Tổng thống Putin cách chức 10 tướng Nga
Mỹ: 46 quản giáo nhà tù bị bắt vì nhận hối lộ
Tổng thống Myanmar không dự cuộc họp ASEAN - Mỹ
Vì sao lệnh cấm vận Triều Tiên không 'ép phê'?
Triều Tiên đưa quân vào khu công nghiệp Hàn Quốc
Tin thế giới đọc nhanh tối 12-02-2016
- Cập nhật : 12/02/2016
Hội nghị Mỹ - ASEAN tập trung thảo luận vấn đề biển Đông
Ngày 12-2, Nhà Trắng thông báo hội nghị Mỹ - ASEAN ở Sunnylands, California ngày 15 và 16-2 sẽ tập trung thảo luận tình hình an ninh biển Đông, đặc biệt là việc Trung Quốc xây các đảo nhân tạo trái phép.
Theo thông cáo báo chí của Nhà Trắng, ông Ben Rhodes, phó cố vấn an ninh quốc gia Mỹ, khẳng định hội nghị là tín hiệu cho thấy Mỹ rất coi trọng ASEAN, muốn tăng cường hợp tác với các quốc gia Đông Nam Á vì lợi ích chung.
“Hội nghị sẽ thảo luận nhiều vấn đề an ninh quan trọng. Một trong số đó là tình hình an ninh hàng hải trên biển Đông. Đây sẽ là cơ hội để các nhà lãnh đạo thảo luận các sự kiện gần đây trên biển Đông, trong đó có các chuyến bay thử nghiệm (của Trung Quốc) trên Đá Chữ Thập” - ông Rhodes cho biết.
“Mỹ sẽ nhấn mạnh tầm quan trọng của việc giải quyết tranh chấp lãnh thổ theo luật pháp và thông lệ quốc tế, chứ không phải theo kiểu nước lớn bắt nạt nước nhỏ. Tất cả mọi người đều đồng ý rằng cần phải tránh hành vi leo thang căng thẳng hoặc quân sự hóa biển Đông” - ông Rhodes nhấn mạnh.
Theo phó cố vấn an ninh quốc gia Mỹ, chính quyền Washington muốn đảm bảo quyền tự do hàng hải trên biển Đông, giải quyết tranh chấp một cách hòa bình theo luật pháp quốc tế.
“Tôi cho rằng Tổng thống Barack Obama sẽ tiếp tục kêu gọi các nước đòi chủ quyền trên biển Đông dừng bồi lấn và xây đảo nhân tạo trái phép, ngừng xây dựng các cơ sở và quân sự hóa biển Đông” - ông Rhodes nói.
Trong cuộc họp báo tại Washington D.C sau đó, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Daniel Russel cảnh báo nếu các quốc gia ở châu Á không đòi chủ quyền và lợi ích phù hợp với luật pháp quốc tế, cả khu vực sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Các quan chức Mỹ cũng cho biết tại Sunnylands, các nhà lãnh đạo Mỹ và ASEAN cũng sẽ thảo luận nhiều vấn đề quan trọng của khu vực như Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), các nỗ lực chống khủng bố, môi trường, vấn đề hạt nhân CHDCND Triều Tiên
Donald Trump muốn mượn tay Trung Quốc giết Kim Jong–un?
Ứng viên tổng thống Mỹ của Đảng Cộng hòa Donald Trump được biết đến với chính sách ngoại giao lạ lùng nhưng phát biểu gần đây của ông khiến ngay cả các nhà ngoại giao cứng rắn nhất cũng phải rùng mình.
Trong cuộc phỏng vấn của đài CBS hôm 10-2, ông Trump nói bóng gió rằng ông muốn thấy nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un “biến mất” và sẽ “mượn tay” Trung Quốc để làm việc này.
“Tôi sẽ khiến Trung Quốc làm cho anh chàng đó biến mất bằng cách này hoặc cách khác rất nhanh chóng. Anh chàng này là một anh chàng xấu xa và không được đánh giá thấp anh ta. Một người tiếp nhận quyền lực từ cha mình và điều khiển rất nhiều tướng lĩnh thì không thể xem thường” - ông Trump nói.
Tỉ phú Mỹ không trực tiếp thừa nhận làm cho ông Kim “biến mất” có phải là muốn ám sát ông ta hay không mà chỉ trả lời: “Tôi đã nghe nói về những điều tồi tệ hơn, thẳng thắn mà nói”.
Điều kiện để ông Trump thực hiện được kế hoạch nói trên là ông phải đắc cử tổng thống Mỹ vào tháng 11 tới. Lý giải cho kế hoạch có phần “điên rồ” này, ứng viên Đảng Cộng hòa khẳng định Trung Quốc đã kiểm soát Triều Tiên và Mỹ đã kiểm soát Trung Quốc nên tất nhiên tổng thống Mỹ có thể dàn xếp để ông Kim “biến mất”.
