Đông Nam Á đã nổi lên như một "thỏi nam châm" thu hút đầu tư nước ngoài vì các công ty muốn chuyển nhà xưởng cũng nhắm tới những thế mạnh của các nước ở Đông Nam Á.
5 xu hướng năng lượng năm 2019: Nhu cầu than đá và tầm quan trọng của Mỹ (1)
- Cập nhật : 10/01/2019
Financial Times tổng hợp 5 xu hướng quan trọng đáng theo dõi của ngành năng lượng thế giới trong 2019.
Nhu cầu than đá toàn cầu sẽ duy trì ổn định
Tiêu thụ than đá của thế giới chưa bao giờ cao như năm 2013 - 2014, nhưng dường như đó vẫn chưa phải mức cao nhất. Sau khi giảm trong năm 2014 - 2016, nhu cầu than đá toàn cầu bắt đầu tăng trở lại vào 2017, và đã tăng một lần nữa vào năm ngoái.
Từ nay đến ít nhất năm 2023, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) dự đoán, nhu cầu tiêu thụ than đá sẽ duy trì ổn định, chỉ tăng hoặc giảm nhẹ mỗi năm.
Trung Quốc, chiếm khoảng một nửa lượng than tiêu thụ của thế giới, là trung tâm của sự sụt giảm nhu cầu toàn cầu vì nỗ lực cải thiện chất lượng không khí đô thị.
Lo ngại về tác động của các chính sách đối với hoạt động khai thác than và các ngành công nghiệp khác đã khiến Bắc Kinh nới lỏng chiến lược thắt chặt các quy định về chất lượng không khí, và tiêu thụ than đá của Trung Quốc dự kiến sẽ chir giảm nhẹ trong vài năm tới.
Trong khi đó, nhu cầu than đá vẫn đang tăng lên ở Ấn Độ và các quốc gia châu Á khác, gồm Indonesia, Pakistan, Bangladesh và Philippines, bù đắp cho sự sụt giảm ở Mỹ và Tây Âu.
Financial Times nhận định triển vọng dài hạn là không chắc chắn.
Tại Ấn Độ, đầu tư tư nhân vào năng lượng than đá đã gần như ngừng lại, vì nhiều nhà máy mới rơi vào tình trạng khó khăn về tài chính trước sự cạnh tranh từ năng lượng tái tạo với chi phí thấp. Tuy nhiên, tại Trung Quốc, chính quyền các tỉnh đã cấp giấy phép có thể dẫn đến sự gia tăng lớn về việc xây dựng các nhà máy điện đốt than mới.
Mặc dù vậy, trong ngắn hạn, nhu cầu có thể dự đoán được nhiều hơn, và một mức tăng nhỏ hoặc giảm nhỏ từ mức 2018 dường như là kết quả khả dĩ nhất có thể xảy ra.
So sánh giữa dự báo nhu cầu than đá toàn cầu 2017 và 2018
Với mức tiêu thụ dầu và khí đốt toàn cầu tiếp tục gia tăng, lượng than sử dụng ở mức thấp gợi ý rằng tổng phát thải khí nhà kính trên thế giới, đạt mức cao kỉ lục trong năm ngoái, có khả năng sẽ tăng trở lại trong năm nay.
Mỹ trở thành nhà cung cấp khí đốt ngày càng quan trọng đối với thế giới
Đây sẽ là một năm lớn cho làn sóng đầu tiên của các dự án xuất khẩu khí đốt hóa lỏng (LNG) của Mỹ.
Hai nhà máy lọc dầu lớn, mới được hoàn thành là Cameron LNG ở Louisiana và Freeport LNG ở Texas, dự kiến sẽ đi vào hoạt động, cùng với một nhà máy nhỏ hơn tại Đảo Elba ở Georgia (Mỹ).
Trong khi đó, nhà máy LNG Corpus Christi của Cheniere Energy tại Texas (Mỹ), đã vận chuyển lô hàng đầu tiên đầu tiên vào tháng trước, đang đi vào hoạt động thương mại với công suất 100%, và đặt mục tiêu sẽ có chuyến xuất khẩu thứ hai trong năm nay.
Vào cuối năm 2019, xuất khẩu LNG của Mỹ dự kiến sẽ tăng hơn hai lần.
Quốc gia này sẽ là nhà xuất khẩu LNG lớn thứ ba thế giới, sau Qatar và Australia. Điều này cho thấy mối quan hệ của Mỹ với người tiêu dùng khí đốt trên khắp thế giới và với các nhà sản xuất lớn khác, gồm cả Nga.
Kết quả về cuộc cạnh tranh khí đốt tại châu Âu đã được Trung tâm Chính sách năng lượng toàn cầu của Đại học Columbia công bố vào tháng 12/2018 chỉ ra dù LNG của Mỹ đã làm giảm doanh thu khí đốt của Nga và dẫn tới việc phải đàm phán lại hợp đồng, Nga vẫn giữ vị thế tốt để bảo vệ thị phần của mình tại Châu Âu.
Tuy nhiên, tầm quan trọng của năm 2019 đối với các nhà xuất khẩu LNG của Mỹ vượt qua các dự án start up sắp diễn ra. 2019 cũng là một năm rất quan trọng đối với các công ty hi vọng tham gia vào làn sóng phát triển xuất khẩu LNG thứ hai của Mỹ.
Có ba dự án ở Mỹ dự kiến nhận được quyết định đầu tư cuối cùng trong nửa đầu năm nay, theo Wood Mackenzie. Ba dự án này gồm Golden Pass LNG của Qatar Oil và ExxonMobil; Calcasieu Pass của Venture Global LNG, và Sabine Pass của Cheniere.
Trên thế giới, dự án Arctic LNG 2 của Novatek và Total, và ít nhất một dự án ở Mozambique nhận được đầu tư. Đây có thể là một năm kỉ lục cho các cam kết về công suất xuất khẩu LNG mới, Wood Mackenzie nhận định.
Và Trung Quốc một lần nữa là yếu tố quan trọng trong nhu cầu LNG toàn cầu.
Động lực chuyển đổi sử dụng than đá dẫn đến sự gia tăng nhu cầu về LNG, và năm ngoái, Trung Quốc đã vượt qua Nhật Bản để trở thành nhà nhập khẩu khí đốt lớn nhất thế giới.
Đối với các nhà xuất khẩu LNG Mỹ đầy tham vọng, điều này nghĩa là hi vọng kí hợp đồng với khách hàng và bật đèn xanh cho các dự án của họ trong năm nay, phụ thuộc rất nhiều vào việc theo đuổi tranh chấp thương mại với Trung Quốc của chính quyền Tổng thống Trump.
Khi mùa đông bắt đầu, Trung Quốc đã nhập một vài lô LNG của Mỹ, nhưng các dấu hiệu cho thấy người mua Trung Quốc sẽ không kí hợp đồng dài hạn khi cuộc chiến thương mại vẫn chưa được giải quyết.
Tuy nhiên, nếu có thể đạt được một thỏa thuận, doanh số bán LNG của Mỹ sẽ gia tăng nhờ đó, vì vậy một giải pháp thương mại có thể là tin tốt cho các dự án xuất khẩu khí đốt.
Nguồn: vietnambiz.vn