Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung chưa hình thành năm 2017. Nhưng năm 2018 có thể là một câu chuyện khác.
CPTPP: Hy vọng của châu Á khi Mỹ quay lưng và Trung Quốc xây 'tường'
- Cập nhật : 16/11/2017
Cuộc chiến này không chỉ để đạt được thương mại tự do mà còn để chống lại làn sóng bảo hộ đang lên.
Đây là vấn đề cốt lõi của Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) được 11 nước đồng ý đưa ra ngày 11/11 bên lề hội nghị APEC tại Đà Nẵng. CPTPP là phiên bản mới của Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump quyết định rút ra.
Mục đích của hiệp định này không đơn giản chỉ là mở cửa thị trường ôtô hay sản phẩm nông nghiệp. Điều mà những nhà thương thuyết tìm kiếm là quy tắc cho thương mại trong thế kỷ 21.
Thông tin có nên được tự do chảy qua biên giới quốc gia? Ai nên kiểm soát big data (dữ liệu lớn)? Chúng ta có nên xây dựng những bức tường chắn trong không gian mạng? Hàng loạt câu hỏi đang rất cần lời giải đáp trong thời thương mại điện tử và thế giới nên có một bộ quy tắc cơ bản để các nước tuân theo.
Các nhà lãnh đạo tham dự cuộc đối thoại APEC - ASEAN, bên lề hội nghị thượng đỉnh APEC, tại Đà Nẵng ngày 10/11
Khi tham dự APEC, tổng thống Mỹ Donald Trump nhiều lần nhấn mạnh vào tình trạng thâm hụt của nước này với các đối tác thương mại và gây sức ép để các nước xóa bỏ thuế quan và quy định cải cách - chính sách thương mại kiểu thế kỷ 20. Trong khi đó, Nhật Bản và các nước thành viên của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á lại đang trông đợi vào một nền thương mại quốc tế thế kỷ 21. Điều làm nhóm nhận ra tầm quan trọng của việc này là Trung Quốc.
Tiến thoái lưỡng nan
Châu Á chỉ có Alibaba và Tencent là đủ tiềm năng tham gia sân chơi toàn cầu trong thương mại điện tử và thanh toán trên di động. Cả 2 đều là công ty Trung Quốc, hoạt động bên trong "Vạn lý trường thành số" mà cường quốc này lập nên để ngăn chặn dòng chảy tự do của thông tin.
Hồi tháng 6, Bắc Kinh ban hành luật an ninh mạng, cấm chuyển giao các thông tin quan trọng ra nước ngoài và buộc các công ty internet phải cung cấp dữ liệu cho chính phủ. Big data, nguồn lực đổi mới trong tương lai, sẽ được tích lũy ở Trung Quốc và bị chính phủ nước này kiểm soát.
Kế hoạch cơ sở hạ tầng khổng lồ "Một vành đai, một con đường" của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình được quảng bá là để khôi phục lại con đường tơ lụa huyền thoại. Tuy nhiên, bằng việc đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường rộng lớn 4,4 tỷ người ở 65 quốc gia đang phát triển tham gia, Bắc Kinh muốn thiết lập các quy tắc cho ngành thương mại điện tử và thanh toán trực tuyến (trên danh nghĩa xây dựng cơ sở hạ tầng thương mại).
Tóm lại, sáng kiến này còn có một mục tiêu sâu xa hơn, tạo ra một khối kinh tế đối trọng với TPP.
CPTPP liệu có thể giúp châu Á khi ông Trump quay lưng còn ông Tập xây "tường"
Các quốc gia châu Á thực sự đang trong tình thế tiến thoái lưỡng nan. Nguồn tài chính khổng lồ từ kế hoạch "Một vành đai, một con đường" có sức hấp dẫn quá lớn nhưng khu vực cũng muốn thiết lập trật tự thị trường dựa trên các quy tắc minh bạch và cạnh tranh công bằng.
Câu hỏi lớn hơn nữa là các quy tắc của CPTPP sẽ được các nước khác trên thế giới chấp nhận như thế nào? So với TPP, quy mô của thỏa thuận mới chỉ bằng 1/3 tổng sản phẩm quốc nội và một nửa về dân số và tổng khối lượng thương mại.
Trong hoàn cảnh khó khăn đó, điều khiến cho 11 quốc gia đồng ý đi tiếp có lẽ là hy vọng đưa ra hình thức thỏa thuận càng sớm càng tốt. Tốt hơn nữa? Đưa Mỹ trở lại!
Trang Hồ/ Theo Nikkei/NDH.VN