Ai cũng cho rằng sự trỗi dậy của Trung Quốc là tất yếu, nhưng những con số thống kê gần đây lại chỉ ra một câu chuyện hoàn toàn khác.
Lao động nhập cư muốn phá vỡ quan niệm 'quốc gia thuần chủng' của Nhật
- Cập nhật : 06/08/2017
Lao động nhập cư tới Nhật Bản muốn tìm việc ổn định nhưng gặp khó khăn bởi thiếu tay nghề và chính sách hỗ trợ dài hạn.
Ông Yuichi Aoki, một công nhân phá dỡ nhà cau mày khi nói về tương lai Nhật Bản.
"Tôi đã xin nghỉ việc trong ngành IT khi 55 tuổi", ông Aoki, 59 tuổi, nói trong lúc nghỉ giải lao ở một công trường tại Saitama, Nhật Bản. "Bây giờ tôi đã gần 60, vẫn phải tiếp tục làm việc. Tôi lo lắng cho con cháu khi chúng nó phải đối mặt với dân số già ngày một tăng ở Nhật".
Lớn tuổi hơn đa số đồng nghiệp, ông Aoki là một trong số ít nhân viên người Nhật làm việc cho công ty phá dỡ nhà do một người Kurd làm chủ ở Saitama.
Đa số công nhân trong công ty đến từ Thổ Nhĩ Kỳ, Iran và châu Phi. Công ty này có thể coi là số hiếm ở Nhật Bản, nơi tỷ lệ người nước ngoài trên tổng dân số chỉ chiếm 1,6%.
Mehmet Yucel, 28 tuổi, là người điều hành. Công ty phát triển trong lĩnh vực phá dỡ và xây dựng, ngành nghề ít người Nhật muốn làm trong tình trạng thiếu hụt lao động chung trên toàn quốc.
Kể từ lúc thành lập công ty năm 2016, Yucel cho biết ngày nào cũng nhận được điện thoại của người nhập cư muốn tìm việc. Một số người có giấy phép lao động, một số người thì không.
"Nhật đang nhắm mắt cho qua những công nhân này bởi cần họ, nhưng lại không đưa ra chiến lược lâu dài phù hợp cho những người này", Yucel nói.
Công ty của anh nằm ở rìa thủ đô Tokyo. Yucel tới Nhật 12 năm trước để trốn tránh cuộc xung đột sắc tộc trong nước. Anh lấy vợ Nhật và đủ tư cách xin thường trú.Yucel luôn coi mình là người may mắn trong số 2,23 triệu người nhập cư ở Nhật. Dù Nhật Bản là nhà tài trợ lớn thứ 4 cho Cao ủy Liên Hợp Quốc về người tị nạn (UNHCR), nhưng năm 2016, quốc gia này chỉ chấp thuận 21 trong số 10.901 đơn xin tị nạn.
Dân số già hóa
Nhật Bản được coi là quốc gia "siêu già", nơi có 20% dân số trên 65 tuổi và tỷ lệ sinh thấp kỷ lục. Theo dự báo của Bộ Y tế, tới năm 2060, dân số Nhật sẽ giảm 40 triệu người so với năm 2010, xuống còn 86,74 triệu người.
Với tình trạng tiền đóng thuế ít đi do số người lao động giảm, trong khi nhu cầu lương hưu và bảo hiểm y tế cho dân số già ngày một tăng, nền kinh tế Nhật Bản đang đối mặt với thách thức chưa từng có. Năm 2017, tình trạng thiếu lao động ở Nhật đạt mức cao nhất trong 40 năm qua. Các nhà phân tích dự đoán tình trạng thiếu hụt này sẽ tiếp tục tăng trong những năm tới.
Các nhà quan sát cho rằng tăng số lượng người nhập cư sẽ là giải pháp cho cuộc khủng hoảng lao động ở Nhật Bản và vấn đề nhân khẩu học. Năm 2005, giám đốc cục xuất nhập cảnh Tokyo Hidenori Sakanaka đã đề xuất kế hoạch tiếp nhận 10 triệu lao động nhập cư trong thời gian 50 năm. Tuy nhiên, rất ít chính trị gia ủng hộ ý tưởng này và cuối cùng, đề xuất bị gác lại.
