Một nhà lập pháp Philippines cho biết một tàu tuần duyên Trung Quốc "thả neo" cách đây hơn một tháng gần bãi Cỏ Mây ở Biển Đông.
Tin thế giới đọc nhanh sáng 26-07-2016
- Cập nhật : 26/07/2016
Đề xuất cùng khai thác Biển Đông nhiều nghi vấn của Trung Quốc
Trung Quốc tỏ ra nhượng bộ khi đề xuất thỏa thuận tạm thời cùng khai thác tài nguyên Biển Đông với Philippines, nhưng giới chuyên gia đặt ra nhiều nghi ngờ về sự thay đổi này.
Theo AP, sau khi Tòa Trọng tài ngày 12/7 ra phán quyết bất lợi cho Trung Quốc, Bắc Kinh đã thực hiện chiến vận động để hạ uy tín của tòa, đồng thời đưa ra những lời lẽ giận dữ và chỉ trích kịch liệt. Tuy nhiên, khi vấp phản phản ứng dữ dội từ cộng đồng quốc tế, Trung Quốc đã nêu lên lập trường mới về hợp tác với Philippines và các bên tranh chấp khác ở Biển Đông, trong việc khai thác chung nguồn cá dồi dào và tài nguyên thiên nhiên khác.
"Trung Quốc sẵn sàng thảo luận với các nước có liên quan về các thỏa thuận tạm thời trong khi chờ đợi biện pháp xử lý tranh chấp cuối cùng", nhà ngoại giao hàng đầu của Trung Quốc, Ủy viên Quốc vụ viện Dương Khiết Trì nói hai tuần trước. Ông Dương không mô tả chi tiết cụ thể về thỏa thuận, nhưng nói rằng chúng sẽ bao gồm các hoạt động cùng khai thác vì "lợi ích chung".
Các tuyên bố chính thức khác cũng cho biết Trung Quốc sẵn sàng tham gia vào các "thỏa thuận tạm thời có tính thực tế", cụm từ khá giống ngôn ngữ được sử dụng trong Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS). Theo UNCLOS, những "thỏa thuận tạm thời" được thực hiện nhằm gác vấn đề chủ quyền sang một bên và thúc đẩy hoạt động khai thác chung, với nhận thức rằng sự hợp tác này sẽ không thúc đẩy và cũng không làm suy yếu tuyên bố chủ quyền của một quốc gia.
Một số nhà phân tích Trung Quốc cho rằng sự thay đổi trong giọng điệu đó đánh dấu một cách tiếp cận mới của Trung Quốc.
"Đây là lần đầu tiên ý tưởng về thỏa thuận tạm thời được đề xuất như một chính sách", Zhu Feng, giám đốc điều hành của Trung tâm Trung Quốc về Hợp tác Nghiên cứu Biển Đông của Đại học Nam Kinh, cho biết.
Ông Zhu cho biết theo UNCLOS, những thoả thuận tạm thời đó có thể mở rộng phạm vi hợp tác giữa Trung Quốc và các bên tranh chấp khác, không chỉ trong khai thác dầu mà còn trong phát triển ngành thủy sản, du lịch và các nguồn tài nguyên khác.
Trong nhiều năm qua, Trung Quốc đã công khai "chào hàng" ý tưởng cùng khai thác Biển Đông với các nước tuyên bố chủ quyền chồng lấn khác, nhưng việc họ khăng khăng rằng bên kia phải công nhận yêu sách chủ quyền của Trung Quốc đã đặt ra trở ngại lớn, giới quan sát nhận định.
Các nhà phân tích cho rằng Trung Quốc thay đổi giọng điệu, chấp nhận "các thỏa thuận tạm thời trong khi chờ đợi biện pháp xử lý tranh chấp cuối cùng" có thể là một nỗ lực nhằm ngăn chặn ý định của các nước tranh chấp khác cũng muốn kiện Trung Quốc ra tòa quốc tế giống như Philippines.
Thách thức chính của Trung Quốc là phán quyết hôm 12/7 cho các bên khác ít động lực để đối thoại.
