Ngay cả các chuyên gia kinh tế của Trung Quốc cũng thừa nhận trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ-Trung lan rộng, tình trạng kinh tế của Trung Quốc đã xuất hiện “đèn đỏ”.
Học thuyết G-2 và đòn đánh của Mỹ vào Trung Quốc
- Cập nhật : 19/08/2018
Bản chất sâu xa của chiến tranh thương mại Mỹ-Trung hiện nay không đơn thuần là vấn đề thương mại nằm ở mấy chục tỷ hàng hóa bị đánh thuế.
Cuộc chiến giành quyền lực
Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại một họp báo chung ở Bắc Kinh năm 2017. Ảnh: China Daily
Nhận định trên tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (Hong Kong), bà Lawrence J. Lau, Giáo sư kinh tế trường Đại học Trung Văn Hương Cảng (ở Hong Kong, Trung Quốc), cho rằng cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung thực ra không phải về thương mại. Cuộc chiến này được hai yếu tố phát triển quan trọng về dài hạn thúc đẩy. Thứ nhất là cuộc cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc để giành vị trí thống lĩnh kinh tế, công nghệ trên thế giới. Thứ hai là sự trỗi dậy của tâm lý bảo hộ, cô lập, dân túy trên thế giới nói chung và ở Mỹ nói riêng.
Cũng chung quan điểm với bà Lawrence, trên tờ DW (Đức), giáo sư kinh tế quốc tế trường Đại học Hamburg, ông Thomas Straubhaar nhận định cuộc chiến thương mại hiện nay chỉ là dấu hiệu dễ thấy nhất của một cuộc chiến lớn hơn nhiều trong cuộc chạy đua giành quyền lực và tầm ảnh hưởng trong thế kỷ 21. Điều mà chúng ta thấy là cuộc xung đột giữa hai quốc gia về mặt địa chính trị, giữa một bên là “American First” (Nước Mỹ trên hết) và một bên là “Made in China” (Sản xuất tại Trung Quốc).
Tổng thống Trump chưa bao giờ che giấu tham vọng “American First”. Mọi thứ khác đều là thứ yếu đối với ông và có thể chỉ là công cụ để phục vụ mục tiêu chính của ông là theo đuổi lợi ích Mỹ. Đối với ông, chỉ có một đối thủ trực tiếp “ngáng đường”: Trung Quốc. Các quốc gia khác chỉ là đối thủ tiềm tàng trong cuộc chiến địa chính trị này.
Giáo sư Thomas Straubhaar nhấn mạnh: Các nhóm như G-7, G-8 hay G-20 hay những cuộc họp thượng đỉnh thu hút chú ý của truyền thông lại không quan trọng lắm với ông Trump. Vì với ông, thứ quan trọng nhất là G-2 – Mỹ và Trung Quốc.
Học thuyết G-2 thực ra đã tồn tại từ trước khi Tổng thống Trump cầm quyền, rằng Mỹ và Trung Quốc là hai quốc gia cạnh tranh nhau về vị trí kinh tế. Do đó, cuộc cạnh tranh giữa Trung Quốc và Mỹ sẽ không kết thúc khi ông Trump rời vị trí.
So kè kinh tế
Sự trỗi dậy của Trung Quốc về kinh tế khiến Mỹ lo ngại. Ảnh: Reuters
Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) Trung Quốc đã tăng vọt từ chỗ chỉ tương đương 20% GDP Mỹ năm 2000 lên tương đương 2/3 GDP năm 2017 và có thể bắt kịp Mỹ trước năm 2030 nếu đà hiện nay tiếp tục.
Trong bối cảnh hai bên liên tục áp đặt các mức thuế cao với số hàng hóa trị giá hàng chục tỷ của đối phương, chưa có dấu hiệu gì cho thấy cuộc chiến có thể hạ nhiệt. Dù đều là thành viên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) nhưng cả hai sẽ không để WTO cản bước.
Khi các biện pháp áp thuế không còn nhiều tác dụng, Giáo sư Thomas Straubhaar cho rằng Mỹ và Trung Quốc sẽ dùng “súng” to hơn: thao túng tỷ giá hối đoái.
Theo Giáo sư Thomas Straubhaar, không phải ngẫu nhiên mà đồng nhân dân tệ của Trung Quốc đã mất 7% giá trị so với đồng USD chỉ trong vài tuần. Đồng nhân dân tệ giảm giá chính là một công cụ bảo hộ mạnh mẽ vì nó có thể khiến mức thuế trừng phạt mà Mỹ áp đặt trở nên gần như là vô hại.