"Nhật Bản không có chính sách nhập cư, đây là điều các chính trị gia quán triệt", Chris Burgess, một nghiên cứu viên về nhập cư và giảng viên ngành Nhật học ở đại học Tsuda Juku, Tokyo, nhận định.
"Nhiều người Nhật tin rằng hòa bình và hòa hợp của đất nước dựa trên một quốc gia thuần chủng, nơi có rất ít người nước ngoài", Burgess nói. "Lối nghĩ đó bao trùm nhiều khía cạnh xã hội và là nền tảng của nguyên tắc không nhập cư".
Đóng cửa
Nhật Bản từng có giai đoạn lịch sử đóng cửa với nước ngoài. Trong thời kỳ tự cô lập năm 1641 - 1853, Nhật Bản cấm công dân rời khỏi đất nước và cấm người nước ngoài nhập cảnh. Chỉ những thương gia người Trung Quốc và Hà Lan mới được phép cập cảng Nagasaki ở đảo Kyushu, cực nam Nhật Bản.
Nước Nhật cũng không dựa vào lao động nước ngoài trong thời kỳ tăng trưởng kinh tế vượt bậc từ năm 1955 tới 1973. Theo ông Atsushi Kondo, giáo sư luật học, chuyên gia về di trú ở đại học Meiji, chỉ đến cuối những năm 1980, khi mối đe dọa về tình trạng thiếu lao động tăng lên, quốc gia này mới tranh luận về khả năng chấp nhận lao động nước ngoài.
Kể từ năm 1988, Bộ Lao động Nhật đã tiếp nhận một số ít lao động có tay nghề và bằng cấp cao. Trong những năm 1990, Nhật bắt đầu khuyến khích người gốc Nhật ở nước ngoài trở lại theo chương trình thị thực đặc biệt.
Tuy nhiên, cánh cửa này vẫn đóng với lao động trình độ thấp. Dù Thủ tướng Abe đã đề cập tới nhu cầu "kỹ sư nước ngoài" để xây dựng các công trình phục vụ Olympic Tokyo năm 2020, nhưng ông cũng nhấn mạnh chớ hiểu nhầm điều này là việc thực thi chính sách nhập cư từng được nội các thảo luận hồi tháng 4/2014.
Chương trình "đào tạo kỹ thuật viên"của chính phủ Nhật bị chỉ trích nặng nề khi công nhân nước ngoài, chủ yếu là người Trung Quốc và Đông Nam Á, được tới Nhật để làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp và sản xuất; sau đó mang những kỹ năng học được về nước. Một số chuyên gia cho rằng hệ thống có nhiều kẽ hở, dẫn tới việc bóc lột người lao động.
Chính sách
Trong một văn phòng nhỏ ở đông bắc Tokyo, Ippei Torii, người đấu tranh vì quyền lợi của người nhập cư hơn 20 năm nay, tỏ ra tức giận. Ông luôn khẳng định tình trạng thiếu lao động của Nhật có thể giải quyết bằng chính sách thị thực cho những lao động chân tay muốn sang Nhật.
Torii là giám đốc của tổ chức phi lợi nhuận Mạng lưới Công đoàn Di cư Nhật Bản (SNMJ). Ông cho rằng thay vì xây dựng chiến lược nhập cư dài hạn cho phép người lao động trình độ thấp có đầy đủ quyền lợi như công dân Nhật Bản, chính phủ đã tiếp tục lựa chọn các biện pháp "cửa sau" cho phép lao động ngoại quốc trình độ thấp tới Nhật làm việc tạm thời.
Torii chỉ trích chương trình kỹ thuật viên Nhật, nói rằng người nước ngoài không học được kỹ năng cần thiết để về nước. Ông cũng chỉ trích việc cho phép sinh viên ngoại quốc ở Nhật làm việc bán thời gian tới 28 giờ.
Phát ngôn viên Bộ Tư pháp Nhật bác bỏ cáo buộc của Torii.