"Vấn đề là theo phán quyết, Trung Quốc chỉ hưởng một phần rất nhỏ lãnh hải, do đó các bên tranh chấp khác có cơ sở để không muốn phát triển chung với Trung Quốc", Chen Xiangmiao, một nhà phân tích tại Viện Quốc gia Nghiên cứu Biển Đông tại Trung Quốc, nhận định.
Chiếc bẫy tiềm ẩn
Các nhà phân tích tại Mỹ cho biết sự thay đổi rõ ràng trong chiến lược đàm phán của Trung Quốc là đáng chú ý, nhưng Bắc Kinh cần phải xây dựng lòng tin với các bên tuyên bố chủ quyền chồng lấn.
"Việc Bắc Kinh thể hiện rằng họ sẵn sàng mở cửa đón các thỏa thuận tạm thời là đầy hứa hẹn", tiến sĩ Lynn Kuok, một chuyên gia tại Viện Brookings, là một trong số vài học giả đã lập luận rằng Trung Quốc nên chấp nhận các thỏa thuận như vậy.
Kuok cho biết rất khó xác định khu vực để khai thác chung, nhưng một trong những nơi rõ ràng nhất sẽ là vùng biển xung quanh bãi cạn Scarborough, nơi mà Tòa Trọng tài cho là ngư trường truyền thống của cả Philippines và Trung Quốc.
"Tuy nhiên, niềm tin đặt vào Trung Quốc là rất thấp và Bắc Kinh sẽ phải chứng tỏ thật nhanh sự chân thành trong ý định của mình", ông Kuok nói.
Các quốc gia Đông Nam Á có tranh chấp với Trung Quốc cho biết họ nghĩ rằng lời kêu gọi đàm phán của Bắc Kinh là chiến thuật trì hoãn, khi Bắc Kinh tiếp tục xây dựng đường băng và cơ sở hạ tầng khác trên những đảo nhân tạo bồi đắp phi pháp ở Biển Đông, mở rộng kiểm soát của họ với vùng biển rộng lớn.
"Tôi tự hỏi liệu có tiềm ẩn một cái bẫy giăng ra cho Philippines trong lời đề nghị hấp dẫn này hay không", Bonnie Glaser, cố vấn cấp cao về châu Á tại Trung tâm Chiến lược và Nghiên cứu Quốc tế ở Washington, nói.
Bà Glaser cho rằng nếu Philippines chấp nhận thỏa thuận tạm thời, họ có thể đã ngầm thừa nhận rằng Trung Quốc có quyền khai thác đối với tài nguyên trên Biển Đông, dù phán quyết của Tòa Trọng tài hoàn toàn bác bỏ điều đó. "Về bản chất, thỏa thuận tạm thời này là lời yêu cầu Manila bỏ qua phán quyết", bà nói.
Trung Quốc nhấn mạnh rằng phán quyết của tòa không thể được coi là cơ sở cho bất kỳ cuộc đàm phán nào về tranh chấp Biển Đông. Ngoại trưởng Philippines Perfecto Yasay tuần trước cho biết Manila đã từ chối đề nghị đàm phán của Bắc Kinh với điều kiện đó, nói rằng nó không phù hợp với hiến pháp và lợi ích quốc gia của Philippines.
Hôm 21/7, báo Trung Quốc chính thức China Daily đưa tin về phản ứng của Bộ Ngoại giao Trung Quốc trước lời từ chối của Ngoại trưởng Philippines Yasay. Họ thúc giục Philippines vạch ra một hướng đi mới. "Vẫn còn thời gian nếu biện pháp khắc phục được thực hiện".(Vnexpress)
Chân dung phó tướng chưa bao giờ thua của Hillary
Ứng viên Tổng thống thuộc đảng Dân chủ Hillary Clinton đã chọn Tim Kaine, một nghị sĩ ôn hòa tới từ Virginia làm bạn liên danh, ứng viên phó Tổng thống Mỹ.
Thượng nghị sĩ Tim Kaine là một chính trị gia kỳ cựu, từng phục vụ ở hầu hết các cấp trong chính phủ. Ông là cựu chủ tịch Ủy ban quốc gia đảng Dân chủ, từng là thị trưởng, thống đốc bang và thượng nghị sĩ.
