Financial Times tổng hợp 5 xu hướng quan trọng đáng theo dõi của ngành năng lượng thế giới trong 2019.
Quên Trung Quốc đi, đây mới là mỏ vàng của thương mại điện tử
- Cập nhật : 27/12/2015
(Kinh te)
Trước đây, nhiều chuyên gia thường nhìn nhận nền kinh tế Châu Á dưới cái bóng của Trung Quốc. Đây là điều dễ hiểu bởi vị thế và tầm ảnh hưởng của thị trường này đối với kinh tế khu vực. Tuy nhiên, việc nhiều doanh nghiệp quá tập trung vào Trung Quốc đã khiến họ bỏ qua “mỏ vàng” Đông Nam Á.
Trung Quốc là một trong những thị trường thương mại điện tử phát triển nhất thế giới với những ứng dụng mua sắm trực tuyến của Wechat, thanh toán online của Alipay và hàng loạt các cửa hàng kinh doanh qua mạng được thành lập.
Mặc dù vậy, thị trường thương mại điện tử hình thức B2C (Business to Customer) tại Trung Quốc đã bão hòa và chỉ có những tập đoàn với tiềm lực tài chính lớn mới đủ sức tiếp tục cạnh tranh.
Trung Quốc đã có một số tập đoàn quá lớn và hoạt động trong thời gian dài, qua đó tạo nên vị thế khó lay chuyển và chi phối thị trường thương mại điện tử.
Tập đoàn Alibaba (Tmall) và JD chiếm tương ứng 51% và 23% mảng kinh doanh thương mại điện tử B2C ở Trung Quốc, trong khi Taobao chiếm 95% mảng C2C (Customer to Customer). Rõ ràng, chỉ những doanh nghiệp có chiến lược dài hạn với tiềm lực tài chính “khủng” mới có thể tiếp tục tồn tại trong môi trường trên.
Lĩnh vực thương mại điện tử B2C khác với các mảng công nghệ khác khi có lợi thế kinh tế về quy mô (Economy of Scale), nghĩa là chi phí bình quân dài hạn giảm theo đà sản lượng tăng lên.
Với yếu tố này, những tập đoàn sớm tham gia thị trường sẽ có lợi thế rất lớn nhờ chi phí xây dựng thương hiệu và tiếp thị giảm dần do hiệu ứng truyền miệng. Hơn nữa, khi công ty ngày càng có vị thế lớn, việc hưởng mức giá ưu đãi và vị thế khi thương lượng giá cả kho bãi, vận chuyển hàng hóa sẽ cao hơn.
Thị trường thương mại điện tử toàn cầu năm 2013 (tỷ USD và % toàn cầu). Rõ ràng, thị trường Đông Nam Á còn rất tiềm năng.
Do đó, các công ty đến sau như Amazon, Rakuten khó phát triển tại Trung Quốc do thiếu nguồn lực cũng như mối quan hệ tại thị trường này. Đồng thời với đó là sự khác biệt về văn hóa cũng như khả năng ứng biến chậm hơn.
Rõ ràng, thị trường thương mại điện tử B2C là một cuộc chiến “được ăn cả, ngã về không” khi các công ty dẫn đầu thị trường càng ngày càng lớn trong khi các doanh nghiệp nhỏ hơn ngày càng khó khăn.
Bên cạnh đó, nhiều chuyên gia cho rằng xu thế mua hàng nước ngoài qua mạng ở Trung Quốc sẽ bị ảnh hưởng mạnh trước những quy định ngày càng chặt chẽ về chất lượng sản phẩm. Trước đây, những vụ bê bối về chất lượng sản phẩm đã thúc đẩy người Trung Quốc mua hàng nước ngoài qua mạng nhằm tiết kiệm chi phí nhưng vẫn đảm bảo chất lượng.
Tuy vậy, chính phủ Trung Quốc đang ngày càng siết chặt các quy định về chất lượng sản phẩm của Trung Quốc, qua đó có thể khiến mảng kinh doanh hàng nước ngoài trực tuyến chịu ảnh hưởng trong vài năm tới.
Tỷ lệ bán lẻ trực tuyến trên tổng bán lẻ tại Đông Nam Á còn thấp.
Thị trường thương mại điện tử Đông Nam Á sẽ tăng trưởng không kém Trung Quốc.
Mỏ vàng tiếp theo là Đông Nam Á
Thị trường thương mại điện tử Đông Nam Á vẫn còn mới và chưa được khai thác hết.
Không giống như Trung Quốc đã có Alibaba hay Tencent, Ấn Độ với Flipkart và Snapdeal, thị trường Đông Nam Á chưa có nhiều tập đoàn lớn thống trị một mảng kinh doanh trong dài hạn.
Chưa có công ty thương mại điện tử nào thực sự thống trị Đông Nam Á.
Cũng giống như Trung Quốc vào năm 2008, chưa có tập đoàn thương mại điện tử nào thực sự thống trị thị trường Đông Nam Á. Dù một số công ty đã có tiếng nói trên thị trường, như thương hiệu Lazada của Rocket với khoảng 20% thị phần trong khu vực, nhưng con số này vẫn chưa thể bảo đảm một vị thế dài hạn cho công ty.
