tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin thế giới đọc nhanh 28-08-2016

  • Cập nhật : 28/08/2016

Thái Lan bắt hai người Hàn Quốc lập văn phòng lừa đảo ở Việt Nam

Hai người Hàn Quốc bị cáo buộc mở tổng đài ở thành phố Hồ Chí Minh để lừa đảo, chiếm dụng khoảng 1,5 triệu USD. 

hai doi tuong bi bat giu. anh: bangkok post

Hai đối tượng bị bắt giữ. Ảnh: Bangkok Post

Sukwoo Yang, 31 tuổi, và Sanggi Yoon, 29 tuổi, bị Tổ chức Cảnh sát Hình sự Quốc tế (Interpol) truy nã với mức đỏ (mức cao nhất) do lừa đảo tiền trong khi hoạt động tại Việt Nam, ông Nathathorn Prousoontorn, ủy viên Cục Cảnh sát Xuất nhập cảnh Thái Lan hôm qua cho biết, theo Bangkok Post.

Hai người này bị bắt giữ tại một viện giáo dục trong khu vực Phahon Yothin, Thái Lan, hôm 25/8.

Họ bị cáo buộc thông đồng với một số người khác điều hành một tổng đài lừa đảo tại thành phố Hồ Chí Minh. Họ lừa người từ một số nước, chủ yếu là Hàn Quốc, để nạn nhân chuyển tiền cho nhóm. Họ tự giới thiệu rằng họ làm việc cho một ngân hàng và mời chào nạn nhân đầu tư với hứa hẹn lợi nhuận cao.

Hơn 500 người đã sập bẫy, ông Gen Nathathorn cho biết. Nhóm thu được khoảng 1,5 triệu USD từ các nạn nhân Hàn Quốc.

Sau khi nạn nhân chuyển tiền, hai người đóng cửa tổng đài ở Việt Nam và đến Thái Lan. Cảnh sát tin rằng các nghi phạm lên kế hoạch mở một tổng đài lừa đảo tương tự tại Thái Lan.(VNexpress)


Lý do Phần Lan phải dè chừng Nga

Phần Lan, quốc gia trung lập, hiện đang chuẩn bị ký kết thỏa thuận quốc phòng song phương với Mỹ vào mùa Thu năm nay. Dường như Phần Lan đang theo gương nước láng giềng Thụy Điển của họ.

Thụy Điển cũng là một quốc gia trung lập và hồi tháng 6/2016 cũng ký kết thỏa thuận hợp tác với Washington (Mỹ) về công nghệ quốc phòng, huấn luyện và trao đổi thông tin. 

Nếu như Helsinki chính thức bác bỏ ý nghĩ rằng việc làm thân với người Mỹ giúp họ mở đường gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) thì Bộ trưởng Ngoại giao Phần Lan Timo Soini lại khiến người ta hoài nghi khi trả lời phỏng vấn Đài phát thanh truyền hình Yle mới đây rằng tình hình đất nước không thay đổi nhưng việc giữ cánh cửa mở ra lối vào NATO có thể có ích cho an ninh của Phần Lan, bởi lẽ quốc gia này đang có nguy cơ phải trả giá đắt cho sự cô lập của mình. Trong khi đó, căng thẳng và bất ổn đang leo thang ở xung quanh họ. 
 
tong thong nga vladimir putin (phai) va tong thong phan lan sauli niinisto trong cuoc gap o naantali ngay 1/7. anh: afp/ttxvn

Tổng thống Nga Vladimir Putin (phải) và Tổng thống Phần Lan Sauli Niinisto trong cuộc gặp ở Naantali ngày 1/7. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo Bộ trưởng Timo Soini, hợp tác xuyên Đại Tây Dương có thể sẽ cải thiện an ninh của Phần Lan, đặc biệt trong bối cảnh các nhà lãnh đạo Bắc Âu đang bận tâm về sự gia tăng các hoạt động quân sự của Nga kể từ cuộc căng thẳng giữa Moskva và Kiev về việc bán đảo Crimea sáp nhập vào Nga. 

Trước những nỗ lực của Thụy Điển xích lại gần NATO, hồi tháng 5/2016, Moskva đã cảnh báo với sự dọa dẫm sẽ có những biện pháp cứng rắn đối với Thụy Điển liên quan đến việc nộp đơn xin gia nhập NATO. Phần Lan có chung 1.300 km biên giới với Nga và đã từng 2 lần trải qua thất bại hồi những năm 30-40 khiến họ bị mất một phần lãnh thổ cho Nga. Đó là bài học của Phần Lan trong mối quan hệ với Nga. 

