Ông Kerry nhấn mạnh pháp quyền khi nói về Biển Đông
Tướng Mỹ: Không thể hợp tác với Nga bằng lòng tin
Máy bay Trung Quốc bất ngờ xâm nhập vùng cấm bay của Nga
Nhật Bản bày tỏ lập trường về Biển Đông tại Lào
Tin thế giới đọc nhanh 26-07-2016
- Cập nhật : 26/07/2016
G20 cam kết dùng mọi công cụ chính sách để thúc đẩy tăng trưởng
Các Bộ trưởng Tài chính và thống đốc ngân hàng G20 chụp ảnh chung tại hội nghị ngày 24/7. (Nguồn: EPA/TTXVN)
Sau hai ngày làm việc, chiều 24/7, Hội nghị Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) đã bế mạc tại Thành Đô, tỉnh Tứ Xuyên, Tây Nam Trung Quốc, với việc ra tuyên bố chung trong đó nhắc lại cam kết sử dụng mọi công cụ chính sách để hỗ trợ và thúc đẩy tăng trưởng toàn cầu.
Trong tuyên bố chung, các nước thành viên G20, trong đó có Mỹ, Trung Quốc, Anh và Đức, thừa nhận tiến trình phục hồi của nền kinh tế toàn cầu vẫn tiếp diễn, song yếu hơn kỳ vọng.
G20 cam kết sẽ sử dụng "tất cả các công cụ chính sách," trong đó có các biện pháp tiền tệ, tài chính và cơ cấu, nhằm tăng cường lòng tin và thúc đẩy tăng trưởng, qua đó hướng đến việc đạt được "các mục tiêu tăng trưởng mạnh mẽ, bền vững, cân bằng và toàn diện."
Đại diện các nước cũng phản đối mọi hình thức bảo hộ thương mại, đồng thời cam kết không phá giá tiền tệ để thúc đẩy xuất khẩu. Ngoài ra, tuyên bố cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc giảm thiểu dư thừa năng lực sản xuất công nghiệp trong ngành thép và các ngành công nghiệp khác, vốn dẫn đến tình trạng thừa cung và giá cả hàng hóa sụt giảm.
Tuyên bố cũng nhận định việc Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), hay còn gọi là Brexit, đặt ra nhiều nguy cơ đối với kinh tế thế giới, trước hết là tạo thêm bất ổn cho nền kinh tế, song các nước thành viên G20 đã sẵn sàng chủ động ứng phó với những tác động tài chính và kinh tế tiềm tàng do "cú sốc" này mang lại.
Các bộ trưởng cũng bày tỏ hy vọng trong tương lai, nước Anh sẽ là "một đối tác thân cận" của EU.
Liên quan đến vấn đề khủng bố, tuyên bố cảnh báo các cuộc tấn công khủng bố thường xuyên diễn ra với mức độ ngày càng tăng đang trở thành một mối đe dọa đối với nền kinh tế toàn cầu.
Bộ trưởng các nước cũng "lên án các vụ tấn công khủng bố gần đây bằng những từ ngữ mạnh mẽ nhất," đồng thời nhấn mạnh rằng khủng bố là một trong những vấn đề làm "phức tạp" môi trường kinh tế toàn cầu. G20 cam kết sẽ ngăn chặn mọi hình thức tài trợ cho khủng bố.
Hội nghị Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Nhóm G20 diễn ra tại Thành Đô trong hai ngày 23 và 24/7. Đây là hội nghị cấp bộ trưởng cuối cùng trước Hội nghị Thượng đỉnh G20 tại Hàng Châu vào ngày 4-5/9 tới.
G20 là diễn đàn chủ yếu nhằm triển khai các hợp tác kinh tế quốc tế, gánh vác sứ mệnh quan trọng trong việc thúc đẩy kinh tế thế giới ổn định và tăng trưởng.
