tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Nỗi sợ hàng hóa 'Made in China'

  • Cập nhật : 31/05/2017

Kể từ khi cải cách, mở cửa, nền kinh tế của Trung Quốc đã duy trì được đà tăng trưởng mạnh mẽ trong suốt hơn 3 thập kỷ, tạo nên thứ được nhiều học giả gọi là “phép màu Trung Quốc”, “mô hình phát triển Trung Quốc”. Tuy nhiên, dù đạt được nhiều thành công nhưng mô hình này cũng đưa đến nhiều tác động tiêu cực.

anh minh hoa.

Ảnh minh họa.

Giáo sư Zhang Jinming từ trường Đại học kinh tế về tài chính Quảng Tây cho rằng việc bỏ qua chất lượng các sản phẩm là một thách thức phải chú trọng. Bởi nó không chỉ khiến người dân không được hưởng đầy đủ thành quả của sự phát triển mà còn khiến thế giới dè chừng với những thứ có liên quan đến Trung Quốc.

Thiên đường hàng giả

Theo giáo sư Zhang, mọi người thường dùng GDP để đánh giá tốc độ phát triển kinh tế của một nước. Song, ông cho rằng sự phát triển thực sự và các tiêu chuẩn về phúc lợi xã hội không thể đạt được chỉ bằng việc tăng trưởng GDP mà các yếu tố khác như chất lượng các sản phẩm và dịch vụ mà người dân được hưởng cũng rất quan trọng.

Giáo sư Zhang chỉ ra rằng, trong những năm qua, dù giới chức Trung Quốc đã có nhiều biện pháp để trấn áp nhưng những sản phẩm, hàng hóa giả, kém chất lượng vẫn tồn tại nhan nhản ở khắp mọi ngõ ngách tại nước này. Từ rượu, thuốc lá, trứng giả cho đến các đồ dùng điện tử hay quần áo hàng nhái. Phản ứng của người tiêu dùng ở Trung Quốc đã chuyển dần từ giận dữ thành thất vọng và cuối cùng là chấp nhận. 

Ông Zhang chỉ ra rằng, những sản phẩm hàng hóa giả nói trên nhẹ thì gây những tổn thất về kinh tế còn nặng thì ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Ví dụ, vụ bê bối sữa giả Sanlu bị phanh phui năm 2008 đã khiến cả Trung Quốc bị sốc. Vụ bê bối không chỉ hủy hoại danh tiếng của ngành công nghiệp sản xuất sữa của Trung Quốc mà còn gần như tất cả những sản phẩm được gắn mác “Made in China” đều khiến người ta lo ngại. 

Sau vụ việc trên, nhiều người Trung Quốc có điều kiện đã chuyển sang sử dụng hàng hóa nước ngoài. Nhưng họ lại tiếp tục “ngã ngửa” trước một số vụ việc như việc phát hiện nhà bán lẻ Trung Quốc trộn sữa Hero – một thương hiệu cao cấp của Thụy Sỹ - đã hết hạn vào sữa bình thường để bán ra ngoài. Nhiều người thậm chí chỉ tin tưởng nếu sản phẩm đó được mua ở nước ngoài chứ không phải ở Trung Quốc. 

Tâm lý này trong một thời gian đã đưa đến hiện tượng người Trung Quốc đổ xô ra nước ngoài mua sữa, đến nỗi chính quyền ở một số nơi phải áp dụng các hạn chế về số lượng sản phẩm mà người Trung Quốc có thể mua mỗi lần.

Nỗi lo với hàng “Made in China” 

Tuy nhiên, đến nay, tình trạng có tiền cũng chưa chắc đã mua được đồ thật ở Trung Quốc vẫn là phổ biến. Tháng 10/2016, Cục quản lý công nghệ và thương mại Trung Quốc công bố một nghiên cứu cho biết có đến 34,6%, tức hơn 1/3, hàng hóa được bán trên các nền tảng thương mại điện tử ở nước này không đạt tiêu chuẩn. 

Theo tờ Người Thượng Hải, thông tin do Cục quản lý công nghệ và thương mại Trung Quốc công bố cho biết, kết quả trên được đưa ra dựa trên việc kiểm tra tổng cộng 503 lô hàng từ các cổng bán hàng điện tử lớn của Trung Quốc như Taobao, Tmall, JD.com, Yixun, Suning, yhd.com, Gome, vip.com, Dangdang và Amazon Trung Quốc. Kết quả nghiên cứu cho thấy 172 mẫu trong số này có vấn đề, trong đó 97% là hàng hóa kém chất lượng.

Một trong những mặt hàng bị làm giả nhiều và gây hậu quả nghiêm trọng ở Trung Quốc là thuốc. Nhiều thống kê cho thấy một lượng lớn được bán ở Trung Quốc là thuốc giả. Một số liệu thống kê được công bố năm 2013 ở nước này cho thấy ở Trung Quốc mỗi năm có đến 300.000 người tử vong do thuốc giả.

Không chỉ giả mạo thuốc, hồi năm ngoái, kết quả một cuộc điều tra do Cục quản lý dược phẩm và thực phẩm Trung Quốc thực hiện cho thấy có đến hơn 80% số liệu được sử dụng trong 1.622 thử nghiệm lâm sàng đối với các loại thuốc tây mới ở nước này đã bị làm giả. 

