tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin thế giới đọc nhanh 12-05-2016

  • Cập nhật : 12/05/2016

Hàn Quốc bác khả năng đối thoại với Triều Tiên

Bộ trưởng Thống nhất Hàn quốc cho rằng hiện tại chưa phải lúc đối thoại với Triều Tiên.

bo truong thong nhat han quoc hong yong-pyo.

Bộ trưởng Thống nhất Hàn quốc Hong Yong-pyo.

Hãng thông tấn Yonhap dẫn lời Bộ trưởng Thống nhất Hàn Quốc Hong Yong-pyo cho rằng thời điểm hiện tại không phải lúc nói về đối thoại với Triều Tiên, đồng thời nhấn mạnh rằng việc thực thi các biện pháp trừng phạt đối với Bình Nhưỡng do các hoạt động hạt nhân và tên lửa của nước này là cách tiếp cận đúng đắn.

Phát biểu tại cuộc họp của một ủy ban thuộc Quốc hội Hàn Quốc, ông Hong Yong-pyo cho biết : “Tôi rất nghi ngờ về khả năng các cuộc đối thoại như vậy có thể dẫn đến hòa bình.”

Tuyên bố của ông Hong được đưa ra sau khi có những ý kiến cho rằng khả năng đối thoại liên Triều có thể được bắt đầu sau khi đại hội lần thứ 7 của Đảng Lao động Triều Tiên vừa kết thúc ngày 9/5 vừa qua.

Bộ trưởng Thống nhất Hàn quốc còn nhấn mạnh sự cần thiết của việc tiếp tục áp đặt các biện pháp trừng phạt và gây áp lực với Bình Nhưỡng nhằm hạn chế “nguy cơ” Triều Tiên tiếp tục có những động thái nhằm thúc đẩy các chương trình hạt nhân của họ.

Cũng theo Bộ trưởng Hong, Triều Tiên đã cho thấy ý định thực sự của họ khi nói về hiệp ước hòa bình tại kỳ Đại hội Đảng Lao động Triều Tiên vừa qua và đưa ra yêu cầu đòi Mỹ rút các binh sỹ khỏi Hàn Quốc.


Nga khởi động toàn phần cầu năng lượng Crimea

Tại cầu liên lạc truyền hình ngày 11/5, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã phát lệnh khởi động luồng thứ tư của cầu năng lượng Crimea.

tong thong nga putin da phat lenh khoi dong luong 4 cua cau nang luong crimea.

Tổng thống Nga Putin đã phát lệnh khởi động luồng 4 của cầu năng lượng Crimea.

"Việc khởi động toàn phần cầu năng lượng dẫn từ Kuban đến bán đảo Crimea đã chấm dứt sự phong tỏa điện năng do các phần tử cực đoan Ukraine gây nên", ông Andrei Kozenko, Phó Chủ tịch Quốc hội Crimea tuyên bố với Sputnik.

"Việc khởi động luồng cầu năng lượng thứ tư là chiến thắng của chúng tôi trước những ai từng tìm cách gây nên các kiểu hành động phong tỏa đối với cư dân Crimea. Xin gửi lời chào tới các nhà dân tộc cực đoan ở bên kia biên giới", ông Kozenko nói.

"Chúng ta đã một lần nữa chứng minh với cả thế giới rằng chúng ta đang sống trong một quốc gia mạnh mẽ và hùng cường, đủ khả năng vượt qua mọi khó khăn do bên ngoài tạo ra", Phó Chủ tịch Quốc hội Crimea nhấn mạnh.

Crimea bị mất điện hoàn toàn vào đêm 22/11 năm ngoái, trụ cột điện bị phá hoại làm tất cả bốn đường dây tải điện từ Ukraine ngừng làm việc. Hai luồng đầu tiên của cầu năng lượng dẫn từ vùng Krasnodar đã được đưa vào vận hành hồi tháng 12 năm ngoái. Luồng thứ ba được khởi động ngày 14/4 năm nay.


