tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin thế giới đọc nhanh 13-02-2016

  • Cập nhật : 13/02/2016

Mỹ điều tàu ngầm tấn công đến Hàn Quốc

Chiếc USS North Carolina dự kiến cập cảng tại Hàn Quốc trong tuần tới sau khi Triều Tiên phóng tên lửa tầm xa.
tau ngam tan cong uss north carolina cua my sap den han quoc. anh: pinterest

Tàu ngầm tấn công USS North Carolina của Mỹ sắp đến Hàn Quốc. Ảnh: Pinterest

"Tàu ngầm hạt nhân của Hải quân Mỹ đang trên đường tới Hàn Quốc",Yonhap hôm nay dẫn tin từ một quan chức quân sự giấu tên cho biết.

Chiếc tàu này có khả năng mang theo tên lửa Tomahawk và ngư lôi Mark 48. Tàu có vận tốc 46 km/h.

Mỹ cũng sẽ điều tàu sân bay chạy bằng năng lượng hạt nhân USS John C. Stennis tham gia cuộc diễn tập quân sự chung với Hàn Quốc trong tháng tới. 

Các kế hoạch này nằm trong nỗ lực nhằm ngăn chặn Triều Tiên có những hành động khiêu khích khác sau khi thử tên lửa tầm xa hôm 7/2.

"Quân đội Mỹ sẽ phát đi thông điệp cảnh báo và tái khẳng định cam kết của mình trong bảo vệ Hàn Quốc, thông qua việc triển khai các phương tiện chiến lược chủ chốt tới bán đảo Triều Tiên", quan chức này nói.

Mỹ được cho là đang xem xét điều một máy bay chiến đấu tới Hàn Quốc, có thể là máy bay ném bom tàng hình B-2 hoặc chiến đấu cơ tàng hình F-22.

Ngay sau vụ thử hạt nhân lần thứ 4 hôm 6/1 của Triều Tiên, Mỹ đã điều máy bay ném bom B-52 đến Hàn Quốc, thể hiện hợp tác quân sự với Seoul.

Các quan chức quân sự hàng đầu Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc hôm qua nhất trí tăng cường chia sẻ thông tin và phối hợp nỗ lực an ninh để đối phó với mối đe dọa tên lửa và hạt nhân ngày càng tăng từ Triều Tiên. 

Bình Nhưỡng ngày 7/2 phóng tên lửa tầm xa đưa vệ tinh lên quỹ đạo. Mỹ và một số quốc gia khác trên thế giới lên án mạnh mẽ, cho rằng đây là hành động che đậy việc phát triển công nghệ tên lửa đạn đạo.


Mỹ, Nga đổ lỗi nhau đánh bom thành phố lớn nhất Syria

Nga cho rằng máy bay Mỹ đã ném bom vào các mục tiêu dân sự ở thành phố Aleppo của Syria, trong Washington chỉ trích cáo buộc này là "thêu dệt".
nguoi dan khieng mot thi the nan nhan sau cuoc khong kich cua phe chinh phu vao khu vuc do phien quan kiem soat o thanh pho aleppo hom 8/2. anh: afp

Người dân khiêng một thi thể nạn nhân sau cuộc không kích của phe chính phủ vào khu vực do phiến quân kiểm soát ở thành phố Aleppo hôm 8/2. Ảnh: AFP

Phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Mỹ Steven Warren hôm nay cho rằng hai bệnh viện chính ở Aleppo đã bị phá hủy do các cuộc tấn công của Nga và chính phủ Syria, khiến hơn 50.000 người dân hiện không thể tiếp cận được dịch vụ y tế trọng yếu này.

"Tình hình trong và xung quanh Aleppo theo quan điểm của chúng tôi là đang ngày càng nghiêm trọng", ông Warren nói. "Có rất ít hoặc không có phiến quân IS nào ở khu vực Aleppo, vì thế đây là những cuộc chiến riêng".

Tuy nhiên, cùng ngày, RT dẫn lời phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Nga Igor Konashenkov lại cho rằng "hai máy bay A-10 Thunderbolt II của không quân Mỹ đã từ Thổ Nhĩ Kỳ đi vào không phận Syria, bay theo hướng phải đến thành phố Aleppo và phá hủy 9 cơ sở tại đây".

Ông Konashenkov đồng thời bác bỏ cáo buộc trên của Mỹ. Ông cho rằng ông Warren không nêu ra được tọa độ của các bệnh viện cũng như thời gian cuộc không kích hay nguồn tin.