Hồi tháng 5/2016, Tổng thống Phần Lan Sauli Niinisto đã nhắc lại: "Không cần phải thay đổi chính sách của chúng tôi hiện nay". Tổng thống Sauli Niinisto cũng đã nhấn mạnh không làm tổn hại mối quan hệ láng giềng tốt với "đối tác chủ yếu của Phần Lan". Tổng thống Sauli Niinisto cho biết đã hiểu cảnh báo của Nga "không muốn thấy sự đe dọa tới gần sát biên giới" và từ chối mọi ý tưởng gia nhập NATO mà đa phần người dân Phần Lan ủng hộ. Thế nhưng Phần Lan và Thụy Điển vẫn tiếp tục tăng cường mối quan hệ với Mỹ và NATO.

Hồi tháng 7/2016, lần đầu tiên trong lịch sử NATO, hai quốc gia này đã được mời dự bữa ăn tối tại Hội nghị Thượng đỉnh của khối ở Warsaw. "Phần Lan và Thụy Điển là những người bạn rất thân thiết của NATO và chúng tôi mời họ cùng ăn tối như những người bạn tốt", Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg giải thích, đặc biệt khi hai quốc gia trung lập Bắc Âu ký kết nhiều thỏa thuận hợp tác với NATO và tham gia vào các chiến dịch ở Afghanistan. 

Tuy nhiên, cả Helsinki lẫn Stockholm đều biết rằng họ có thể đi đến đâu và họ có thể rút ra những gì từ sự hợp tác này. Cả hai đều biết rằng họ không phải thành viên nên họ không được bảo vệ theo điều 5 của Liên minh. Cả hai "khách mời" của NATO đều không muốn gặp phải các nguy cơ khi từ bỏ tính trung lập. Ngoại trưởng Margot Wallström cho biết: "Việc không phải thành viên NATO phục vụ tốt cho đất nước chúng tôi. Thụy Điển không đòi hỏi 'cái vé' để vào NATO".

Ý kiến này của ông Margot Wallström khác xa so với người tiền nhiệm Carl Bildt khi cho rằng "Thụy Điển và Phần Lan sẽ trở thành thành viên của NATO trong 10 năm nữa" nhằm trấn an nước láng giềng Nga khi họ mới chớm có ý định đe dọa trừng phạt về mặt an ninh nếu như hai nước này gia nhập NATO.(TTXVN)

Triều Tiên dọa 'bắn hạ không thương tiếc' đèn cao áp tại biên giới

Phía Triều Tiên đe dọa sẵn sàng bắn phá các thiết bị chiếu sáng mà Mỹ và Hàn Quốc bố trí gần biên giới.

Theo hãng tin AP, phía Triều Tiên vừa đưa ra đe dọa sẵn sàng bắn phá các thiết bị chiếu sáng mà liên quân Mỹ - Hàn bố trí tại làng hòa bình Bàn Môn Điếm ở vùng phi quân sự (DMZ).

Quân đội Nhân dân Triều Tiên (KPA) ngày 27-8 ra tuyên bố cáo buộc quân đội Mỹ và Hàn Quốc đang khơi mào các khiêu khích, sử dụng các thiết bị chiếu sáng này chiếu thẳng vào các trạm gác biên phòng của Triều Tiên tại Bàn Môn Điếm, theo AP. Theo quân đội Triều Tiên, các hành động "khiêu khích" này bắt đầu từ tối 26-8. 

quan doi trieu tien cao buoc han quoc chieu den cong suat cao thang vao cac tram gac bien phong cua trien tien tai lang ban mon diem. (anh minh hoa)

Quân đội Triều Tiên cáo buộc Hàn Quốc chiếu đèn công suất cao thẳng vào các trạm gác biên phòng của Triền Tiên tại làng Bàn Môn Điếm. (Ảnh minh họa)

KPA lên án các hành động này đã "đe dọa nghiêm trọng" đến sự an toàn của quân lính Triều Tiên, cũng như làm gián đoạn các hoạt động tuần tra giám sát thường nhật. Tuyên bố cũng cho biết các hoạt động của quân lính Mỹ - Hàn tại Bàn Môn Điếm đã làm tăng thêm mức độ giận dữ của quân lính Triều Tiên, cảnh báo mối quan hệ liên Triều đang "bên bờ vực chiến tranh". 

"Việc chiếu đèn công suất cao về phía quân đội Triều Tiên là cách thức khiêu khích không thể chấp nhận được. Các ngọn đèn này sẽ là mục tiêu ngắm bắn không thương tiếc của quân đội Triều Tiên", hãng tin AP dẫn lời chỉ huy an ninh Triều Tiên tại Bàn Môn Điếm.