Tổng thống Obama gần như đã lựa chọn ông trong năm 2008 nhưng tới năm nay Tim Kaine mới đảm nhận trọng trách. Tim Kaine, người chưa dính vào bất cứ bê bối nào, được coi là sự lựa chọn an toàn trong năm bầu cử truyền thống.
Dưới đây là 5 thông tin đặc biệt đáng chú ý về ứng viên phó tổng thống mới của đảng Dân chủ, Politico viết.
Chưa thua trong bất kỳ một cuộc bỏ phiếu nào
Ông Kaine bắt đầu sự nghiệp chính trị ở hội đồng thành phố Richmond, Virginia vào năm 1994 và sau đó được hội đồng bầu làm thị trưởng thành phố. Năm 2001, ông Kaine đắc cử vị trí phó thống đốc Virginia, và năm 2005 giữ chức Thống đốc bang này. Năm 2012, ông tranh cử vào thượng viện.
Sự thăng tiến của ông Kaine trên chính trường rất ổn định và vững chắc, trong một số trường hợp nó có chút may mắn. Ông giành một ghế trong thượng viện cách đây 4 năm khi đương kim thượng nghị sĩ Jim Webb (nghị sĩ nhiệm kỳ đầu) quyết định không tái tranh cử. Ông Kain được đảng Dân chủ đề cử khi không một đảng viên nào quyết định cạnh tranh vị trí đó.
Đối thủ của Kaine trong cuộc bầu cử năm đó là cựu Thượng nghị sĩ George Allen, người đã mở hàng loạt cuộc tấn công, liên kết Kaine với Tổng thống Obama dù cương lĩnh tranh cử của ông Kaine chỉ tập trung vào các thông điệp tích cực. Nếu bộ máy của Trump định hạ gục Kaine kiểu này sẽ rất khó khăn, cựu thượng nghị sĩ Virginia John Watkins nói với AP.
Nói tiếng Tây Ban Nha như gió
Thượng nghị sĩ Kaine học tiếng Tây Ban Nha khi sống ở Honduras vào năm 1980. Ông tạm dừng việc học một năm ở trường luật để làm việc tại một trường kỹ thuật cùng với hội truyền giáo dòng Tên.
Năm 2013, Kaine nói tiếng Tây Ban Nha suốt 13 phút ở Thượng viện để ủng hộ cải tổ đạo luật di cư do nhóm lưỡng đảng "băng nhóm 8 người" soạn thảo. Sự kiện này đánh dấu lần đầu tiên một thượng nghị sĩ phát biểu nguyên bài tại Thượng viện bằng một thứ tiếng khác, không phải bằng tiếng Anh. Trước đó, một số nghị sĩ khác chỉ nói vài câu bằng tiếng Tây Ban Nha.
Trong bài phát biểu, ông Kaine nói, ông cảm thấy thích hợp khi phát biểu bằng ngôn ngữ thứ 2 vì tiếng Tây Ban Nha là thứ tiếng được dùng ở Mỹ từ hàng trăm năm và hiện vẫn được hơn 40 triệu người Mỹ sử dụng.
Hồi đầu tháng này, trong một cuộc vận động tranh cử của Hillary tại California, ông Kaine đã dạy đám đông cách nói "Sẵn sàng vì Hillary" bằng tiếng Tây Ban Nha.
Có con trai đang trong quân ngũ
Nat, con trai của nghị sĩ này là lính thủy đánh bộ chuyên nghiệp. Như vậy, Kaine là một trong số ít các nghị sĩ có con trai đang phục vụ quân đội.
Năm 2014, trong một lần gặp gỡ các cựu binh Virginia, đúng thời điểm quan trọng trong sự nghiệp quân ngũ của con trai, ông Kaine nói: "Con trai tôi là một sĩ quan bộ binh, đang chỉ huy trung đội đầu tiên của nó, do đó, vấn đề này rất quan trọng đối với tôi". Có lẽ nhờ kinh nghiệm trong quân đội của con trai mà ông Kaine tập trung vào các chính sách quân sự và ngoại giao ở Quốc hội, ông từng giữ một vị trí trong Ủy ban vũ trang thượng viện.
Trong một cuộc trả lời phỏng vấn của MSNBC, Kaine đã chỉ trích những bình luận của Trump về quân đội. "Khi tôi nghe thấy Trump nói quân đội Mỹ là một thảm họa, tôi muốn lao qua màn hình và lay cho ông ta tỉnh. Chúng ta cần một tổng tư lệnh nói về quân đội của chúng ta với sự biết ơn và tôn trọng".
