"Nơi này thậm chí đáng sợ hơn cả vùng Trung Đông. Khủng bố Hồi giáo hành quyết nạn nhân trong lãnh thổ của chúng...
Tin thế giới đọc nhanh chiều 24-09-2015
- Cập nhật : 24/09/2015
Tổng thống Philippines giễu cợt Trung Quốc, ca ngợi Nhật Bản
Tổng thống Philippines, ông Benigno Aquino III mô tả lý lẽ về tuyên bố chủ quyền lãnh hải của Trung Quốc theo kiểu giễu cợt, trong khi ca ngợi việc Nhật Bản thông qua dự luật an ninh mới, theo AFP.
Tổng thống Philippines, Benigno Aquino chỉ trích luận điệu của Trung Quốc về tuyên bố chủ quyền phi lý trên Biển Đông - Ảnh: AFP
Phát biểu trên kênh truyền hình ABS-CBN của Philippines hôm 22.9, ông Benigno Aquino chỉ trích cách hành xử mâu thuẫn của Trung Quốc. Theo Tổng thống Philippines, Bắc Kinh trong lúc nói muốn thúc đẩy sự phát triển chung của khu vực, thì lại tuyên bố chủ quyền phi lý nuốt trọn gần hết Biển Đông.
“Chuyện thật như đùa khi Trung Quốc nói ‘những gì của chúng tôi là của chúng tôi, còn những gì của các anh thì chúng ta chia sẻ với nhau’”, Tổng thống Philippines nói.
Ngoài ra, ông Aquino cũng bác bỏ đề nghị đàm phán song phương với Trung Quốc, thay vào đó cho rằng bất kỳ cuộc thảo luận nào về vấn đề tranh chấp cũng phải gồm các bên liên quan như Brunei, Malaysia, Việt Nam.
Bên cạnh đó, ông Aquino ca ngợi việc Nhật Bản thông qua dự luật cho phép đưa binh lính ra nước ngoài chiến đấu. Ông cho rằng việc mở rộng phạm vi hoạt động của quân đội sẽ khiến Nhật Bản trở thành một đối tác mạnh mẽ hơn trong việc giữ hòa bình.
Dự luật được thông qua của Nhật Bản đã vấp phải sự phản đối trong nước và cả chỉ trích từ phía Trung Quốc, tuy nhiên Philippines đến nay đã bày tỏ lập trường ủng hộ rõ ràng.
Hồi tháng 6.2015 vừa qua, ông Aquino đã đến thăm Nhật Bản, khẳng định mối quan hệ chiến lược giữa hai nước. Philippines và Nhật Bản cũng đã tổ chức các đợt tập trận trên biển trong năm nay, theo AFP. (Thanh Niên)
Mỹ điều 12 máy bay Thần sấm A-10 đến Estonia
Không quân Mỹ ngày 21/9 đã điều 12 máy bay Thần sấm A-10 và hàng trăm phi công tới một căn cứ quân sự ở Estonia để tham gia chương trình huấn luyện với các đồng minh NATO và các đối tác châu Âu khác.
Báo cáo của Lực lượng Không quân Mỹ cho biết, 350 phi công thuộc Phi đoàn chiến đấu cơ Viễn chinh số 74 và 12 máy bay A-10 xuất phát từ căn cứ không quân Moody ở tiểu bang Georgia tới căn cứ không quân Amari, Estonia sau khi dừng chân tại Đức. Theo kế hoạch, lực lượng trên sẽ tham gia khoá tập luyện kéo dài 6 tháng cùng quân đội các nước đồng minh thuộc Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây dương (NATO) và các đối tác châu Âu khác.
Các cuộc tập trận này là một phần của chiến dịch xuyên lục địa mang tên “Quyết tâm hoạt động Đại Tây Dương”, nhằm mục đích tăng cường khả năng chiến đấu của lực lượng không quân Mỹ, đồng thời thể hiện cam kết của Washington trong việc bảo vệ sự ổn định an ninh tại châu Âu.