"Với những động thái gần đây, những kẻ khiêu khích đang muốn khiến cho binh sĩ Triều Tiên mất bình tĩnh, khiến họ đưa ra các hành động đáp trả chính đáng, rồi sau đó đổ tội chúng tôi khiêu khích", vị sĩ quan này cho biết.

Bộ Quốc phòng Hàn Quốc vẫn chưa đưa ra phản hồi trước tuyên bố này từ phía Triều Tiên. Tuyên bố được đưa ra chỉ vài giờ sau khi Hội đồng Bảo an (HĐBA) của Liên Hiệp Quốc (LHQ) lên án Triều Tiên phóng bốn tên lửa chỉ trong vòng hai tháng qua. 

Bên cạnh đó, Bộ Chỉ huy gìn giữ hòa bình LHQ, lãnh đạo bởi Mỹ, tại Hàn Quốc mới đây cũng lên án Bình Nhưỡng "rải thảm mìn" gần làng Bàn Môn Điếm, khu vực ranh giới ngừng bắn giữa hai nước. (PLO)


Trung Quốc nguy cơ châm ngòi cuộc đua tàu ngầm châu Á

Khi mối đe dọa từ Trung Quốc ngày càng lớn, các nước châu Á - Thái Bình Dương tập trung đầu tư cho tàu ngầm, loại vũ khí Bắc Kinh chưa thể đối phó hiệu quả.

tau ngam kilo duoc menh danh la "ho den dai duong". anh: fas

Tàu ngầm Kilo được mệnh danh là "Hố đen đại dương". Ảnh: FAS

Hồi đầu tuần, khi tờ Australian tiết lộ thông tin rằng 20.000 trang bản vẽ thiết kế tàu ngầm của nhà sản xuất Pháp DCNS đã bị rò rỉ, nỗi hoảng sợ lập tức bao trùm nhiều nước châu Á – Thái Bình Dương. Đó là những bản vẽ kỹ thuật chi tiết về tàu ngầm lớp Scorpene được DCNS đóng cho Ấn Độ, và New Delhi đã lập tức yêu cầu nhà chức trách Pháp điều tra nguyên nhân vụ rò rỉ.

Các quan chức quốc phòng của Australia cũng lo ngại không kém, bởi DCNS là nhà thầu đóng tàu ngầm thế hệ tiếp theo cho nước này, và Canberra đã cảnh báo nhà máy đóng tàu này phải có những biện pháp an ninh chặt chẽ hơn.

Theo Elias Groll, bình luận viên an ninh quốc phòng của Foreign Policy, những phản ứng quyết liệt trên cho thấy tàu ngầm đóng một vai trò trung tâm trong cuộc chạy đua hiện đại hóa lực lượng vũ trang của các nước châu Á – Thái Bình Dương.

Tàu ngầm là một trong số ít loại vũ khí mà các nước này có thể dùng để phát đi một thông điệp tới Trung Quốc, rằng họ sẽ không chịu khoanh tay ngồi yên nếu Bắc Kinh áp đặt lợi ích bằng biện pháp đe dọa và các hành động đơn phương trong khu vực, đặc biệt là trên Biển Đông.

Gần đây, Trung Quốc đã tăng cường xây dựng các trạm radar mạnh trên các đảo nhân tạo phi pháp ở Biển Đông và dọc bờ biển của mình, theo dõi các tàu chiến Mỹ, Nhật Bản và các nước khác tuần tra Tây Thái Bình Dương. Các vệ tinh hiện đại của Trung Quốc cũng có khả năng xác định vị trí tàu chiến các nước hoạt động trên biển, có thể dễ dàng chỉ thị mục tiêu cho các khẩu đội tên lửa diệt hạm bố trí cách đó hàng trăm km.

Groll cho rằng các quốc gia ở châu Á – Thái Bình Dương khó có thể làm được gì với những trạm radar và khẩu đội tên lửa Trung Quốc bố trí trên Biển Đông, cũng như những hạm đội tàu chiến, máy bay ngày càng lớn của Bắc Kinh, nhưng họ có thể sử dụng tàu ngầm để luồn sâu qua các hàng rào phòng thủ đó.

Lý do là dù Trung Quốc đã đầu tư hàng tỷ USD để nâng cấp các vũ khí hiện đại như chiến đấu cơ hay tàu tên lửa, khả năng tác chiến chống ngầm của nước này vẫn còn tụt hậu khá xa, theo Bryan Clark, chuyên gia cấp cao tại Trung tâm Đánh giá Chiến lược và Ngân sách. Chính điều đó đã mở ra một hướng đi chiến thuật cho các đối thủ nếu xung đột nổ ra.

