Nhà chế tạo xe bọc thép bánh xích UralVagonzavod của Nga đang chuẩn bị công bố một dòng xe bọc thép bánh hơi hạng nặng vốn được trông đợi như dòng xe tăng Armata hoàn toàn mới của nước này.
Tin thế giới đọc nhanh chiều 03-09-2015
- Cập nhật : 03/09/2015
5 tàu Trung Quốc xuất hiện ngoài khơi Mỹ
Phát ngôn viên Lầu Năm Góc Jeff Davis cho biết đây là lần đầu tiên Mỹ thấy các tàu của hải quân Trung Quốc ở biển Bering, theo Reuters.
"Chúng tôi tôn trọng quyền tự do của tất cả tàu quân sự các nước hoạt động trong vùng biển quốc tế tuân theo luật pháp quốc tế", ông Davis nói.
Các tàu này được nhận dạng là một tàu đổ bộ, một tàu cung ứng và ba tàu chiến trên mặt nước, theo hai quan chức quốc phòng Mỹ giấu tên. Không tàu nào hoạt động thiếu chuyên nghiệp và trái pháp luật, và Mỹ cũng chỉ mới phát hiện sự hiện diện của chúng trong vài ngày gần đây.
Giới quan sát đánh giá sự hiện diện của các tàu này ngoài khơi Alaska làmột minh chứng cho thấy sự mở rộng tầm hoạt động của hải quân Trung Quốc. Hiện chưa rõ sự kiện này diễn ra trùng với thời điểm Tổng thống Mỹ Barack Obama đến thăm Alaska trong nỗ lực nâng cao nhận thức về biến đổi khí hậu hay diễn ra sau cuộc tập trận hải quân chung giữa Trung Quốc và Nga.
Ông Josh Earnest, người phát ngôn Nhà Trắng khẳng định Washington không phát hiện hoạt động nào đe dọa và Lầu Năm Góc vẫn theo dõi hoạt động của các tàu nói trên dù "mục đích của hoạt động vẫn chưa rõ".
Dean Cheng, một chuyên gia về Trung Quốc tại Quỹ Di sản (Heritage Foundation), Mỹ, nhận định sự xuất hiện của tàu hải quân Trung Quốc nhằm gửi tới Washington thông điệp về sức mạnh quân sự đang gia tăng của Bắc Kinh.
"Nó phù hợp với điều Trung Quốc đang nói: Chúng tôi đang là lực lượng hải quân hoạt động ngoài khơi, chúng tôi sẽ hoạt động ở những vùng biển xa và chúng tôi có sự hiện diện trên khắp toàn cầu", ông Cheng nói.
Thông điệp này được cho là gửi đi trước chuyến thăm Mỹ của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào nửa cuối tháng 9, sau khi Mỹ cảnh báo mạnh tay với các cuộc tấn công mạng.
"Tóm lại, thông điệp là đừng thúc ép chúng tôi. Chúng tôi sẽ không để bị lên lớp", Cheng nói.
Trung Quốc đã tăng cường chi tiêu quốc phòng để hiện đại hóa các lực lượng của mình và muốn phát triển một lực lượng hải quân tuần dương ngoài khơi có năng lực bảo vệ lợi ích đang gia tăng của Bắc Kinh với tư cách nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Hôm nay Trung Quốc tổ chức cuộc duyệt binh quy mô lớn kỷ niệm 70 năm ngày kết thúc Thế chiến II với khoảng 12.000 lính tham dự.
"Mỹ vẫn là kẻ thù số 1 của Iran"
Thỏa thuận hạt nhân gần đây của Iran với 6 cường quốc sẽ không thay đổi chính sách mặt đối mặt của Iran với Mỹ - giáo sĩ cấp cao Iran Ayatollah Mohammad Yazdi, chủ tịch Hội đồng giáo sĩ, cơ quan giáo chức cấp cao của Iran, phát biểu như trên.
Theo JCPOA ký tại Vienna giữa tháng Bảy, các giới hạn sẽ được đặt ra với hoạt động hạt nhân của Iran để đổi lấy việc xóa bỏ các lệnh trừng phạt kinh tế và tài chính chống Tehran.
"Chúng ta phải nói với Mỹ rằng họ sẽ đem xuống mồ giấc mơ Iran trở thành thị trường tiêu thụ của họ" - theo lời giáo sĩ Ayatollah Yazdi.
Ông nói, các chuyến thăm gần đây của các đoàn doanh nghiệp nước ngoài tới Tehran không dẫn tới việc khôi phục quan hệ. "Các cuộc hội đàm đó không liên quan gì đến quan hệ hai bên hoặc ba bên, và quan hệ không thể được thiết lập thông qua các chuyến thăm của các công ty nước họ từ lần này sang lần khác".
Hàn Quốc tố Triều Tiên triển khai máy bay không người lái
Ngày 2-9, chính quyền Hàn Quốc cáo buộc CHDNCD Triều Tiên triển khai một máy bay do thám không người lái vượt biên giới trong thời điểm hai nước đang đàm phán giải quyết khủng hoảng.