Nữ hoàng Anh chê quan chức Trung Quốc 'thô lỗ'

Trò chuyện với một chỉ huy cảnh sát, Nữ hoàng Elizabeth II chê đoàn đại biểu Trung Quốc trong chuyến thăm cấp nhà nước lần đầu tiên đến Anh năm ngoái là "rất thô lỗ".

Trong bữa tiệc tại Cung điện Buckingham ngày 11/5, camera ghi lại cuộc trò chuyện giữa nữ hoàng và chỉ huy cảnh sát London Lucy D’Orsi.

Khi D’Orsi được giới thiệu là nữ cảnh sát phụ trách an ninh trong chuyến thăm cấp nhà nước hồi tháng 10/2015 của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, nữ hoàng đã ngay lập tức nói rằng "thật là điều không may".

"Tôi không chắc liệu nữ hoàng có biết hay không, nhưng đó là một khoảng thời gian thử thách đối với tôi", D’Orsi nói.

"Tôi biết", Guardian dẫn lời nữ hoàng đáp lại.

chu tich trung quoc tap can binh cung phu nhan banh le vien chup anh chung voi nu hoang elizabeth ii trong chuyen tham anh nam 2015. anh: telegraph

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cùng phu nhân Bành Lệ Viện chụp ảnh chung với Nữ hoàng Elizabeth II trong chuyến thăm Anh năm 2015. Ảnh: Telegraph

Nữ chỉ huy cảnh sát kể lại lúc các quan chức Trung Quốc bước ra khỏi toà nhà Lancaster và nói rằng chuyến thăm đã kết thúc. Họ đều bước đi ngay trước Đại sứ Anh tại Trung Quốc, bà Barbara Woodward.

"Họ rất thô lỗ với đại sứ. Thật kỳ quặc", Guardian dẫn lời Nữ hoàng Elizabeth.

"Thật thô lỗ và không đúng phép tắc ngoại giao, tôi nghĩ vậy", nữ cảnh sát nói. 

Đại sứ quán Anh tại Bắc Kinh từ chối đưa ra bình luận về việc các quan chức Trung Quốc được cho là đã hành xử không đúng mực với nữ đại sứ cũng như tác động đến mối quan hệ hai nước. 

Trong khi đó, người phát ngôn của điện Buckingham cho biết: "Chuyến thăm cấp nhà nước của Trung Quốc rất thành công và các bên đã làm việc chặt chẽ với nhau để đảm bảo nó diễn ra suôn sẻ.

Trung Quốc hiện chưa đưa ra bình luận về lời chê của nữ hoàng. 

Ông Tập Cận Bình có chuyến thăm cấp nhà nước đến Anh từ ngày 20 đến 23/10 năm ngoái. Đây là chuyến thăm cấp nhà nước đầu tiên của một chủ tịch Trung Quốc đến nước này kể từ năm 2005.

Chuyến thăm được ca ngợi là mở ra một tương lai tươi sáng trong quan hệ hai nước. Trong chuyến công du, ông Tập từng ăn tối và uống bia cùng Thủ tướng Anh David Cameron. Chủ tịch Trung Quốc nói "vô cùng ấn tượng với sức sống của mối quan hệ Trung - Anh".


Bất chấp Nga cảnh báo, Mỹ mở lá chắn tên lửa ở châu Âu

Lá chắn của Mỹ sẽ được kích hoạt dù Nga cảnh báo rằng phương Tây đang đe dọa hòa bình ở Trung Âu.
iran thu nghiem ten lua dan dao vao thang 11/2015. anh: reuters

Iran thử nghiệm tên lửa đạn đạo vào tháng 11/2015. Ảnh: Reuters

Theo Reuters, các quan chức Mỹ và NATO ngày mai sẽ kích hoạt lá chắn phòng thủ tên lửa tại một căn cứ không quân ở Deveselu, Romania, sau nhiều năm lập kế hoạch và đầu tư hàng tỷ USD.

"Giờ chúng ta có khả năng bảo vệ NATO ở châu Âu", ông Robert Bell, phái viên tại NATO của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ash Carter, nói. "Iran đang gia tăng khả năng và chúng ta phải đi trước họ. Hệ thống này không nhằm chống lại Nga", ông nói và cho biết thêm hệ thống sẽ sớm được bàn giao cho NATO.