"Các nước này đang thực sự coi những chiếc tàu ngầm đó như soái hạm trong lực lượng hải quân của mình", Clark, người từng là cố vấn cho tư lệnh hải quân Mỹ, nói.

Vũ khí răn đe

tau ngam trung quoc hoat dong tren bien. anh: news.cn

Tàu ngầm Trung Quốc hoạt động trên biển. Ảnh: News.cn

Theo Jonathan Greenert, cựu tư lệnh hải quân Mỹ, tàu ngầm là thứ vũ khí tuyệt vời cho các nước ở châu Á – Thái Bình Dương, và chính phủ các nước nhiều khả năng sẽ tiếp tục dốc hầu bao đầu tư cho những cỗ máy này trong bối cảnh mối lo ngại với Trung Quốc ngày càng gia tăng.

"Bạn có thể tung ra đòn tấn công hủy diệt một cách âm thầm, và đó chính là khả năng răn đe. Chúng ta đang chứng kiến điều này diễn ra nhiều hơn", Greenert nói.

Theo Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm, chi tiêu quân sự của các nước châu Á đã tăng 5,4% trong giai đoạn 2014-2015, gấp 5 lần mức trung bình của thế giới, và các hợp đồng mua sắm tàu ngầm lớn đã góp phần không nhỏ cho con số này.

Bình luận viên Groll cho rằng một trong những loại tàu ngầm hiện đại được các nước châu Á – Thái Bình Dương ưa chuộng hiện nay chính là tàu ngầm lớp Kilo của Nga. Từ năm 2009, Việt Nam đã mua 6 tàu ngầm diesel – điện trị giá 2,6 tỷ USD này. Ấn Độ, Indonesia cũng đã đặt mua loại tàu ngầm này.

Kilo là một trong những loại tàu ngầm êm nhất thế giới, được mệnh danh là "hố đen đại dương", có thể hoạt động gần như tàng hình và được trang bị ngư lôi tầm ngắn cùng tên lửa diệt hạm có tầm bắn hơn 300 km. Nó có thể buộc Trung Quốc phải cân nhắc rất kỹ trước khi có những hành động ngang ngược hơn trên biển, theo các chuyên gia quân sự.

Ông Clark cho rằng các tàu ngầm lớp Kilo này có thể lợi dụng đặc tính gần như tàng hình của mình để trở thành một lực lượng "du kích" đáy biển mà Trung Quốc không có cách nào có thể phát hiện và lường trước được. Kinh nghiệm lịch sử ở các chiến trường châu Á – Thái Bình Dương cho thấy chiến tranh du kích luôn là biện pháp hiệu quả để các nước nhỏ có thể chống lại những kẻ thù lớn mạnh hơn.

Trong bối cảnh căng thẳng với Trung Quốc trên Biển Đông ngày càng leo thang, Indonesia đã lên kế hoạch nâng số lượng tàu ngầm trong hạm đội của mình từ hai lên 7 chiếc, trong đó có hai tàu ngầm Kilo của Nga và ba tàu ngầm Hàn Quốc. Jakarta tuyên bố sẽ triển khai một số tàu ngầm cùng chiến đấu cơ đến căn cứ ở quần đảo Natuna, nơi lực lượng chấp pháp Indonesia thường xuyên va chạm với tàu cá và tàu hải cảnh Trung Quốc.

Lo ngại Trung Quốc có thể mở rộng hoạt động ra Ấn Độ Dương, chính phủ Ấn Độ mới đây công bố kế hoạch đầy tham vọng chế tạo 24 tàu ngầm trong vòng 30 năm tiếp theo, nhằm cạnh tranh sức mạnh trên biển với Trung Quốc.

Australia cũng vừa mới ký hợp đồng trị giá 38 tỷ USD với nhà thầu DCNS để chế tạo tàu ngầm hiện đại Shortfin Carracuda cho hải quân nước này. Dựa trên thiết kế mẫu tàu ngầm hạt nhân mới lớp Scorpene của Pháp, tàu ngầm này được thay thế lò phản ứng hạt nhân bằng động cơ diesel – điện, trang bị hệ thống điều khiển chiến đấu của Mỹ, giúp Australia có thể phát huy sức mạnh ra xa trên vùng biển phía bắc.

"Đây sẽ là loại tàu ngầm diesel tốt nhất thế giới nếu họ thành công với dự án này", Clark khẳng định.(Vnexpress)


(

Tinkinhte

tổng hợp)
Trở về

Bài cùng chuyên mục