Liên Hiệp Quốc sẵn sàng xem xét vấn đề biển Đông
Ông Kim Jong-un: Sẵn sàng cải thiện quan hệ Trung - Triều
Biểu tình rầm rộ ở Anh phản đối Brexit
Canada sẽ gửi 1.000 quân đến biên giới Nga
Ông Tập Cận Bình lại lên giọng về ‘lợi ích cốt lõi’
Tin thế giới đọc nhanh 02-07-2016
- Cập nhật : 02/07/2016
Singapore: ASEAN phải nhận lãnh vai trò ở biển Đông
ASEAN phải nhận lãnh vai trò của mình trong vấn đề tranh chấp biển Đông giữa một số thành viên ASEAN với Trung Quốc, đây là quan điểm của Bộ trưởng Quốc phòng Singapore Ng Eng Hen.
“Trung Quốc đã nói rõ ràng muốn đàm phán song phương với từng nước tranh chấp và hy vọng ASEAN không can thiệp. Tuy nhiên ASEAN và cả các nước khác không thể không nhìn nhận thực tế biển Đông là một cửa ngõ quốc tế”, hãng tin Kyodo (Nhật) dẫn lời Bộ trưởng Ng Eng Hen trả lời báo chí nhân ngày kỷ niệm lực lượng vũ trang Singapore (1-7).
Theo ông, “Trung Quốc có hứa sẽ bảo đảm tự do hàng hải và hàng không ở biển Đông, tuy nhiên không một quốc gia có trách nhiệm nào lại chỉ ngồi yên và hy vọng sẽ không có gì xảy ra trong khi thực tế căng thẳng trên biển Đông cứ ngày càng tăng. Vì thế cần thiết phải quan tâm đến điều này.”
Bộ trưởng Ng Eng Hen cho rằng bản chất sự kiện ASEAN và Trung Quốc ký Tuyên bố chung về ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC) năm 2002 đã thể hiện rõ ASEAN đã “có liên quan” đến vấn đề biển Đông.
Trung Quốc vốn phản đối quốc tế hoá và đưa tranh chấp biển Đông ra đàm phán đa phương. Thái độ khăng khăng chỉ giải quyết tranh chấp qua đàm phán song phương của Trung Quốc là một nguyên nhân chính khiến cho hội nghị đặc biệt bộ trưởng ngoại giao ASEAN-Trung Quốc tháng 6 vừa rồi kết thúc trong bối rối khi tuyên bố chung của ASEAN bị rút lại.
Tháng 4 vừa rồi, Bộ trưởng Ngoại giao Vương Nghị đã ký một thoả thuận 4 điểm với Brunei, Campuchia và Lào rằng biển Đông không phải là vấn đề của ASEAN và Trung Quốc và chỉ nên giải quyết thông qua đàm phán song phương giữa các nước liên quan. Nhiều nhà quan sát nhận xét động thái này của Trung Quốc nhằm chia rẽ ASEAN.
Bộ trưởng Quốc phòng Singapore Ng Eng Hen trao đổi với lính hải quân Singapore năm 2015. (Ảnh: WORDPRESS)
Bộ trưởng Ng Eng Hen lo ngại nguy cơ leo thang xung đột ngoài ý muốn ở biển Đông sẽ gia tăng trong tình hình căng thẳng ngày càng tăng khi các nước cả có tranh chấp lẫn không tranh chấp đều ngày càng quyết tâm với quan điểm của mình.
Bên cạnh đó, ông cho rằng phán quyết sắp tới của Toà án trọng tài thường trực về vụ kiện của Philippines với tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc trên biển Đông - khả năng lớn có lợi cho Philippines – rất có thể sẽ làm tăng căng thẳng và phản ứng mạnh quanh vấn đề biển Đông.
Vì thế, bên cạnh đề nghị các nước cẩn trọng với phản ứng sau phán quyết, Bộ trưởng Ng Eng Hen còn kêu gọi cộng đồng quốc phòng ASEAN áp dụng các biện pháp hạn chế căng thẳng biển Đông. Ví dụ như tăng khai thác đường dây nóng đã được lập giữa các bộ trưởng quốc phòng ASEAN nhằm giảm thiểu nguy cơ đối đầu trên biển.
Bộ trưởng Ng Eng Hen cũng kêu gọi tăng cường tập trận chung và hợp tác quân sự hơn nữa với Trung Quốc để xây dựng niềm tin và hạn chế căng thẳng “ASEAN và Trung Quốc ngày càng gắn bó với nhau thì càng tốt cho cả hai”. Singapore hiện giữ vai trò điều phối của ASEAN trong quan hệ đối thoại với Trung Quốc.(PLO)
4 kịch bản để Anh ở lại EU
Sau cuộc trưng cầu "chấn động" trong đó người Anh quyết định rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), phe ủng hộ “ở lại” đang tìm cách trì hoãn “Brexit”.
