Trung Quốc cảnh báo các tay súng Duy Ngô Nhĩ gia tăng ở Indonesia
Mỹ nhắm đến công ty Trung Quốc để trừng phạt Triều Tiên
Sợ khủng bố, Đức đóng cửa cơ quan ngoại giao ở Thổ Nhĩ Kỳ
Ông Hun Sen quyết tâm cải tổ nội các
Tổng thống Obama đề cử thẩm phán Tòa Tối cao
Tin thế giới đọc nhanh chiều 11-05-2016
- Cập nhật : 11/05/2016
Rodrigo Duterte - tân tổng thống Philippines
Ứng viên Rodrigo Duterte hôm 10-5 tuyên bố giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống Philippines sau khi các đối thủ thừa nhận thất bại dù kết quả chính thức vẫn chưa được công bố.
“Người dân Philippines đã lên tiếng, quyết định của họ được chấp nhận và tôn trọng” - ông Sonny Coloma, phát ngôn viên Tổng thống đương nhiệm Benigno Aquino, nhận định về kết quả cuộc bầu cử hôm 9-5. Xem ra cử tri đã phớt lờ cảnh báo của ông Aquino về nguy cơ đất nước trở lại chế độ độc tài nếu ông Duterte đắc cử.
Theo ông Aquino, một kết quả như thế còn có thể đe dọa nền dân chủ Philippines và phí phạm những thành tựu kinh tế đạt được trong 6 năm qua.
Với 22 năm kinh nghiệm làm thị trưởng TP Davao, ông Duterte đã thuyết phục được phần lớn cử tri bằng những cam kết quyết liệt trấn áp nạn tội phạm, loại bỏ tham nhũng và giải quyết tình trạng nghèo đói dai dẳng. Chiến dịch tranh cử của chính khách 71 tuổi này còn xoay quanh vấn đề cải cách kinh tế, phát triển cơ sở hạ tầng, giải quyết tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc ở biển Đông.
Trong quá trình vận động tranh cử, ông Duterte được mệnh danh là “Donald Trump của Philippines” vì có nhiều phát ngôn gây sốc nhưng lại không hé lộ nhiều chi tiết về chính sách của mình.
Dù vậy, ông Peter Lavina, người phát ngôn của ông Duterte, hôm 10-5 cho biết ông này sẽ thúc đẩy việc sửa đổi hiến pháp và chuyển sang mô hình chính quyền liên bang. Phát ngôn viên này nói thêm những chính sách được ông Duterte thực thi trong thời gian làm thị trưởng Davao có thể được mở rộng khắp nước, như cấm uống rượu bia và hát karaoke ồn ào vào ban đêm, ban hành lệnh giới nghiêm đối với người vị thành niên sau 10 giờ tối...
Tuy nhiên, trong bước đi khiến quân đội lo ngại, ông cho rằng phiến quân có thể đóng vai trò trong chính phủ của mình. Về mặt đối ngoại, ông Duterte thừa nhận ông lo lắng về liên minh an ninh với Mỹ.
Ngoài tổng thống, cử tri Philippines còn bầu chọn phó tổng thống, 300 nghị sĩ và 18.000 quan chức địa phương. Đáng chú ý là cuộc đua sít sao giữa 2 ứng viên Ferdinand “Bongbong” Marcos Jr, con trai cố Tổng thống Ferdinand Marcos và nữ luật sư Maria Leonor Robredo cho vị trí phó tổng thống.
Ngoài ra, hạ viện Philippines còn chào đón thành viên nữ chuyển giới đầu tiên - bà Geraldine Roman, 49 tuổi. Một người dùng mạng xã hội Twitter gọi bà Roman là “người hùng” và chiến thắng của bà là dấu hiệu tiến bộ của Philippines.
Ông Kim Jong Un nắm giữ mọi quyền hành tại Triều Tiên
Ngày 9-5, Đại hội toàn quốc lần thứ 7 của Đảng Lao động Triều Tiên đã bầu ông Kim Jong Un giữ chức chủ tịch của đảng này.
Trước đại hội, chức danh của ông Un là bí thư thứ nhất Đảng Lao động Triều Tiên. Việc được bầu vào vị trí mới cao nhất trong đảng là một dấu hiệu nữa để chứng tỏ với thế giới là ông Kim Jong Un đang nắm giữ mọi quyền hành tại Triều Tiên.
Ngoài ra, đại hội cũng bầu ông Kim Jong Un, Chủ tịch Đoàn chủ tịch Hội nghị nhân dân tối cao (Quốc hội) Kim Jeong Nam, Tổng cục trưởng Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Triều Tiên Hwang Pyeong So, Thủ tướng Park Byong Ju, Bí thư Trung ương Đảng Chue Ryong He làm 5 ủy viên thường trực Bộ Chính trị Đảng Lao động Triều Tiên.
