Mỹ "chơi" với ASEAN thay cho Trung Quốc?
Interpol truy nã "trùm" dầu mỏ Nga
Malaysia phát sốt vì thông tin tìm thấy phi công MH370 ở Đài Loan
Mỹ - Hàn sắp bàn việc triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa
Trung Quốc hối thúc Liên Hợp Quốc buộc Triều Tiên 'trả giá'
Tin thế giới đọc nhanh chiều 13-02-2016
- Cập nhật : 13/02/2016
Liên Hiệp Quốc: Tàu chiến Triều Tiên dùng radar Nhật Bản
Lãnh đạo Kim Jong Un (trái) duyệt đội hình các lực lượng vũ trang Triều Tiên, trong ảnh là 1 tàu chiến của nước này, hồi năm 2014. Hội đồng bảo an LHQ cho rằng ít nhất 3 tàu chiến Triều Tiên trang bị radar do Nhật sản xuất - Ảnh: KCNA/Reuters
Tàu chiến Triều Tiên được trang bị hệ thống radar do Nhật Bản sản xuất, hãng tin Tass ngày 12.2 dẫn báo cáo của nhóm chuyên gia thuộc Hội đồng Bảo an LHQ, chuyên trách theo dõi việc thực hiện lệnh trừng phạt.
Việc xuất khẩu những thiết bị kỹ thuật loại này cho Triều Tiên là vi phạm lệnh trừng phạt của LHQ đối với quốc gia này, bản báo cáo kết luận.
“CHDCND Triều Tiên đã nhập và cải tiến những radar do Nhật Bản sản xuất để trang bị cho các tàu chiến của mình. Có 3 tàu hải quân nước này mang những thiết bị như thế được phát hiện trong đoạn video về vụ phóng tên lửa của Triều Tiên ngày 7.2”, hãng tin Kyodo ngày 12.2 trích dẫn báo cáo nói trên.
Bản báo cáo còn nói rằng những thiết bị radar định vị do Nhật sản xuất cũng được sử dụng rộng rãi trên các tàu dân sự của Triều Tiên. Công ty sản xuất những thiết bị này thông báo rằng đã ngừng bán những mặt hàng như vậy cho Triều Tiên kể từ ngày có lệnh trừng phạt, và như vậy rất có thể Bình Nhưỡng đã mua chúng qua trung gian thứ ba. Nhóm chuyên gia LHQ kêu gọi sự thận trọng tối đa trong các giao dịch mua bán những thiết bị điện tử hàng hải như radar định vị, sonar (máy thu phát thuỷ âm) và những la bàn phức tạp sử dụng công nghệ kỹ thuật cao.
Nhiều thiết bị kỹ thuật tinh vi do Nhật sản xuất cũng được phát hiện trong các máy bay không người lái (UAV) mà quân đội và hệ thống tình báo Triều Tiên thường sử dụng. Đặc biệt, trong những chiếc UAV của Triều Tiên bị rơi ở Hàn Quốc hồi năm 2014, người ta tìm thấy camera siêu nhỏ, động cơ và con quay hồi chuyển do Nhật sản xuất. Giới quan sát nhận định rằng những thiết bị ấy được Trung Quốc bán lại cho Triều Tiên.
Năm 2007, một máy bơm chân không Made in Japan đã được các chuyên gia Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) phát hiện trong một lò phản ứng hạt nhân ở Triều Tiên.
Trong báo cáo của mình, các chuyên gia LHQ kêu gọi tăng cường kiểm soát việc tuân thủ lệnh trừng phạt đối với Triều Tiên, đồng thời đề nghị mở rộng danh mục những mặt hàng cấm bán cho Bình Nhưỡng. Hội đồng Bảo an đang thảo luận về việc áp dụng mức trừng phạt bổ sung đối với Triều Tiên sau vụ Bình Nhưỡng thử vũ khí hạt nhân ngày 6.1 và phóng tên lửa ngày 7.2 vừa qua.
Tấn công khủng bố ở miền nam Thái Lan
Một người lính thiệt mạng và một binh sĩ khác bị thương trong một vụ nổ tại tỉnh Yala ở miền nam Thái Lan, hãng tin Tass ngày 12.2 dẫn báo cáo của cảnh sát địa phương.
Một quả mìn đã được kích nổ ở gần khu vực trồng cây ăn trái, nơi có một tốp binh sĩ gồm 7 người đến để bảo vệ các giáo viên địa phương vốn là một trong những mục tiêu tấn công thường xuyên của các nhóm ly khai tại miền nam Thái Lan.