Thách thức quả thực rất lớn khi cả hai đảng cầm quyền và đối lập đều cam kết tôn trọng ý nguyện của dân chúng và sẽ nhanh chóng hành động để đưa Anh rời khỏi EU một cách êm thấm. Trong khi đó, các đối tác của Anh hầu như đều tỏ rõ ý định sẽ không xem xét lại vấn đề này và mong muốn Anh sớm tiến hành các thủ tục "ly dị". Tuy nhiên, mọi chuyện đều có thể xảy ra.
Theo các chuyên gia, sự mập mờ trong các thủ tục và quy định bất thành văn của Anh đang nhen nhóm hy vọng “ở lại”. Có 4 kịch bản mà phe ủng hộ hội nhập châu Âu đưa ra để Anh đạt mục đích.
Kịch bản 1: Phớt lờ kết quả cuộc trưng cầu ý dân. Quốc hội không có nghĩa vụ pháp lý phải thực thi đầy đủ quyết định trong cuộc trưng cầu này. Theo nhà lập pháp David Lammy thuộc Công đảng, "cơn ác mộng" kia có thể được kết thúc bằng một cuộc bỏ phiếu tại Quốc hội.
Kịch bản 2: Quyền phủ quyết của Scotland. Theo thông lệ, Quốc hội Anh không thể "làm luật" đối với các vấn đề của Scotland nếu không có sự nhất trí của Quốc hội Scotland, vốn ủng hộ hội nhập châu Âu. Việc Anh rời khỏi liên minh 28 nước EU đồng nghĩa với việc phải chấm dứt áp dụng các điều luật của EU ở Scotland, và một số người cho rằng thực tế này sẽ khiến Edinburgh phủ quyết. Tương tự, cơ quan lập pháp của Bắc Ireland cũng có thể cản trở Anh thực hiện tiến trình Brexit. Thủ tướng Scotland Nicola Sturgeon đã tỏ ý ủng hộ quan điểm này, ông nói: “Lựa chọn của chúng ta là sẽ không bỏ phiếu cho bất cứ điều gì đi ngược lại lợi ích của Scotland”. Tuy nhiên, phải thừa nhận một thực tế khác, đó là theo Hiến pháp Anh, chính quyền ở Westminster mới có quyền đưa ra quyết định cuối cùng.
Kịch bản 3: Tiến hành một cuộc bầu cử mới. Thủ tướng David Cameron, lãnh đạo đảng Bảo thủ, đã tuyên bố từ chức và các đối thủ của ông đang tìm cách thế vào chỗ trống này. Trong khi đó, Công đảng đối lập đang rối loạn với những đấu đá nội bộ chống lại lãnh đạo đảng. Vậy liệu một đảng ủng hộ hội nhập EU, hay lực lượng thân EU trong đảng Bảo thủ và Công đảng, có thể thoát khỏi tình trạng hỗn loạn này và đủ sức giành chiến thắng trong một cuộc bầu cử để đưa Anh trở lại ngôi nhà chung EU hay không? Thách thức lớn nhất đối với kịch bản này là từ nay đến năm 2020 sẽ không có cuộc bầu cử nào và từ nay đến lúc đó phe hoài nghi hội nhập châu Âu trong đảng Bảo thủ vẫn sẽ nắm giữ quyền.
Kịch bản 4: Tiến hành cuộc trưng cầu ý dân thứ hai. Những lời kêu gọi về một cuộc trưng cầu ý dân thứ hai đã sớm xuất hiện, và một đơn yêu cầu công khai kêu gọi bỏ phiếu thêm lần nữa đã thu hút gần 4 triệu chữ ký. Nhà lập pháp thuộc đảng Bảo thủ Jeremy Hunt - một ứng cử viên có khả năng thay thế vị trí của ông Cameron - gợi ý cần đàm phán về một thỏa thuận mới và để người dân định đoạt số phận của thỏa thuận này bằng một cuộc trưng cầu ý dân khác.