"Hoàn toàn không có gì. Không có máy bay Nga nào tiến hành không kích ở thành phố Aleppo hôm qua. Mục tiêu gần nhất cách thành phố 20 km", ông Konashenkov nhấn mạnh, thêm rằng các máy bay thuộc liên quân chống IS do Mỹ dẫn đầu lại hoạt động ở Aleppo, "cả máy bay và UAV (máy bay không người lái)".

"Những gì họ làm ban đầu là đưa những cáo buộc vô căn cứ chống lại chúng tôi để xóa bỏ tội lỗi cho họ. Nếu tình hình tiếp tục như thế này, chúng tôi sẽ tổ chức hai cuộc họp báo: một cho chúng tôi, một cho liên quân đó", ông Konashenkov nói.

Theo phát ngôn viên của Bộ Quốc phòng Nga, các nước phương Tây chưa bao giờ chia sẻ thông tin tình báo về các phần tử khủng bố ở Syria với Nga, dù Moscow đã gửi bản đồ đánh dấu vị trí khủng bố cho họ.

Bộ Quốc phòng Mỹ hôm nay lại bác bỏ cáo buộc trên của Nga. "Tuyên bố của giới chức Nga về các cuộc không kích của Mỹ ở Aleppo là sai", ông Warren, người cũng là phát ngôn viên tại Baghdad của liên quân chống IS, nói. "Không có máy bay nào của Mỹ bay trong hay quanh Aleppo hôm qua. Bất kỳ cáo buộc nào trái ngược là 'thêu dệt' ".

Nga bắt đầu chiến dịch không kích nhằm vào các mục tiêu khủng bố ở Syria từ cuối tháng 9 năm ngoái theo yêu cầu của Tổng thống Syria Bashar al-Assad. Tuy nhiên, phương Tây cho rằng các cuộc không kích này cũng nhằm vào lực lượng phiến quân chống chính phủ. 

Không quân Nga tuyên bố đã tiến hành hơn 500 đợt xuất kích, xóa sổ gần 1.900 cơ sở khủng bố ở Syria chỉ từ ngày 4 đến 11/2. Bộ Quốc phòng Nga cũng cho hay hai chỉ huy khủng bố cấp cao đã bị tiêu diệt.


NATO điều tàu chặn mạng lưới buôn người tị nạn trên biển

Các tàu NATO đang trên đường đến biển Aegean để hỗ trợ Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp trấn áp các mạng lưới tội phạm buôn người tị nạn sang châu Âu. 
mot doi tau cua nato dang tiep nhien lieu tren bien. anh: us navy 

Một đội tàu của NATO đang tiếp nhiên liệu trên biển. Ảnh: US Navy 

Vài giờ sau khi các Bộ trưởng Quốc phòng của NATO nhất trí dùng lực lượng hàng hải của mình ở đông Địa Trung Hải để hỗ trợ việc chống lại những kẻ buôn người, chỉ huy cấp cao của NATO tướng Philip Breedlove cho hay ông đang khẩn trương soạn thảo nhiệm vụ này.

"Chúng tôi đang di chuyển tàu theo hướng phù hợp", ông Breedlove nói và cho biết kế hoạch sẽ được tinh gọn trong thời gian các tàu di chuyển trên đường. "Khoảng 24 giờ", Reuters dẫn lời ông nói.

Dù kế hoạch chi tiết sẽ được các tướng NATO công bố chi tiết sau, các tàu trên của liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương có khả năng sẽ phối hợp làm việc với tuần duyên Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp cũng như cơ quan biên giới Liên minh châu Âu (EU) Frontex.

Kế hoạch, được Đức và Thổ Nhĩ Kỳ nêu lên hôm 8/2, nhằm giúp châu Âu đối phó với cuộc khủng hoảng di cư tồi tệ nhất kể từ Thế chiến II. Hơn một triệu người tị nạn đã đến châu lục này vào năm ngoái. Dòng người không có dấu hiệu suy giảm, bất chấp thời tiết mùa đông khiến việc vượt biển trở nên nguy hiểm hơn.

Đức cho biết sẽ tham gian một phần trong nhiệm vụ của NATO, trong khi Mỹ, thành viên mạnh nhất tổ chức, ủng hộ hoàn toàn kế hoạch này.

Nhóm được gọi là Thường trực Hàng hải NATO số 2 có 5 tàu gần Síp, do Đức dẫn đầu cùng các tàu của Canada, Italy, Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ. Ông Breedlove cho biết NATO cần các nước thành viên đóng góp thêm để duy trì nhiệm vụ này. Đan Mạch dự kiến đóng góp một tàu. Hà Lan cũng sẽ chung sức.