Theo cảnh sát, chất nổ đã được một kẻ tấn công phục kích chờ các binh sĩ xuất hiện để ra tay. Các nhà điều tra đã tìm thấy thiết bị điều khiển từ xa (dùng để kích nổ) cách hiện trường khoảng 100 m. Cảnh sát nghi rằng hành động này do nhóm ly khai hoạt động tại miền nam Thái Lan thực hiện.
Cuộc tấn công này có thể là một dạng phản ứng trả đũa đối với những hoạt động quân sự thành công gần đây của cơ quan an ninh Thái. Hôm thứ tư 10.2, các lực lượng an ninh đã phát hiện trong rừng một căn cứ của những kẻ ly khai và tìm thấy ở đó nhiều vật liệu để sản xuất các thiết bị nổ.
Ở các tỉnh Pattani, Yala và Narathiwat ở miền nam Thái Lan trong gần 11 năm qua luôn có những nhóm ly khai cố tìm cách thành lập một vương quốc Hồi giáo. Trong khoảng thời gian đó, ở đây đã có hơn 6.500 người bị phe ly khai sát hại.
Trong một diễn biến khác, Thái Lan sẽ tăng cường hợp tác với Nga trong cuộc chiến chống tội phạm quốc tế và chủ nghĩa khủng bố, RIA dẫn tuyên bố ngày 12.2 của Phó phát ngôn viên chính phủ Thái Lan, thiếu tướng Werachon Sukhondhapatipak.
Phát biểu trong chương trình truyền hình 60 phút trên các kênh truyền hình quốc gia, tướng Sukhondhapatipak đã thông báo về kết quả chuyến thăm và làm việc tại Thái Lan của Thư ký Hội đồng An ninh Nga Nikolai Patrushev và cuộc họp của ông với các nhà lãnh đạo Thái Lan.
“Thủ tướng Prayuth Chan-ocha hoàn toàn ủng hộ sự phát triển hợp tác với Nga trong cuộc chiến chống các hình thức tội phạm, trong đó có tội phạm xuyên quốc gia và khủng bố, buôn người; vận chuyển, buôn bán các loại ma túy bất hợp pháp và tội phạm mạng”, tướng Sukhondhapatipak cho biết.
Ông cũng nói Thủ tướng Thái Lan hoan nghênh đề tài thảo luận tại các cuộc đàm phán, về ý tưởng liên kết đào tạo nhân sự cho hệ thống an ninh Thái Lan, vì Nga được công nhận là có bề dày kinh nghiệm trong lĩnh vực này.
Các cuộc đàm phán về những chủ đề được thảo luận tại Bangkok sẽ tiếp tục trong các chuyến thăm Nga của Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-ocha vào tháng 5 năm nay và của Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Quốc phòng Pravit Vongsuvan vào cuối tháng 2, theo ông Sukhondhapatipak.
Bạo loạn, hỏa hoạn tại nhà tù Mexico, 52 người chết
Một vụ bạo loạn và hỏa hoạn xảy ra tại nhà tù Mexico làm ít nhất 52 người thiệt mạng ngay trước chuyến thăm của giáo hoàng Francis tới một nhà tù khác của nước này.
Một vụ bạo loạn và hỏa hoạn xảy ra tại nhà tù ở bắc Mexico làm ít nhất 52 người thiệt mạng - Ảnh: Nyomdagepek
Theo Foxnews, thống đốc bang Nuevo Leon, Jaime Rodriguez cho biết, vụ bạo loạn xảy ra do mâu thuẫn giữa hai băng đảng trong nhà tù Topo Chico tại Monterrey.
Thủ lĩnh của một trong hai băng đảng là thành viên của mạng lưới buôn bán ma túy khét tiếng Zetas. Ngoài số người thiệt mạng, còn 12 tù nhân khác bị thương sau vụ việc.
Những hình ảnh phát trên kênh truyền hình Milenio TV cho thấy lửa bốc rất nhanh từ trong nhà tù, một đám đông người đang đừng bên ngoài trời giá rét. Một số rung lắc và đá vào các cánh cửa nhà tù đòi được trở vào.
Các nhân chứng cho biết vụ hỏa hoạn xảy ra vào khoảng sau nửa đêm giữa những tiếng la ó và tiếng nổ. Một đám khói dày đặc bao trùm, rõ ràng do các tù nhân đã đốt chăn đệm của họ.
Giáo hoàng Francis sẽ bắt đầu chuyến công du đầu tiên của ông tới Mexico vào ngày 12-2 và dự kiến tới thăm một nhà tù khác ở thành phố Ciudad Juarez tuần tới.
