tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Thương mại Mỹ-Trung: Lý do thật ông Trump quyết chiến Bắc Kinh?

  • Cập nhật : 10/09/2018

Mục đích tăng thuế nhập khẩu không phải là giảm thâm hụt thương mại, mà là khoản thuế nhập khẩu đó, để bù vào khoản cắt giảm thuế 1.500 tỷ USD.

Tổng thống Trump doạ tăng thuế nhập khẩu với tất cả hàng hoá Trung Quốc

Reuters đưa tin, ngày 7/9 Tổng thống Mỹ Donald Trump cảnh báo Wahington đã sẵn sàng áp thuế đối với gần như tất cả hàng hóa của Trung Quốc được nhập khẩu vào thị trường Mỹ.

Nhà lãnh đạo Mỹ đưa ra lời đe dọa chỉ vài giờ sau khi Mỹ kết thúc thời gian trưng cầu dân ý về danh sách các mặt hàng xuất xứ Trung Quốc, với tổng trị giá khoảng 200 tỉ USD, phải chịu thuế nhập khẩu mới.

Phát biểu trước với báo giới, vị tổng thống doanh nhân của nước Mỹ cho biết bản thân đang rất "cứng rắn với Trung Quốc" vì nhận thấy trong thời điểm hiện nay cần phải hành xử như thế.

tong thong trump luon tu tin chien thang

Tổng thống Trump luôn tự tin chiến thắng

"Gói thuế 200 tỷ USD có thể sớm được triển khai. Điều đó phụ thuộc tất cả vào Trung Quốc. Tôi ghét nói điều này, nhưng sau đó có thể sẽ tới gói thuế 267 tỉ USD, nếu tôi muốn, từ đó sẽ làm thay đổi hoàn toàn cán cân thương mại giữa 2 nước".

Tổng thống Trump đã áp thuế 25% với lượng hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc trị giá 50 tỷ USD, trong đó hầu hết là các sản phẩm máy móc công nghiệp và các linh kiện điện tử trung gian, kể cả chất bán dẫn.

Gói thuế trị giá 200 tỉ USD dự kiến sắp có hiệu lực, áp cho nhiều mặt hàng thế mạnh khác của Trung Quốc ở thị trường Mỹ, như máy chụp ảnh, thiết bị ghi âm, ghi hình, túi xách, lốp xe hay máy hút bụi, phải chịu thuế nhập khẩu từ 10 - 25%.

Biện pháp tăng thuế của chính quyền Trump đến nay vẫn chưa áp cho điện thoại di động, mặt hàng Mỹ nhập khẩu nhiều nhất từ Trung Quốc. Song có thể nó sẽ không còn là ngoại lệ, nếu ông Trump kích hoạt gói thuế 267 tỉ USD.

Theo các chuyên gia, lời đe dọa của người đứng đầu Nhà Trắng về gói thuế quan thứ 4 sẽ làm leo thang hơn nữa cuộc chiến tranh thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, bởi Trung Quốc đã "thể" sẽ trả đũa.

Điều đó cho thấy vị tổng thống doanh nhân muốn "quyết chiến" với Trung Quốc để có thể cắt giảm thâm hụt thương mại, "bảo vệ người dân và các doanh nghiệp Mỹ trước các hành xử thiếu công bằng về thương mại của Bắc Kinh".

Tuy nhiên, đáng nói là ông Trump càng tăng thuế nhập khẩu thì thâm hụt thương mại của Mỹ với các đối tác - nhất là Trung Quốc - lại liên tục gia tăng và xác lập những kỷ lục mới.

Theo số liệu Bộ Thương mại Mỹ công bố ngày 5/9, thâm hụt thương mại của Mỹ tháng 7 tăng lên 50,1 tỷ USD, trong khi tháng 6 là 46,3 tỷ USD do nhập khẩu tăng mạnh, xuất khẩu giảm mạnh vì USD tăng cao và đáp trả thuế quan ở nhiều nước.

duong nhu giam tham hut thuong mai la chi buc binh phong cho chinh sach thue quan cua trump

Dường như giảm thâm hụt thương mại là chỉ bức bình phong cho chính sách thuế quan của Trump

Cụ thể, nhập khẩu của Mỹ trong tháng 7 đã tăng 0,9% lên 261,2 tỷ USD, mức kỷ lục cả về sức mua hàng hóa lẫn dịch vụ. Xuất khẩu giảm 1% xuống còn 211,1 tỷ USD, với số lượng hàng hóa công nghiệp và dầu mỏ đạt mức kỷ lục.

Trong khi năm 2017, thâm hụt thương mại của Mỹ đã tăng tới 12,1%, lên 566,0 tỷ USD - kỷ lục trong vòng 10 năm - tương đương 2,9% GDP, trong khi thâm hụt thương mại năm 2016 của Mỹ chỉ chiếm khoảng 2,7% GDP.

