Liên Hiệp Quốc: Tàu chiến Triều Tiên dùng radar Nhật Bản
Tấn công khủng bố ở miền nam Thái Lan
Bạo loạn, hỏa hoạn tại nhà tù Mexico, 52 người chết
Pháp bổ nhiệm ngoại trưởng mới
Lệnh Hoàn Thành: Tôi chỉ đến Mỹ chia sẻ 'bí quyết chơi golf'
Tin thế giới đọc nhanh trưa 12-02-2016
- Cập nhật : 12/02/2016
Nga sẽ tăng cường vũ khí hạt nhân để đối phó NATO
"Nga sẽ tiếp tục củng cố tiềm năng phòng thủ của mình, cải thiện khả năng răn đe của các vũ khí hạt nhân. Chúng tôi sở hữu những vũ khí có thể ngăn các bên được gọi là đối tác thực hiện bất kỳ quyết định hệ trọng nào", Ria Novosti hôm qua dẫn lại lời ông Evgeny Serebrennikov, Phó chủ tịch Ủy ban Quốc phòng và an ninh Hội đồng liên bang Nga, cho hay.
Tuyên bố của ông Serebrennikov được đưa ra sau khi ông Jens Stoltenberg, Tổng thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) cho hay bộ trưởng các nước thành viên đã nhất trí tăng hiện diện của khối ở phía đông châu Âu, Địa Trung Hải và Biển Đen.
Theo ông Stoltenberg, điều này gửi đi tín hiệu rõ ràng rằng NATO sẽ đáp trả "khi có sự xâm lược nhằm vào bất cứ đồng minh nào". Từ năm ngoái, NATO đã dần tăng hiện diện quân sự ở châu Âu, đặc biệt ở các nước phía đông có biên giới gần Nga, với cáo buộc Moscow can thiệp vào cuộc khủng hoảng ở Kiev.
Lực lượng đa quốc gia của NATO, dự kiến bao gồm từ 3.000 đến 6.000 binh sĩ, sẽ luân phiên hiện diện liên tục tại các quốc gia Litva, Latvia, Estonia, Ba Lan, Romania và Bulgaria.
Các lãnh đạo NATO sẽ chính thức thông qua kế hoạch trong cuộc gặp thượng đỉnh tổ chức tại thủ đô Warsaw, Ba Lan, vào tháng 7 tới.
Người phát ngôn điện Kremlin Dmitry Peskov hồi tháng 9 năm ngoái cho rằng bất kỳ nỗ lực nào của NATO tiến gần tới biên giới Nga cũng có thể khiến Moscow thực hiện các biện pháp đáp trả để đảm bảo an ninh quốc gia.
Thổ Nhĩ Kỳ: Mỹ tạo ra “biển máu” trong khu vực
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan hôm 10-2 đã lên tiếng chỉ trích Mỹ về việc nước này ủng hộ phiến quân người Kurd ở Syria, đồng thời cho rằng động thái của Washington biến khu vực này thành “biển máu”.
Phát biểu tại thủ đô Ankara, Tổng thống Erdogan nói rằng: “Mỹ đang đứng về phía Thổ Nhĩ Kỳ hay phía tổ chức khủng bố Đảng Liên minh Dân chủ người Kurd (PYD) tại Syria và Đảng Công nhân người Kurd (PKK)”.
Lãnh đạo này tỏ ra không hài lòng khi đề cập đến việc Washington ủng hộ các tay súng người Kurd chống lại tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng ở Iraq và Syria cũng như không xem nhóm phiến quân này là tổ chức khủng bố.
Thổ Nhĩ Kỳ đến nay vẫn xem PYD là một tổ chức khủng bố với lý do nhóm này có liên hệ với PKK, tổ chức đã tiến hành các vụ nổi dậy bạo lực trong 3 thập kỷ qua giành quyền tự trị cho người Kurd ở phía Đông Nam nước này.
Căng thẳng giữa hai nước đồng minh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đang có dấu hiệu gia tăng trước việc Mỹ ủng hộ chiến binh người Kurd chống IS tại Syria. Trong khi Thổ Nhĩ Kỳ lại có quan điểm hoàn toàn khác.
Trước đó một ngày, Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã triệu tập đại sứ Mỹ ở Ankara để phản đối sau khi phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ John Kirby nói rằng Washington không xem PYD là một tổ chức khủng bố và sẽ tiếp tục ủng hộ hoạt động của nhóm này ở Syria.
Trong ngày 10-2, một binh sĩ Thổ Nhĩ Kỳ thiệt mạng và một người khác bị thương khi lực lượng an ninh đụng độ với các tay súng người Kurd xâm nhập vào nước này từ biên giới Syria.
