Cuộc khủng hoảng tại Volkswagen có thể trở thành mối đe dọa lớn nhất với Đức – nền kinh tế lớn nhất châu Âu.
Trung Quốc: Dẹp cả thị trưởng và thị trường?
- Cập nhật : 25/09/2015
(Tin kinh te)
Với một nền kinh tế lớn, ngày càng có ảnh hưởng toàn cầu như Trung Quốc, việc theo dõi số liệu rất quan trọng, nhưng quan trọng hơn là theo dõi khuynh hướng phát triển của nền kinh tế này, mà điều đó thì phụ thuộc vào khuynh hướng điều hành của thế hệ lãnh đạo.
Chuyên đề đặc biệt về kinh tế Trung Quốc, dưới góc nhìn của TS. Phạm Sĩ Thành, Giám đốc Chương trình Nghiên cứu Kinh tế Trung Quốc (VCES), thuộc Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VERP), Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội.
Khi mới tiến hành chuyển đổi nền kinh tế, ở Trung Quốc thịnh hành câu nói về trạng thái làm ăn ở nước này: “không tìm thị trường chỉ tìm thị trưởng” – ám chỉ một nền kinh tế vận hành dựa vào quan hệ giữa doanh nhân và chính giới.
Trong bối cảnh chuyển đổi từ kinh tế kế hoạch, giới quan chức nắm giữ nhiều quyền định đoạt, dạng quan hệ doanh nhân – chính trị gia này là dễ hiểu và có tác dụng tích cực nếu các chính trị gia cũng là những người có đầu óc cải cách.
Tuy nhiên, dạng quan hệ này cũng tạo ra tham nhũng và khiến thị trường phát triển méo mó.
Sau khi trở thành chủ tịch nước, với chiến dịch “đả hổ diệt ruồi”, ông Tập Cận Bình đã tấn công vào mối quan hệ “tìm thị trưởng” tồn tại phổ biến trong kinh tế Trung Quốc sau 35 năm chuyển đổi.
Trung Quốc cũng tuyên bố tại Hội nghị trung ương khóa 18 rằng sẽ để “thị trường đóng vai trò quyết định trong việc phân bổ nguồn lực”, một lộ trình cải cách dựa trên “phương án 383” đã được đưa ra.
Nhưng với những gì đang diễn ra hiện nay, nhiều người bắt đầu đặt câu hỏi, liệu ông Tập Cận Bình có đang dẹp cả thị trưởng và thị trường hay không?
Liệu có phải trạng thái bình thường mới của kinh tế Trung Quốc mà ông Tập Cận Bình muốn giới thiệu cho thế giới thấy là sự kết hợp giữa tập quyền về cấu trúc quyền lực và phân quyền về kinh tế (cam kết cải cách theo hướng thị trường hóa).
Với một nền kinh tế lớn, ngày càng có ảnh hưởng toàn cầu như Trung Quốc, việc theo dõi số liệu rất quan trọng, nhưng tôi cho rằng quan trọng hơn là theo dõi khuynh hướng phát triển của nền kinh tế này, mà điều đó thì phụ thuộc vào khuynh hướng điều hành của thế hệ lãnh đạo.
Barry Naughton từng nhận định rằng, nhiệm vụ của thế hệ lãnh đạo mới tại Trung Quốc là phải cải thiện năng lực chấp chính, trong đó điểm khác biệt so với các chính phủ tiền nhiệm là họ phải thể hiện khả năng đưa ra các cam kết mà thị trường có thể kiểm chứng được.
Điều này vừa giảm rủi ro cho thị trường, vừa xây dựng một hệ thống thể chế mới (cách làm mới, luật tắc mới) với “thặng dư thể chế” là “thói quen ứng xử thị trường hơn”.
Với dự trữ ngoại tệ khổng lồ lên tới 3500 tỷ USD (7/2015), và thành quả 35 năm chuyển đổi kinh tế, Trung Quốc có thể vẫn đủ khả năng xoay sở với những khó khăn tức thời trước mắt, nhưng rủi ro lớn nhất đối với nền kinh tế này là trì hoãn cải cách quá lâu khi không chặt đứt được "vòi bạch tuộc" của chủ nghĩa tư bản thân hữu.
Rủi ro này sẽ khiến nền Trung Quốc phải trả giá như thế nào? Tôi cho rằng, Nhật Bản và Hàn Quốc sẽ trả lời cho Trung Quốc câu hỏi này thuyết phục hơn bất kỳ quốc gia nào.
Trở lại với những thảo luận về tương lai kinh tế Trung Quốc, câu hỏi nền tảng nhất cần đưa ra lúc này là: Trung Quốc sẽ xử lí mối quan hệ giữa chính phủ với thị trường như thế nào, liệu quá trình thị trường hóa kinh tế Trung Quốc có bị đảo ngược hay không?
Ngoài ra, một thảo luận khác cũng không kém phần quan trọng là cách thức cải cách “dò đá qua sông” có còn “hữu hiệu” trong bối cảnh hiện thời hay không?
Để trả lời câu hỏi này cần một thảo luận chuyên sâu hơn, nhưng rõ ràng là các phương pháp tiếp cận đến cải cách kinh tế của ông Tập Cận Bình trong 3 năm đầu là mang tính gia tăng hơn mang tính chuyển ngoặt.
Nếu ông Tập Cận Bình sau thời gian tích lũy các nguồn lực chính trị và hoạch định rõ đường hướng cải cách có thể thực hiện các “cú nhảy vọt trong cải cách”, đó sẽ là một tin vui với kinh tế Trung Quốc và thế giới.