Đáng chú ý là thâm hụt thương mại của Mỹ với Trung Quốc - đối tác mà Tổng thống Trump luôn lên án và quyết tìm cách cắt giảm - đã tăng 8,1%, đạt mức kỷ lục ngay trong năm đầu tiên dưới thời chính quyền Trump, với giá trị lên đến 375,2 tỷ USD.

Nguyên nhân của hiện tượng tréo ngoe này được nhận diện nằm ở ngay nước Mỹ và trong chính sách của vị tổng thống doanh nhân. Đó là sự lệch pha của nền kinh tế Mỹ khi kinh tế tiêu dùng đóng góp 70% vào tăng trưởng.

Trong khi đó chính quyền Tổng thống Trump lại kích thích cho vay tiêu dùng không giới hạn, từ đó kích thích thích chi tiêu hộ gia đình khiến cho nhu cầu nhập khẩu hàng hoá tăng cao - thâm hụt thương mại là khó có thể tránh khỏi.

Như vậy, dường như tăng thuế nhập khẩu không giúp giảm thâm hụt thương mại của Mỹ, nhất là với Trung Quốc, vậy tại sao vị tổng thống doanh nhân vẫn quyết chiến tới cùng với Bắc Kinh?

Điều gì khiến ông Trump quyết chiến với Bắc Kinh?

Theo giới phân tích, khi quyết chiến tới cùng với Bắc Kinh thì chắc chắn Tổng thống Trump có niềm tin và cơ sở giành chiến thắng, hay chiếm ưu thế trước đối thủ trong cuộc "chiến tranh không tiếng súng" này.

Có thể nhận diện, ngoài những hiệu ứng tích cực từ thị trường chứng khoán thể hiện niềm tin của giới đầu tư, thì người tiêu dùng cũng Mỹ cũng có niềm tin rất lớn vào chính sách của chính quyền Trump, theo khảo sát của Conference Board.

niem tin cua ca gioi dau tu va nguoi tieu dung la co so cho hanh dong quyet chien cua tong thong trump

Niềm tin của cả giới đầu tư và người tiêu dùng là cơ sở cho hành động quyết chiến của Tổng thống Trump

Người tiêu dùng Mỹ có niềm tin vào chính sách của chính phủ trong bối cảnh xung đột thương mại giữa Mỹ với các đối tác gia tăng không chỉ vì chính sách kích thích cho vay tiêu dùng cởi mở, mà còn ở những yếu tố quyết định chất lượng tiêu dùng.

Thứ nhất, tăng trưởng trong các lĩnh vực dịch vụ của Mỹ, những lĩnh vực có ảnh hưởng nhất tới chất lượng sống của người dân Mỹ - chất lượng tiêu dùng - có mức tăng trưởng mạnh.

Theo kết quả khảo sát do Viện Quản lý Nguồn cung Mỹ (ISM) công bố ngày 6/9 cho thấy có tới 16/17 lĩnh vực dịch vụ báo cáo tăng trưởng trong tháng 8/2018, dẫn đầu là xây dựng, vận tải, thương mại bán lẻ và dịch vụ giáo dục.

Theo bảng khảo sát của ISM, chỉ số phi chế tạo của Mỹ trong tháng 8/2018 đạt tới 58,5, tăng 2,8% so với tháng 7/2018. Điều đó cho thấy lĩnh vực dịch vụ Mỹ đã có tháng tăng trưởng thứ 103 liên tiếp, tức là tăng trưởng liên tục trong hơn 8 năm.

Nền kinh tế Mỹ đang tiếp tục tăng trưởng ổn định, nhờ các biện pháp cắt giảm thuế, chi tiêu của chính phủ cũng như đầu tư của doanh nghiệp đều gia tăng. Kinh tế Mỹ đã tăng trưởng 4,2% trong quý II/2018, mức tăng mạnh nhất trong 4 năm qua.

Hầu hết nhà kinh tế đều dự đoán kinh tế Mỹ sẽ có mức tăng trưởng ít nhất 3% trong quý III/2018. Và trong cả năm 2018, nền kinh tế lớn nhất thế giới này có thể tăng trưởng 3%, lần đầu tiên kể từ năm 2005.

Thứ hai, việc làm được tạo ra nhiều hơn dưới thời chính quyền Trump, khi tỷ lệ thất nghiệp tại Mỹ hiện duy trì ở mức siêu thấp 3,9%, trong khi hầu hết các nhà kinh tế còn cho rằng có thể giảm hơn nữa vì tốc độ tuyển dụng vẫn rất mạnh.

