngăn chặn và bắt giữ những kẻ thù bên trong đang tìm cách kích động chủ nghĩa dân tộc, bài ngoại, cực đoan, chia rẽ xã hội Nga.
Hiện Duma Quốc gia đã thông qua một loạt quy định mới mang tính kỹ thuật về trình tự bỏ phiếu, cũng như công bố kết quả bỏ phiếu. Theo quy định mới, các phóng viên của các cơ quan truyền thông báo chí tham gia đưa tin về cuộc bầu cử này phải được một ủy ban xem xét và chấp thuận ba ngày trước thời điểm bỏ phiếu.