Như vậy, ngoài chức vụ chủ tịch Đảng Lao động Triều Tiên, ông Un hiện nắm giữ các chức vụ về mặt nhà nước và quân đội gồm chủ tịch thứ nhất Ủy ban quốc phòng (cơ quan quyền lực cao nhất theo hiến pháp sửa đổi năm 2012 của Triều Tiên) và tư lệnh tối cao các lực lượng vũ trang Triều Tiên.
Truyền thông nhà nước Triều Tiên trong ngày cũng đưa tin đại hội đã thông qua chính sách thúc đẩy phát triển kinh tế đồng thời tăng cường năng lực hạt nhân. Chính sách này được nêu trong báo cáo đánh giá công tác của Ban chấp hành Trung ương Đảng Lao động Triều Tiên đưa ra trong ngày làm việc thứ ba của đại hội đảng.
“Chúng ta sẽ kiên định đi theo đường lối chiến lược nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và phát triển vũ khí hạt nhân để tự vệ cả về số lượng và chất lượng” - Hãng thông tấn nhà nước KCNA đưa tin.
Trong suốt đại hội đảng, lãnh đạo Kim Jong Un cũng tái xác nhận rằng nước này sẽ tiếp tục theo đuổi chính sách song hành vừa phát triển kinh tế vừa theo đuổi vũ khí hạt nhân.
Thủ lĩnh sừng sỏ của IS ở Iraq bị tiêu diệt
Lầu Năm Góc ngày 9-5 xác nhận chỉ huy quân sự của tổ chức nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) ở tỉnh Anbar của Iraq, tên Abu Wahib đã bị tiêu diệt trong một trận không kích của Mỹ.
Hãng tin Reuters dẫn lời người phát ngôn Lầu Năm Góc Peter Cook cho biết máy bay Mỹ đã tấn công nhằm vào chiếc xe chở Abu Wahip cùng ba thành viên IS khác ở gần thị trấn Rutba. Cuộc không kích diễn ra vào ngày 6-5.
Abu Wahip, một cựu thành viên của al-Qaeda ở Iraq, sinh năm 1986 và từng theo học ngành khoa học máy tính. Các trang web theo dõi khủng bố trên thế giới miêu tả Wahib là một “ngôi sao đang lên” của IS.
Trước đó, rất nhiều lần người ta lầm tưởng tên thủ lĩnh sừng sỏ này đã thiệt mạng nhưng thực tế y vẫn còn sống. “Đó là một thủ lĩnh IS rất nguy hiểm ở Iraq và Syria hiện nay”- ông Cook nhấn mạnh.
Hồi năm 2012, y từng bị các lực lượng quân đội Mỹ bắt và tuyên án tử hình nhưng đã trốn thoát. Một năm sau đó, y sát hại dã man một nhóm tài xế người Syria đang lái xe qua Iraq.
Trong một diễn biến khác, phần tử khủng bố và là thành viên của IS ở Indonesia, Aman Abdurrahman sẽ bị buộc tội vào tháng 6 tới với cáo buộc âm mưu tấn công khủng bố ở thủ đô Jakarta hồi ngày 14-1-2016.
Hãng tin AFP dẫn lời Bộ trưởng Bộ hợp tác chính trị luật pháp và an ninh Indonesia, ông Tito Karnavian cho biết Aman được nhận diện là nghi can chính trong một loạt vụ nổ ở Jakarta hồi tháng giêng.
Y đã chỉ huy bốn thành viên khác của IS trong các cuộc tấn công làm bốn thường dân thiệt mạng này.
Trước đó, Aman cũng từng bị buộc tội thành lập trại huấn luyện khủng bố Jemaah Islamiyah (JI) ở Aceh hồi năm 2009. Hiện, tên khủng bố này đang bị giam ở nhà tù Nusakambangan, Trung Java.
Nếu nhận tội, Aman sẽ đối mặt với án tù chung thân hoặc bị xử tử.
Trung Quốc điều chiến đấu cơ "dọa tàu chiến Mỹ ở vùng cấm"
Trung Quốc huy động 2 máy bay chiến đấu và 3 tàu chiến yêu cầu khu trục hạm USS William P. Lawrence của hải quân Mỹ rời khỏi khu vực xung quanh đảo nhân tạo mà Bắc Kinh xây trái phép ở biển Đông.
