Các nhà nghiên cứu chính sách Mỹ và Nhật Bản vừa công bố khuyến nghị liên minh hai cường quốc đẩy mạnh quan hệ quân sự với Đông Nam Á.
Tin thế giới đọc nhanh 12-07-2016
- Cập nhật : 12/07/2016
Thủ tướng Anh Cameron tuyên bố rời nhiệm sở vào 13/7
Ông David Cameron cho biết ứng viên duy nhất còn lại Theresa May có thể thay thế vị trí của ông vào tối thứ 4.
"Chúng ta sẽ có tân thủ tướng tại tòa nhà phía sau tôi vào tối 13/7", AFPhôm nay dẫn lại lời ông Cameron nói bên ngoài dinh thự của mình.
Theresa May vừa trở thành ứng viên duy nhất cho vị trí thủ tướng Anh, sau khi đối thủ là Andrea Leadsom tuyên bố rút lui. Bà Leadsom cho biết ủng hộ bà May để tiến trình Anh rời khỏi EU được thực hiện nhanh.
Theo lịch trình, ông Cameron sẽ tổ chức phiên chất vấn cuối cùng tại Quốc hội vào ngày 13/7, rồi đến chào Nữ hoàng Elizabeth II để từ chức.
Ông Cameron cuối tháng trước cho biết ông sẽ từ chức vào tháng 10, khi "có một thủ tướng mới vào lúc hội nghị đảng Bảo thủ cầm quyền bắt đầu". Tuyên bố này được đưa ra sau khi đa số người dân Anh chọn rời khỏi EU. Ông Cameron, có lập trường thân EU và nghiêng về ở lại liên minh, nói ông đã "chiến đấu bằng cả con tim và khối óc nhưng người dân đã chọn hướng đi khác".
Triều Tiên cảnh báo có “hành động vật chất” chống THAAD
Hãng thông tấn Yonhap của dẫn nguồn tin Hãng Thông tấn Trung ương Triều Tiên (KCNA) ngày 11/7 cho biết, Bình Nhưỡng đã lên tiếng cảnh báo rằng họ sẽ có “hành động vật chất” chống lại Hàn Quốc và Mỹ do hai nước đồng minh này đã quyết định triển khai một Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) ở Hàn Quốc.
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un (phải) quan sát vụ thử tên lửa đạn đạo chiến lược đất đối đất tầm trung Hwasong-10. Ảnh: Yonhap/TTXVN
KCNA dẫn tuyên bố của quân đội Triều Tiên nêu rõ: “CHDCND Triều Tiên sẽ có hành động vật chất để kiểm soát hoàn toàn THAAD... ngay khi vị trí và địa điểm của nó được xác định ở Hàn Quốc... Quân đội của chúng ta sẵn sàng tấn công không thương tiếc vào kẻ thù và biến chúng thành một biển lửa nếu chúng ta nhận được lệnh ngay giờ phút này”.
Đây là phản ứng đầu tiên của Triều Tiên đối với quyết định của Hàn Quốc và Mỹ ngày 8/7 về việc triển khai hệ thống THAAD ở Hàn Quốc, nơi hiện có khoảng 28.500 binh sỹ Mỹ đang đồn trú.
Vào ngày 9/7, Triều Tiên đã phóng thử một quả tên lửa đạn đạo từ tàu ngầm (SLBM) ở bờ biển phía Đông và Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Han Min-koo 1 ngày sau đó cho biết THAAD có khả năng đánh chặn loại tên lửa này của Triều Tiên.
Siêu bão Nepartak gây thiệt hại nặng tại Trung Quốc
Cơ quan khí tượng thủy văn Trung Quốc cho biết, trong hai ngày 9 và 10-7, siêu bão Nepartak đổ bộ vào các tỉnh ở khu vực miền Đông như: Phúc Kiến, Giang Tây, Tứ Xuyên và Chiết Giang với lượng mưa đạt 300mm tại một số khu vực. Trong đó, Phúc Kiến là tỉnh đầu tiên tại Trung Quốc bị cơn bão tấn công.
Theo Cơ quan khí tượng thủy văn tỉnh Phúc Kiến, chiều qua, bão Nepartak đã đổ bộ vào thành phố Thạch Sư, phía Đông Nam tỉnh này với sức gió lên tới 100km/giờ.
