Financial Times tổng hợp 5 xu hướng quan trọng đáng theo dõi của ngành năng lượng thế giới trong 2019.
Trung Quốc trước sức ép kinh tế kể từ khi bùng nổ cuộc chiến thương mại với Mỹ (Phần 2)
- Cập nhật : 10/09/2018
Ngay cả các chuyên gia kinh tế của Trung Quốc cũng thừa nhận trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ-Trung lan rộng, tình trạng kinh tế của Trung Quốc đã xuất hiện “đèn đỏ”.
Đồng tiền giấy mệnh giá 100 NDT tại Bắc Kinh. Ảnh: AFP/TTXVN
Một là số liệu kinh tế tháng 5/2018 xuất hiện dấu hiệu đi xuống; hai là cổ phiếu loại A (cổ phiếu tính bằng đồng NDT) rơi xuống mức thảm hại, chỉ số tổng hợp của thị trường chứng khoán Thượng Hải đã chạm đến mức thấp nhất trong 2 năm gần đây, ba là xu thế đi xuống của đồng NDT chưa có dấu hiệu dừng lại, tỷ giá hối đoái so với đồng USD đã xuống đến mức thấp nhất kể từ tháng 12/2017 đến nay.
Các chỉ số kinh tế chủ yếu của Trung Quốc trong tháng 5/2018 dường như yếu kém toàn diện. Giá trị gia tăng công nghiệp không đạt được như dự kiến, tốc độ tăng trưởng đầu tư tài sản cố định ở mức thấp nhất kể từ năm 2000 đến nay.
Tính từ tháng 1 đến 5/2018 đầu tư tài sản cố định cả nước giảm 0,9% so với cùng kỳ năm trước. Mức tăng tổng kim ngạch bán lẻ hàng tiêu dùng xã hội chỉ đạt 8,5%, con số thấp nhất trong vòng 15 năm gần đây. Trong tháng 6/2018, chỉ số quản lý mua sắm ngành chế tạo (PMI) là 51,5%, giảm 0,4% so với tháng 5/2018.
Báo cáo cấp nhà nước của giới chuyên gia cảnh báo, giữa lúc xảy ra chiến tranh thương mại Mỹ-Trung, Trung Quốc có thể xảy ra khủng hoảng tài chính. Bốn tình trạng đáng chú ý là tổng lượng tín dụng tiền tệ thiếu lực tăng trưởng, môi trường góp vốn của doanh nghiệp khá căng thẳng, bỏ đòn bẩy tăng cường quản lý nghiêm ngặt dẫn đến sai phạm trên thị trường tín dụng thường xuyên xảy ra, rủi ro thị trường chứng khoán một lần nữa được tích lũy.
Sau khi bỏ đòn bẩy trở thành quốc sách của Trung Quốc, các ngân hàng tại Trung Quốc bắt đầu thắt chặt cho vay, cơ quan chức năng tấn công ngân hàng ma, đồng thời tăng cường giám sát việc góp vốn của chính quyền địa phương và dự án đầu tư công-tư.
Có những nghiên cứu cho rằng bắt đầu từ giữa năm 2016, tính lưu động tiền tệ của Trung Quốc bắt đầu thoái trào, tính lưu động thị trường đã thắt chặt rõ rệt, chịu ảnh hưởng bởi sự thắt chặt của tính lưu động tiền tệ và tính lưu động ngân hàng, tính lưu động của thị trường đang chịu sức ép lớn. Trong bối cảnh này, sai phạm tài chính tại Trung Quốc tăng nhanh đột biến.
Theo thống kê của Cơ quan đánh giá tín dụng quốc tế có uy tín Fitch Group, tính từ đầu năm 2018 đến hết tháng 6/2018 đã có tới 12 vụ. Trước mối quan ngại kép về thắt chặt tín dụng và chiến tranh thương mại Mỹ-Trung, chỉ số cổ phiếu loại A tính từ tháng 1/2018 đến hết tháng 6/2018 giảm 22%.
Trong khi đó, bỏ đòn bẩy vẫn chưa có dấu hiệu thành công, một báo cáo điều tra cho thấy tính toán theo khoản nợ gia đình/thu nhập gia đình có thể sử dụng, tỷ lệ đòn bẩy cuối năm 2017 của gia đình Trung Quốc lên đến 110,9%, đã cao hơn mức của Mỹ là 108,1%, mà mục đích cung cấp tín dụng chủ yếu là mua nhà ở.
Do tình trạng hỗn loạn của thị trường nhà đất Trung Quốc, Bộ Nhà ở và Kiến thiết đô thị-nông thôn Trung Quốc cùng với 7 ban ngành trung ương như Ban tuyên truyền trung ương, Bộ Công an, Tổng cục thuế... gần đây đã bắt tay hành động.
