Nhà Trắng rơi vào thế khó khi Trung Quốc dường như đang hoàn thiện hai đường băng trên Biển Đông ngay trước thềm chuyến thăm Mỹ của ông Tập.
Nhật muốn chi thêm tiền củng cố đảo tiền tiêu đối diện Trung Quốc
- Cập nhật : 03/09/2015
(The gioi)
Bộ Quốc phòng Nhật dự kiến đề xuất tăng ngân sách để mua sắm các vũ khí bảo vệ đảo và xây dựng, mở rộng căn cứ quân sự trên biển.
Trong một tài liệu được đệ trình lên chính phủ hôm nay, Bộ Quốc phòng Nhật yêu cầu tăng ngân sách quốc phòng thêm 2,2%, lên mức 5,09 ngàn tỷ yên (42,38 tỷ USD) trong năm tài khóa bắt đầu từ tháng tư. Nếu đề xuất này được thông qua, Nhật Bản sẽ có nguồn ngân sách quốc phòng lớn nhất trong vòng 14 năm qua và năm tăng thứ 4 liên tiếp. Việc tăng nhằm củng cố thế phòng thủ của chuỗi đảo xa nằm trên biển Hoa Đông, gần khu vực Trung Quốc đòi tuyên bố chủ quyền, Reuters hôm đưa tin.
Theo đề xuất tăng ngân sách quốc phòng được thể hiện trong tài liệu trên, Bộ Quốc phòng Nhật Bản sẽ mua các xe tấn công đổ bộ AAV7 do hãng BAE Systems chế tạo, chiến đấu cơ tàng hình F-35 của Lockheed Martin và máy bay vận tải V-22 Osprey của Boeing.
Ngoài ra, Nhật Bản sẽ sắm thêm máy bay do thám không người lái tầm xa Global Hawk, các khẩu đội tên lửa di động, trực thăng quân sự và các trang bị, khí tài cần thiết khác để có thể bảo vệ vùng biển đảo kéo dài 1.400 km của mình.
Máy bay chở quân Osprey, tàu tấn công đổ bộ và các xe thiết giáp mới sẽ giúp Nhật Bản củng cố được lực lượng phòng thủ của mình, trong đó có đơn vị thủy quân lục chiến đầu tiên được thành lập sau Thế Chiến II để phòng thủ và bảo vệ đảo xa.
Khoản ngân sách bổ sung cũng sẽ được phân bổ để xây dựng và mở rộng các căn cứ quân sự trên chuỗi đảo trên, tài liệu cho hay.
Trong bối cảnh Trung Quốc mạnh tay đầu tư cho quân đội, với ngân sách gần 140 tỷ USD, đứng thứ hai thế giới sau Mỹ, Nhật Bản cũng chuyển dần thế phòng thủ chiến lược của mình xuống phía nam nhằm triển khai lực lượng trang bị nhẹ hơn, cơ động hơn trên biển Hoa Đông và Tây Thái Bình Dương.
Bằng cách tăng cường sự hiện diện trên các đảo xa với những trạm radar, căn cứ quân sự hay khẩu đội tên lửa, Nhật Bản có thể giành được lợi thế chiến thuật trước Trung Quốc, nước kiểm soát ít đảo hơn rất nhiều so với Nhật Bản trong khu vực và sẽ phải dựa nhiều vào các tàu chiến hoặc các trạm nổi trên biển.
Nhật và Trung Quốc hiện tranh chấp chủ quyền trên nhóm đảo Senkaku/Điếu Ngư ở biển Hoa Đông. Cách nhóm đảo này 150 km về phía nam, Nhật đang cho xây dựng một trạm radar trên đảo Yonaguni, nơi có 1.500 người định cư.
Trong đề xuất tăng ngân sách quốc phòng trên, các quan chức quân sự Nhật đã phân bổ 90 triệu USD để mở rộng một căn cứ quân sự trên đảo Miyako nằm cách đảo Yonaguni 300 km về phía đông, và 72 triệu USD để xây dựng căn cứ quân sự trên đảo Amami nằm giữa Okinawa và đất liền Nhật Bản.