Mỹ cũng sẽ khởi công xây dựng một công trình thứ hai tại Ba Lan vào ngày 13/5 và dự kiến hoàn thành vào năm 2018, giúp NATO có một lá chắn thường trực, hoạt động 24/24, ngoài các tàu và radar đã được bố trí ở Địa Trung Hải.

Theo Mỹ, mục đích của lá chắn tên lửa là nhằm bảo vệ khu vực Bắc Mỹ và châu Âu trước những quốc gia họ coi là "hiếu chiến" như Iran và Triều Tiên. Mặc dù Tehran đã đạt được thỏa thuận với các cường quốc thế giới về việc hạn chế chương trình hạt nhân, phương Tây tin rằng Iran vẫn tiếp tục phát triển công nghệ tên lửa đạn đạo. Nước này đã thực hiện hai cuộc thử nghiệm vào cuối năm ngoái.

Trong khi đó, Điện Kremlin cho rằng mục đích thực sự của lá chắn tên lửa là nhằm vô hiệu hóa kho vũ khí hạt nhân của Moscow đủ lâu để Mỹ có thể tấn công Nga trước, trong trường hợp chiến tranh nổ ra.

Lá chắn hoạt động dựa trên các radar có thể phát hiện các vụ phóng tên lửa đạn đạo vào không gian. Cảm biến theo dõi sau đó đo quỹ đạo và đánh chặn tên lửa, phá hủy nó trong không gian trước khi nó tái nhập bầu khí quyển của trái đất. Tên lửa đánh chặn có thể được phóng từ tàu hoặc trên đất liền.

Đại sứ Nga tại Đan Mạch một năm trước cảnh báo rằng các tàu chiến Đan Mạch sẽ trở thành mục tiêu cho tên lửa hạt nhân của Nga, nếu Đan Mạch tham gia dự án lá chắn bằng cách cài đặt radar trên các tàu của mình. Đan Mạch đang nâng cấp ít nhất một tàu khu trục nhỏ để có thể cài đặt thiết bị cảm biến tên lửa đạn đạo.

"Các địa điểm phòng thủ tên lửa đạn đạo có thể đặt ra mối đe dọa đến sự ổn định và các tài sản chiến lược của Liên bang Nga", Đại sứ Nga tại NATO, Alexander Grushko, nói hồi tháng trước.

Trong khi đó, Mỹ cho rằng quan điểm của Nga là "hoang tưởng" và chỉ trích Moscow đã phá vỡ các cuộc đàm phán với NATO vào năm 2013, vốn được thiết kế nhằm giải thích cách lá chắn hoạt động.


Thách thức với Tổng thống đắc cử Philippines

Đúng như dự đoán, Thị trưởng Davao Rodrigo Duterte đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống Philippines, sẽ trở thành chủ nhân Điện Malacanang với nhiệm kỳ 6 năm và sẽ phải đối mặt với những thách thức không hề nhỏ cả về đối nội và đối ngoại.

Hiện Philippines là một trong những nước có tỷ lệ bất bình đẳng cao nhất ở châu Á. Tuy tỷ lệ tăng trưởng kinh tế của nước này ở mức khá cao (5,8% năm 2015), nhưng các thành quả tăng trưởng kinh tế chưa được phân phối tới các khu vực nông thôn. Khoảng cách về thu nhập đã và đang là nguồn cơn sinh ra tội phạm.
 
Vì thế, nhiệm vụ của ông Duterte vừa là nỗ lực duy trì thành tích tăng trưởng kinh tế vừa là giải quyết tình trạng bất bình đẳng trong xã hội. Theo dự báo của Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF), nền kinh tế nước này có thể đạt mức tăng trưởng 6,2% trong năm 2016 nhờ sự gia tăng nhu cầu tiêu dùng trong nước, song để những thành tựu đó lan tỏa tới mọi tầng lớp là nhiệm vụ không dễ dàng.
 
