Việc 4 cơn địa chấn mạnh liên tiếp làm rung chuyển Nam Á, Myanmar và Nhật Bản chỉ trong vòng 48 giờ làm dấy lên lo ngại rằng một trận động đất thảm khốc có thể đang hình thành.
Tin thế giới đọc nhanh trưa 27-08-2016
- Cập nhật : 27/08/2016
Nhật, Trung đấu khẩu chuyện tranh chấp biển ở Bắc Kinh
Phái viên của Nhật nhắc nhở Trung Quốc chuyện xâm phạm biển Hoa Đông, phía Bắc Kinh đáp trả kêu gọi Nhật không can thiệp chuyện Biển Đông.
Ông Shotaro Yachi (trái) gặp Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường tại Bắc Kinh ngày 25-8 - Ảnh: Reuters
Ông Shotaro Yachi, chủ tịch Hội đồng An ninh quốc gia của Nhật, đang có chuyến thăm tại Bắc Kinh nhằm chuẩn bị cho các cuộc gặp cấp cao tại Hội nghị thượng đỉnh G20 sắp tổ chức tại Hàng Châu (Trung Quốc).
Theo báo The Japan News, trong cuộc gặp Ủy viên Quốc vụ viện Trung Quốc Yang Jiechi (Dương Khiết Trì) ngày 25-8, ông Yachi đã phàn nàn chuyện tàu đánh cá lẫn tàu hải cảnh Trung Quốc liên tục thâm nhập biển Hoa Đông mà Nhật đang kiểm soát.
Đáp lại, nhà ngoại giao kỳ cựu họ Dương của Trung Quốc cũng nhắc nhở Nhật nên đóng “vai trò xây dựng” trong hội nghị thượng đỉnh G20 sắp tới vì sự hợp tác nằm trong lợi ích của cả hai nước.
Đại diện của Bắc Kinh cũng kết tội Nhật đã can thiệp vào tình hình Biển Đông, nơi Trung Quốc đang bị dư luận quốc tế lên án vì những hành vi bắt nạt các nước trong khu vực.
Hãng tin Tân Hoa xã của Trung Quốc dẫn lời ông Dương nhắc khéo người đối thoại: “Mối quan hệ Trung-Nhật liên tục bị ảnh hưởng vì các vấn đề khác nhau, đặc biệt là các vấn đề liên quan biển Hoa Đông và Biển Đông vốn nằm trong mối lưu tâm lợi ích của mỗi bên”.
Trong cuộc gặp của ông Shotaro Yachi sau đó với Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường vào chiều 25-8, Tân Hoa xã dẫn lời ông Lý: “Mối quan hệ Trung-Nhật vẫn còn mong manh dù vẫn có động lực để phát triển nó”.
Ông Lý nhân đó cũng nhắc nhở Nhật nên “có sự hiểu biết đúng đắn về Trung Quốc và nên nhìn trong sự phát triển của Trung Quốc như một cơ hội”.
Thủ tướng Nhật muốn họp thượng đỉnh với Trung Quốc và Hàn Quốc
Theo hãng tin Kyodo, ngày 25-8, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe bày tỏ mong muốn tổ chức một cuộc gặp thượng đỉnh 3 bên với Trung Quốc và Hàn Quốc vào cuối năm nay.
Phát biểu với báo giới, ông Abe nêu rõ Nhật Bản "có kế hoạch tổ chức cuộc gặp trong năm nay với tư cách là nước chủ trì". Ông nhấn mạnh Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc chia sẻ trách nhiệm to lớn đối với hòa bình và thịnh vượng của khu vực.
Thủ tướng Abe một lần nữa bày tỏ hy vọng tổ chức riêng rẽ các cuộc hội đàm song phương với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Hàn Quốc Park Geun Hye bên lề Hội nghị thượng đỉnh G20, diễn ra tại Hàng Châu cuối tuần sau. Ông Abe nhấn mạnh rằng ông muốn trao đổi quan điểm về các vấn đề như tình hình Triều Tiên qua các cuộc hội đàm song phương với lãnh đạo Trung Quốc và Hàn Quốc.