Báo cáo điều tra cho biết các hành vi gian lận ở loại hình này bao gồm đủ mọi cấp độ, trong đó nghiêm trọng nhất là việc một số công ty dược đã che giấu hay thậm chí xóa bỏ các ghi chép về những phản ứng phụ nghiêm trọng có thể xảy ra khi sử dụng thuốc thử nghiệm và giả mạo những dữ liệu không đáp ứng được kết quả mong muốn của họ. 

Thậm chí, nhiều kết quả thử nghiệm lâm sàng đã được viết trước khi các thử nghiệm được tiến hành và số liệu đã bị làm giả để phù hợp với các kết quả mà các công ty muốn. Tham gia vào việc làm giả này được chỉ ra bao gồm cả các nhà khoa học, các công ty dược mà còn có cả các nhà điều tra độc lập được giao nhiệm vụ thanh tra các cơ sở tiền hành thử nghiệm lâm sàng. Những thông tin này đã một lần nữa dấy lên những lo ngại về an toàn của các loại thuốc ở Trung Quốc. 

Thế giới cũng lo sợ

Không chỉ tràn lan ở trong nước, hàng giả, hàng nhái và hàng kém chất lượng có nguồn gốc từ Trung Quốc đã xuất hiện rộng rãi trên thế giới. Theo một báo cáo do Văn phòng ma túy và tội phạm của Liên Hợp Quốc công bố hồi năm 2013, trong giai đoạn 2008 đến 2010 có gần 70% hàng hóa giả mạo bị thu giữ trên toàn thế giới có nguồn gốc từ Trung Quốc. 

Với Mỹ, con số này còn cao hơn. Hải quan Mỹ nói rằng trong cùng thời kỳ, ước tính 87% giá trị hàng hóa giả mạo bị bắt giữ ở nước này có nguồn gốc từ Trung Quốc. Còn theo Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), ước tính 2% thương mại toàn cầu là các giao dịch hàng giả. Trong đó giá trị hàng giả nhập khẩu từ Đông Á, đa phần là từ Trung Quốc, vào Mỹ và EU mỗi năm ước tính đã lên đến 25 tỉ USD. 

Trong bối cảnh Trung Quốc vẫn đang là công xưởng của thế giới, việc hàng hóa giả mạo, kém chất lượng tràn lan ở nước này đã đưa đến nhiều quan ngại. Nó khiến nhiều nước tỏ ra thận trọng trong chính sách thương mại với Trung Quốc còn các công ty cũng dè chừng. Thực tế là nhiều công ty đã mất quyền kiểm soát đối với sản phẩm của họ khi gia công hàng hóa ở Trung Quốc.

Sau khi giới chức các nước phát triển có những biện pháp để ngăn chặn, hàng giả từ Trung Quốc lại đang tìm đường đến các nước kém phát triển như châu Phi. Tờ Tribune Online của Nigeria hồi tháng 3 vừa qua cho biết kết quả điều tra do báo này tiến hành cho thấy hơn 80% hàng hóa ở các chợ ở Lagos – thành phố lớn nhất Nigeria và là thành phố đông dân nhất châu Phi – là hàng kém chất lượng và đa số hàng đó có nguồn gốc từ Trung Quốc. 

Chính việc hàng hóa “Made in China” kém chất lượng tràn lan ở các chợ như vậy đã khiến không ít người châu Phi tỏ ra khó chịu với những người Trung Quốc đang xuất hiện ngày càng nhiều ở các nước này trong bối cảnh Trung Quốc đang đẩy mạnh việc “rải tiền” tới các nước nghèo ở châu lục này nhằm tìm kiếm các nguồn tài nguyên đồng thời gia tăng ảnh hưởng. Nhiều chuyên gia tại châu Phi đã thúc giục Chính phủ nước có những biện pháp để loại bỏ hàng giả, hàng kém chất lượng. 

Một tờ báo từng nói rằng, bên cạnh sự gia tăng hoạt động quân sự ở Thái Bình Dương, nhiều người cũng cho rằng Trung Quốc là “siêu cường về hàng giả” hàng đầu thế giới. Sản xuất hàng giả mang đến lợi nhuận cho người dân Trung Quốc nhưng cũng khiến nước này tổn thất không ít, trong đó thiệt hại lớn nhất là danh tiếng, nhất là trong lúc người Trung Quốc luôn muốn khẳng định vị trí siêu cường của họ.

Anh John Otala, 32 tuổi, sống ở thành phố Kampala, thủ đô của Uganda cho biết 2 năm trước anh từng mua phải thuốc giả khi bị sốt. Dù chưa từng có bằng chứng xác thực nhưng anh luôn cho rằng đó là thuốc từ Trung Quốc. “Chúng tôi đều biết rằng tất cả những thứ từ Trung Quốc đều là giả nên khi uống thuốc 2 ngày không đỡ và biết được rằng đó là thuốc giả tôi đã nghĩ đó là thuốc của Trung Quốc”, anh nói.

Theo Pháp Luật VN

Trở về

Bài cùng chuyên mục