Hai cuốn sách vừa được xuất bản tại Ý đã nêu nhiều thông tin chấn động về “góc khuất” kinh tế, tài chính của Vatican.
Indonesia muốn lập căn cứ quân sự đối phó Trung Quốc ở Biển Đông
- Cập nhật : 27/03/2016
(The gioi)
Các nhà làm luật Indonesia đang kêu gọi lập một căn cứ quân sự ở Natuna để tăng cường phòng vệ ở khu vực quanh đảo Natuna của nước này ở Biển Đông.
Trả lời phỏng vấn báo giới hôm 24/3, ông Mahfudz Siddiq, chủ tịch Ủy ban quốc phòng và ngoại giao thuộc Hạ viện Indonesia, cho biết căn cứ mới sẽ giúp tăng cường hệ thống phòng thủ hiện có của nước này ở các khu vực phía đông và phía tây, nhằm tăng cường sự linh hoạt của quân đội Indonesia.
Hãng tin Antara dẫn lời ông Mahfudz cho biết, việc phát triển một căn cứ quân sự trên đảo Natuna là rất quan trọng đối với hệ thống phòng thủ khu vực miền trung của Indonesia - quốc gia có chung đường biên giới với nhiều nước ở Biển Đông.
Ông Mahfudz cũng nói thêm rằng, chính phủ Indonesia sẽ cần khoảng 1,3 nghìn tỷ Rupiah (khoảng 134 triệu USD) để xây dựng một căn cứ quân sự ở Natuna và nên sẵn sàng đưa vào hoạt động từ năm 2017.
Tuy nhiên, trả lời phỏng vấn báo Sunday Times hôm qua, phó chủ tịch ủy ban này, ông Hasanudin, cho biết căn cứ này không nhất thiết phải là "nơi nhân viên quân sự hiện diện ở một vị trí đặc biệt để sẵn sàng triển khai" mà là nơi trung chuyển lực lượng. “Chúng tôi muốn tăng cường hiện diện quân sự do đó chúng tôi muốn triển khai thêm binh sỹ và trang thiết bị quốc phòng ở khu vực này”, ông nói.
Tuần trước, ông Luhut Panjaitan, Bộ trưởng đặc trách Điều phối Chính trị, Pháp lý và An ninh Indonesia, cũng đề xuất ý tưởng xây một căn cứ quân sự ở quần đảo Natuna.
Những bình luận trên được đưa ra trong bối cảnh quan hệ giữa Indonesia và Trung Quốc căng thẳng sau khi một tàu hải cảnh Trung Quốc can thiệp để giúp một tàu cá của nước này đang bị lực lượng Indonesia lai dắt chạy thoát.
Ông Hasanudin cho biết, lực lượng tuần duyên Indonesia sẽ tiến hành thêm nhiều đợt tuần tra trong khu vực sau vụ việc nêu trên. “Nếu các hành động của Trung Quốc là có chủ ý, chúng tôi cần có sự can thiệp của quốc tế, nhưng nếu không, vấn đề này nên giải quyết theo biện pháp ngoại giao. Cho dù là gì, chúng tôi cũng sẽ bảo vệ từng tấc lãnh thổ của mình bằng mọi giá”, ông Hasanudin nói.
Hôm 19/3, lực lượng tuần duyên của Indonesia đã bắt giữ 8 ngư dân trên một tàu cá Trung Quốc do đánh bắt trái phép gần quần đảo Natuna thuộc chủ quyền của Indonesia. Tuy nhiên, khi tàu Indonesia đang lai dắt tàu cá Trung Quốc, một tàu hải cảnh Trung Quốc đã can thiệp vào yêu cầu lập tức thả tàu cá của họ. Tàu hải cảnh Trung Quốc sau đó đã đẩy tàu cá này trở lại vùng biển quốc tế. Trung Quốc trong khi đó vẫn lớn tiếng khẳng định rằng tàu cá của họ đánh bắt trong “ngư trường truyền thống” của Trung Quốc.
Trung Quốc đơn phương tuyên bố chủ quyền với hầu hết khu vực Biển Đông - nơi một số quốc gia Đông Nam Á cũng tuyên bố chủ quyền. Indonesia tuy không bị tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông, nhưng lo ngại sớm muộn Trung Quốc có thể mở rộng tuyên bố chủ quyền phi lý với cả quần đảo Natuna mặc dù Bắc Kinh nhiều lần tuyên bố sẽ không thách thức chủ quyền của Indonesia tại đây.