Giữa bối cảnh Trung Quốc đẩy mạnh sáng kiến “Một vành đai, một con đường”, Ấn Độ không đứng nhìn mà ngược lại quyết tâm xây dựng mạng lưới “bạn bè” cho sân chơi của mình.
‘Đường một chiều’ Pakistan - Trung Quốc
- Cập nhật : 06/08/2017
Các nước vùng Vịnh cũng theo tuyến quốc lộ mới mở cung cấp dầu mỏ trực tiếp cho Trung Quốc thay vì phải qua eo biển Malacca
Con đường trải nhựa chạy giữa đồi cát. Sau khi hoàn thành vào tháng 12-2017, chặng đường dài 260 km từ thủ đô Islamabad ngược lên TP Thakot ở miền Bắc Pakistan sẽ giảm từ bảy tiếng xuống còn ba tiếng. Con đường nguyên thủy đã đi vào hoạt động từ năm 1982 nhưng hiện nay đang được mở rộng thêm.
Hành lang kinh tế Trung Quốc-Pakistan
Islamabad-Thakot là chặng đầu tiên trong tuyến quốc lộ Karakoram dài 1.300 km nối liền miền Bắc Pakistan với Kashgar ở Tân Cương (Trung Quốc (TQ)). Đây cũng là đoạn đầu trong tuyến đường dài tổng cộng 3.000 km xuất phát từ Kashgar chạy qua dãy núi Himalaya đến cảng Gwadar ở cực Nam Pakistan.
Chặng Islamabad-Thakot là một trong 32 dự án thuộc dự án Hành lang kinh tế TQ-Pakistan đã được TQ thực hiện ở Pakistan cách đây ba năm, hành lang kinh tế quan trọng nhất trong sáu “con đường tơ lụa” Chủ tịch Tập Cận Bình đã khởi xướng từ năm 2013.
Theo đề án tổng thể, Bắc Kinh sẽ đầu tư 55 tỉ USD xây dựng cơ sở hạ tầng và năng lượng cho Pakistan như đường bộ và đường sắt, nhà máy điện chạy bằng than, cảng nước sâu Gwadar, mạng cáp quang. Dự án cam kết từ nay đến năm 2030 sẽ tạo 0,7 triệu việc làm tại đất nước Pakistan có 1/4 trong 190 triệu dân sống dưới ngưỡng nghèo đói. Bù lại TQ sẽ có đường ra Ấn Độ Dương qua cảng Gwadar của Pakistan.
Xe tải chở hàng từ TQ sẽ chạy thẳng đến cảng Gwadar thay vì đi 3.500 km đến Quảng Đông, sau đó chuyển hàng xuống tàu xuất khẩu. Các nước vùng Vịnh cũng theo tuyến quốc lộ mới mở cung cấp dầu mỏ trực tiếp cho TQ thay vì phải qua eo biển Malacca.
Pakistan đang khát vốn đầu tư song các nhà đầu tư ngần ngại vì Taliban và Nhà nước Hồi giáo tự xưng thường xuyên quấy rối. Bởi thế đối với Pakistan, vốn đầu tư từ TQ như cơn mưa giải hạn. Bộ trưởng Quy hoạch Ahsan Iqbal phấn khởi nhận xét: “Hành lang kinh tế TQ-Pakistan tạo ra tối thiểu 300.000 việc làm. Trong vòng ba năm các nhà công nghiệp TQ có thể sẽ chuyển đến Pakistan vì nhân công Pakistan rẻ hơn. Tăng trưởng của chúng tôi có thể đạt 8% trong vòng 10 năm nữa”.
Công nhân Trung Quốc xây đường ở Pakistan và bản đồ tuyến hữu nghị Trung Quốc-Pakistan. Ảnh: AFP
Kế hoạch Marshall kiểu Trung Quốc
AFP đánh giá tuyến đường hữu nghị TQ-Pakistan được tôn vinh là biểu tượng phát triển thương mại song phương nhưng thực ra chỉ là “đường hữu nghị một chiều” vì quan hệ thương mại hai nước phát triển không bình đẳng. Xuất khẩu từ Pakistan tăng 8% ở nửa cuối năm 2016 trong khi nhập khẩu lại tăng đến 30%. Tháng 5-2017, Paksiatn đã từng chỉ trích “bạn hiền” TQ đổ thép bán giá rẻ tràn ngập thị trường Pakistan.
Các công trình xây dựng theo dự án Hành lang kinh tế TQ-Pakistan đều do quản đốc TQ giám sát. Máy móc và nhân công được đưa từ TQ sang. Trong 17.000 công nhân có 6.000-7.000 là công nhân TQ.
TQ cho Pakistan vay 11 tỉ USD xây đường. Để trả nợ, Pakistan buộc phải thu hút vốn đầu tư và tăng cường xuất khẩu. Song chuyên gia Jonathan Hillman tại Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (Mỹ) lưu ý: “Các nhà xuất khẩu Pakistan nuôi bao nhiêu mơ ước và hy vọng nhưng với TQ thì liệu họ có thể xuất khẩu được gì?”.
Chuyên gia Alessandro Ripa tại ĐH Ludwig Maximilian ở Munich (Đức) nhận xét tuyến đường bộ mới TQ-Pakistan chỉ là công cụ của TQ để bảo vệ lợi ích về địa chính trị và mở ra cho giới doanh nghiệp TQ cửa ngõ khác để lưu thông sản xuất thặng dư. Ý đồ của TQ là mở đường cho các tỉnh miền Tây TQ kết nối với châu Phi và vùng Vịnh qua ngả Pakistan.
GS kinh tế Ahmed Ijaz Malik ở ĐH Quaid-i-Azam (Pakistan) chỉ trích: “Hiện giờ tôi không thấy bằng chứng nào Hành lang kinh tế TQ-Pakistan mang lại lợi ích cho dân. Tất cả đều nhập nhằng. Người ta nói cảng Gwadar rồi sẽ cạnh tranh với Dubai nhưng nền tảng mô hình kinh tế nào thì lại chưa xác định… Cái mà chúng tôi lúc nào cũng nhìn thấy là họ (TQ) xây cơ sở hạ tầng để tiếp nhận dầu hỏa vùng Vịnh mà thôi”.
Viện Quan hệ quốc tế Pháp (IFRI) đánh giá dù TQ cố giữ hình ảnh tích cực đối với Pakistan nhưng do nhiều dự án thuộc Hành lang kinh tế TQ-Pakistan thiếu minh bạch nên ngày càng tạo ra nghi ngờ trong xã hội dân sự và giới doanh nghiệp Pakistan. Ví dụ, họ nghi ngờ các nhượng bộ đối với doanh nghiệp TQ đã gây thiệt hại cho công nghiệp nội địa Pakistan. Hoặc các doanh nghiệp TQ đưa nhân công TQ sang làm việc ở Pakistan đã tước đi cơ hội việc làm cho nhân công Pakistan.
Dạ Thảo
Theo Plo.vn