Tuyên bố của Thủ tướng Nhật Bản được đưa ra một ngày sau khi Ngoại trưởng ba nước Nhật-Trung-Hàn nhóm họp tại Tokyo nhất trí cùng làm việc để thu xếp một cuộc gặp thượng đỉnh 3 bên vào cuối năm nay tại Nhật. Sau cuộc họp, Thủ tướng Abe đã có cuộc gặp với cả ba ngoại trưởng. (TT)
Mỹ sẽ điều thêm 'Ác điểu' MQ-9 Reaper tới Biển Đông
Không quân Mỹ sẽ tiếp nhận 30 máy bay không người lái MQ-9 Reaper mới, trong đó một số sẽ làm nhiệm vụ trinh sát trên Biển Đông.
Lầu Năm Góc ngày 21/8 công bố kế hoạch tăng 50% số lần xuất kích hàng ngày thực hiện nhiệm vụ trinh sát của máy bay không người lái (UAV) trên Biển Đông vào giữa năm 2019, khi nước này tiếp nhận 30 chiếc MQ-9 Reaper mới, có tổng trị giá 370,9 triệu USD.
Từ năm 2015, Mỹ đã tăng cường số lượng các sứ mệnh trinh sát bằng UAV trên Biển Đông bất chấp việc Trung Quốc cố gắng ngăn chặn các chuyến bay do thám này bằng cách gây nhiễu kết nối vệ tinh, theo Yabada.
Nguồn tin Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết số UAV mới này sẽ thay thế cho những chiếc MQ-1 Predator, vũ khí chính của không quân Mỹ trong các phi vụ không kích bằng máy bay không người lái trong thời gian tới.
Với biệt danh "Ác điểu bầu trời", MQ-9 Reaper được trang bị bom GBU-12 điều khiển bằng laser, tên lửa không đối đất AGM-114 Hellfire II, tên lửa không đối không AIM-9 Sidewinder và bom thông minh GBU-38 JDAM. Máy bay này có thể bay liên tục 14 giờ đồng hồ trong điều kiện mang tối đa bom hoặc tên lửa.
So với phiên bản MQ-1 Predator, máy bay MQ-9 Reaper có kích thước lớn hơn và nhiều tính năng hơn. MQ-9 Reaper có thể tấn công các mục tiêu cơ động hay hoạt động như một máy bay do thám, đồng thời có thể theo dõi tên lửa của đối phương.
Thứ trưởng Bolivia bị thợ mỏ đánh chết
Ông Rodolfo Illanes, Thứ trưởng Nội vụ Bolivia, vừa bị một toán thợ mỏ nước này bắt cóc và đánh chết, theo hãng tin Aljazeera.
“Tất cả thông tin chúng tôi thu thập được khẳng định Thứ trưởng Rodolfo Illanes đã bị giết chết một cách tàn nhẫn và hèn nhát.” Aljazeera dẫn lời Bộ trưởng Bộ Chính phủ Carlos Romero.
Vụ việc xảy ra ngày 25-8 tại TP Panduro, cách thủ đô La Paz 160 km. Thứ trưởng Carlos Romero ra mặt với chủ ý thương lượng với các thợ mỏ nhưng rốt cục bị một nhóm thợ mỏ bắt đi và đánh chết.
Ông Moises Flores, Giám đốc một trạm phát thanh địa phương, viết trên Twitter rằng có người đã tận mắt nhìn thấy Thứ trưởng Rodolfo Illanes bị đánh chết.
Thợ mỏ phong tỏa một tuyến đường chính trong cuộc biểu tình ngày 25-8 ở TP Panduro (Bolivia). Ảnh: REUTERS
Cuộc biểu tình của thợ mỏ bắt đầu từ nhiều ngày trước, yêu cầu chính phủ tăng phúc lợi, bớt khắt khe các quy định về môi trường, mở rộng đại diện công đoàn, cho phép các công ty tư nhân tham gia kinh doanh khai thác mỏ.
Cuộc biểu tình biến thành bạo lực từ giữa tuần này sau khi hai thợ mỏ bị cảnh sát bắn chết. 17 cảnh sát bị thương trong các cuộc xung đột biểu tình.
Chính phủ Bolivia đang nỗ lực tìm lại thi thể Thứ trưởng Rodolfo Illanes, năm nay 56 tuổi. Bộ trưởng Quốc phòng Bolivia Reymi Ferreira cho biết khoảng 100 người bị bắt liên quan vụ việc này. Chính phủ yêu cầu Bộ Tư pháp điều tra.