Ông Gavin Barrett, một chuyên gia về hiến pháp châu Âu tại trường Đại học Dublin, nhận định bất cứ thỏa thuận rời bỏ nào mà Anh đàm phán với EU cũng sẽ khiến các quyền lợi của người Anh giảm đi rất nhiều so với những gì họ từng có trước đây và các cường quốc EU có thể sẽ gạt sự kiêu hãnh sang một bên để chào đón sự trở lại của một nước Anh “ương bướng” nếu các cử tri quyết định ở lại. Chuyên gia này nhấn mạnh trong tất cả các khả năng, “tôi đặt cược vào khả năng này”.(HQ)
Thủ lĩnh Brexit bất ngờ “chạy” khỏi cuộc đua chức Thủ tướng Anh
Theo hãng tin Reuters, tuyên bố của ông Johnson được đưa ra trong một khán phòng chật kín các nhà báo và người ủng hộ ông, được coi là diễn biến chính trị bất ngờ lớn nhất ở Anh kể từ khi ông Cameron tuyên bố từ chức vào hôm thứ Sáu tuần trước, sau khi cử tri Anh chọn Brexit.
Sự rút lui của ông Johnson đưa bà Theresa May, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Anh, một người ủng hộ Anh ở lại EU, trở thành ứng cử viên hàng đầu mới cho cương vị người đứng đầu Chính phủ nước này.
Bà May tuyên bố ứng cử Thủ tướng Anh vào sáng ngày thứ Năm theo giờ Anh, với lời hứa sẽ thực hiện nguyện vọng của các cử tri bỏ phiếu cho Brexit, cho dù trước cuộc trưng cầu dân ý bà là người chống Brexit.
“Brexit có nghĩa là Brexit”, bà May phát biểu tại một cuộc họp báo. “Chiến dịch vận động đã diễn ra, cuộc bỏ phiếu đã được thực hiện, tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu là cao, và dân chúng đã đưa ra quyết định của họ. Không được có thêm nỗ lực nào để ở lại trong EU, để gia nhập lại EU bằng ‘cửa sau’ hay một cuộc trưng cầu dân ý thứ hai”.
Ông Johnson nhận thấy cơ hội thắng cử Thủ tướng Anh của ông suy giảm sau khi một đồng minh trong chiến dịch Brexit là Bộ trưởng Bộ Tư pháp Michael Gove quay lưng lại với ông và tuyên bố cũng tranh cử Thủ tướng.
“Tôi phải nói với các bạn, những người đã kiên nhẫn chờ đợi phần cốt lõi của bài phát biểu này, rằng sau khi tham khảo ý kiến đồng nghiệp và xem xét tình hình trong Quốc hội, tôi kết luận rằng người đó không thể là tôi”, ông Johnson nói.
Những người ủng hộ ông Johnson trong Quốc hội Anh đã sửng sốt trước tuyên bố này. Trước đó họ tập trung tại cuộc họp báo với hy vọng sẽ nghe ông Johnson tuyên bố chính thức tranh cử Thủ tướng.
Ông Gove, một người bạn thân của ông Cameron bất chấp những bất đồng với Thủ tướng xung quanh vấn đề EU, trước đây tuyên bố sẽ ủng hộ ông Johnson. Tuy nhiên, trong một bài báo đăng ngày thứ Năm, ông Gove nói ông đã “kết luận rằng Johnson không thể lãnh đạo hay xây dựng được đội ngũ cho nhiệm vụ sắp tới”.
Các nghị sỹ thuộc Đảng Bảo thủ cầm quyền nói ông Johnson có thể đã “bỏ của chạy lấy người” vì những người ủng hộ ông Cameron trở nên thù hằn với ông vì ông đã thách thức Thủ tướng và ủng hộ phe Brexit.
Ông Johnson, người từng có 8 năm giữ cương vị thị trưởng London, trở thành nạn nhân chính trị mới nhất trong cuộc đấu đá nội bộ của đảng cầm quyền ở Anh - cuộc đấu xuất phát từ quyết định của ông Cameron về tổ chức cuộc trưng cầu dân ý về địa vị thành viên của nước Anh trong EU. Vấn đề EU đã gây chia rẽ nội bộ Đảng Bảo thủ suốt nhiều thập niên và giờ đây còn chia rẽ cả nước Anh.
Công Đảng đối lập hiện cũng đang đứng trước nguy cơ một cuộc đấu quyền lực, khi các nghị sỹ thuộc đảng này đã bỏ phiếu bất tín nhiệm đối với thủ lĩnh cánh tả Jeremy Corbyn. Tuy nhiên, ông Corbyn từ chối từ chức lãnh đạo Công Đảng.
Khoảng trống quyền lực cùng lúc tại cả hai chính đảng lớn của Anh đã làm gia tăng thêm sự bất ổn chính trị vào thời điểm mà nước này đứng trước sự thay đổi hiến pháp lớn nhất trong nhiều thập niên.