Ngoài ra, chiến dịch này cũng thể hiện sức mạnh nhằm đối phó với các lực lượng của Nga trong bối cảnh Nga sáp nhập bán đảo Crimea hồi đầu năm ngoái và bị cáo buộc là can thiệp quá sâu vào cuộc khủng hoảng tại Ukraine.
"Đây là một cơ hội để Mỹ và các đồng minh NATO tập luyện cùng nhau, thể hiện sự đoàn kết nhằm tăng cường sức mạnh của liên minh," Trung tá Bryan France thuộc Không quân Mỹ cho biết.
Ông France cũng nhấn mạnh ý nghĩa và tầm quan trọng của đợt huấn luyện này, cho rằng việc hợp tác và liên kết giữa các thành viên trong liên minh không phải điều đơn giản.
“Sẽ rất khó để các bên liên lạc với nhau khi ở trên chiến trường. Vì vậy việc tập luyện sẽ giúp các binh sĩ hiểu nhau hơn và có sự chuẩn bị tốt nhất trong trường hợp xảy ra xung đột trong tương lai”, ông France cho biết.
Chương trình tập huấn dự kiến sẽ bao gồm các khoá đào tạo bay thường xuyên, các cuộc tập trận và các chương trình đào tạo khác.
Hồi tháng 4 vừa qua, Không quân Mỹ cũng đã điều 10 máy bay Thần sấm tới Romania với mục đích hỗ trợ đào tạo lực lượng không quân nước này. Gần đây, Washington cũng thường xuyên tham gia huấn luyện lực lượng quân sự của các quốc gia vùng Baltic và Balkan cũng như Đức, Ba Lan và Ukraine.
Ấn Độ rót 2,5 tỷ USD mua 37 trực thăng quân sự của Boeing
Ấn Độ sẽ đặt mua 37 trực thăng quân sự từ công ty hàng không Boeing (Mỹ) trong một hợp đồng trị giá 2,5 tỷ USD nhằm hiện đại hóa khí tài từ thời Xô Viết, trước thềm chuyến thăm Mỹ của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi.
Một chiếc trực thăng Boeing AH-64 Apache trưng bày tại Triển lãm công nghiệp quốc tế lần thứ 23. (Ảnh: AFP)
Thông tin được hãng tin AFP dẫn lời một quan chức chính phủ Ấn Độ cho hay. Bản hợp đồng trên nằm trong chương trình hiện đại hóa quân đội chính phủ Ấn Độ, trong bối cảnh quốc gia láng giềng Pakistan và Trung Quốc đang tăng chi ngân sách cho quốc phòng.
“Ủy ban An ninh thuộc nội các Ấn Độ đã chấp thuận hợp đồng mua sắm số trực thăng quân sự trên. Hợp đồng trị giá 2,5 tỷ USD”, nguồn tin cho biết.
Ngoài ra, Ấn Độ cũng đặt hàng 22 trực thăng Apache và 15 trực thăng vận tải Chinook qua một hợp đồng khác được thảo luận trước đó trong chuyến thăm Ấn Độ của cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel vào tháng trước.
Kể từ khi lên nắm quyền, chính phủ của Thủ tướng Modi đã thông qua một loạt các dự án quân sự vốn đã bị trì hoãn thời chính phủ tiền nhiệm, mà lý do một phần do liên quan đến các cáo buộc tham nhũng. Ông Modi cũng đã nỗ lực thúc đẩy hơn nữa hợp tác với các nước trong khu vực.
Trên cương vị thủ tướng, ông Modi muốn Ấn Độ chấm dứt vị thế là nước nhập khẩu vũ khí hàng đầu thế giới, trở thành quốc gia Nam Á "sẽ chủ động sản xuất vũ khí".