Theo AFP, Bộ Tổng tham mưu liên quân Hàn Quốc (JCS) tiết lộ hệ thống radar nước này phát hiện một máy bay không người lái (UAV) tiến vào vùng phi quân sự (DMZ) chia rẽ hai miền Triều Tiên hôm 22-8. “Chiếc UAV bay gần khu vực phía nam DMZ vài lần, nhưng chúng tôi không chặn được” - JCS cho biết.
Vụ việc xảy ra sau khi hai miền Triều Tiên bắt đầu cuộc đàm phán ở làng Bàn Môn Điếm để hạ nhiệt căng thẳng do vụ hai binh sĩ Hàn Quốc dính mìn ở biên giới. Một số quan chức quân sự Hàn Quốc nhận định CHDCND Triều Tiên triển khai UAV để theo dõi các hoạt động của quân đội nước láng giềng dọc biên giới.
Khi đó, quân đội Hàn Quốc ra cảnh báo chống máy bay kẻ thù và cử một máy bay trực thăng tấn công và một chiến đấu cơ tới biên giới để truy tìm chiếc UAV của CHDCND Triều Tiên. Tuy nhiên chiếc máy bay của Bình Nhưỡng đã biến mất.
Tháng 9-2014, một ngư dân Hàn Quốc phát hiện các mảnh vỡ của một chiếc UAV CHDCND Triều Tiên ở Hoàng Hải. Sau đó an ninh nước này tìm thấy một số chiếc UAV có gắn máy quay phim ở ba địa điểm gần biên giới liên Triều.
Các chuyên gia Mỹ và Hàn Quốc khẳng định Bình Nhưỡng triển khai các UAV này để theo dõi một số cơ sở quân sự của Seoul. Phía chính quyền CHDCND Triều Tiên bác bỏ mọi cáo buộc.
IS tái chiếm một phần thành phố dầu mỏ lớn nhất Iraq
Tình trạng giao tranh dữ dội ở trong và xung quanh thành phố Baiji kéo dài trong nhiều tháng qua. Các lực lượng Iraq và dân quân những tuần gần đây đã đẩy lùi phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) ra khỏi thành phố miền bắc Iraq. Tuy nhiên, phần lớn quá trình này đã bị bỏ dở, AFP dẫn lời Jeff Davis, người phát ngôn Lầu Năm Góc, phát biểu với báo giới.
"Chúng tôi nhận thấy có tiến triển trong vài tuần gần đây, Lực lượng An ninh Iraq (ISF) có thể giành lại một số phần lãnh thổ phía trong thành phố", ông Davis nói. "Nhưng tình hình đã bị đảo ngược. Họ để mất nhiều khu vực vừa giành lại được".
Theo Davis, Mỹ vẫn duy trì cam kết tiếp tục giúp đỡ các lực lượng Iraq, hỗ trợ ISF cố thủ Baiji và giành lại nhà máy lọc dầu ở thành phố.
IS càn quét Iraq từ tháng 6/2014 và chiếm Mosul, thành phố lớn thứ hai ở nước này, trong vòng chưa đầy 24 giờ. Nhóm phiến quân sau đó tấn công sang Baiji và kiểm soát phần lớn thành phố.
Nga muốn bán trực thăng Ka-52K kèm chiến hạm Mistral
Dân trí Nga đang lên kế hoạch bán kèm trực thăng tấn công Ka-52K với tàu chiến Mistral của Pháp cho bên thứ 3, theo tờ Kommersant của Nga.
Kommersant cho hay, nếu bên thứ 3 không chấp nhận mua kèm loại trực thăng trên, Nga có thể dùng bản hợp đồng ký với Pháp để phong tỏa việc bán tàu Mistral.
Các nguồn tin cũng cho biết, phía Nga đang xem xét những bản chào bán tàu Mistral của Pháp cho các bên thứ 3.
Một số quốc gia trong đó có Ấn Độ, Brazil, Ả-rập Xê-út, Các tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất, Ai Cập đang quan tâm tới chiến hạm Mistral.
Theo ông Mikhail Alexandrov, chuyên gia hàng đầu Trung tâm Nghiên cứu Quân sự và Chính trị (Nga), Mátxcơva đã chịu lỗ sau khi Pháp từ chối bàn giao tàu Mistrals cho Nga.
“Pháp đã trả tiền bồi thường cho Nga, nhưng số tiền bồi thường này chưa thể bù lại số chi phí cho Nga trong thương vụ trên. Do vậy, nếu Pháp muốn bán số tàu Mistral, họ sẽ phải bán kèm trực thăng Nga. Điều này có thể bù lại số tiền mà Nga đã chịu lỗ trong bản hợp đồng bất thành này,” ông Mikhail nói.
Theo báo Pravda, tàu Mistral có thể sẽ được bán cho Ấn Độ để giúp nước này tăng cường lượng hải quân trong khu vực.
Trước đó, Pháp đã bồi thường 950 triệu euro cho Nga vì đã chấm dứt hợp đồng bàn giao tàu Mistral.