Hãng DangDang và Amazon là một ví dụ. Năm 2008, hai công ty này chiếm tương ứng 16% và 15% thị phần trong mảng thương mại điện tử B2C ở Trung Quốc. Tuy nhiên, tỷ lệ này đã giảm xuống chỉ còn tương ứng 2% và 2,1% năm 2014 trước sức ép từ Alibaba và JD.
Tmall của Alibaba và JD chèn ép các đối thủ khác tại Trung Quốc.
Ngoài ra, việc thanh toán bằng tiền mặt khi giao hàng ở Trung Quốc đã giảm từ hơn 70% năm 2008 xuống dưới 21% năm 2014 nhờ Alibaba và Wechat.
Trong khi đó, phương thức thanh toán bằng tiền mặt này vẫn chiếm hơn 80% tại Đông Nam Á. Rõ ràng, thị trường thương mại điện tử khu vực này vẫn còn mới và nếu các tổ chức tài chính cũng như doanh nghiệp chưa thể đi đến thống nhất trong hình thức thanh toán, tiền mặt sẽ vẫn chiếm vị thế chủ chốt trong giao dịch.
Một trong những yếu tố nữa sẽ thúc đẩy thương mại điện tử ở Đông Nam Á là khả năng sinh lời từ quảng cáo trực tuyến bị đe dọa như đã từng diễn ra tại Trung Quốc.
Trước đây, những tập đoàn truyền thông lớn như Sina hay Sohu đã thống trị mảng quảng cáo trực tuyến tại Trung Quốc nên các doanh nghiệp công nghệ đến sau buộc phải tìm phương hướng mới qua dịch vụ giá trị gia tăng (VAS) hay thương mại điện tử để kiếm lợi nhuận.
Hiện khoảng gần 80% doanh thu của Tencent hiện nay đến từ các dịch vụ giá trị gia tăng hoặc thương mại điện tử. Đây là một điều khác khác biệt so với những tập đoàn công nghệ của Mỹ như Google, Facebook hay Instagram vốn luôn có daonh thu chính từ quảng cáo trực tuyến.
Tại Đông Nam Á (ngoại trừ Singapore), thị trường thương mại điện tử bắt đầu khởi sắc khi những ứng dụng như Google, Facebook, Instagram đã trở nên phổ biến. Kết quả là quảng cáo trực tuyến không thể trở thành kênh đem lại lợi nhuận chính trong dài hạn đối với nhiều công ty.
Điều này buộc các doanh nghiệp công nghệ phải tìm hướng đi mới thông qua VAS và thương mại điện tử.
Lấy ví dụ tại Thái Lan, ứng dụng chat Line với 60 triệu người dùng này lại đang có doanh thu chính từ bán các hình biểu tượng cho ứng dụng tin nhắn cũng như tiếp thị các trang thương hiệu. Công ty này cũng đang tham gia thương mại điện tử thông qua dự án Line Flash Sale, Line Hot Deal hay Line Shop.
Ngân hàng Softbamk đã từng đầu tư vào Alibaba nay lại đầu tư vào Tokopedia. Phải chăng các nhà đầu tư đã nhĩn thấy tiềm năng tại Đông Nam Á?
Lý do nữa khiến nhiều chuyên gia cho rằng mỏ vàng thương mại điện tử tiếp theo sẽ là Đông Nam Á thay vì Trung Quốc là khả năng ứng dụng thương mại điện tử qua di động tại khu vực này nhanh hơn.
Khác với Trung Quốc khi thương mại điện tử bắt đầu với máy tính bàn và laptop, thị trường điện thoại thông minh tại Đông Nam Á bùng nổ khi hàng loạt các ứng dụng thương mại điện tử đã được dùng phổ biến tại Châu Á cũng như trên thế giới.
Theo nghiên cứu của Google, tỷ lệ sử dụng smartphone để kết nối mạng tại Trung Quốc chỉ đạt 48% trong khi con số này tại Việt Nam là 62%, Malaysia là 71%, Thái Lan là 72% và Indonesia là 78%.
Tỷ lệ kết nối Internet qua smartphone.
Nhiều chuyên gia cho rằng thị trường Đông Nam Á rồi sẽ giống như Trung Quốc khi ngày càng nhiều người dân mua sắm, đặt hàng trực tuyến. Hiện nay, doanh số thương mại điện tử của ứng dụng tin nhắn WeChat ở Trung Quốc đang ngày một tăng trước nhu cầu của người sử dụng.
Trong khi đó, ứng dụng Line tại Thái Lan cũng đã có những thành công với mảng thương mại điện tử qua di động nhờ tiện ích Line Flash Sale và Line Groceries.
Tăng trưởng kết nối Internet qua smartphone trong khoảng tháng 1/2014-3/2015.
Cuối cùng, thị trường thương mại điện tử Trung Quốc bị hạn chế bởi vấn đề chính trị và các quy định chặt chẽ của chính quyền Bắc Kinh. Nhiều tập đoàn lớn như Google, Amazon, Groupon đã gặp khó khi triển khai kinh doanh tại đây do các quy định trái với nguyên tắc của công ty.
Trong khi đó, thị trường Đông Nam Á lại thoáng hơn, những ứng dụng như Instagram, Facebook hay Line bị chặn tại Trung Quốc thì lại khá phổ biến ở khu vực này.