Ngân sách quốc phòng - vòng kim cô siết quân đội của ông Tập
Thủ tướng Israel né gặp Tổng thống Obama
Mỹ không kích diệt 150 phiến quân Shabab tại Somalia
Úc bắt tàu chở 2.000 khẩu súng, nghi từ Iran sang Yemen
Triều Tiên ‘xâm nhập’ điện thoại quan chức Hàn Quốc
Công nghiệp quốc phòng Nhật - người khổng lồ thức dậy
- Cập nhật : 02/09/2015
(Tin kinh te)
Tháng 4/2014, Thủ tướng Nhật Shinzo Abe quyết định hủy bỏ lệnh cấm xuất khẩu vũ khí, đánh dấu sự trở lại của ngành công nghiệp quốc phòng được ví như "người khổng lồ đang tỉnh giấc".
Thủ tướng Shinzo Abe trong buồng lái chiến đấu cơ T-4 tại căn cứ không quân Higashimatsushima. Ảnh: Reuters
Trong Thế chiến II, Nhật Bản từng có nền công nghiệp quốc phòng phát triển, nhưng buộc phải ngừng phát triển suốt gần 70 năm sau khi chiến tranh kết thúc. Hiện Nhật quyết tâm tăng cường phát triển công nghiệp quốc phòng, nhằm hiện thực hóa chủ nghĩa hòa bình tích cực và tranh thủ lợi thế địa chính trị, bất chấp những trở ngại sau hàng chục năm vắng bóng trên thị trường thế giới.
"Trong 70 năm qua, Nhật Bản là một người khổng lồ công nghiệp quân sự đang ngủ say, nhưng nay đang tỉnh dậy", bình luận viên Leo Lewis của Financial Times nhận định. "Nhật Bản có nền kỹ thuật quân sự rất phát triển, vấn đề đối với kế hoạch của ông Abe là chỉ sản xuất ra các trang bị chất lượng cao liệu có đủ không".
Thành công của ngành công nghiệp quốc phòng phụ thuộc vào nhiều yếu tố, mà một quốc gia theo chủ nghĩa hòa bình được cho là khó đảm bảo. Tuy nhiên, việc Thủ tướng Abe hủy bỏ lệnh cấm xuất khẩu vũ khí là một phần trong lập trường chủ nghĩa hòa bình tích cực của chính khách này.
Giới quan sát nhận định rằng, Tokyo không chỉ coi xuất khẩu trang thiết bị quốc phòng như một ngành kinh tế, mà còn coi đây là một yếu tố trong chiến lược ngoại giao đối với sự trỗi dậy của Trung Quốc trong khu vực. Chính bởi vậy, nước này đang có những biện pháp để khắc phục những hạn chế đang tồn tại.
"Hợp tác trên lĩnh vực trang thiết bị hoặc kỹ thuật với các nước hữu nghị, có lợi cho việc tăng cường hợp tác an ninh và phòng vệ song phương, trong khi các dự án nghiên cứu phát triển chung có thể tăng cường nền tảng kỹ thuật của ngành công nghiệp quân sự nước ta", ông Akira Sato, thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nhật Bản cho biết.
Theo số liệu của IHS Jane’s, Nhật Bản hiện có 3.000 doanh nghiệp tư nhân tham gia sản xuất trang thiết bị và linh kiện quân sự. Chính sách mới của chính phủ nước này tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trên hướng đến thị trường quốc tế, chứ không còn hạn chế trong thị trường quốc nội, mà khách hàng duy nhất là Đội Phòng vệ Nhật Bản với dự toán mua sắm trang thiết bị quốc phòng mỗi năm chỉ có 7 tỷ USD.
Ba tầng trở ngại
Giới chuyên gia nhận định rằng, mặc dù lệnh cấm xuất khẩu vũ khí đã được dỡ bỏ, ngành công nghiệp quốc phòng Nhật Bản vẫn còn tồn tại những hạn chế mang tính kết cấu, đặc biệt là việc thiếu nguồn thông tin tình báo, kinh nghiệm giao dịch do có thời gian dài vắng bóng trên thị trường vũ khí quốc tế.
Chuyên gia cao cấp Tate Nurkin của tuần báo quốc phòng HIS chỉ ra rằng, giới quan chức và thương gia Nhật Bản đã đứng ngoài chuỗi mua sắm vũ khí thế giới nhiều chục năm. Tokyo đã điều động hàng trăm quan chức và sỹ quan quân đội thành lập cơ quan chuyên phụ trách mua sắm và tiêu thụ trang thiết bị mới, nhưng bộ Quốc phòng nước này vẫn chưa xác định cơ chế vận hành của cơ quan trên.
"Quy tắc đã thay đổi rồi, trong khi chúng tôi không biết mình có thể làm gì, không thể làm gì", ông Hirohiko Sakurai, tổng giám đốc tiêu thụ của Công ty Liên hợp Hải dương Nhật Bản (JMU), cho biết. JMU là doanh nghiệp chế tạo ra hàng không mẫu hạm trực thăng lớp Izumo, chiến hạm lớn nhất của Nhật Bản từ sau Thế chiến II.
