Nhu cầu sữa toàn cầu đang chững lại do tăng trưởng giảm tốc ở Trung Quốc và giá dầu sụt sâu...
Vị thế Nga tại châu Phi: Bây giờ hoặc không bao giờ
- Cập nhật : 23/10/2018
Nga quan tâm xây dựng tầm ảnh hưởng của mình với châu Phi, trong bối cảnh lục địa đen đã chán ghét Trung Quốc và Mỹ thì bỏ quên
Nga quan tâm đến châu Phi
Tại Diễn đàn Nga - châu Phi ngày 22/10, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov tuyên bố Moscow đang rất quan tâm tới hợp tác ngoại giao, kinh tế với các nước châu Phi và sẽ là cầu nối quyết liệt nhất để xúc tác đối thoại giữa nhóm BRICS với châu Phi.
Theo Ngoại trưởng Lavrov, quan hệ hợp tác giữa Nga với các đối tác châu Phi đang rất hiệu quả. Moscow không chỉ đang giúp các quốc gia châu Phi phát triển kinh tế mà còn góp phần ổn định hòa bình, chính trị tại lục địa đen.
"Sự ổn định và phát triển của châu Phi góp phần vào sự ổn định của toàn cầu. Và Nga tin rằng đang làm tốt trong vai trò sát cánh cùng nhiều quốc gia châ Phi" - ông Lavrov cho biết.
Ngoại trưởng Nga nhấn mạnh thêm, quan hệ hợp tác giữa Nga và châu Phi không bị ảnh hưởng bởi những biến động của tình hình thế giới. Ngoài ra, với vai trò là ủy thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, Nga sẽ tiếp tục đóng góp trong việc đề ra chiến lược và thực hiện các hoạt động gìn giữ hoà bình ở châu Phi.
Trước đó, hôm 6/10, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Mikhail Bogdanov cũng cho biết Moscow sẽ tiếp tục đóng góp cho các nỗ lực của cộng đồng quốc tế để hỗ trợ các nước châu Phi một cách thân thiện, không có ý áp đặt bất kỳ mô hình địa chính trị nào lên các quốc gia thuộc lục địa này.
Cách Nga xây dựng lòng tin chiến lược
Sự chân thành của Moscow với lục địa đen đang khiến nhiều quốc gia châu Phi hài lòng. Nhiều chuyên gia đánh giá Moscow đang làm sống lại các mối quan hệ bị đóng băng mà Liên bang Xô Viết trước đây đã thực hiện được.
Cách xây dựng lòng tin của Nga với các quốc gia châu Phi cũng có nhiều điểm thú vị. Ví dụ như với trường hợp của Công hòa Trung Phi (CAR). Thời điểm đầu năm 2018, CAR kêu gọi cộng đồng quốc tế giúp chính quyền nước này chống lại lực lượng nỏi dậy, Pháp đề nghị cung cấp một lô vũ khí cũ bị tịch thu từ Somalia.
Tuy nhiên, Nga phản đối điều này và gửi tặng luôn cho CAR 9 máy bay chở đầy vũ khí cùng các nhà quân sự hàng đầu để huấn luyện binh sĩ nước này. Ngoài việc gửi vũ khí và hỗ trợ đào tạo quân sự, Nga đã mở thêm một văn phòng đại diện của Bộ quốc phòng Nga tại Cộng hòa Trung Phi.
Không chỉ giúp đỡ CAR, Nga còn đẩy mạnh hợp tác quân sự với nhiều quốc gia thuộc khu vực châu Phi cận Sahara như Nigeria, Zimbabwe, Ethiopia...
Vào tháng 3, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov có chuyến công du dài ngày tới 5 quốc gia châu Phi. Tới tháng 6, ông tham dự một hội nghị thượng đỉnh ở Nam Phi và tới thăm Rwanda, chủ tịch Liên minh châu Phi. Tháng 10, Nga mở Diễn đàn Nga - châu Phi vừa qua.
Sau mỗi chuyến thăm này là đi kèm với hàng loạt dự án đầu tư của Nga như dự án nhà máy điện hạt nhân với Ethiopia, nhiều dự án về nông nghiệp và an ninh lương thực cũng như cơ sở hạ tầng giao thông.
Ngoài ra, Nga liên tiếp trúng thầu tại các mỏ kim cương, bạch kim, than đá, quặng sắt ở Zimbabwe, Nam Phi, Sudan, Chad...
Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah El-Sisi tại lễ ký thỏa thuận Hợp tác Chiến lược và Đối tác Toàn diện
Ngoài việc hợp tác kinh tế, bằng tiềm lực quân sự của mình, Nga cũng từng bước hiện diện quân sự tại châu Phi và giúp đỡ nhiều chính quyền chống lại các lực lượng thù địch. Câu chuyện của Cộng hòa Trung Phi là một ví dụ điển hình.
Từ những hợp tác quân sự và bảo trợ quân sự này, Nga bước đầu có những căn cứ quy mô lớn ngay tại châu Phi. Nga cũng đang lên kế hoạch xây dựng một trung tâm hậu cần tại một cảng ở Eritrea.
Dấu mốc quan trọng nhất, ngày 17/10, sau cuộc hội đàm diễn ra ở thành phố Sochi của Nga, Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah El-Sisi đã ký thỏa thuận Hợp tác Chiến lược và Đối tác Toàn diện. Đây là thỏa thuận hợp tác ở mức cao nhất giữa hai nước.
Bây giờ hoặc không bao giờ
Nhiều nhà phân tích cho rằng cách mà Nga tiếp cận với châu Phi là khôn ngoan và dễ dàng xây dựng niềm tin với các chính quyền sở tại. Nó khác xa với cách mà Trung Quốc đang làm.
Có thể nói, Bắc Kinh tiến vào châu Phi sớm hơn mốc thời gian mà Moscow quay trở lại tìm kiếm vị thế từ ngày Liên Xô của mình. Tuy nhiên cách làm của Bắc Kinh khiến những chính quyền châu Phi cảm thấy chán ghét.
Trước đây, nhiều quốc gia châu Phi không có nhiều sự lựa chọn nên họ thường gật đầu hợp tác Bắc Kinh. Hàng trăm tỷ USD của Trung Quốc đã đổ vào lục địa đen này. Nhưng họ cũng mang đi những tài sản tương tự như khai thác nguyên liệu thô bừa bãi, sử dụng nhân công rẻ mạt và bóc lột.
Ngoài ra, nhiều quốc gia đang cáo buộc Trung Quốc áp dụng chính sách ngoại giao bẫy nợ để tìm kiếm lợi ích chính trị ở lục địa này. Quỹ Tiền tệ Quốc tế và Ngân hàng Thế giới dự báo các khoản cho vay của Trung Quốc có thể làm tăng nợ của châu Phi lên gấp đôi trong 5 năm tới. Trung Quốc hiện nắm giữ tới 14% nợ của châu Phi.
Với sự xuất hiện của Nga, họ đã có thêm một lựa chọn. Moscow không có tiềm lực tài chính như Bắc Kinh, nhưng họ có kinh nghiệm ngoại giao với tầm nhìn dài hạn hơn cách gã khổng lồ châu Á đang thực hiện.
Trong bối cảnh Pháp, Đức và một số quốc gia châu Âu đã hướng tới châu Phi như một thị trường đầy tiềm năng, việc Nga đặt quan tâm cao nhất cho châu lục này để khôi phục tầm ảnh hưởng toàn cầu của mình là hợp lý và kịp thời.
Tân Phong
Theo Baodatviet.vn