Ấn Độ đã nâng trần đầu tư nước ngoài vào công nghiệp quốc phòng lên 49% và tăng cường hợp tác giữa các công ty trong nước và các đối tác nước ngoài trong lĩnh vực này.
Hàn Quốc lập đơn vị đặc biệt phá hủy vũ khí hạt nhân Triều Tiên
Quân đội "đang xúc tiến tổ chức một đơn vị đặc biệt với mục tiêu nhắm vào các cơ sở cốt lõi chiến lược của đối phương", Yonhap hôm qua dẫn lời một quan chức thuộc Bộ Tư lệnh Chiến tranh Đặc biệt (SWC) của Hàn Quốc tiết lộ trong một báo cáo trình quốc hội.
Bản báo cáo không nêu chi tiết về kế hoạch trên, song một quan chức quân đội Hàn Quốc khác khẳng định mục tiêu ở đây là vũ khí hạt nhân, tên lửa tầm xa cùng nhiều loại thiết bị quân sự của Triều Tiên.
Theo trung tướng Chang Kyung-suk, lãnh đạo SWC, một trong 6 lữ đoàn thuộc Bộ Chỉ huy này sẽ được chuyển đổi thành đơn vị đặc biệt, chuyên xử lý các nhiệm vụ liên quan đến Bình Nhưỡng.
Đơn vị mới có khả năng sẽ phải phối hợp tác chiến với cả các lực lượng của Mỹ trong trường hợp thực hiện những nhiệm vụ xâm nhập vào lãnh thổ Triều Tiên, Chang nói. SWC cũng sẽ cố gắng xây dựng một đơn vị không quân đặc chủng để có thể tự mình triển khai các hoạt động tiếp cận từ trên không, ông cho biết thêm.
Pháp bán hai chiến hạm Mistral cho Ai Cập
Tổng thống Pháp Francois Hollande và người đồng cấp Ai Cập Abdel Fattah Al-Sisi đã nhất trí về thỏa thuận, Reuters hôm nay dẫn tin từ phát ngôn viên chính phủ Pháp Stephane Le Foll.
"Họ đã thống nhất về nguyên tắc và điều khoản", thông báo từ Văn phòng của ông Hollande cho hay.
Trong vài ngày qua, một đoàn đại biểu của Ai Cập đã tới Pháp để bàn về giá cả. Tàu Vladivostok và Sevastopol dự kiến được Pháp chuyển giao cho Nga theo hợp đồng trị giá 1,5 tỷ ký hồi giữa năm 2011. Tuy nhiên Paris cuối năm ngoái tuyên bố hoãn kế hoạch do bất đồng trong giải quyết cuộc khủng hoảng Ukraine.
Một nguồn tin ngoại giao giấu tên cho hay Cairo muốn đặt một chiếc tàu ở Địa Trung Hải và chiếc kia ở Hồng Hải, chuẩn bị cho kế hoạch hoạt động trong tương lai ở Yemen. Đây là nơi Ai Cập tham gia chiến dịch truy quét các phiến quân Houthi do Arab Saudi dẫn đầu.
Chính phủ Pháp tháng trước đã hoàn tất khoản bồi thường 950 triệu euro cho Nga do hủy kế hoạch bàn giao. Số tiền này thấp hơn so với yêu cầu từ Nga là 1,3 tỷ euro và dự đoán của truyền thông Pháp lên đến hai tỷ euro.
"Tôi hoàn toàn bác bỏ ý kiến cho rằng thỏa thuận với Ai Cập thua lỗ hơn so với thương lượng với Nga", ông Le Foll nói.
Giới quan sát nhận định Pháp và Ai Cập đạt được nhất trí về hai tàu Mistral do Paris đang có mối liên kết với các quốc gia Arab có quan điểm cứng rắn với Iran và cũng cùng quan điểm đối với các cuộc xung đột trong khu vực.
Tàu Mistral là niềm tự hào của hải quân Pháp, có khả năng chứa 16 trực thăng và 1.000 quân.