Hơn 420.000 người dân đã phải sơ tán khẩn cấp. 5 sân bay đã bị đóng cửa, gần 400 chuyến bay bị hủy, hơn 340 chuyến tàu cao tốc phải dừng hoạt động. Toàn bộ dịch vụ vận chuyển hành khách đường hàng không và tàu biển giữa tỉnh Phúc Kiến và Đài Loan qua eo biển cũng bị ngừng.
Một số khu vực vùng sâu vùng xa bị cắt điện đề phòng các sự cố nguy hiểm. Chính quyền địa phương đã yêu cầu các tàu thuyền trên biển ngay lập tức quay về bờ trú ẩn, đồng thời triển khai 66 tàu kéo cùng 3 trực thăng để hỗ trợ ngư dân.
Một người dân tại huyện Vĩnh Xuân, tỉnh Phúc Kiến cho biết: "Điều duy nhất chúng tôi có thể làm là để ngăn nước bằng những bao cát. Nhưng với một cơn bão mạnh như vậy thì mọi cố gắng mang lại hiệu quả rất ít. Khi chặn chỗ này thì nước lại vào chỗ khác”.
Thành phố Phủ Điền của tỉnh Phúc Kiến đã có mưa lớn với lượng mưa ước tính hơn 250mm, khiến chính quyền địa phương phải ban bố báo động đỏ. Mưa lớn đã gây sạt lở đất và làm sập nhiều tòa nhà tại các khu vực đồi núi. Lực lượng cứu hộ đã cứu được 43 người bị mắc kẹt trong các tòa nhà bị ngập lụt.
Tại thành phố Mân Hầu, hơn 1.000 người dân đã bị mắc kẹt sau khi nước lũ tràn về đây. Lực lượng cứu hộ đã cố gắng triển khai công tác cứu hộ trong điều kiện nước lũ chảy xiết.
Một nhân viên cứu hộ địa phương nói: "Dòng nước lũ chảy xiết khiến động cơ của thuyền cứu hộ dường như cũng không đủ mạnh, hoặc quá khó để kiểm soát phương hướng. Cho đến nay chúng tôi đã sơ tán nhiều người dân đến nơi an toàn. Tuy nhiên, điều chúng tôi lo ngại là trong thành phố có nhiều tòa nhà cũ xây dựng hàng thập kỷ trước, trong điều kiện nước lũ mạnh thế này rất có thể gây ra sự cố sập nhà”.
Cơ quan khí tượng thủy văn tỉnh Phúc Kiến dự báo cơn bão Nepartak mang theo mưa to và gió lớn có thể gây ảnh hưởng toàn tỉnh này.
Dự kiến, cơn bão sẽ tiến vào khu vực trung tâm miền Đông Trung Quốc gây lũ lụt nghiêm trọng, đặc biệt là tại thành phố Vũ Hán./
Báo Trung Quốc 'kêu oan' trước thềm phán quyết Biển Đông
Tờ People's Daily hôm nay đăng bài xã luận cho rằng Bắc Kinh "là nạn nhân" trong tranh chấp Biển Đông, khi Tòa Trọng tài sắp phán quyết.
Trên trang nhất của tờ People's Daily, cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc, tác giả bài viết cho rằng vụ kiện mà Philippines đưa ra là một "âm mưu bên ngoài nhằm làm suy yếu và làm bẽ mặt Bắc Kinh", theoWashington Post.
"Thực tế đã chứng minh rõ rằng vụ kiện Biển Đông là một cái bẫy nhắm vào Trung Quốc, do Mỹ kích động và tác động, Philippines đi đầu và hợp tác với tòa trọng tài", bài báo biện minh.
Với mục đích lôi kéo người đọc chú ý tới "sự bẽ mặt quốc gia", bài xã luận cho rằng Trung Quốc đang trỗi dậy, "nhưng những lần bị những kẻ thù bên ngoài xâm lược và các thế lực bá chủ bắt nạt trong hơn một thế kỷ là ký ức không thể xóa được của người Trung Quốc".
Tác giả bài báo cũng cho rằng thách thức của Bắc Kinh là "đáp trả phán quyết theo cách bảo đảm chủ nghĩa dân tộc, nhưng cũng phải đảm bảo hòa bình".
Tòa trọng tài theo phụ lục VII Công ước Luật biển năm 1982 của Liên Hợp Quốc (UNCLOS) chiều mai sẽ ra phán quyết về vụ kiện do Philippines đưa ra từ 2013.