Trên mạng xã hội, nhiều người đã chế nhạo sự rút lui của ông Johnson. “Tất cả bọn họ đều tháo chạy. Họ không muốn trở thành thuyền trưởng của một con tàu đang chìm dần”, một bình luận nhận được nhiều lượt thích trên trang Facebook của tờ New York Times.
“Này, mẹ ông không dạy ông là nếu ông bày bừa thì ông phải dọn sạch sao?”, một người khác viết.
“Ông ta muốn một người khác dọn sạch đống lộn xộn của ông ta, sau đó quay lại và nhận công trong khi đổ lỗi cho bên kia”, một bình luận nữa nhằm vào ông Johnson.
Thậm chí, có người còn cảnh báo nước Mỹ: “Hỡi nước Mỹ, làm ơn đừng mắc sai lầm tương tự!”. Có thể xem đây là một cảnh báo ngầm nhằm vào Donald Trump, ứng viên Tổng thống Mỹ gây tranh cãi với những tuyên bố như xây tường chắn biên giới với Mexico hay cấm người Hồi giáo nhập cảnh vào Mỹ. (NĐH)
8 lợi ích cốt lõi của Israel khi hòa giải với Thổ Nhĩ Kỳ
"Thỏa thuận hòa giải" về khôi phục quan hệ đầy đủ giữa Israel và Thổ Nhĩ Kỳ sau 6 năm hận thù sẽ tái khởi động sự hợp tác giữa các cơ quan tình báo và an ninh của hai nước. Thỏa thuận này đã trao phần thưởng giá trị và kịp thời cho các lợi ích quốc gia của Israel trong 8 vấn đề cốt lõi sau:
Một là, thỏa thuận này vừa khớp với nỗ lực chung hiện nay của Saudi Arabia và Ai Cập đối với Israel để thúc đẩy liên minh đang hình thành giữa những nước này với Thổ Nhĩ Kỳ, nhằm vạch ra một "phòng tuyến Sunni" để đối phó với các động thái bành trướng của Iran ở vùng Sừng châu Phi, biển Đỏ, eo biển Aqaba và những khu vực tiếp giáp với các bờ biển Địa Trung Hải của Israel và Ai Cập.
Hai là, động thái này báo hiệu việc mở đường cho một loạt thỏa thuận đan xen nhau. Mạng tin "Debka" tiết lộ rằng hiệp ước song phương tiếp theo là một thỏa thuận hòa giải giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Ai Cập để Tổng thống Recep Tayyip Erdogan giảng hòa với người đồng cấp Abdel-Fatteh El-Sisi.
Ba là, Ai Cập và Thổ Nhĩ Kỳ sẽ duy trì hợp tác tình báo.
Bốn là, các cơ chế tình báo song phương được thiết lập giữa Thổ Nhĩ Kỳ-Israel và Thổ Nhĩ Kỳ-Ai Cập sẽ giúp tăng thu thập thêm dữ liệu chống Iran.
Năm là, khía cạnh chủ chốt trong hợp tác giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Israel khuyến khích phương diện quân sự và tình báo hơn ngoại giao.
Sáu là, Jordan đã được đề cử làm một thành viên khác trong liên minh mới. Vua Abudullah đang trong quá trình lặng lẽ loại bỏ các mạng lưới của tổ chức Anh em Hồi giáo ở vương quốc này, trong đó có nhiều thành viên thuộc Hamas.
Bảy là, theo thỏa thuận, Israel và Thổ Nhĩ Kỳ sẽ bắt đầu các cuộc đàm phán chính thức về việc xây dựng một đường ống dẫn khí đốt giữa hai nước để Jerusalem có thể bán khí đốt tự nhiên cho châu Âu với sự trợ giúp của Ankara. Israel cần một khách hàng lớn để thúc đẩy việc phát triển các giếng khí đốt ngoài khơi, trong khi Thổ Nhĩ Kỳ và thậm chí cả Nga đều muốn trở thành vị khách hàng đó.
Tám là, vai trò này đã tiến thêm một bước vào ngày 27-6 khi cả ba nước Israel-Thổ Nhĩ Kỳ-Nga thảo luận về vấn đề hợp tác tình báo và quân sự để đảm bảo an toàn cho nguồn khí đốt của Israel ở ngoài khơi Địa Trung Hải. Đây cũng được xem là một trong những lý do dẫn đến việc Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đưa ra lời xin lỗi với Moskva về việc không quân của nước này bắn rơi máy bay ném bom Su-24M của Nga trên biên giới Syria và Thổ Nhĩ Kỳ vào ngày 24-11-2015. Thiện chí và sự hợp tác Israel-Thổ Nhĩ Kỳ-Nga vì lợi ích của mỗi nước trong vấn đề khí đốt cũng có thể tạo ra những nỗ lực chung trong nhiều lĩnh vực khác.