Thêm vào đó, ông cũng ủng hộ chiến dịch ném bom ở Syria, xây tường ở biên giới Mỹ - Mexico để ngăn người nhập cư từ nước láng giềng và tái củng cố quan hệ với Israel.
Ông Trump gần đây giành chiến thắng trong cuộc bỏ phiếu ở bang New Hampshire và được đài CBS đề nghị phỏng vấn để hỏi về biện pháp đối phó với vấn đề hạt nhân Triều Tiên.
Quá tốn kém cho cựu tổng thống Pháp
Ba cựu tổng thống Pháp - Jacques Chirac, Nicolas Sarkozy và Valéry Giscard d'Estaing - mỗi năm tiêu tốn đến 6,2 triệu euro tiền đóng thuế của người dân nước này, theo website điều tra Mediapart.
Ông Jacques Chirac tiếp tục được hưởng 1,5 triệu euro trong khi ông Nicolas Sarkozy nhận 2,2 triệu euro, còn ông Valéry Giscard d'Estaing được chi 2,5 triệu euro.
Từ trái qua: Các cựu tổng thống Pháp Jacques Chirac, Nicolas Sarkozy và Valéry Giscard d'Estaing. Ảnh: REX
Ông Chirac, 83 tuổi, là tổng thống Pháp từ năm 1995 - 2007 và là thủ tướng 2 lần vào các thập niên 1970 và 1980, hiện đang được chi tiền từ chuyện giặt ủi đến trả thù lao cho đội ngũ nhân viên của ông.
Ông Sarkozy, 61 tuổi, điều hành nước Pháp trong khoảng thời gian 2007 – 2012, hiện có 26 đường dây điện thoại, chi phí cho xe cộ gần 7.000 euro, gần 400.000 euro tiền trả lương cho nhân viên, 226.290 euro/năm cho các văn phòng của ông…
Ông Giscard, 90 tuổi, lãnh đạo nước Pháp từ năm 1974 - 1981, vẫn nhận 5.000 euro/năm tiền xăng và 10.571 euro tiền đăng ký báo.
Trong khi đó, các cựu thủ tướng Pháp cũng được “chăm sóc” tốt, chẳng hạn: ông Alain Juppé năm 2014 đã nhận được khoản tiền cao nhất 102.171 euro.
Kế tiếp đó là ông Dominique de Villepin, với 96.000 euro trong năm 2015, trong đó có 40.000 euro tiền lương tài xế, mặc dù bản thân ông này đã kiếm được 1,8 triệu euro trong năm 2015 ở cương vị luật sư quốc tế
CIA khẳng định IS đã dùng vũ khí hóa học
Ngày 12-2, Giám đốc Cơ quan Tình báo trung ương Mỹ (CIA) John Brennan cảnh báo nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) đã sử dụng vũ khí hóa học và có khả năng sản xuất các chất độc như chlorine và khí mù tạt.
Hai thành viên nhóm điều tra Liên Hiệp Quốc thu thập chứng cứ của một vụ tấn công bằng vũ khí hóa học ở Ain Terma, Syria - Ảnh: Washington Times
Trên kênh truyền hình CBS News, ông Brennan cho biết: “Chúng tôi biết có một số trường hợp phiến quân IS đã sử dụng đạn dược hóa học trên chiến trường”. Ông khẳng định IS hiện đã làm chủ năng lực sản xuất lượng nhỏ khí mù tạt và chlorine.
“Có nhiều bằng chứng cho thấy IS có nguồn cung vũ khí hóa học” - ông Brennan nhấn mạnh.
Giám đốc CIA báo động nguy cơ IS dùng vũ khí hóa học để tấn công phương Tây. “Luôn có nguy cơ đó. Do đó chúng ta phải cắt các tuyến đường giao thông và buôn lậu mà chúng đã sử dụng” - ông Brennan giải thích.
Phóng viên CBS News đặt câu hỏi quân đội Mỹ có triển khai lực lượng ở Trung Đông để tìm kiếm các kho vũ khí hóa học của IS hay không. Ông Brennan trả lời: “Tình báo Mỹ đang chủ động tham gia vào các nỗ lực tiêu diệt IS và tìm kiếm những gì chúng sở hữu ở Syria và Iraq”.
Hai ngày trước đó, Giám đốc tình báo quốc gia Mỹ James Clapper cũng xác nhận IS đã sử dụng một số chất độc hóa học ở chiến trường Syria và Iraq, bao gồm khí mù tạt sulfur. Ông Clapper mô tả đây là lần đầu tiên kể từ vụ tấn công bằng chất độc thần kinh sarin ở Tokyo (Nhật) năm 1995, một nhóm cực đoan có khả năng sản xuất và sử dụng vũ khí hóa học.
Năm ngoái, các quan chức khu tự trị người Kurd ở Iraq tiết lộ các xét nghiệm máu cho thấy phiến quân IS dùng khí mù tạt để tấn công lực lượng người Kurd hồi tháng 8. Ít nhất 35 binh sĩ người Kurd bị thương, một số được đưa ra nước ngoài để chữa trị.