Ngành công nghiệp khai thác mỏ bị quốc hữu hóa sau khi Tổng thống Evo Morales lên cầm quyền năm 2006.
Thời gian đầu việc quốc hữu hóa này rất được đồng tình vì chính phủ có tiền chăm lo các chương trình phúc lợi và phát triển hạ tầng. Tuy nhiên vài năm nay chính phủ buộc phải hạn chế đầu tư cho ngành khai thác mỏ vì giá cả khoáng sản sụt giảm.
Trung Quốc bị tố lấy cát Philippines để xây đảo phi pháp ở Biển Đông
Ngoại trưởng Perfecto Yasay kêu gọi thượng viện Philippines điều tra khả năng Trung Quốc đang sử dụng cát đen lấy từ nước này để xây phi pháp các đảo nhân tạo ở Biển Đông.
.
Thượng nghị sĩ Philippines Richard Gordon trong phiên họp thượng viện ngày 24/8, có sự tham dự của Ngoại trưởng Perfecto Yasay, muốn xác nhận thông tin "gần như cả một quả núi" đang bị khai thác ở tỉnh Zambales. Ông gọi đây là "hành động cướp đất".
"Có bằng chứng cho thấy cát đen được khai thác từ lãnh thổ của chúng ta và sử dụng cho hoạt động cải tạo", đặc biệt là ở quần đảo Trường Sa,Rappler dẫn lời Ngoại trưởng Yasay phát biểu. Thông tin này dựa vào những phát hiện từ cộng đồng tình báo, cơ quan an ninh Philippines và Lực lượng Đặc nhiệm biển Tây Philippines. Tây Philippines là cách Philippines gọi Biển Đông.
Manila Standard hồi đầu tháng đưa tin hoạt động khai thác đất đá của Trung Quốc tại các ngọn núi ở Santa Cruz, Zambales, đang ở mức báo động. Người dân địa phương biết về hoạt động trái phép này nhưng giữ im lặng. Cựu tỉnh trưởng Zimbales Hermogenes Ebdane được cho là người đã cấp phép khai thác cho Trung Quốc.
Tân tỉnh trưởng Zambales Amor Delosa cho biết những người Trung Quốc giả làm thợ mỏ mỗi tháng chuyển đi hơn 450 tấn đất đá. Số đất đá này sau đó đổ xuống bãi cạn Scarborough.
Ông Yasay xác nhận có âm mưu sử dụng cát đen Philippines để cải tạo bãi cạn Scarborough, khu vực Manila và Bắc Kinh có tranh chấp.
"Hoạt động cải tạo Scarborough chưa từng xảy ra trên thực tế. Có âm mưu điều tàu chở cát đen cùng thiết bị để cải tạo Scarborough nhưng phía Mỹ đã ngăn chặn", ông nói.
Thượng nghị sĩ Gordon sau đó hỏi Ngoại trưởng Yasay về "thái độ" của Philippines nếu phía Trung Quốc "cướp đất Philippines, theo đúng nghĩa đen".
"Hành động đó vi phạm toàn vẹn lãnh thổ, quyền chủ quyền của chúng ta", ông trả lời. "Họ không thể làm vậy. Nếu họ làm vậy, chúng ta có quyền bảo vệ lãnh thổ trước mọi sự xâm phạm".
Ngoại trưởng Yasay cho biết hiện chưa có cuộc điều tra nào để xác nhận cát đen có bị Trung Quốc sử dụng để xây đảo nhân tạo hay không. GMA News đưa tin Thượng viện Philippines chuẩn bị điều tra về khả năng Trung Quốc có hoạt động khai thác trái phép ở Zambales.
Trung Quốc xây phi pháp nhiều đảo nhân tạo ở Biển Đông nhằm khẳng định yêu sách chủ quyền phi lý với gần như toàn bộ vùng biển. "Đường lưỡi bò", do Bắc Kinh đơn phương vẽ ra để đòi chủ quyền với Biển Đông, đã bị Tòa Trọng tài ở The Hague, Hà Lan, bác bỏ ngày 12/7.
"Giới hạn đỏ là hoạt động cải tạo phải dừng lại, ngay lúc này. Không có thêm hoạt động cải tạo nào khác", ông tuyên bố.(VNEX)