Chơi harmonia cực đỉnh
Phó tướng của Hillary đã chơi đàn harmonica được hơn 2 thập niên, Roll Call đưa tin. Ông từng trình diễn với đàn này khi tranh cử.(Vietnamnet)
Đặc nhiệm Anh có thể hành động nếu đảo chính nổ ra tiếp ở Thổ Nhĩ Kỳ
Lực lượng đặc nhiệm Anh đã sẵn sàng thực hiện sứ mệnh giải cứ công dân nước mình nếu một cuộc đảo chính tiếp tục nổ ra ở Thổ Nhĩ Kỳ, Daily Express ngày 25/7 đưa tin.
Theo đó, đặc nhiệm không quân Anh (SAS) và Đội Hỗ trợ Đặc nhiệm (SFSG) đã sẵn sàng triển khai tại căn cứ không quân Akrotini ở Cyprus để có thể xuất kích bất cứ lúc nào cần thiết.
Sứ mệnh của họ tập trung vào giải cứu công dân Anh tại các khu có đông du khách, và lực lượng đặc nhiệm này được phép sử dụng vũ khí nếu chiến dịch giải cứu bị cản trở.
"Nếu một cuộc đảo chính nữa nổ ra ở Thổ Nhĩ Kỳ, nội chiến sẽ xảy ra sau đó. Đó sẽ là một cuộc khủng hoảng quốc tế lớn. Tất cả các nước có công dân ở Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tìm cách giải cứu họ, và chúng tôi muốn đi trước một bước", một nguồn tin quốc phòng cấp cao giấu tên nói với tờ Daily Star hôm chủ nhật.
Nhà chức trách Thổ Nhĩ Kỳ cho biết có từ ba đến 5 trung đoàn quân đội nước này tham gia vào cuộc đảo chính bất thành nhằm lật đổ Tổng thống Recep Tayyip Erdogan hôm 15/7. Sau cuộc đảo chính, Thổ Nhĩ Kỳ đã phát động chiến dịch thanh trừng quy mô lớn đối với quân đội và lực lượng cảnh sát.
Thông tin trên được đưa ra trong bối cảnh Tổ chức Ân xá quốc tế hôm 24/7 cáo buộc Thổ Nhĩ Kỳ giam giữ hàng nghìn binh lính tham gia đảo chính trong chuồng ngựa. Họ bị bỏ đói, trói quặt chân tay, không được chăm sóc y tế, thậm chí bị hãm hiếp.
Donald Trump bị tố được Nga hậu thuẫn tranh cử
Đại diện đảng Dân chủ cho rằng Nga đang tìm cách giúp đỡ chiến dịch tranh cử của ông Trump bằng cách để lộ hàng nghìn email của đảng này.
Tỷ phú Trump viết trên Twitter hôm nay rằng các thông tin về việc Nga công bố các email trên vì Tổng thống Nga Vladimir Putin có cảm tình với ông này chỉ là "một trò đùa mới", theo Washington Post.
Tuyên bố trên của ông Trump được đưa ra một ngày sau khi Robby Mook, người quản lý chiến dịch tranh cử của ứng viên đảng Dân chủ Hillary Clinton cáo buộc phía Nga có liên quan đến việc đột nhập vào các email của Ủy ban Quốc gia đảng Dân chủ (DNC) để giúp đỡ ông Trump.
Ông Mook nói với CNN rằng không phải ngẫu nhiên mà những email trên được công bố ngay trước thềm Đại hội Toàn quốc đảng Dân chủ bắt đầu từ hôm nay ở Philadelphia. Một số đảng viên đảng Cộng hòa phản đối tỷ phú Trump từng gọi ông này là người ủng hộ Putin.
Hôm qua, trang Wikileaks đã công bố hàng nghìn email cho thấy DNC đã giành nhiều ưu ái cho bà Clinton hơn ứng viên Bernie Sanders trong các cuộc bầu cử sơ bộ. Chủ tịch DNC Debbie Wasserman Schultz đã phải từ chức sau sự kiện này.