Triều Tiên cắt mọi liên lạc với Mỹ, quay về 'thời chiến'
Triều Tiên sẽ đóng mọi kênh liên lạc với Mỹ và sẽ đối xử với phạm nhân Mỹ đang bị giam giữ tại Triều Tiên theo luật thời chiến, hãng thông tấn KCNA đưa thông báo của chính phủ Triều Tiên ngày 11-7.
Vài giờ trước đó Triều Tiên đe doạ sẽ có hành động phản pháo bạo lực nếu Mỹ và Hàn Quốc triển khai hệ thống tên lửa phòng thủ THAAD ở bán đảo Triều Tiên.
Theo KCNA, ngày 10-7 Triều Tiên đã thông báo với chính phủ Mỹ về quyết định sẽ đóng kênh ngoại giao của mình với Mỹ ở LHQ có trụ sở ở TP New York (Mỹ), như là một phần của các biện pháp trả đũa Mỹ trừng phạt Triều Tiên. Mỹ và Triều Tiên không có quan hệ ngoại giao, tuy nhiên phái đoàn ngoại giao của Triều Tiên tại LHQ hoạt động như một kênh thông tin giữa hai nước.
Triều Tiên cũng sẽ dùng luật thời chiến đối xử với các phạm nhân là công dân Mỹ đang bị giam giữ ở Triều Tiên. Theo trang tin quân sự Stars and Stripes (Mỹ) điều này sẽ làm phức tạp hơn các nỗ lực tìm kiếm tự do cho các công dân Mỹ bị giam ở Triều Tiên.
Hiện có hai công dân Mỹ đang bị giam ở Triều Tiên, đó là hai ông Kim Dong-chul và Otto Warmbier, bị tuyên án hàng năm lao động khổ sai vì các tội danh hoạt động gián điệp, chống phá nhà nước Triều Tiên.
Căng thẳng giữa Mỹ, Hàn Quốc và Triều Tiên gia tăng cao trong những ngày gần đây, đặc biệt sau khi Mỹ trừng phạt lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un cùng một số quan chức Triều Tiên cấp cao vì vi phạm nhân quyền cũng như và tuyên bố sẽ triển khai hệ thống tên lửa phòng thủ THAAD ở bán đảo Triều Tiên.
Triều Tiên cũng chỉ trích Hàn Quốc cho phép Mỹ triển khai hệ thống tên lửa THAAD vào lãnh thổ mình “Triều Tiên một lần nữa cảnh cáo các kẻ thù rằng quân đội Triều Tiên sẽ không chần chừ đưa Hàn Quốc vào biển lửa và tan hoang.”
Bộ Quốc phòng Hàn Quốc tuyên bố sẵn sàng đáp trả. “Trước khi lên tiếng chỉ trích việc triển khai hệ thống tên lửa THAAD, Triều Tiên cần nhận ra ai mới là kẻ phải chịu trách nhiệm vì đưa hoà bình và an ninh của bán đảo Triều Tiên vào vòng rủi ro.”, Stars and Stripes dẫn lời người phát ngôn Bộ Quốc phòng Hàn Quốc Moon Sang-gyun.
“Nếu cứ tiếp tục những cáo buộc vô căn cứ và có hành động vội vàng, Triều Tiên sẽ phải nhận lãnh phản ứng nghiêm khắc của quân đội Hàn Quốc.”, ông Moon Sang-gyun cảnh báo.
Trong cuộc họp nội các ngày 11-7, Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye khẳng định đây chỉ là biện pháp phòng vệ đơn thuần.
“Hệ thống tên lửa THAAD sẽ không nhắm vào nước nào khác ngoài Triều Tiên và sẽ không làm hại quyền lợi an ninh của bất kỳ nước thứ ba nào. Chúng tôi không có lý do gì để làm thế.”, hãng tin Yonhap (Hàn Quốc) dẫn lời bà Park Geun-hye.
Tuy nhiên Trung Quốc, đồng minh Triều Tiên phản đối mạnh việc triển khai hệ thống tên lửa THAAD ở bán đảo Triều Tiên. Theo Stars and Stripes, có thể Trung Quốc lo ngại Mỹ sẽ dùng hệ thống radar để theo dõi các hoạt động quân sự của Trung Quốc.
Phía Hàn Quốc cho biết sẽ sớm thông báo địa điểm và thời gian triển khai hệ thống tên lửa THAAD, hy vọng hệ thống sẽ đi vào hoạt động vào cuối năm 2017.(PLO)