Bắt đầu từ tháng 7 đến cuối năm 2018 tại 30 thành phố như Bắc Kinh, Quảng Châu, Thượng Hải, Thâm Quyến... triển khai hành động chỉnh đốn tình trạng hỗn loạn của thị trường nhà đất, trọng điểm tấn công trên 4 phương diện: mua nhà đầu cơ, công ty trung gian bất động sản ma, doanh nghiệp phát triển vi phạm và quảng cáo bất động sản hư cấu.
Thêm vào đó là những tin đồn các ngân hàng phát triển quốc gia liên quan sẽ thắt chặt phê duyệt khoản vay cải tạo nhà ở cũ, điều này đối với chiến lược giải quyết vấn đề tồn kho nhà ở tại các thành phố của Trung Quốc, nhất là thành phố tuyến 3 và tuyến 4 tất chịu tác động rất lớn.
Ngày 30/6, đồng NDT mất giá so với đồng USD đến mức tỷ giá hối đoái giữa đồng NDT và đồng USD là 6,6 NDT đổi 1 USD. Như vậy, đồng NDT không chỉ mất giá liên tục trong 8 ngày, mà còn là lần đầu tiên mất giá đến tỷ lệ 6,6 NDT đổi 1 USD kể từ ngày 20/12/2017 đến nay. Giá trung gian của đồng NDT lũy kế trong nửa đầu năm 2018 mất giá 1,26%.
Tỷ giá đồng NDT đi xuống, vừa chịu ảnh hưởng của đồng USD tăng giá do Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất gây ra, cũng chịu ảnh hưởng từ khủng hoảng tâm lý do chiến tranh thương mại Mỹ-Trung mang lại, nhưng nhìn tổng thể, vẫn là nội lực của bản thân nền kinh tế Trung Quốc gây ra.
Nhìn từ góc độ kinh tế học, chỉ cần tỷ lệ thu lợi đầu tư bằng tài sản đồng NDT tại Trung Quốc không được cải thiện, tỷ giá đồng NDT sẽ đứng trước sức ép liên tục. Hơn thế, trong thời đại bản vị tín dụng, nếu như ngân hàng tự ý cho vay, hình thành tài sản xấu, còn ngân hàng Trung ương thu mua những tài sản xấu này để tăng lượng phát hành đồng tiền, giá trị của đồng tiền đương nhiệm chịu thách thức.
Bên ngoài có những phán đoán cho rằng nhằm đối phó với những ảnh hưởng từ chiến tranh thương mại Mỹ-Trung, Trung Quốc đã cố tình để cho đồng NDT mất giá. Thế nhưng, phân tích sâu hơn có thể thấy trong lúc này, Trung Quốc càng không có khuynh hướng dùng tỷ giá làm vũ khí.
Một là trong tình trạng va chạm thương mại hiện nay, mức độ nhạy cảm của thương mại hàng hóa đối với tỷ giá là thấp, chỉ dựa vào làm mất giá đồng NDT để thúc đẩy xuất khẩu là không có hiệu quả. Hai là làm như vậy, trái lại sẽ đánh mất công cụ thao túng tỷ giá, khiến phía Mỹ tức giận, không có lợi cho đàm phán trong tương lai. Ba là để đồng NDT mất giá sẽ trói buộc không gian chính sách tiền tệ.
Hơn thế, một khi đồng NDT mất giá đến mức mất kiểm soát, sẽ kích thích bùng phát một đợt bán tháo mới, vốn sẽ chảy ra bên ngoài và dự trữ ngoại hối giảm mạnh, ảnh hưởng tiêu cực hơn đến giá cả tài sản tại Trung Quốc.
Ngày 27/6, tại Hội nghị quý II/2018 của Ủy ban chính sách tiền tệ, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc đã đưa ra nhiều thông tin mới về chính sách tiền tệ, lần đầu tiên Ngân hàng Trung ương Trung Quốc, nới lỏng tiền tệ thích hợp. Về tính lưu động, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc cũng thay đổi từ “duy trì tính lưu động hợp lý ổn định” thành “bảo đảm duy trì tính lưu động hợp lý đầy đủ”.
Ngoài ra phương châm “thiết thực quản lý chặt đầu ra chung về cung ứng tiền tệ” được đưa ra từ Hội nghị quý IV/2017 cũng thay đổi thành “quản lý tốt đầu ra chung về cung ứng tiền tệ”. Với phong cách “nói ít nhưng nhiều nghĩa của Trung Quốc, khiến nhiều người đã thấy được sự thay đổi chính sách tiền tệ của Trung Quốc, cũng như tính nghiêm trọng của những khó khăn mà kinh tế Trung Quốc đang phải đối mặt hiện nay.
TTXVN/Bnews