Mức giảm giá nhân dân tệ này hỗ trợ mạnh cho hàng xuất khẩu Trung Quốc tại mọi thị trường mà hàng Trung Quốc có mặt. Do đó, đồng nhân dân tệ giảm giá có nghĩa là tác động của mức thuế mà Tổng thống Trump áp đặt bị vô hiệu hóa.
Chiến tranh tiền tệ có thể sẽ nối tiếp chiến tranh thương mại và khi đó không ai có thể ngăn cản được hai bên.
Cạnh tranh công nghệ
Ngoài kinh tế, Mỹ còn muốn nhằm vào ngành công nghệ cao của Trung Quốc – nước đã vạch ra chiến lược quốc gia “Made in China 2025” (Sản xuất tại Trung Quốc năm 2025). Chiến lược này nhằm xây dựng 10 ngành quan trọng về mặt công nghệ và chiến lược như mạng 5G, an ninh mạng, công cụ chính xác, robot học, không gian vũ trụ...
Phần lớn những lĩnh vực này đều là lĩnh vực độc quyền của các công ty phương Tây, nhất là Mỹ. Do đó, Trung Quốc phát động chiến lược quốc gia để thúc đẩy ngành công nghệ cao trong nước có thể đặt ra mối đe dọa với thế thống trị của Mỹ trong những ngành trên.
Ông Lorand Laskai, Trợ lý nghiên cứu tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại, nói rõ: Chiến lược “Made in China 2025” sẽ trở thành đối thủ trung tâm, mối đe dọa sống còn thực sự với vai trò đi đầu về công nghệ của Mỹ.
Tấn công mô hình phát triển
Ngoài kinh tế và công nghệ, khi phát động chiến tranh thương mại, Mỹ có thể cũng đang nhằm vào mô hình nhà nước phát triển của Trung Quốc mà nhiều người ở Mỹ coi là một mối đe dọa với hệ thống thị trường tự do.
Theo ông Liu Wei, Phó Giáo sư khoa chính sách và hành chính công thuộc trường Đại học Nhân dân (Trung Quốc), nền kinh tế Trung Quốc do thị trường điều tiết xét về nhiều mặt nhưng nhiều cấu phần quan trọng của nền kinh tế kế hoạch vẫn được duy trì.
Với mô hình nhà nước phát triển này, Chính phủ Trung Quốc có thể củng cố nhiều ngành, gồm cả các ngành công nghệ cao thông qua các hình thức hỗ trợ như trợ cấp. Do đó, cuộc chiến thương mại có thể được coi là đòn tấn công vào mô hình phát triển của Trung Quốc.
Kể từ khi Trung Quốc trỗi dậy, cuộc bàn luận về mối đe dọa Trung Quốc đã xuất hiện tại Mỹ, trong đó khuyến khích hội nhập và kiềm chế là hai phương án chiến lược trong chính sách của Mỹ với Trung Quốc những năm 1990.
Chính quyền của Tổng thống Bill Clinton thời đó áp dụng chính sách khuyến khích hội nhập. Ông từng nói khuyến khích Trung Quốc hội nhập có thể thúc đẩy quốc gia này tăng cường cải cách nội bộ và nhanh chóng chấp nhận quy tắc chung. Sau khi Trung Quốc gia nhập WTO, ông Clinton lại tuyên bố Trung Quốc đang đồng ý du nhập một trong những giá trị đáng trân trọng nhất của dân chủ: tự do kinh tế.
Tuy nhiên, sau nhiều thập kỷ Trung Quốc hội nhập, nhiều nước không hài lòng mà lo sợ khi quốc gia châu Á này vươn lên thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Trong bối cảnh đó, cuộc chiến thương mại hiện nay có thể được xem như là bước chuyển điển hình trong chính sách Trung Quốc của Mỹ. Cùng với việc thông qua Đạo luật Đi lại Đài Loan và điều tàu chiến Hải quân Mỹ qua eo biển Đài Loan mới đây, cuộc chiến thương mại là một phần trong chiến lược lớn hơn nhiều của Mỹ với Trung Quốc.
Theo ông Liu Wei, một khi hiểu rằng cuộc chiến thương mại không chỉ đơn thuần là thương mại, chúng ta sau đó có thể đoán rằng xung đột quy mô lớn hơn là điều hoàn toàn có thể xảy ra giữa hai nước. Trong bối cảnh đó, giới chính khách hai bên phải tiếp cận tình hình hiện tại một cách thận trọng và chiến lược.
Theo TTXVN