Căng thẳng thương mại Mỹ - Trung nóng trở lại sau vài tuần giảm nhiệt. Lý do thực sự có đơn giản là tranh chấp thương mại và Việt Nam sẽ chịu tác động như thế nào từ "cuộc chiến" ấy?
Châu Âu giữa hai gọng kìm khủng hoảng
- Cập nhật : 28/05/2018
Để tránh những hậu quả đáng sợ khi bị “nghiền nát” dưới hai gọng kìm khủng hoảng, châu Âu chỉ còn cách xây dựng mối quan hệ tốt đẹp với Nga.
Hãy biết giá trị của Nga!
Tờ Bình luận quân sự của Nga ngày 27/5 có bài viết với tựa đề “Xa rời Nga, châu Âu đối mặt nguy cơ diệt vong”, qua đó chỉ ra những nguy cơ mà châu Âu đang phải đối mặt, đồng thời thuyết phục châu Âu từ bỏ trừng phạt Nga và ngồi lại đối thoại.
Bài viết của tác giả Ilya Polonsky cho rằng châu Âu ngày càng hiểu rõ Mỹ không phải là một quốc gia bạn bè mà là một đối thủ cạnh tranh vô nguyên tắc và khôn lỏi. Đối với Mỹ, điều quan trọng nhất chính là các lợi ích tài chính.
Theo tác giả, thế giới đang thay đổi nhanh chóng nhưng rất nhiều nhà chính trị châu Âu tiếp tục tư duy theo kiểu cũ lỗi thời khi coi Mỹ là đồng minh và người bảo trợ đáng tin cậy.
Liên minh châu Âu (EU) đang trong hoàn cảnh hết sức phức tạp khi bị mắc kẹt cùng lúc giữa hai cuộc khủng hoảng, một ở phía Nam và một ở phía Đông. Mỗi cuộc khủng hoảng này đều gây ra những tác động về chính trị, kinh tế và quân sự.
Cuộc khủng hoảng ở phía Nam của châu Âu là một Trung Đông đang sục sôi. Đó là các cuộc nội chiến ở Syria, Iraq, Libya, Yemen, là nguy cơ bùng phát một cuộc chiến tranh quy mô lớn giữa Iran và Israel, là việc Mỹ đơn phương rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran.
Cuộc khủng hoảng ở phía Nam này tác động trực tiếp tới châu Âu, trong đó có cuộc khủng hoảng di cư khi người tị nạn ồ ạt tới châu Âu từ châu Phi, châu Á, các hành động khủng bố và mâu thuẫn với Mỹ trong vấn đề hạt nhân Iran.
Cuộc khủng hoảng phía Đông của châu Âu là mối quan hệ ngày càng xấu với nước Nga liên quan tới các biện pháp trừng phạt chống Nga vốn được thông qua dưới áp lực của Mỹ.
Đó còn là cuộc chiến ở khu vực Donbass, tranh cãi về việc công nhận bán đảo Crimea là của Nga và cuộc khủng hoảng chính trị tại Ukraine.
Đối với châu Âu, cuộc khủng hoảng phía Đông mang ý nghĩa kinh tế nhiều hơn ý nghĩa về chính trị-quân sự. Các lệnh trừng phạt chống lại Nga đã ảnh hưởng tiêu cực tới nền kinh tế châu Âu, gây ra tâm lý hoài nghia châu Âu của giới doanh nhân và các chính trị gia đối lập.
Theo nhà phân tích Nga, điều chủ yếu là châu Âu đang phải “chạy theo” chính sách đối ngoại của Mỹ trong khi không hề được Washington tham vấn. Tổng thống Mỹ Donald Trump thậm chí còn thể hiện sự thờ ơ đối với những lợi ích căn bản, những quyền lợi kinh tế và sự ổn định xã hội của châu Âu.
Trong khi đó, cả ở hướng Nam và hướng Đông của châu Âu, Nga đang đóng vai trò quan trọng nhất. Ở Trung Đông, Moscow đang tiếp tục ủng hộ Tổng thống Syria Bashar al-Assad, không cho phép phân chia Syria.
Ở Đông Âu, Nga đã nhiều lần thể hiện quan điểm nhất quán và kiên quyết bảo vệ các lợi ích quốc gia của mình ở Crimea và Donbass.
Mỹ cũng đang cố gắng theo đuổi các lợi ích của mình ở phía Nam và phía Đông của châu Âu. Trong khi đó, Liên minh châu Âu, dù đang nỗ lực thể hiện là một “cường quốc” nhưng thực tế chỉ là một “vệ tinh” của Mỹ. Ngay cả như vậy, Mỹ cũng không hề biết ơn Brussels còn chính châu Âu đang bị mắc kẹt trong hai cuộc khủng hoảng và bị cô lập.
Con đường đúng duy nhất đối với châu Âu, theo nhà phân tích Nga, là từ bỏ mô hình châu Âu-Đại Tây dương vốn đã lỗi thời và rất nguy hiểm. Châu Âu đến lúc cần hiểu rằng Mỹ không còn là một đồng minh và một nhà bảo trợ nữa. Để tránh những hậu quả đáng sợ có thể xảy ra khi châu Âu bị “nghiền nát” dưới hai gọng kìm khủng hoảng, châu Âu chỉ còn cách xây dựng mối quan hệ tốt đẹp với Nga.