Ngoài ra, tình trạng xung đột đòi ly khai ở Mindanao (miền Nam Philippines) kéo dài nhiều thập kỷ qua khiến hơn 150.000 người thiệt mạng cũng là một thách thức lớn. Mặc dù trong nhiệm kỳ vừa qua, chính quyền của Tổng thống Benigno Aquino đã đạt được thỏa thuận với Mặt trận giải phóng Hồi giáo Moro (MILF) để chấm dứt tình trạng bạo lực. Tuy nhiên, đạo luật đã bị chặn lại tại Quốc hội từ nhiều tháng nay và bạo lực tại Mindanao có chiều hướng gia tăng. Về vấn đề này Philippines, ông cam kết nỗ lực đưa các nhóm nổi dậy vào bàn đàm phán để chấm dứt xung đột ở Mindanao.
ong rodrigo duterte phat bieu trong chien dich van dong tranh cu o manila ngay 7/5.

Ông Rodrigo Duterte phát biểu trong chiến dịch vận động tranh cử ở Manila ngày 7/5.

 

Trong khi đó, một thách thức an ninh nữa đến từ các nhóm cực đoan có xu hướng ủng hộ tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, như Abu Sayyaf. Chúng gia tăng các hoạt động khủng bố, mới đây nhất là vụ hành quyết con tin người Canada. IS còn dọa Philippines sẽ là một trong những mục tiêu tấn công của tổ chức này ở khu vực Đông Nam Á.

 
Về vấn đề tội phạm, trong cương lĩnh tranh cử, ông Duterte đã cam kết xóa sạch tội phạm trên toàn quốc trong vòng 6 tháng bằng “bàn tay sắt”, sẵn sàng ra lệnh cho các lực lượng an ninh bỏ qua hệ thống tư pháp không hiệu quả và tiêu diệt hàng chục nghìn tội phạm.
 
Về đối ngoại, ông Duterte sẽ phải đối mặt với bài toán khó là mối quan hệ căng thẳng giữa Philippines và Trung Quốc do tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông. Dưới thời Tổng thống Aquino, Philippines đã nhiều lần lên tiếng chỉ trích các hành động gây hấn của Trung Quốc và thậm chí kiện Trung Quốc lên Tòa án Trọng tài Thường trực tại La Haye (Hà Lan). Dự kiến, tòa sẽ ra phán quyết về vụ kiện này vào tháng 6 tới.
 
Ông Duterte cho biết sẽ xem xét khả năng tổ chức các cuộc đàm phán song phương với Trung Quốc để giải quyết tranh chấp ở Biển Đông nếu các cuộc thảo luận hiện nay không mang lại kết quả. Tuy nhiên, ông cũng không loại trừ việc kêu gọi đàm phán đa phương với sự tham gia của Mỹ, Nhật Bản và các nước có tranh chấp khác. Giới chuyên gia nhận định dù ông Duterte có thể sẽ không tiếp tục chiến lược đối đầu với Trung Quốc như chính phủ tiền nhiệm, nhưng ông cũng sẽ không thay đổi hoàn toàn chính sách với Trung Quốc trong ngắn hạn, nhằm duy trì một chính sách cân bằng với Mỹ và Trung Quốc.
 
Là người chưa có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực đối ngoại, nên việc Philippines sẽ xử lý như thế nào mối quan hệ với các cường quốc, đặc biệt là quan hệ với Mỹ, Nhật Bản và Trung Quốc, là vấn đề được dư luận đặc biệt quan tâm.
 
Có thể nói việc hiện thực hóa những cam kết tranh cử một cách hiệu quả nhằm mang lại một cuộc sống tốt đẹp hơn cho người dân Philippines, giải quyết thỏa đáng vấn đề tranh chấp ở Biển Đông, đồng thời khẳng định được vai trò và vị thế của Philippines trong khu vực và trên trường quốc tế là những nhiệm vụ đầy khó khăn đối với ông Duterte.

(

Tinkinhte

tổng hợp)
Trở về

Bài cùng chuyên mục