Mỹ phát thông điệp “tuyệt đối rõ ràng” với Trung Quốc về Biển Đông
Dọa rút Mỹ khỏi WTO, Donald Trump có thể gây nên khủng hoảng toàn cầu
Obama: Có khả năng Nga cố tác động bầu cử tổng thống Mỹ
Ấn Độ cáo buộc máy bay Trung Quốc xâm phạm không phận
Mỹ trấn an Trung Quốc về hệ thống THAAD ở Hàn Quốc
ASEAN hướng tới hiệp định thương mại khu vực
- Cập nhật : 28/04/2017
ASEAN sẽ ưu tiên thiết lập một hiệp định thương mại tập trung vào châu Á, gồm cả Trung Quốc, Ấn Độ và Nhật Bản.
Trước thềm Hội nghị cấp cao ASEAN lần 30 tại Manila, Bộ trưởng Công thương Philippines Ramon Lopez cho biết việc Mỹ rút khỏi Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) cùng với những chính sách chưa rõ ràng của Tổng thống Donald Trump trong việc bảo hộ mậu dịch đã khiến ASEAN chuyển hướng, tập trung vào Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) hơn.
ASEAN lần đầu đưa ra ý tưởng về RCEP vào năm 2012 nhưng thời điểm đó ý tưởng này không được quan tâm lắm vì một số nước trong khu vực vẫn đang chú trọng vào TPP. Tuy nhiên, khi Mỹ rút khỏi TPP, hiệp định này cũng mất 2/3 tổng GDP của tất cả các quốc gia thành viên. Trong khi đó, Trung Quốc bắt đầu thể hiện tầm ảnh hưởng của mình tại RCEP, một hiệp định được cho là sự thay thế khả dĩ nhất trong việc hạ thấp thuế trong khu vực đối với các nước châu Á có nền kinh tế phụ thuộc vào xuất khẩu. Theo Reuters, RCEP sẽ mang ASEAN - cộng đồng thương mại có dân số 620 triệu người - đến gần hơn với 6 quốc gia là Nhật, Ấn Độ, New Zealand, Úc, Hàn Quốc và Trung Quốc.
Trước lo ngại về việc Trung Quốc sẽ đứng đầu và chi phối RCEP, Bộ trưởng Ramon Lopez khẳng định hiệp định này không thể bị “phá hỏng” bởi các nước lớn. “Trung Quốc chỉ là một thành viên của RCEP. Các nước sẽ tìm kiếm những lợi ích chung cho tất cả, không để nghiêng hẳn về bất cứ bên nào”, ông nói.
Dù vậy, theo tờ Nikkei Asian Review, chính sách “Một vành đai, một con đường” của Trung Quốc là một phần trong kế hoạch thiết lập hệ thống giao thương toàn cầu mới mà Trung Quốc là trung tâm và RCEP là một mảnh ghép quan trọng trong kế hoạch này. Bộ Thương mại Trung Quốc lâu nay vẫn không che giấu mối liên hệ giữa hai chương trình: “Một vành đai, một con đường” có mục đích phát triển hạ tầng kinh doanh và công nghiệp để thúc đẩy thương mại và đầu tư với Trung Quốc; còn RCEP có mục đích tận dụng những hạ tầng mới xây dựng đó thông qua việc phát triển một hành lang thương mại tự do phù hợp với Bắc Kinh. Nếu thành công, hiệp định này sẽ mở cửa cho hàng xuất khẩu của Trung Quốc tràn vào thị trường các nước láng giềng.
Lam Yên
(từ Manila)
Theo Thanh Niên