Hôm 9-2, quân đội Thổ Nhĩ Kỳ đã bắt giữ 34 người gồm 4 nam, 10 nữ và 20 trẻ em, thu giữ 15 kg chất nổ và 4 áo khoác đánh bom tự sát khi những người này cố vào Thổ Nhĩ Kỳ từ một khu vực do IS kiểm soát ở Syria
Nga: Thổ Nhĩ Kỳ ngầm bắt tay với IS
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho biết Nga có thông tin về các cuộc liên lạc bí mật giữa chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ và thủ lĩnh tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS).
Phát biểu trong cuộc phỏng vấn của báo Moskovsky Komsomolets (Nga), Ngoại trưởng Lavrov cho hay: “Nga có thông tin về việc các thủ lĩnh IS vẫn tiếp tục liên lạc bí mật với lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ. Họ đang thảo luận về một số hoạt động khi các cuộc không kích của Lực lượng Không gian vũ trụ Nga làm gián đoạn nghiêm trọng tuyến đường buôn lậu dầu của IS. Lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ đã hoàn toàn mất liên lạc với thế giới thực”.
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho biết Nga có thông tin về các cuộc liên lạc bí mật giữa chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ và IS. Ảnh: Sputnik
Trong một diễn biến khác hôm 10-2, quân đội Syria vẫn đang tiếp tục tấn công IS ở tỉnh Aleppo, phía Bắc Syria, giành lại quyền kiểm soát toàn bộ thị trấn chiến lược Taana ở phía Đông khu vực này.
Lực lượng không quân Syria đã nhắm vào các mục tiêu khủng bố tại các thị trấn Hayan và Hraytan trong khi quân đội chính phủ đang tiếp tục tiến về phía Tal Rafat ở Aleppo. Nhiều tay súng IS bị thương cũng như bị tiêu diệt trong chiến dịch tấn công ở các thị trấn vừa được giải phóng khỏi IS.
Còn ở phía Đông Aleppo, quân đội Syria đã hoàn toàn nắm quyền kiểm soát đồi chiến lược Barlaheen sau các cuộc đụng độ dữ dội với những kẻ khủng bố.
Với sự hỗ trợ của lực lượng không quân, quân đội Syria đã tiến hành một loạt cuộc tấn công chống lại IS ở những khu vực khác nhau của tỉnh Aleppo, tiêu diệt nhiều tay súng cũng như phá hủy các thiết bị quân sự của chúng. Trong khi đó, quân đội Syria cũng đã tái chiếm được thị trấn chiến lược Bashoura ở tỉnh Latakia sau cuộc giao tranh ác liệt với các phần tử khủng bố.
Theo tổ chức Giám sát nhân quyền Syria (SOHR), hơn 500 người đã thiệt mạng kể từ khi quân đội Syria tấn công Aleppo, tình từ ngày 1 đến đêm 9-2. Trong số này, có 23 trẻ em. Tổng cộng, ít nhất 143 tay súng ủng hộ chính phủ, 274 tay súng nổi dậy và thánh chiến nước ngoài cùng 89 thường dân thiệt mạng.
Liên Hiệp Quốc cảnh báo 300.000 người ở miền Đông Aleppo có thể không tiếp cận được viện trợ nhân đạo nếu quân chính phủ siết chặt vòng vây.
Cùng ngày, một binh sĩ Thổ Nhĩ Kỳ thiệt mạng và một người khác bị thươngkhi lực lượng an ninh đụng đô với các tay súng người Kurd xâm nhập vào nước này từ biên giới Syria. Vụ việc xảy ra vài giờ sau khi Ankara triệu tập đại sứ Mỹ về việc Washington ủng hộ lực lượng người Kurd ở Syria và không xem nhóm này là khủng bố. Từ lâu, Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng các tay súng người Kurd ở Syria có liên kết với Đảng Công nhân người Kurd (PKK) tiến hành các vụ bạo động ở Đông Nam nước này.
Trước đó, hôm 9-2, quân đội Thổ Nhĩ Kỳ đã bắt giữ 34 người gồm 4 nam, 10 nữ và 20 trẻ em, thu giữ 15 kg chất nổ và 4 áo khoác đánh bom tự sát khi những người này cố vào Thổ Nhĩ Kỳ từ một khu vực do IS kiểm soát ở Syria.
Thượng viện Mỹ siết mạnh hơn lệnh trừng phạt Triều Tiên
Ngày 10-2 thượng viện Mỹ đã bỏ phiếu nhất trí 100% thông qua các lệnh trừng phạt kinh tế mở rộng áp lên CHDCND Triều Tiên.
Thượng viện Mỹ đã thống nhất thông qua việc siết thêm lệnh trừng phạt kinh tế với Triều Tiên sau một loạt hành vi khiêu khích vừa qua - Ảnh: AP
Những lệnh trừng phạt phía Mỹ siết thêm lên CHDCND Triều Tiên nhằm đáp trả những hành động khiêu khích gần đây của quốc gia này bao gồm thử bom hạt nhân và phóng tên lửa tầm xa.