Tổng thống Nga Vladimir Putin đã nhiều lần đề nghị châu Âu củng cố nỗ lực, tái định hướng từ hợp tác với Mỹ sang hợp tác với Nga và Trung Quốc, qua đó xây dựng một trục kinh tế, chính trị mới của thế giới – trục Á-Âu.
Tuy nhiên, nhà phân tích Nga cho rằng cho đến giờ các nhà lãnh đạo châu Âu vẫn chưa có những bước đi quan trọng nhất để có thể cứu châu Âu, đó là từ bỏ các biện pháp trừng phạt chống Nga và ngồi xuống bàn đàm phán với Moscow.
Thiệt đơn thiệt kép vì Mỹ
Những phân tích trên tuy đi hơi xa nhưng cũng có cơ sở thực tế, nhất là với cách hành xử hiện nay của Mỹ. Ngay sau khi lên nắm quyền, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã thể hiện thái độ “coi thường” các đồng minh châu Âu, tuyên bố công khai ủng hộ Brexit và đánh giá NATO đã “lỗi thời”.
Bất chấp là đồng minh thân thiết của Mỹ, Liên minh châu Âu vẫn đứng trước nguy cơ bị chính quyền của Tổng thống Trump áp đặt các mức thuế nhôm thép cao ngất ngưởng.
Mới đây nhất, dù đã đích thân đến tận Nhà Trắng, cả Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Đức Angela Merkel đều không thể thuyết phục Tổng thống Trump tuyên bố rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran. Ông Trump thậm chí còn đẩy ngày đưa ra tuyên bố sơm hơn 4 ngày so với dự định sau khi các nhà lãnh đạo Pháp và Đức về nước!
Sau đó, Mỹ còn tuyên bố áp đặt các biện pháp trừng phạt mới chống Iran và đặt châu Âu, đặc biệt là 3 nước tham gia ký kết thỏa thuận hạt nhân Iran gồm Anh, Pháp và Đức, trước nguy cơ thiệt hại nặng về kinh tế. Châu Âu đang đứng trước nguy cơ “phá sản” sau khi đầu tư rất nhiều vốn liếng vào Iran.
Sau khi Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran, châu Âu tiếp tục các nỗ lực nhằm cứu vãn tình hình. Thủ tướng Đức Merkel đã phê phán quyết định của Tổng thống Trump, đồng thời nhấn mạnh Berlin cam kết duy trì thỏa thuận và sẽ nỗ lực hết sức để Iran vẫn tuân thủ trách nhiệm.
Tổng thống Pháp Macron cũng ngay lập tức điện đàm với người đồng cấp Iran Hassan Rouhani, khẳng định Pháp muốn duy trì thỏa thuận hạt nhân Iran.
Đại diện cấp cao của Liên minh châu Âu về chính sách an ninh và đối ngoại Federica Mogherini tuyên bố liên minh này sẽ bảo toàn thỏa thuận hạt nhân Iran. Đại diện cấp cao EU cũng bày tỏ đặc biệt lo ngại về những lệnh trừng phạt mới của Mỹ nhằm vào Iran và khẳng định EU sẽ hành động để bảo vệ những lợi ích kinh tế của mình.
Tổng thống Mỹ D. Trump đã bỏ qua những lời khuyên của các đồng minh bên kia Đại Tây Dương khi tuyên bố rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran hôm 8/5
Thế nhưng, Mỹ tiếp tục “phớt lờ” châu Âu khi Cố vấn An ninh quốc gia Nhà Trắng John Bolton cảnh báo các doanh nghiệp châu Âu giao dịch với Iran có thể hứng chịu các biện pháp trừng phạt của Washington.
Ủy ban châu Âu (EC) hôm 18/5 đã chính thức khởi động tiến trình kích hoạt "quy chế phong tỏa" nhằm ngăn chặn tác động từ các lệnh trừng phạt của Mỹ nhưng các công ty châu Âu làm ăn với Iran vẫn đang “rục rịch” rút khỏi quốc gia Trung Đông này.
Chỉ riêng trong vấn đề Iran, châu Âu đang đứng trước nguy cơ thiệt hại cực lớn về kinh tế do Mỹ gây ra. Không những thế, việc “đánh mất” Iran cũng khiến châu Âu không thể tiếp cận nguồn cung dầu khí dồi dào. Điều này đồng nghĩa với việc Brussels sẽ tiếp tục phụ thuộc vào Nga và tương lai là nguồn dầu đá phiến cùng khí hóa lỏng của Mỹ.
Một điều quan trọng không kém là châu Âu đang bị Mỹ làm “mất mặt” vì mọi lời nói từ Brussels tiếp tục bị đồng minh Washington phớt lờ. Uy tín và danh dự mà châu Âu đầu tư sau hàng chục năm đàm phán thỏa thuận hạt nhân Iran cũng đang tiêu tan.
Đông Triều
Theo Baodatviet.vn