Qatar sở hữu nhiều đất ở London hơn Nữ hoàng Anh, có GDP bình quân gần 130.000 USD một năm và tỷ lệ thất nghiệp chỉ là 1,1%.
Nguy cơ chiến tranh thương mại khi Mỹ rút khỏi hiệp định chống biến đổi khí hậu
- Cập nhật : 02/06/2017
Giới chuyên gia cho rằng các nước khác có thể trả đũa bằng cách áp thuế nhập khẩu lên hàng hóa Mỹ có giá rẻ hơn.
Tổng thống Donald Trump vừa tuyên bố Mỹ sẽ rút khỏi Hiệp định Paris năm 2015 về biến đổi khí hậu, và sẽ tìm cách thương lượng một thỏa thuận mới. Hiệp định này được gần 200 nước thông qua, nhằm giảm lượng khí CO2 và khí thải khác từ việc đốt nhiên liệu hóa thạch, để kiềm chế tăng nhiệt độ trên toàn cầu.
Rời bỏ hiệp định này có thể giúp các công ty Mỹ sản xuất các sản phẩm như thép với chi phí thấp hơn đối thủ trên toàn cầu. "Đây không phải bức tranh sáng sủa gì, và cũng chẳng phải điều mà các doanh nghiệp thích thú", Dirk Forrister - Chủ tịch Hiệp hội Thương mại Khí thải Quốc tế (IETA).Vì thế, biện pháp trả đũa có thể được các nước thực hiện với đối tác Mỹ, nhằm cân bằng sân chơi. Công cụ họ có thể sử dụng là "thuế nhập khẩu carbon", áp lên hàng hóa Mỹ nhập vào nước mình. Sản phẩm càng tạo ra nhiều khí thải thì càng bị đánh thuế cao.
"Việc này căn bản là đem vấn đề công bằng trả lại cho chính quyền ông Trump mà thôi", Jeff Schott - một nhà nghiên cứu thương mại tại Học viện Kinh tế Quốc tế Peterson nhận xét.
Schott không cho rằng các nước sẽ ngay lập tức áp thuế này. Tuy nhiên, khi cả thế giới đang thực thi chính sách giúp chống biến đổi khí hậu, động thái của ông Trump sẽ càng khiến họ phẫn nộ với Mỹ. "Đây sẽ là mối đe dọa tiềm tàng với các công ty Mỹ", ông dự báo.
Dĩ nhiên, doanh nghiệp Mỹ đều ý thức được vấn đề này. Hôm qua, 25 công ty lớn trong nước đã cảnh báo ông Trump qua một bức thư, rằng "rút khỏi hiệp định…sẽ khiến chúng tôi có nguy cơ bị trả đũa". Một số đại gia góp mặt là Apple, Facebook, Google, Morgan Stanley, Microsoft, Salesforce, Unilever và Gap.
Trái lại, ông Trump kỳ vọng việc này sẽ giúp các doanh nghiệp Mỹ. "Mỹ sẽ dừng thực hiện Hiệp định Paris phi ràng buộc, kết thúc gánh nặng tài chính và kinh tế mà thỏa thuận này tạo ra cho Mỹ", ông cho biết. Ông khẳng định nó mang lại cho các nước khác lợi thế trước ngành công nghiệp Mỹ, phá hủy việc làm ở Mỹ.
Bên cạnh đó, thuế áp lên các công ty Mỹ có thể gặp thách thức khi hiện thực hóa. "Thuế carbon là một ý tưởng tốt, trên lý thuyết. Nhưng áp dụng vào thực tế thì khó khăn hơn", Gregor Irwin - kinh tế trưởng tại hãng cố vấn chiến lược Global Counsel nhận xét.
Rủi ro lớn nhất là nếu các nước áp thuế này lên hàng Mỹ, họ cũng có thể đáp trả, gây ra một cuộc xung đột thương mại lớn. "Chỉ cần một nước áp dụng thôi, các nước khác cũng sẽ làm tương tự", Irwin cảnh báo.
Hiện tại, chưa quốc gia nào đề cập đến thuế carbon. Thêm vào đó, hai nước láng giềng của Mỹ là Canada và Mexico sẽ đặc biệt thận trọng, do họ còn đang phải tái đàm phán Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA) với Mỹ.
Hà Thu (theo CNN, VNexpress)