Thông tin tình báo về những kẻ buôn người sẽ được bàn giao cho tuần duyên Thổ Nhĩ Kỳ để họ chống lại các đối tượng này hiệu quả hơn. 

Các tàu của Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp sẽ hoạt động ở vùng lãnh hải riêng, do tính chất nhạy cảm giữa hai nước. Bất kỳ người tị nạn nào được các tàu NATO cứu cũng sẽ bị gửi trả về Thổ Nhĩ Kỳ.

Ông Breedlove cho biết NATO cũng sẽ giám sát biên giới trên đất liền giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Syria để ngăn chặn những đường dây buôn người.

Một thỏa thuận trị giá 3,4 tỷ USD giữa EU và Thổ Nhĩ Kỳ nhằm kiểm soát dòng người di cư vẫn chưa gây được tác động mạnh.


Diện mạo tiêm kích tàng hình thế hệ 6 của Mỹ

Tiêm kích thế hệ 6 của Mỹ được tích hợp nhiều công nghệ mới để vượt qua các hệ thống phòng không mới của đối thủ và tấn công phủ đầu bằng vũ khí siêu thanh hoặc phát động tấn công điện tử.
mau thiet ke tiem kich tang hinh the he 6. anh: northrop grumman

Mẫu thiết kế tiêm kích tàng hình thế hệ 6. Ảnh: Northrop Grumman

Chiến đấu cơ trong 20 năm tới nhiều khả năng sẽ sở hữu công nghệ tàng hình thế hệ mới, hệ thống tác chiến điện tử tiên tiến, bộ xử lý máy tính và các thuật toán tinh vi, được lắp đặt các vũ khí siêu thanh và được phủ "lớp da thông minh" với các cảm biến được tích hợp vào bề mặt của máy bay, theo Scout.com.

Một số tính năng này đã xuất hiện trong bản phác họa mẫu tiêm kích tàng hình thế hệ 6 của tập đoàn Northrop Grumman, một trong những nhà thầu quốc phòng chính sẽ tham gia đấu thầu hợp đồng chế tạo chiến đấu cơ mới trong tương lai.

Máy bay mới được thiết kế để kế thừa tiêm kích đa nhiệm thế hệ 5 F-35 và sẽ ra mắt vào giữa thập niên 2030. Chiếc tiêm kích thế hệ 6 này đang ở giai đoạn xây dựng ý tưởng sơ khai với việc không quân và hải quân Mỹ hợp tác thảo luận khái niệm sơ bộ về những loại công nghệ và tính năng của nó. Không quân Mỹ vẫn chưa xác định nền tảng cho chiến đấu cơ mới của mình trong khi hải quân đã xác định đây là chương trình máy bay F/A-XX.

Máy bay mới của hải quân Mỹ sẽ thay thế ít nhất một phần chiến đấu cơ F/A-18 Super Hornets sắp nghỉ hưu vào năm 2035, theo các quan chức hải quân Mỹ.

Theo các nhà hoạch định kế hoạch hải quân Mỹ, chiến đấu cơ F/A-XX nhiều khả năng sẽ được thiết kế cho cả hai nhiệm vụ không người lái và có người lái.

Theo các lãnh đạo hải quân Mỹ, các công nghệ phủ sơn tàng hình, quang phổ điện tử, tính cơ động, nhận thức tác chiến ưu việt, thông tin liên lạc và các gói kết nối dữ liệu đang có sự phát triển nhanh chóng.

Các nhà phân tích đã phỏng đoán rằng khi các nhà phát triển máy bay F/A-XX của hải quân Mỹ thiết kế tiêm kích thế hệ 6, nhiều khả năng họ sẽ tìm ra một loạt các công nghệ mới chẳng hạn như kết nối cảm biến tối ưu, khả năng bay siêu nhanh và cấu hình điện tử "lớp da thông minh".Kết nối tối ưu nghĩa là tích hợp lượng lớn thông tin liên lạc và công nghệ cảm biến như khả năng kết nối các vệ tinh và máy bay khác theo thời gian thực để cung cấp các thông tin quan trọng trên chiến trường.

mo hinh tiem kich tang hinh the he 6 hoat dong tren tau san bay. anh: northrop grumman

Mô hình tiêm kích tàng hình thế hệ 6 hoạt động trên tàu sân bay. Ảnh: Northrop Grumman

Máy bay mới cũng sẽ phát triển khả năng khai hỏa các vũ khí có tốc độ bay siêu thanh. Tiêm kích thế hệ 6 của Mỹ cũng nhiều khả năng sẽ sử dụng vũ khí laser và có khả năng phát động tấn công điện tử, theo chuyên gia quân sự Kris Osborn của Scout.com.