"Điều này không đúng. Chúng tôi không sử dụng các chính sách cửa sau và chấp nhận nhập cư bất hợp pháp để giải quyết tình trạng thiếu lao động", ông này nói. "Đơn xin tị nạn đang bị những người nhập cư bất hợp pháp lạm dụng. Chúng tôi tin rằng hầu hết những người nộp đơn tị nạn không phải những người thực sự cần tị nạn. Việc lạm dụng đã làm trì hoãn tiến trình xin tị nạn của những người có nhu cầu thực sự".
Năm 2016, số đơn xin tị nạn ở Nhật tăng 44%, trong đó Indonesia, Nepal và Philippines là những quốc gia có người xin tị nạn nhiều nhất.
Theo Takizawa Saburo, chuyên gia về chính sách tị nạn kiêm thành viên Ban thảo luận chính sách nhập cư của Bộ Tư pháp, việc sửa đổi luật nhập cư năm 2010 đã dẫn tới tình trạng lao động nhập cư nộp đơn tị nạn tăng đột biến ở Nhật. Luật sửa đổi năm 2010 cho phép người xin tị nạn có thể bắt đầu làm việc tại Nhật 6 tháng sau khi nộp đơn.
"Vì Nhật Bản không chấp nhận lao động thiếu tay nghề, nhiều người từ các quốc gia Đông Nam Á không có cách nào tới Nhật theo con đường xuất khẩu lao động, ngoại trừ hướng làm người tị nạn", Saburo nhận xét.
Khó khăn
Hồi tháng 5, khoảng 20 người tị nạn bị tạm giam ở Cục xuất nhập cảnh Tokyo đã tổ chức tuyệt thực hai tuần. Thất vọng vì hệ thống hành chính xử lý đơn xin tị nạn chậm chạp, họ đã yêu cầu chấm dứt việc tái giam giữ nhiều lần và yêu cầu được nhanh chóng cấp visa làm việc."Số người xin tị nạn tăng lên nhưng số lượng cán bộ xử lý vấn đề nhập cư lại không tăng, dẫn tới việc kéo dài thời gian cấp duyệt đơn, gây khó khăn cho cả hai bên", Yuki Moriya, phát ngôn viên của UNHCR Nhật Bản, giải thích.
Trở lại công trường phá dỡ của Yucel, Nurettin, một thanh niên tị nạn người Kurd 25 tuổi hiểu rõ việc mắc kẹt trong hệ thống hành chính là thế nào.
Chạy trốn khỏi cuộc xung đột ở đông nam Thổ Nhĩ Kỳ, Nurettin tới Nhật năm 2012 và đã bị tạm giam hai lần trong trung tâm giam giữ người nhập cư. Cậu vẫn đang đợi đơn xin tị nạn được xét duyệt.
Nerettin không được phép làm việc, nhưng vẫn sống được nhờ sự hỗ trợ của đồng hương như Yucel và cộng đồng hơn 1.400 người Kurd ở Saitama và Tokyo. Cậu không gặp khó khăn khi làm việc với đồng nghiệp Nhật Bản, bất chấp rào cản ngôn ngữ.
"Chúng tôi có thể theo tôn giáo và ý thức hệ khác nhau, nhưng làm việc cùng nhau thì không thành vấn đề. Chúng tôi chỉ cần chuyên tâm làm xong việc", Nurettin nói.
"Nếu được nhà nước hỗ trợ nhiều hơn, tôi sẽ rất vui lòng đóng thuế. Tuy nhiên, tôi cho rằng việc này không thể sớm xảy ra".
Đứng cạnh Nurettin, ông Aoki gật đầu đồng ý.
"Thanh niên Nhật không muốn làm công việc phá dỡ. Do đó, lao động ngoại quốc muốn làm việc này sẽ hữu ích cho xã hội Nhật. Nhưng họ cũng cần được nhà nước trả công bằng cách hỗ trợ", ông Aoki nhận xét.
"Nhật Bản thực sự cần vượt qua quan niệm quốc gia thuần chủng. Nếu vẫn cứ đóng cửa, tương lai đất nước sẽ rất bất định".
Hồng Hạnh
Theo Vnexpress