Khí mù tạt gây các triệu chứng như đau và bỏng mắt, thậm chí bị mù, da nổi mẩn đỏ, chảy máu mũi, cổ họng đau rát, khó thở, ho, đau xoang, đau bụng, tiêu chảy, nôn mửa, chóng mặt, sốt cao… Tiếp xúc với khí mù tạt liều cao có thể dẫn đến chết người. Khí mù tạt cũng gây biến đổi gen và bệnh ung thư
Thổ Nhĩ Kỳ dọa đẩy hàng triệu người tị nạn vào châu Âu
Ngày 12-2, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đe dọa sẽ đẩy hàng triệu người di cư và tị nạn vào các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU). Trong khi đó, NATO đồng ý hỗ trợ giải quyết khủng hoảng.
Theo AFP, trong bài phát biểu ở thủ đô Ankara, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Erdogan lên án chính sách của phương Tây trong cuộc khủng hoảng di cư và tị nạn lịch sử.
Hiện tại Thổ Nhĩ Kỳ đã đón tiếp khoảng 3 triệu người. Tuy nhiên EU và Liên Hiệp Quốc vẫn đang gây sức ép đòi nước này nhận thêm hàng chục nghìn người tị nạn Syria bỏ chạy khỏi vùng Aleppo bị chiến tranh tàn phá.
Phản ứng lại, ông Erdogan khẳng định Thổ Nhĩ Kỳ hoàn toàn có quyền đẩy người di cư và tị nạn ra khỏi lãnh thổ nước mình. “Chúng tôi không có chữ “kẻ ngu ngốc” in trên trán. Chúng tôi sẽ kiên nhẫn nhưng sẽ làm những gì cần thiết” - ông Erdogan nhấn mạnh.
Dọa mở cửa biên giới
Trước đó ông Erdogan đã nói thẳng với Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jean Claude Juncker rằng Thổ Nhĩ Kỳ không e ngại đẩy hàng triệu người di cư và tị nạn vào châu Âu. “Chúng tôi có thể mở cửa biên giới với Hi Lạp và Bulgaria bất kỳ lúc nào và chất người tị nạn lên xe buýt” - ông Erdogan cảnh báo ông Juncker khi đó.
“Tôi tự hào với những gì mình đã nói. Chúng tôi đã bảo vệ quyền lợi của Thổ Nhĩ Kỳ và của người tị nạn. Chúng tôi nói với châu Âu rằng xin lỗi, chúng tôi sẽ mở cửa biên giới và tạm biệt người tị nạn” - ông Erdogan khẳng định trong bài phát biểu ở Ankara.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ cũng chỉ trích LHQ đòi nước này đón hàng chục nghìn người tị nạn Syria đang tập trung ở khu vực biên giới. “Các người thật đáng xấu hổ. Tại sao LHQ không yêu cầu các nước tiếp nhận người tị nạn từ Thổ Nhĩ Kỳ” - ông Erdogan bức xúc.
Ông Erdogan cho biết đến nay Thổ Nhĩ Kỳ đã chi 9 tỷ USD để đón nhận người tị nạn kể từ khi nội chiến Syria nổ ra. Gần ba tháng trước EU đồng ý hỗ trợ Thổ Nhĩ Kỳ 3 tỷ euro, nhưng đến nay Ankara vẫn chưa nhận được đồng nào.
“Số tiền ba tỷ euro đó không được đưa vào ngân sách của chúng tôi - ông Erdogan giải thích - Số tiền đó là để chi cho người tị nạn”.
NATO đưa tàu chiến đến biển Aegean
Trong khi đó, NATO cho biết đã triển khai các tàu chiến đến biển Aegean để hỗ trợ Thổ Nhĩ Kỳ và Hi Lạp triệt phá các băng đảng tội phạm đưa người vào châu Âu theo đề xuất của Đức, Thổ Nhĩ Kỳ và Hi Lạp. “Chúng tôi đang đưa tàu chiến tới địa điểm thích hợp” - tư lệnh NATO Philip Breedlove tuyên bố.
Theo kế hoạch này, các tàu NATO sẽ đưa người tị nạn trở lại Thổ Nhĩ Kỳ khi tìm thấy họ trên mặt biển. Các tàu chiến của NATO sẽ phối hợp với cảnh sát biển Thổ Nhĩ Kỳ và Hi Lạp cùng cơ quan biên giới châu Âu Frontex.
Lực lượng NATO cũng sẽ giám sát khu vực biên giới trên bộ giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Syria để truy lùng các băng đảng buôn người. “Hiện có một tổ chức tội phạm khổng lồ đang lợi dụng những người di cư nghèo khổ. Mục tiêu của chúng tôi là triệt phá chúng” - Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter khẳng định.
Thông tin tình báo mà NATO thu thập được về các băng đảng buôn người sẽ được chuyển giao cho cảnh sát biển Thổ Nhĩ Kỳ. Các tàu của Hi Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ sẽ chỉ hoạt động trong vùng lãnh hải của từng nước.