Dù đối mặt với lệnh trừng phạt ngày càng khắt khe từ Liên Hợp Quốc, hoạt động kinh doanh các mặt hàng xa xỉ ở Triều Tiên dường như vẫn đang rất phát triển. Số tiền thu được từ việc kinh doanh được cho là dùng để nuôi tham vọng hạt nhân của Triều Tiên
Chuyện gì đang xảy ra với kinh tế Trung Quốc?
- Cập nhật : 28/08/2018
Chiến tranh thương mại với Mỹ đã khiến kinh tế Trung Quốc yếu đi và 2 quốc gia này đã áp mức thuế quan trị giá 50 tỷ USD lên hàng hóa của mỗi nước. Con số này dự kiến có thể lớn hơn trong tương lai.
Larry Kudlow, cố vấn kinh tế cho Tổng thống Donald Trump, cho biết kinh tế Trung Quốc tháng 8 "trông thật kinh khủng" và còn "đang bị nghiền nát bởi kinh tế Mỹ".
Những gì xảy ra với kinh tế Trung Quốc cũng đang gây ảnh hưởng đến doanh nghiệp toàn cầu. Các ngành công nghiệp lớn của họ lấy nguồn nguyên liệu từ nhiều quốc gia, từ đó xuất khẩu hoặc bán tại thị trường nội địa.
Tăng trưởng chững lại
Trung Quốc là một trong những nền kinh tế có tốc độ phát triển nhanh nhất với mức tăng 6,9% năm 2017 (số liệu chính phủ Trung Quốc). Nhưng năm 2018 đã cho thấy sự chững lại và nhiều yếu điểm sẽ lộ diện trong tương lai.
Theo số liệu chính thức về tháng 7, các lĩnh vực đầu tư, sản xuất nhà máy và bán lẻ đã chững lại. Chiến tranh thương mại với Mỹ cũng đang là một mối lo, nhưng đó không phải là lớn nhất.
Chang Liu, kinh tế gia Trung Quốc làm tại doanh nghiệp nghiên cứu Capital Economics, nói: "Bất đồng thương mại Mỹ-Trung sẽ là quá trình kéo dài lê thê mặc dù không lớn. Chúng tôi dự đoán kinh tế Trung Quốc yếu đi chủ yếu là do yếu tố nội địa khó khăn, liên quan tăng trưởng tín dụng chậm hơn".
Theo một số chuyên gia, lo lắng về sự chững lại đã bị thổi phồng quá mức. Douglas Morton, trưởng ban nghiên cứu châu Á tại Northen Trust Capital Markets, chỉ ra một vài yếu tố như nhu cầu sử dụng dầu hay thị trường bất động sản vẫn rất mạnh. Theo ông, "những nhận định về tăng trưởng chậm lại dường như đã bị phóng đại quá nhiều".
Khủng hoảng thị trường
Thị trường chứng khoán Trung Quốc và đồng NDT đã sụt giảm đáng kể do nhà đầu tư e ngại về sức khỏe của nền kinh tế và ảnh hưởng từ chiến tranh thương mại. Chỉ số Shanghai Composite đã rơi vào thị trường giá xuống (bear market) hai tháng trước và hiện tại giảm 23% so với đỉnh hồi tháng 1.
Đồng NDT cũng mất giá 9% so với đồng USD từ tháng 4. Nguyên nhân một phần là do Fed tăng lãi suất khiến các nhà đầu tư có nhiều động lực để giữ lại tài sản bằng USD và bán những loại bằng ngoại tệ khác. Hàng xuất khẩu Trung Quốc rẻ hơn do đồng nội tệ mất giá, qua đó giúp bù trừ một phần tác động từ thuế quan, nhưng các nhà phân tích cho biết Bắc Kinh nên chú trọng khôi phục đồng tiền để tránh một đợt giảm sâu và trấn an nhà đầu tư.
Gánh nặng nợ
Sự chững lại của Trung Quốc xảy ra khi chính phủ nước này đang cố gắng giải quyết bài toán nợ khổng lổ, hệ quả đến từ những chương trình kính thích kinh tế trước đây lúc thế giới đang gặp khủng hoảng tài chính.
Mối lo lớn nhất tập trung vào các khoản nợ của doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhà nước. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và một số quan chức cấp cao đã phải kêu gọi hệ thống tài chính Trung Quốc giảm cho vay rủi ro, một chiến dịch thường được biết đến với tên "khử đòn bẩy". Bắc Kinh đang cố dẹp bỏ các hoạt động ngân hàng mờ ám trong đó nhiều khoản cho vay không được thể hiện trong sổ sách.
Một vài nhà phân tích nhận định cho vay chững lại sẽ ảnh hưởng xấu đến kinh tế. Larry Hu, chuyên viên phân tích kinh tế tại ngân hàng đầu tư Macquarie, nói: "Cản trở lớn nhất đối với tăng trưởng là khử đòn bẩy".
Kính thích nền kinh tế
Trung Quốc đang tìm cách vực dậy nền kinh tế trong bối cảnh tăng trưởng tiêu cực. Bắc Kinh đã áp dụng một số phương pháp như giảm thuế, đầu tư vào cơ sở hạ tầng và cấp khoản vay mới cho doanh nghiệp với mục đích giúp Trung Quốc chống chọi với một "môi trường ngoại cảnh biến động".
Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) đã bơm vào thị trường tài chính lượng tiền lớn bằng cách cho vay mới và giảm yêu cầu tiền gửi đối với bên cho vay thương mại. Chính phủ Trung Quốc khẳng định họ sẽ không sa đà vào cách chi tiêu họ từng làm sau cuộc khủng hoảng tài chính.
Bộ trưởng tài chính Trung Quốc Liu Kun, trong một buổi phỏng vấn với Reuters, cho biết: "Chúng tôi không sẽ không kích cầu kinh tế hàng loạt cũng không hề muốn tạo ra rủi ro tài chính, chứ đừng nói gì đến để chính phủ lo tất cả mọi chuyện".
Tiểu Long/ Theo CNN Money/NDH.VN