Úc sẽ chọn thủ tướng thứ 3 trong 3 năm
Ngày 2-7, cử tri Úc sẽ đi bầu cử Quốc hội, từ đó quyết định đảng cầm quyền cũng như chọn ra thủ tướng mới. Đây sẽ là thủ tướng thứ 3 của Úc trong vòng ba năm.
Thủ tướng Malcolm Turnbull kêu gọi bầu cử sớm vì Thượng viện từ chối thông qua luật cho phép chính phủ khôi phục Ủy ban giám sát công nghiệp xây dựng vốn bị chính phủ đảng Lao động giải tán từ năm 2012.
Cuộc cạnh tranh vào ghế thủ tướng lần này sẽ là giữa đương kim Thủ tướng Malcolm Turnbull thuộc đảng Tự do và lãnh đạo phe đối lập Bill Shorten thuộc đảng trung tả Lao động.
Thủ tướng Turnbull nhận chức thủ tướng từ người tiền nhiệm Tony Abbott cũng thuộc đảng Tự do vào tháng 9-2015. Họp báo ngày 1-7, ông Malcolm đề nghị người dân tiếp tục bỏ phiếu ủng hộ liên minh cầm quyền của ông, cũng như tạo điều kiện cho chính phủ non trẻ chưa tới một năm tuổi của ông tiếp tục điều hành và giữ ổn định đất nước.
Đảng trung tả Lao động có hai đời thủ tướng liên tiếp nhau trước khi đảng Tự do lên nắm quyền, đó là hai Thủ tướng Kevin Rudd (2007-2010) và Julia Gillard (2010-2013). Ông Shorten từng được biết đến với danh xưng “người môi giới quyền lực” trong nội bộ đảng Lao động trong sáu năm cầm quyền tại Úc của hai vị thủ tướng trên.
Ông Shorten được chọn làm lãnh đạo đảng Lao động sau khi đảng này thua đảng Tự do của ông Tony Abbott trong cuộc bầu cử tháng 9-2013. Ông Shorten từng được đánh giá cao hơn ông Abbott trước cuộc bầu cử này, tuy nhiên đã thua sau đó.
Họp báo ngày 1-7, ông Shorten cho rằng chính phủ hiện tại chia rẽ sâu sắc và đảng Lao động là lựa chọn tốt nhất.
Ai trong hai ông Malcolm Turnbull (trái) và Bill Shorten sẽ là thủ tướng Úc tiếp theo? (Ảnh: GETTY IMAGES)
Các cuộc thăm dò cho thấy đảng Lao động có thể sẽ được thêm vài ghế trong Hạ viện sau cuộc bầu cử, tuy nhiên sẽ không đủ 21 ghế cần thiết để lập chính phủ mới. Đảng Lao động hiện giữ 55 ghế trong Hạ viện, liên minh cầm quyền giữ 90 ghế, năm ghế thuộc về các đảng nhỏ và nghị sĩ tự do.
Các cuộc thăm dò cho thấy ông Turnbull đang dẫn trước ông Shorten. Theo chuyên gia phân tích chính trị Geoff Robinson tại đại học Deakin (Úc), dù ảnh hưởng không lớn bằng ông Abbott nhưng ông Malcolm cũng rất được lòng dân, rất nhiều người muốn cho ông thêm thời gian điều hành đất nước.
Chính phủ hiện tại cam kết sẽ nỗ lực tạo việc làm, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giảm thuế cho các doanh nghiệp lớn. Trong khi đó đảng Lao động nói rằng sẽ giữ yên mức thuế cao và dùng nguồn thu này hỗ trợ cho giáo dục và y tế.
Đảng Lao động chủ trương không giảm thuế bất động sản, điều khiến cho chính phủ lo ngại thị trường bất động sản sẽ bị ảnh hưởng, tổn hại nền kinh tế.
Một lĩnh vực cả hai có sự thống nhất là sẽ duy trì quan điểm cứng rắn về người nhập cư trái phép.
Thủ tướng Turnbull trấn an cử tri rằng tới đây sẽ không còn chuyện thay đổi xoành xoạch thủ tướng, nếu thắng trong cuộc bầu cử lần này ông sẽ điều hành chính phủ đến tận cuộc bầu cử sau vào năm 2019.(PLO)