Tổng kim ngạch ngoại thương và Tổng sản phẩm nội khối (GDP) của các nền kinh tế G20 lần lượt chiếm hơn 80% và 85% trên toàn cầu, đóng vai trò hết sức quan trọng trong kinh tế thế giới. (Vietnamplus)
Bế tắc về vấn đề Biển Đông, ASEAN tìm cách thay đổi luật chơi
Các nhà ngoại giao đang muốn thay đổi những luật lệ cơ bản trong khâu ra quyết định của ASEAN trước nỗi thất vọng vì sự bế tắc cũng như chia rẽ nội bộ khối.
Các ngoại trưởng hôm qua có mặt tại lễ khai mạc Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN ở thủ đô Vientaine, Lào. Ảnh: AP
Hội nghị ngoại trưởng 10 nước thuộc Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) diễn ra ở Vientaine, Lào, bế tắc trong việc ra tuyên bố chung đề cập đến vấn đề Biển Đông, vì vấp phải sự phủ quyết của Campuchia. Đây là hội nghị quan trọng nhất của ASEAN kể từ khi Tòa Trọng tài hôm 12/7 ra phán quyết bác bỏ yêu sách "đường lưỡi bò" Trung Quốc đơn phương vẽ ra trên Biển Đông, theo Wall Street Journal.
Theo bình luận viên Ben Otto, đây là kết quả không khiến nhiều người ngạc nhiên, bởi ASEAN lâu nay vẫn ra mọi quyết định dựa trên nguyên tắc đồng thuận. Trong khi đó, Trung Quốc đã liên tục gây sức ép lên các đối tác thương mại và đầu tư ở Đông Nam Á nhằm ngăn cản ASEAN ra tuyên bố thừa nhận phán quyết.
Nhiều quan chức ngoại giao Đông Nam Á hồi cuối tuần trước cho biết họ ngày càng cảm thấy bị xúc phạm bởi "sự thao túng" của Trung Quốc lên ASEAN.
Một số nhà ngoại giao tiết lộ hầu hết các nhóm, dẫn đầu bởi Philippines, Việt Nam và Indonesia đều muốn ra tuyên bố thể hiện sự ủng hộ của ASEAN với phán quyết từ tòa quốc tế.
Nhưng theo một quan chức ngoại giao Đông Nam Á, Campuchia lại là nước duy nhất ngăn cản ASEAN ra tuyên bố chung liên quan đến vấn đề Biển Đông vì họ không muốn Trung Quốc bị chỉ trích, AFP đưa tin.
Thủ tướng Campuchia Hun Sen tháng trước còn lên tiếng phản đối ASEAN ủng hộ phán quyết "đường lưỡi bò" và nhấn mạnh vấn đề Biển Đông "nên được giải quyết giữa các nước liên quan".
Nỗi thất vọng bên trong hiệp hội bắt đầu làm nảy sinh những cuộc thảo luận về một ý tưởng chưa từng có. Các nhà ngoại giao muốn thay đổi quy định về nguyên tắc đồng thuận của ASEAN, cho phép xây dựng nên các liên minh nhỏ hơn, giúp một bộ phận các nước trong khối có thể tự mình xử lý, đưa ra hành động đối với những vấn đề gây tranh cãi, WSJ dẫn lời các nhà ngoại giao cho hay.
Tuy nhiên, thách thức đặt ra là nếu muốn thay đổi bất cứ quy định nào, ASEAN cần bỏ phiếu đồng thuận và chắc chắn các đồng minh của Trung Quốc sẽ ngăn cản điều này, giới quan sát đánh giá.
Nỗi thất vọng hiện hữu rõ nét nhất hôm 23/7 khi Indonesia tổ chức một phiên họp bên lề hội nghị. Mục tiêu của buổi thảo luận là nhằm tìm kiếm sự đồng thuận trong nhóm trước khi bước vào các cuộc họp thường niên sẽ diễn ra trong những ngày sau đó, với sự tham gia của Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cùng Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị và đại diện các cường quốc châu Á khác.
