Vụ phá sản của nhà máy liên doanh tại Vương quốc Anh kéo theo cả tập đoàn Sahaviriya chuyên sản xuất thép ở Thái Lan xuống bờ vực.
Chỉ số kinh tế Trung Quốc lại suy giảm mạnh
- Cập nhật : 24/09/2015
(Tin Kinh Te)
Ngày 23-9, báo chí Trung Quốc đưa tin một chỉ số công nghiệp quan trọng của nước này tiếp tục sụt giảm nghiêm trọng.
Robot trong một nhà máy ở Thượng Hải. Ngành sản xuất của Trung Quốc đang gặp nhiều khó khăn - Ảnh: Reuters
Theo tạp chí Tài Kinh, chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) của Trung Quốc trong tháng 9 sụt giảm xuống mức 47,0 điểm, thấp nhất trong vòng sáu năm rưỡi qua.
Đây là chỉ số đánh giá hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực sản xuất. PMI dưới 50,0 cho thấy nền kinh tế sản xuất đang suy thoái.
Các nhà đầu tư trên thế giới luôn theo dõi rất chặt chẽ chỉ số PMI của Trung Quốc để đánh giá sức khỏe của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, cỗ máy tăng trưởng của nền kinh tế toàn cầu. Trong thời gian qua, thị trường chứng khoán thế giới liên tục chao đảo vì mối lo ngại nền kinh tế Trung Quốc hụt hơi.
“Sự sụt giảm cho thấy ngành sản xuất của Trung Quốc đang bước sang một giai đoạn đáng lo ngại trong quá trình chuyển đổi cơ cấu” - ông He Fan, nhà kinh tế trưởng của nhóm nghiên cứu thuộc tạp chí Tài Kinh, nói.
Ông He nhận định kinh tế Trung Quốc đang lao đao chủ yếu do nhu cầu đối với hàng xuất khẩu Trung Quốc trên thế giới đang suy giảm mạnh.
Chính quyền Trung Quốc gần đây cam kết chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ dựa dẫm vào xuất khẩu và đầu tư công sang tiêu dùng nội địa, tuy nhiên đây là quá trình đòi hỏi nhiều thời gian.
Các biện pháp can thiệp của Chính phủ Trung Quốc khi thị trường chứng khoán khủng hoảng bị giới đầu tư và chuyên gia phương Tây chỉ trích là quá thô bạo, phản thị trường và hoàn toàn trái ngược với các cam kết cải tổ, tôn trọng vai trò của thị trường mà Bắc Kinh từng đưa ra trước đó.
Từ tháng 11-2014 đến nay, Ngân hàng Nhân dân Bắc Kinh cắt giảm lãi suất năm lần để kích thích nền kinh tế nhưng biện pháp này chưa đem lại nhiều hiệu quả.
Các nhà kinh tế thuộc Hãng Nomura cảnh báo chỉ số PMI suy yếu cho thấy GDP Trung Quốc năm 2015 có thể thấp hơn đáng kể so với mục tiêu 7% mà chính quyền nước này đặt ra.
Theo Tuổi Trẻ