Theo đó, lệnh trừng phạt này sẽ áp lên với bất cứ cá nhân hay tổ chức nào có hành vi nhập khẩu hàng hóa, công nghệ hay đào tạo có liên quan tới các loại vũ khí hủy diệt hàng loạt hoặc liên quan tới hoạt động xâm phạm nhân quyền.
Nó cũng đồng thời gia tăng thêm áp lực tài chính với chính quyền của nhà lãnh đạo Kim Jong-un khi tập trung cắt giảm hoạt động rửa tiền và buôn bán ma túy, hai hoạt động phi pháp được cho là mang về cho gia tộc họ Kim nhiều triệu USD.
Hai thượng nghị sỹ đảng Cộng hòa Ted Cruz và Marco Rubio đều phải tạm dứt khỏi chiến dịch tranh cử tổng thống để trở về Washington tham gia bỏ phiếu việc trưng phạt CHDCND Triều Tiên.
Chủ tịch Hạ viện Mỹ Paul Ryan nói: “Chính quyền độc tài này (Triều Tiên) phải hiểu rằng hành động của họ phải gánh chịu hậu quả. Việc thử tên lửa tầm xa khiêu khích của CHDCND Triều Tiên cuối tuần qua cho thấy rõ nhu cầu cần phải gia tăng áp lực đối với quốc gia không bình thường này và Mỹ sẽ sát cánh với các nước đồng minh chống lại sự gây hấn đó”.
CHDCND Triều Tiên từng phải đối mặt với một loạt các lệnh trừng phạt của Mỹ và quốc tế sau các lần thử bom hạt nhân trước vào các năm 2006, 2009 và 2013.
Đánh bom liều chết ở Nigeria, 58 người thiệt mạng
Hai kẻ đánh bom liều chết là phụ nữ đã tự kích nổ trong một khu trại dành cho người tị nạn ở Nigeria làm 58 người thiệt mạng.
Những người phụ nữ và trẻ em đang đứng nhìn các ngôi nhà cháy tan hoang sau vụ tấn công của lực lượng Boko Haram tại ngôi làng Dalori cách Maiduguri khoảng 5 km ngày 31-1-2016 - Ảnh: AP
Theo AFP, nguồn tin từ cơ quan cứu nạn khẩn cấp Nigeria ngày 10-2 cho biết, khu trại bị tấn công là nơi dành cho những người dân phải rời bỏ nhà cửa, trốn chạy khỏi sự tàn sát của nhóm nổi dậy Hồi giáo cực đoan Boko Haram ở đông bắc Nigeria.
Vụ tấn công xảy ra vào rạng sáng ngày thứ ba, 9-2, tại Dikwa, cách thành phố Maiduguri, thủ phủ của bang Borno 90 km và được cho là đòn trả thù của nhóm khủng bố về đợt trấn áp tuần trước của quân đội chính phủ nhằm vào các căn cứ của Boko Haram tại khu vực này.
Vụ việc thêm một lần nữa làm dấy lên những lo sợ về sự an toàn của những người dân thường phải di tản trong nội bộ Nigeria và dồn thêm áp lực với chính phủ trong công cuộc trấn áp những kẻ khủng bố Hồi giáo cực đoan.
Phó tổng thống Nigeria, Yemi Osinbajo, người đảm nhiệm công việc thay cho tổng thống Muhammadu Buhari đang trong thời gian đi nghỉ, cho rằng, cuộc tấn công vừa rồi là hành động của những kẻ khủng bố vô lương tâm nhằm vào các nạn nhân chính là những người phải chạy trốn khỏi các ngôi nhà bị bọn chúng phá hủy trước đó.
Ông Yemi Osinbajo cam kết sẽ truy lùng và trừng phạt những kẻ đứng sau vụ tấn công, đồng thời tăng cường lực lượng bảo vệ an ninh tại các khu trại dành cho người tị nạn để ngăn không tái diễn các sự việc tương tự thời gian tới.
Người đứng đầu cơ quan cứu hộ khẩn cấp của bang Borno, Satomi Ahmed, cho biết đã đưa được 35 thi thể người bị nạn ra khỏi khu lều trại là nơi ở của khoảng 53.600 người tị nạn. Ngoài số người thiệt mạng còn 78 người khác bị thương.
Những người thiệt mạng khác đã được mai táng ngay tại địa phương. Ông Satomi Ahmed cho biết: “Đã có 3 người phụ nữ gài bom theo người cải trang thành người tị nạn đi vào khu lều trại vào khoảng 6g30’ (tức 12g30’giờ Việt Nam) sáng ngày 9-2”.
“Hai người trong số họ tự kích nổ. Người thứ ba không kích nổ khi nhận ra cha mẹ và anh chị em của người này đang có mặt trong trại. Cô này tự nguyện đầu thú”
Ông Ahmed cho biết người phụ nữ đầu thú đã nói lý do vì sao cô ấy không kích nổ bom với nhà chức trách, đồng thời cảnh báo họ về các cuộc tấn công tiếp theo đã được lực lượng Boko Haram lên kế hoạch tiến hành trong khu vực.