Các quan chức ngoại giao mô tả phiên họp trên như một cách để thuyết phục Campuchia đứng về phía họ, giúp khối phần nào thoát khỏi ảnh hưởng từ Trung Quốc. Nhưng cuộc họp đã kết thúc mà không đạt được một thỏa thuận nào.
Ngoại trưởng Indonesia Retno Marsudi gọi buổi thảo luận trên là một minh chứng rõ nét, giúp nhắc nhở tất cả các thành viên về những chuẩn mực và giá trị của ASEAN.
"Chúng ta cần một ASEAN thống nhất để nói lên tầm quan trọng trong việc bảo vệ ngôi nhà của chúng ta", bà nhấn mạnh. "Ta cần bảo vệ ngôi nhà này và Indonesia sẽ đứng ở tuyến đầu. Chúng ta sẽ không để kẻ khác phá hoại nhà mình".
Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường (trái) trao đổi với Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị, bên cạnh là Thủ tướng Campuchia Hun Sen, tại Thượng đỉnh Á-Âu, ở Mông Cổ, ngày 15/7. Ảnh: AP
Thay đổi "luật chơi" của ASEAN được xem như phương sách cuối cùng, các nhà ngoại giao cho hay. "Đầu tiên, tôi nghĩ chúng ta đều muốn nhìn thấy một ASEAN đoàn kết", bà Marsudi nói.
Nhiều nhà ngoại giao tiếp tục phàn nàn việc Trung Quốc chủ yếu dựa vào Campuchia để ngăn cản những nỗ lực của ASEAN bàn thảo về tình hình Biển Đông.
Một số người cho rằng việc Trung Quốc thông báo viện trợ cho Campuchia 600 triệu USD sau khi Tòa Trọng tài ra quán quyết là một "phần thưởng" mà Bắc Kinh dành cho Phnom Penh. Song Trung Quốc phủ nhận mọi mối liên quan chính trị đằng sau động thái này. Thủ tướng Hun Sen nói ông đã xin viện trợ và nó sẽ giúp Campuchia triển khai tốt hơn các dự án cơ sở hạ tầng phục vụ bầu cử, giáo dục cũng như y tế.
"Ép buộc tất cả các quốc gia ASEAN hình thành một lập trường thống nhất về vấn đề này là đi ngược lại quan điểm nhất trí thông qua tham vấn", đại diện Bộ Ngoại giao Trung Quốc trả lời các câu hỏi từ WSJ và thêm rằng "nhiều nước ASEAN có lập trường khác biệt về vấn đề Biển Đông".
Trong một bài viết trên TodayOnline, ông Tang Siew Mun, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu ASEAN ở Viện ISEAS-Yusof Ishak, thậm chí còn cho rằng ASEAN có thể xem xét phương án loại bỏ tư cách thành viên của Campuchia nếu tình hình vẫn tiếp diễn.
"ASEAN là một hiệp hội, không phải là câu lạc bộ các quốc gia. Campuchia cần phải hiểu rằng việc cản trở ASEAN để làm hài lòng Trung Quốc sẽ phá hoại tính khả thi của khối như một phương tiện để giải quyết các nhu cầu và thách thức khu vực", ông nói.
"Campuchia phải quyết định tương lai của họ nằm trong ASEAN hay cùng với người láng giềng lớn hơn, giàu có hơn. ASEAN cũng nên xem xét tương lai của khối sẽ tốt hơn nếu Campuchia ở trong hay ngoài khối".
Ông Tang chỉ ra rằng Hiến chương ASEAN hiện nay chưa có điều khoản để các thành viên rút lui hoặc bị khai trừ, nhưng ông khẳng định câu hỏi về "Cambrexit" (ám chỉ việc Campuchia rời khỏi ASEAN) không thể để ngỏ mãi mãi nếu Phnom Penh vẫn tiếp tục chính sách cản trở lợi ích lớn hơn của khối.
