Theo đánh giá của các chuyên gia Nga, những biện pháp trừng phạt kinh tế mà Moscow đang áp đặt với Ankara sau sự cố máy bay Su-24 có thể khiến nền kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ sụp đổ thực sự.
Nhân tố Trung Quốc có ảnh hưởng đến quyết sách của Fed?
- Cập nhật : 23/09/2015
(The gioi)
Quyết định duy trì lãi suất ở mức thấp kỷ lục của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sau cuộc họp mới nhất, với nguyên nhân được cho là những bất ổn của nền kinh tế Trung Quốc, khiến các nhà kinh tế và giới đầu tư không khỏi lo ngại.
Chủ tịch Fed Janet Yellen thông báo về quyết định của Fed trong cuộc họp báo ở Washington, DC. ngày 17/9. (Nguồn: AFP/TTXVN)
Fed thường dựa trên tình hình "sức khỏe" của nền kinh tế Mỹ để xác định lộ trình cho các chính sách tiền tệ, và hiếm khi các quyết định liên quan đến lãi suất bị tình hình của các nền kinh tế bên ngoài chi phối.
Chuyên gia kinh tế Joel Naroff nhận định Fed đã đi đến quyết định cần phải cân nhắc mọi vấn đề kinh tế và tài chính trên thế giới, và trong bối cảnh kinh tế và tài chính toàn cầu hiện nay, chưa phải là lúc để Fed tiến hành tăng lãi suất.
Trong tuyên bố ngày 17/9, Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC), cơ quan hoạch định chính sách của Fed, nói rằng "tình hình kinh tế và tài chính trên toàn cầu là một phần nguyên nhân tác động tới các quyết sách kinh tế" và nhiều khả năng sẽ làm giảm tỷ lệ lạm phát của Mỹ, vốn vẫn đang ở mức thấp.
Tuy tuyên bố của FOMC không đề cập tới Trung Quốc song Chủ tịch Fed Janet Yellen đã nhắc đến nền kinh tế lớn thứ hai này trong bài phát biểu của mình.
Bà khẳng định mối quan tâm tới các nguy cơ liên quan đến Trung Quốc, cùng với tình hình của các thị trường mới nổi, và những tác động từ những diễn biến ở các thị trường này đối với Mỹ.
Bà Yellen cho rằng những xáo trộn trên các thị trường tài chính sau khi Trung Quốc bất ngờ hạ giá đồng nội tệ hồi giữa tháng Tám vừa qua đã một phần phản ánh những lo ngại về nguy cơ giảm tốc của nền kinh tế này.
Theo Derek Scissors, một nhà kinh tế làm việc tại Viện Doanh nghiệp Mỹ, lý do thực sự khiến Fed giữ nguyên lãi suất là bởi "thị trường lao động tại Mỹ vẫn chưa thực sự ổn định."
Ông cho rằng tuy tỷ lệ thất nghiệp đã giảm xuống 5,1% song số người tham gia lực lượng lao động vẫn thấp, trong khi lộ trình tăng tiền lương tuần vẫn chưa có tiến triển.
Tuy nhiên, sự chững lại của nền kinh tế Trung Quốc là điều có thực. IHS Global Insight dự đoán tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này từ mức 7,3% trong năm 2014, sẽ giảm xuống 6,5% trong năm nay và sang năm 2016 sẽ chỉ còn 6,3%.
Nhà kinh tế Stephen Oliner, từng làm việc tại Fed, nhận định: "Tôi không mấy ngạc nhiên khi Fed tỏ ra thận trọng và cân nhắc dựa trên tình hình kinh tế thế giới. Rõ ràng, những chỉ số và thông tin phản ánh đà tăng trưởng khá trì trệ của nền kinh tế toàn cầu nói chung là nhân tố khiến triển vọng kinh tế Mỹ còn nhiều điều khó lường".