Những ngón đòn trừng phạt kinh tế và văn hóa mà Trung Quốc tung ra nhằm trả đũa Hàn Quốc vì đã để cho Washington bố trí hệ thống lá chắn chống tên lửa THAAD trên lãnh thổ Hàn Quốc đã có dấu hiệu phản tác dụng.
Thương hiệu 'Made in China’ sẽ chỉ là dĩ vãng?
- Cập nhật : 27/03/2017
Hãng tin Vox (Mỹ) nhận định mức lương công nhân tại Trung Quốc ngày càng tăng là một con dao hai lưỡi đối với nền kinh tế nước này.
Theo Vox, trong nhiều thập niên qua, Trung Quốc được mệnh danh là “công xưởng của thế giới”, nơi có nguồn lao động giá rẻ lớn nhất thế giới để phục vụ các hoạt động sản xuất công nghiệp toàn cầu. Tuy nhiên, trong bối cảnh nền kinh tế Trung Quốc ngày càng tăng trưởng, mức lương công nhân theo đó cũng tăng dần, thậm chí cao ngang ngửa mức châu Âu ở một số lĩnh vực.Theo dữ liệu mới nhất từ công ty nghiên cứu thị trường Euromonitor (Anh), mức lương trung bình của công nhân Trung Quốc năm 2016 đã tăng lên 3,6 USD/giờ. Con số này nghe có vẻ thấp so với mức 26 USD/giờ tại Mỹ nhưng nó cho thấy sự tăng trưởng kinh tế đang ảnh hưởng tới cuộc sống của tầng lớp lao động tại Trung Quốc.
Lương công nhân tại Trung Quốc ngày càng tăng được dự đoán sẽ phá hủy thế độc quyền “Công xưởng thế giới” của nước này. Ảnh: VOX
Tuy nhiên, lương công nhân ngày càng tăng cũng đặt ra câu hỏi làm cách nào Trung Quốc sẽ có thể duy trì tốc độ phát triển như hiện nay.
Euromonitor cho biết mức lương tại các nhà máy Trung Quốc hiện cao hơn so với lương tại nhà máy các nước Brazil, Argentina và Mexico. Đài CNBC (Mỹ) cũng cho biết mức lương trung bình của các công nhân Trung Quốc cao gấp năm lần so với tại Ấn Độ và ngang ngửa với các quốc gia như Bồ Đào Nha, Nam Phi hiện nay.
Thu nhập ngày càng cao của nhiều công nhân Trung Quốc là một tin vui đối với tầng lớp lao động tại nước này bởi họ không chỉ có thể chi trả cho các nhu yếu phẩm mà còn dư tiền để chi cho nhu cầu giải trí. Năm 2014, thức ăn và quần áo chiếm trung bình một nửa chi tiêu cá nhân của người tiêu dùng Trung Quốc.
Tân Tổng thống Mỹ Donald Trump từng tuyên bố sẽ áp thuế cao lên hàng nhập khẩu Trung Quốc và đưa các công xưởng tại Trung Quốc về Mỹ. Ảnh: VOX
Tuy nhiên, mức lương cao cũng sẽ đặt ra thách thức đối với nền kinh tế Trung Quốc. Khi lương chi trả tăng cao, sức hút của lĩnh vực sản xuất tại Trung Quốc đối với các nhà đầu tư chắc chắn sẽ giảm xuống. Với đà đó, sự phổ biến của thương hiệu “Made in China” sẽ chỉ là của quá khứ.
Điều đó càng được củng cố trong bối cảnh Tổng thống Mỹ Donald Trump cảnh báo sẽ rút các công ty của Mỹ tại Trung Quốc như Apple về nước. Tuy nhiên, dù ông Trump áp thuế cao lên các hàng hóa Trung Quốc để giúp tăng nền sản xuất tại Mỹ thì các công xưởng thế rồi cũng sẽ “chảy” tới các nước có nguồn lao động giá rẻ, chứ Mỹ cũng không thể thay thế vai trò của Trung Quốc.
Điều này đã được chứng minh đúng khi hồi năm 2009, cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama áp mức thuế cao lên vỏ xe hơi nhập khẩu từ Trung Quốc. “Bù lại sự tụt giảm trong số lượng vỏ xe của Trung Quốc bị từ chối nhập khẩu, việc nhập khẩu vào các nước Hàn Quốc, Thái Lan và Indonesia đã tăng gấp đôi” – theo một báo cáo của tờ Los Angeles Times.
Theo Vox, các quốc gia Đông Nam Á như Campuchia và Myanmar hiện trên đà thay thế vai trò “công xưởng giá rẻ” của Trung Quốc. Các chuyên gia kinh tếđến từ ngân hàng ANZ (Úc) ước tính các quốc gia khu vực Đông Nam Á có thể sẽ tranh giữ được “ngôi vị công xưởng thế giới” trong vòng từ 10-15 năm tới.
(Theo Pháp luật TP.HCM)