Quyết định nâng lãi suất của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) được nhận định là không có tác động nhiều đến kinh tế Việt Nam và cũng không cản trở dòng tiền vào Việt Nam từ nay đến cuối năm.
Các nước và Việt Nam gặp khó khăn gì khi Mỹ rút khỏi TPP?
- Cập nhật : 12/11/2017
Khi Mỹ, một quốc gia có sức nặng kinh tế, với vai trò của mình rút ra khỏi Hiệp định TPP cũng tạo ra những khó khăn nhất định cho các quốc gia trong quan điểm tiếp tục duy trì Hiệp định TPP với tiêu chuẩn chất lượng cao, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết.
Bộ trưởng Bộ Công Thương và Bộ trưởng Kinh tế Nhật Bản tại cuộc họp báo diễn ra ngày 11/11 tại Đà Nẵng. Ảnh: MOIT
Ngày 11/11 tại cuộc họp báo diễn ra tại Đà Nẵng, các Bộ trưởng đã thống nhất một số nội dung quan trọng, trong đó thống nhất với tên gọi mới của Hiệp định TPP gồm 11 nước là Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).
Các Bộ trưởng cũng đã ra tuyên bố chung khẳng định các nước trong CPTPP thống nhất những vấn đề cốt lõi của Hiệp định này theo hướng giữ nguyên các nội dung của Hiệp định TPP cũ nhưng cho phép các nước thành viên được tạm hoãn một số nghĩa vụ để đảm bảo cân bằng trong bối cảnh mới với chất lượng cao của Hiệp định.
Các Bộ trưởng cũng nhất trí Hiệp định TPP là một Hiệp định toàn diện và có tiêu chuẩn cao trên cơ sở cân bằng các lợi ích của các nước thành viên có tính đến trình độ phát triển của các nước.
Trả lời câu hỏi của báo chí về việc các nước TPP nói chung và Việt Nam nói riêng có gặp khó khăn gì khi Mỹ rút khỏi Hiệp định TPP, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh khẳng định, Hiệp định TPP 12 đã được các quốc gia tham gia đàm phán và xây dựng với tiêu chuẩn rất cao trên các lĩnh vực và khi đạt được sự đồng thuận này thì tất cả các quốc gia đều hài lòng vì nó không những là một dự thảo Hiệp định với tiêu chuẩn chất lượng cao mà còn đạt được điểm cân bằng chung của các quốc gia tham gia Hiệp định này.
“Vì vậy khi Mỹ, một quốc gia có sức nặng kinh tế, với vai trò của mình rút ra khỏi Hiệp định TPP thì cũng tạo ra những khó khăn nhất định cho các quốc gia trong quan điểm tiếp tục duy trì Hiệp định TPP với tiêu chuẩn chất lượng cao như vậy. Để đạt được điểm cân bằng mới với những lợi ích, nghĩa vụ và cam kết của mình thì trong tất cả các vòng đàm phán trong thời gian vừa qua, các Trưởng đoàn đàm phán (theo chỉ đạo của các Bộ trưởng) đã có những cách tiếp cận rất thực tiễn nhưng làm sao vẫn duy trì được một Hiệp định chất lượng cao, vẫn đảm bảo được mục tiêu ban đầu”, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nói.
Cũng theo Bộ trưởng, 4 vòng đàm phán của cấp Trưởng đoàn tại các thời gian, địa điểm khác nhau đã phản ánh đầy đủ các khó khăn này, nhưng với quan điểm xây dựng của các Bộ trưởng TPP, Chính phủ của các nước đã giúp các Bộ trưởng đạt được các thỏa thuận rất quan trọng cốt lõi của Hiệp định TPP11 nhưng vẫn đảm bảo yêu cầu của TPP 12 chất lượng cao. Đồng thời đáp ứng được yêu cầu của các quốc gia trong TPP 11 có những điểm cân bằng mới.
Theo Bộ trưởng, vấn đề tiếp theo là còn một số yêu cầu cần cụ thể hóa trước khi có thể ký kết chính thức những điểm liên quan đến các nội dung có thể xem xét tạm hoãn, cơ chế, phương thức để tạm hoãn thì các cấp Trưởng đoàn đàm phán sẽ đàm phán cụ thể và cũng cần thời gian để đảm bảo lợi ích hài hòa và có được sự đồng thuận như trong Hội nghị Bộ trưởng TPP 11.
“Tôi cho rằng đoạn đường khó khăn nhất chúng ta đã đi qua, và đang đến rất gần với Hiệp định TPP 11 mà chúng ta có tên gọi là CPTPP. Tôi rất tin tưởng vào tương lai như vậy”, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh.
Về phía Việt Nam, Bộ trưởng Tuấn Anh cho biết, Việt Nam cũng giống như các quốc gia khác đều có nghiên cứu, đánh giá rất cụ thể trong việc cải cách mở cửa, thực hiện hội nhập… trong các khía cạnh kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội để đưa ra được quan điểm cân bằng về lợi ích của Việt nam khi tham gia Hiệp định TPP 11, đồng thời đóng góp cho TPP 11 đạt được sự đồng thuận chung để đưa vào thực thi.
“Không hẳn là khúc mắc, nhưng có những khó khăn mà chúng tôi phải nỗ lực rất lớn để chia sẻ chung với các quốc gia TPP 11 nhưng đồng thời tạo được sự đồng thuận chung trong các cơ quan, tổ chức có liên quan đến cơ chế tham vấn trong nước”, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết thêm.
NGUYỄN THẢO
Theo Bizlive.vn