Các nhà môi giới trang thiết bị quân sự Mỹ cho biết, Nhật Bản rất bất ngờ khi phát hiện ra đối thủ cạnh tranh của họ là Malaysia, Singapore, Indonesia và Thổ Nhĩ Kỳ. Ngành công nghiệp quốc phòng của các nước trên đều có thể thỏa mãn nhu cầu của khách hàng, trong khi giá cả lại ở mức vừa phải.
"Với một quốc gia đến từ thế giới thứ ba, chỉ cần vừa đủ tốt là được", một nhà môi giới lâu năm cho biết. "Những khách hàng như vậy, giá rẻ quan trọng hơn chất lượng, trong khi hàng Nhật Bản lại không rẻ chút nào".
Quy trình xuất khẩu sản phẩm quân sự của Nhật Bản đã được khởi động, nhưng bước đi được cho là vẫn rất thận trọng, bởi Tokyo hy vọng trở thành nguồn cung các vật liệu then chốt và linh kiện có hàm lượng kỹ thuật cao, chứ không phải xuất khẩu chiến hạm, chiến đấu cơ hay cả hệ thống vũ khí.
Tháng 5, Nhật Bản tổ chức triển lãm khí tài quân sự đầu tiên kể từ sau Thế chiến II. Tháng 9, dự kiến có 8 doanh nghiệp nước này sẽ tham dự triển lãm quốc phòng quốc tế tại London, Anh. Hai mẫu sản phẩm của Nhật Bản được kỳ vọng tại triển làm sắp tới là hai mẫu máy bay tuần tra US-2 và P-1.
Tuy nhiên, thị trường trang thiết bị quốc phòng thế giới hiện phức tạp và ở trong tình trạng thừa cung. Chuyên gia tư vấn quốc phòng Jack Midgley của hãng Deloitte Tohmatsu cho biết, Nam Mỹ và châu Phi là hai khu vực tăng trưởng chủ yếu trên thị trường vũ khí toàn cầu, trong khi các nhà cung cấp đến từ Trung Quốc và Ấn Độ hoạt động rất tích cực tại đây. Chính vì vậy, ngay cả khi Nhật Bản chỉ muốn xuất khẩu linh kiện và vật liệu, cũng vẫn sẽ vấp phải trở ngại.
"Khi nói đến việc xuất khẩu linh kiện, có nghĩa là các doanh nghiệp Nhật Bản trở thành nhà thầu phụ cho các công ty phương Tây như Lockheed Martin", ông Midgley cho biết. "Muốn vậy, các doanh nghiệp công nghiệp quốc phòng Nhật Bản cần có một hệ thống báo cáo tài chính, phương hướng hạch toán dự án, trong khi họ lại đang thiếu những hệ thống này".
Bước đi chiến lược
Động cơ chính trị và kinh tế trong quyết định mở cửa ngành công nghiệp quốc phòng của chính quyền Thủ tướng Abe là quan trọng như nhau. Mặc dù quan hệ giữa Tokyo với Bắc Kinh và Seoul căng thẳng trong những năm gần đây, song chiến lược ngoại giao mở rộng ra châu Á và thế giới của ông Abe đạt được những thành quả nhất định.
Chính trị gia này hiểu rõ việc Nhật Bản xuất khẩu các hệ thống phòng thủ quy mô lớn sẽ tranh thủ được lợi thế địa chiến lược với các nước láng giềng của Nga, Triều Tiên và Trung Quốc.
Giới ngoại giao nước ngoài tại Nhật Bản cho hay, thái độ của chính phủ Abe thay đổi rõ rệt sau khi lệnh cấm xuất khẩu vũ khí được hủy bỏ. "Có thể thông qua hình thức mua sắm vũ khí để thay thế cho việc kết thành đồng minh", một quan chức ngoại giao giấu tên cho biết. "Tokyo dường như quan tâm đến việc liên kết tình hữu nghị hơn là tăng cường ngành công nghiệp quân sự".
Khi được hỏi về việc liệu Nhật Bản có xuất khẩu trang thiết bị quân sự ngay cả khi không có lãi hay không, Thứ trưởng Quốc phòng Akira Sato cho biết trên từng trường hợp thì khả năng này có thể xảy ra. "Chúng tôi phải tính đến việc có thể cống hiện được bao nhiêu cho hòa bình thế giới, bởi vậy đây không chỉ là vấn đề giá cả", ông này nói.
Trong khuôn khổ Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN lần thứ 48 vừa qua, Nhật Bản ngỏ ý muốn tặng cho Philippines 3 máy bay tuần tra để quốc gia này tăng cường năng lực giám sát hải phận của mình. Australia cũng tỏ ý muốn mua tàu ngầm Soryu do tập đoàn Mitsubishi chế tạo với giá trị lên đến 20 tỷ USD. Nếu thành công, đây sẽ là hợp đồng mua bán khí tài lớn nhất của Nhật Bản sau khi lệnh cấm được hủy bỏ.
"Đối với các công ty Nhật Bản, tiền lệ thông thường có ý nghĩa rất then chốt, đặc biệt là trên vấn đề này", nhà môi giới vũ khí Lance Gatling cho biết. "Thương vụ sẽ thúc đẩy việc phát triển về phía trước rất nhiều".