Kích thích vay tiêu dùng sẽ gây áp lực lên việc trả nợ của người lao động, song khi việc làm gia tăng và ổn định thì bài toán tài chính trong thu - chi của từng hộ gia đình đã có lời giải. Đây là yếu tố cực kỳ quan trọng đối với niềm tin của người tiêu dùng.

niem tin tieu dung my tang cao

Niềm tin tiêu dùng Mỹ tăng cao

Theo đánh giá của Bộ lao động Mỹ, người tiêu dùng - một trong những động lực chính cho tăng trưởng của kinh tế Mỹ - hiện đang tự tin nhất trong 18 năm qua, mạnh tay chi tiêu cho các bữa ăn ở nhà hàng, mua sắm quần áo, ô tô.

Nhiều công ty dịch vụ Mỹ hiện đang đau đầu với bài toán thiếu lao động, khi số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu tại Mỹ giảm 10.000, xuống mức điều chỉnh theo mùa 203.000/tuần kết thúc vào ngày 1/9 - mức thấp nhất kể từ tháng 12/1969.

Số liệu mới công bố bởi công ty Mỹ ADP - hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ doanh nghiệp - cho thấy khu vực kinh tế tư nhân Mỹ đã tạo thêm 163.000 việc làm trong tháng 8/2018, sau mức tăng 217.000 việc làm trong tháng 7/2018.

Nhà kinh tế trưởng Mark Zandi tại Moody’s Analytics dự đoán tỷ lệ thất nghiệp Mỹ có thể đạt mức 3,5% hoặc thậm chí thấp hơn trong năm tới. Nếu vậy, đây sẽ là mức thấp nhất trong khoảng 50 năm.

Những thước đo khác về thị trường việc làm Mỹ cũng báo hiệu sự lạc quan khi các công ty Mỹ đang yêu cầu nhân viên bán thời gian làm thêm giờ, nghĩa là khối lượng "việc chờ người" tăng mạnh.

Thứ ba, thu nhập thực tế của người lao động Mỹ tăng, một phần do chế độ thù lao tăng, một phần do giá trị đồng USD tăng cao trong thời gian vừa qua, điều đó có thể bù cho những thiệt hại vì giá cả tăng bởi chính sách tăng thuế nhập khẩu của Trump.

Theo các nhà phân tích về lao động và tiền lương, điểm đáng chú ý là mức lương tính theo giờ trung bình trả người sử dụng lao động trả cho người lao động ở Mỹ đã tăng 10 cents trong tháng 7/2018.

Mức tăng này tương đương 0,4%, cao hơn gấp đôi mức tăng theo tính toán trước đó của các chuyên kinh tế, là mức tăng hàng tháng mạnh nhất từ tháng 12/2017 và tăng 2,9% so với cùngkỳ năm ngoái - mức tăng mạnh nhất trong 9 năm.

tong thong trump tang thue nhap khau de co tien bu vao khoan cat giam thue 1.500 ty usd?

Tổng thống Trump tăng thuế nhập khẩu để có tiền bù vào khoản cắt giảm thuế 1.500 tỷ USD?

Trong khi đó, báo cáo việc làm của Bộ Lao động Mỹ phát đi tín hiệu cho thấy các nhà tuyển dụng đủ lạc quan để mạnh tay tuyển người và chi trả thù lao hậu hĩnh hơn. Nghĩa là thu nhập của người lao động Mỹ sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới.

Khi tranh cử, tỷ phú Donald Trump đặt ra hai vấn đề quan trọng đối với kinh tế Mỹ là tạo ra nhiều việc làm để tăng thu nhập cho người lao động và giảm mức thâm hụt thương mại để cân bằng lợi ích của Mỹ với các đối tác.

Hiện nay vị tổng thống doanh nhân đã làm rất tốt việc nhiệm vụ thứ nhất, nhưng với nhiệm vụ thứ hai thì không dễ dàng như vậy vì tính chất nền kinh tế Mỹ - đó là sự lệch pha quá lớn giữa kinh tế tiêu dùng với kinh tế sản xuất.

Song dường như mục đích của việc tăng thuế nhập khẩu không phải hướng tới giảm thâm hụt thương mại, mà chính là khoản thuế nhập khẩu để có tiền bù vào khoản cắt giảm thuế 1.500 tỷ USD của chính quyền Trump.

Vì vậy, vị tổng thống doanh nhân quyết chiến mà không quan tâm tới mức thâm hụt thương mại của Mỹ liên tục xác lập kỷ lục song song với việc tăng thuế của chính phủ Mỹ đối với hàng hoá nước ngoài nhập khẩu vào Mỹ.

Theo giới phân tích, khoản tiền thu từ tăng thuế nhập khẩu lấy được từ đối tác thì ít mà từ túi của người tiêu dùng Mỹ thì nhiều, bởi tăng thuế làm cho giá cả đắt đỏ hơn. Do vậy, thực chất là Tổng thống Trump lấy tiền từ người dân để thực hiện chính sách của mình.

Ngọc Việt
Theo Baodatviet.vn

Trở về

Bài cùng chuyên mục