Sau khi phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Mỹ Bill Urban thông báo tàu khu trục tên lửa dẫn đường USS William P. Lawrence hôm 10-5 tiếp cận trong vòng 12 hải lý quanh bãi Đá Chữ thập thuộc quần đảo Trường Sa (của Việt Nam), Trung Quốc lập tức có hành động đáp trả.
Bộ Quốc phòng Trung Quốc cho biết 2 máy bay chiến đấu cùng 3 tàu chiến đã được Bắc Kinh huy động để yêu cầu khu trục hạm Mỹ rời khỏi khu vực. Bộ này khẳng định việc Mỹ triển khai tàu tuần tra gần bãi Đá Chữ thập “một lần nữa chứng minh rằng hoạt động xây dựng cơ sở phòng thủ trên các đảo nhân tạo của Trung Quốc ở quần đảo Nam Sa (tên Bắc Kinh gọi quần đảo Trường Sa) là hoàn toàn hợp lý và cần thiết”.
Tàu Trung Quốc đang nạo vét quanh bãi Đá Chữ thập. Ảnh do máy bay do thám P-8A Poseidon của hải quân Mỹ chụp ngày 21-5-2015. Ảnh: U.S. NAVY
Trong khi đó, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng cho rằng tàu chiến Mỹ đã “xâm nhập trái phép lãnh hải của nước này ở biển Đông”.
“Hành động của Mỹ đe dọa chủ quyền cũng như lợi ích an ninh của Trung Quốc, đe dọa nhân sự và hạ tầng trên bãi Đá Chữ thập, đồng thời gây tổn hại hòa khí và ổn định khu vực” – ông Lục tuyên bố.
Theo phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Mỹ Bill Urban, Trung Quốc đang tìm cách hạn chế quyền thực thi tự do hàng hải ở biển Đông. Cho nên, Mỹ phải tăng cường các cuộc tuần tra song song với tập trận để thúc đẩy các nước, đặc biệt là Trung Quốc, tuân thủ nghiêm ngặt luật pháp quốc tế dựa trên Công ước Liên Hiệp Quốc về luật biển (UNCLOS).
Chính trường Brazil hỗn loạn
Chính trường Brazil náo loạn sau khi quyền Chủ tịch Hạ viện Waldir Maranhao hôm 10-5 bất ngờ hủy bỏ cuộc bỏ phiếu vào tháng rồi về tiến trình luận tội Tổng thống Dilma Rousseff, đồng thời cho rằng nên bỏ phiếu lại.
Theo Reuters, ông Maranhao - nhân vật ít tiếng tăm trên chính trường Brazil trước khi nhận chức chủ tịch hạ viện hồi tuần trước - lý giải rằng các sai sót về thủ tục khiến kết quả cuộc bỏ phiếu không có giá trị. Đáng chú ý, trong cuộc bỏ phiếu hôm 17-4 nói trên, chính ông Maranhao bỏ phiếu chống luận tội bà Rousseff - đi ngược lại lập trường của đảng mình là Đảng Tiến bộ.
Những người ủng hộ Tổng thống Brazil Dilma Rousseff biểu tình ở Sao Paulo hôm 9-5 phản đối việc luận tội bà Ảnh: REUTERS
Reuters nhận định quyết định trên đe dọa kéo dài cuộc khủng hoảng chính trị đang góp phần đẩy kinh tế Brazil vào cảnh suy thoái tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ. Nhiều nhà đầu tư lo lắng trước viễn cảnh một chính phủ thân thiện hơn với doanh nghiệp khó lên nắm quyền trong nay mai như kỳ vọng. Dù vậy, không ít người tin rằng động thái trên chỉ trì hoãn chứ không cản trở được việc bà Rousseff mất chức, căn cứ vào sự ủng hộ yếu ớt dành cho nhà lãnh đạo này ở quốc hội.
Vẫn chưa rõ liệu quyết định của ông Maranhao có bị Tòa án Tối cao Brazil bác bỏ hay không. Cơ quan này cho đến giờ vẫn không muốn can thiệp quá nhiều vào tiến trình luận tội tổng thống đầu tiên trong 24 năm qua.
Trước mắt, thượng viện Brazil khẳng định vẫn tiến hành cuộc bỏ phiếu của riêng mình trong ngày 11-5. Trường hợp thượng viện bỏ phiếu đồng ý đưa bà Rousseff ra tòa xét xử, nhà lãnh đạo này sẽ tạm rời khỏi chức vụ trong 6 tháng và Phó Tổng thống Michel Temer trở thành tổng thống lâm thời. Sau đó, nếu bà Rousseff bị kết tội và chính thức mất chức, ông Temer sẽ nắm giữ vị trí trên đến năm 2018.