Công nghệ hành trình siêu âm cũng sẽ giúp tiêm kích thế hệ mới bay với tốc độ siêu thanh mà không cần sử dụng buồng đốt phụ, các chuyên gia giải thích.

"Lớp da thông minh" trên bề mặt máy bay là sự bố trí các công nghệ hoặc các thiết bị cảm biến nhất định trên thân máy bay và tích hợp chúng vào cả bên trong máy bay, sử dụng các thuật toán máy tính thế hệ mới để sắp xếp và hiển thị thông tin cho phi công. Điều này sẽ giúp giảm lực cản, tăng tốc độ và tính cơ động trong khi tăng cường khả năng công nghệ cho các thiết bị cảm biến.

Có khả năng tiêm kích thế hệ 6 mới sẽ sử dụng công nghệ tàng hình tối tân của tương lai giúp nó vượt qua được các hệ thống phòng không mới tinh vi hơn. Các hệ thống phòng không của những đối thủ tiềm tàng đang ngày càng có năng lực xử lý nhanh hơn, kết nối mạng với nhau tốt hơn, kỹ thuật số hơn, có thể phát hiện các tần số phạm vi rộng hơn và đủ khả năng phát hiện máy bay tàng hình ở khoảng cách xa hơn.


Triều Tiên trục xuất người Hàn khỏi khu công nghiệp Kaesong

Bình Nhưỡng hôm nay yêu cầu tất cả người Hàn Quốc rời khỏi khu công nghiệp chung, tịch thu tài sản của họ nhằm đáp trả quyết định mới của Seoul.
cac xe cua han quoc roi khoi kaesong hom nay. anh: afp

Các xe của Hàn Quốc rời khỏi Kaesong hôm nay. Ảnh: AFP

Ủy ban Hòa bình Tái thống nhất Triều Tiên (CPRK) hôm nay thông báo đóng cửa khu công nghiệp liên Triều, tuyên bố đây là khu vực quân sự,AFP dẫn lại tin từ hãng KCNA cho hay.

"Các lực lượng của Hàn Quốc phải tự trả cái giá khắc nghiệt và đau đớn khi dừng hoạt động ở khu công nghiệp Kaesong", thông báo của CPRK cho biết.

Theo đó, tất cả các công dân Hàn Quốc phải rời đi lúc 5h chiều theo giờ địa phương, không được mang theo gì ngoài vật dụng cá nhân. Tài sản của các công ty và tổ chức Hàn Quốc gồm máy móc, vật liệu thô và hàng hóa đều bị tịch thu.

Các đường dây nóng quân sự với Hàn Quốc và kênh liên lạc chính qua làng đình chiến Panmunjom cũng bị cắt, ngay khi việc trục xuất được hoàn tất. Thông báo được đăng tải trên KCNA chỉ 30 phút trước hạn chót.

Một số người Hàn Quốc trở về từ sáng nay cho biết Triều Tiên gia tăng hiện diện quân sự ở Kaesong, trong đó có binh sĩ vũ trang mang theo ba lô và túi ngủ. Kim Soo-Hee, một y tá làm việc trong khu phức hợp, cho hay cô trông thấy một vài xe tải quân sự. 

Động thái này đánh dấu bước leo thang mới trong quan hệ căng thẳng giữa hai bên, từ khi Bình Nhưỡng phóng tên lửa tầm xa cuối tuần qua.

Hàn Quốc hôm qua cho biết Triều Tiên bị nghi dùng quỹ từ Kaesong để cải tiến các vũ khí hạt nhân và chương trình tên lửa tầm xa. Do đó việc ngưng hoạt động ở khu công nghiệp này nhằm ngăn chặn mục đích đó.

Hàn Quốc có 124 công ty hoạt động tại Kaesong, hầu hết là các công ty vừa và nhỏ. Các công ty này đem lại việc làm cho gần 55.000 công nhân Triều Tiên, tính đến tháng 8 năm ngoái. Khu công nghiệp này tạo ra 132 tỷ won, tương đương 110 triệu USD lương và phí thu về cho Triều Tiên trong năm 2015.

Triều Tiên hôm 7/2 phóng một tên lửa mang vệ tinh Kwangmyongsong-4 lên quỹ đạo. Bình Nhưỡng tuyên bố chương trình của họ chỉ nhằm mục đích khoa học nhưng một số quốc gia nghi ngờ vụ phóng là vỏ bọc cho việc thử nghiệm công nghệ tên lửa đạn đạo.


(

Tinkinhte

tổng hợp)
Trở về

Bài cùng chuyên mục