Năm 2013, Ủy ban nhân quyền quốc gia của Mexico cho biết hệ thống nhà tù nước này đã bị suy sụp vì tình trạng bạo lực và các vụ tù nhân nổi loạn, tham nhũng và thiếu nguồn tài chính.
Báo cáo căn cứ vào việc xem xét và phỏng vấn tại 101 trong số những nhà tù đông phạm nhân nhất của Mexico nhận thấy, 65 nhà tù trong đó đã thuộc kiểm soát của tù nhân chứ không phải nhà chức trách.
Một trong những sự việc tồi tệ nhất xảy ra trong vòng 25 năm là việc 44 tù nhân đã chết trong vụ thảm sát tại nhà tù vào tháng 2-2012 ở Apodaca, Nuevo Leon. Sau vụ việc, 3 quan chức chóp bu trong tù và 26 quản ngục đã bị buộc tội tiếp tay cho tù nhân trốn trại trong lúc hỗn loạn.
Năm 2013, một vụ bạo loạn trong tù khác xảy ra tại bang San Luis Potosi ở miền trung Mexico làm 13 người chết và 65 người khác bị thương.
Pháp bổ nhiệm ngoại trưởng mới
Tổng thống Pháp Francois Hollande thông báo bổ nhiệm cựu thủ tướng Jean-Marc Ayrault làm Ngoại trưởng mới thay ông Laurent Fabius. Đây là sự thay đổi nằm trong cuộc cải tổ nội các của ông Hollande.
“Đây là một chính phủ phải hành động, phải cải cách, phải tiến về phía trước”, hãng tin AP dẫn lời Tổng thống Hollande nói trên kênh TF1 hôm 11.2.
Ông Jean-Marc Ayrault từng làm thủ tướng Pháp trong giai đoạn từ năm 2012 đến 2014 trước lúc được thay bằng ông Manuel Valls.
AP mô tả ông Ayrault là một người chăm chỉ, kín đáo và thậm chí nhút nhát, dù ông Hollande nói rằng đã chọn Ayrault vì “kinh nghiệm, kiến thức về vấn đề quốc tế”. Trong khi đó đài France 24 (Pháp) nhận xét đây là một lãnh đạo lạnh lùng, dày dạn nhưng thiếu kinh nghiệm ngoại giao, đặc biệt là các nhiệm vụ ở khu vực Trung Đông như Syria, Libya và Iran.
Điểm mạnh của ông Ayrault được nhấn mạnh ở chỗ ông từng là giáo viên tiếng Đức, hiểu về văn hóa Đức nên rất hữu ích trong mối quan hệ giữa Paris với Berlin, đặc biệt cho việc cùng nước Đức xử lý các vấn đề lớn ở châu Âu, đơn cử là vấn đề tị nạn và nguy cơ nước Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU). Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier cho biết ông “rất vui” khi Ayrault, “một chính trị gia Pháp có liên hệ chặt chẽ với Đức” được chọn làm người kế nhiệm ông Fabius, theo AP.
Ông Laurent Fabius rời nhiệm vụ ngoại trưởng Pháp sau khi "ghi điểm" ở Hội nghị biến đổi khí hậu toàn cầu năm 2015 và cuộc đàm phán hạt nhân Iran - Ảnh: Reuters
Trong khi đó cũng có nhiều ý kiến về chuyện ông Laurent Fabius rời khỏi cương vị ngoại trưởng Pháp. Một điều hơi đáng tiếc là ông Fabius vốn đã đóng góp quan trọng trong hai vấn đề ngoại giao trên diện rộng trong năm 2015 như Hội nghị biến đổi khí hậu ở Paris và cuộc đàm phán hạt nhân Iran.
Ngay trước khi rời chức ngoại trưởng, ông Fabius đã gây chú ý khi công khai chỉ trích chính sách đối ngoại “mơ hồ” của Mỹ trong vấn đề Syria, theo The Guardian.
Ông Fabius năm nay 69 tuổi, từng là thủ tướng trẻ nhất nước Pháp khi nhận nhiệm vụ ở tuổi 37 vào năm 1984. Sau khi rời cương vị ngoại trưởng, sắp tới ông Fabius sẽ được bổ nhiệm vào vị trí đứng đầu Hội đồng Hiến pháp, theo France 24.
Lệnh Hoàn Thành: Tôi chỉ đến Mỹ chia sẻ 'bí quyết chơi golf'
Ông Lệnh Hoàn Thành, em trai ông Lệnh Kế Hoạch - người vốn là “cánh tay mặt” của cựu chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào, nói ông chia sẻ “bí quyết chơi golf” ở Mỹ chứ không cung cấp bí mật quốc gia của Trung Quốc cho Mỹ.