"Đây là trận chiến mà ASEAN phải chiến đấu và giành chiến thắng. Việc cố gắng 'giữ thể diện' và vẻ ngoài đoàn kết sẽ khiến ASEAN đánh mất vai trò của mình", ông Tang nhấn mạnh
Trong khi đó, không ít nhà ngoại giao ASEAN lại kỳ vọng Trung Quốc dần dần sẽ theo đuổi một lập trường ít cứng rắn hơn. Suy nghĩ này bắt nguồn từ một dự thảo chính sách Trung Quốc đưa ra sau phán quyết từ Tòa Trọng tài, không đề cập đến cái gọi là "đường 9 đoạn" mà Bắc Kinh từ trước đến nay vẫn sử dụng để tuyên bố chủ quyền với phần lớn diện tích Biển Đông. Phán quyết đã chỉ ra rằng đường này không có cơ sở pháp lý.(Vnexpress)
Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ né phán quyết PCA khi thăm Trung Quốc
Hãng thông tấn AP ngày 25/7 cho biết Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Susan Rice đang ở thăm Bắc Kinh để hội đàm với các quan chức Trung Quốc trong khuôn khổ chuyến thăm cấp cao nhất của một quan chức Nhà Trắng kể từ khi Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) có trụ sở tại La Haye (Hà Lan) ra phán quyết bác bỏ các yêu sách chủ quyền quá mức của Trung Quốc ở Biển Đông, một động thái được dự báo sẽ làm gia tăng căng thẳng trong khu vực.
Trong bài phát biểu bắt đầu cuộc gặp cùng ngày giữa bà Rice với Ủy viên Quốc vụ Trung Quốc Dương Khiết Trì và có sự tham dự của báo chí, hai bên đã không đề cập đến phán quyết hôm 12/7 của PCA, vốn khiến Bắc Kinh tức giận.
Bà Rice cho biết Mỹ và Trung Quốc đang hợp tác chặt chẽ hơn trong các vấn đề toàn cầu và tin tưởng rằng hai bên có thể xử lý những thách thức khác với "sự thẳng thắn và cởi mở."
Về phần mình, ông Dương Khiết Trì cho rằng hai bên có các mối quan hệ ổn định, nhưng vẫn có những bất đồng cần phải được giải quyết một cách thận trọng.
Ông Obama chê D.Trump thiếu sự chuẩn bị về chính sách đối ngoại
Ngày 24/7 (theo giờ Mỹ), Tổng thống Mỹ Barack Obama tuyên bố việc ứng cử viên tổng thống của Đảng Cộng hòa, tỷ phú Donald Trump nhận định Mỹ có thể sẽ không bảo vệ các đồng minh thuộc Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) là một dấu hiệu khác củng cố lập luận của Tổng thống Obama rằng ông trùm bất động sản "thiếu sự chuẩn bị" về chính sách đối ngoại.
Phát biểu trên kênh truyền hình CBS, Tổng thống Obama cho rằng những bình luận của ông Trump chẳng khác nào thừa nhận việc Mỹ có thể không tuân thủ nguyên tắc cốt lõi nhất của NATO - đó là bất kỳ cuộc tấn công nào nhằm vào một trong các thành viên của NATO đều đồng nghĩa với một cuộc tấn công chống lại tất cả thành viên của khối quân sự này và các nước thành viên khác phải đến trợ giúp cho thành viên bị tấn công.
Trước đó, trả lời phỏng vấn tờ New York Times hôm 20/7, tỷ phú Trump tuyên bố nếu ông thắng cử vào tháng 11 tới, có thể chính quyền Washington sẽ chỉ bảo vệ những thành viên NATO nào đã hoàn thành nghĩa vụ của họ với Mỹ.
Ông Trump cũng cho rằng Mỹ đã cung cấp cho NATO sự hỗ trợ lớn hơn mức cần thiết, đồng thời lưu ý NATO cần phải đóng một vai trò tích cực trong cuộc chiến chống nhóm thánh chiến Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.