tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Nga - Trung Quốc sẽ bắt tay xây dựng 'Con đường tơ lụa trên băng'

  • Cập nhật : 02/06/2017

Bắc Kinh đã sẵn sàng hợp tác với Moscow về tuyến đường vận tải tương lai chạy dọc theo bờ biển phía bắc của Nga.

ngoai truong trung quoc vuong nghi (trai) va ngoai truong nga sergei lavrov anh: reuters

Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị (trái) và Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov ẢNH: REUTERS

Theo hãng thông tấn Sputnik, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị trong cuộc gặp với Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov hôm 26.5 nói rằng đề xuất của Nga trong việc hai nước cùng nhau khai thác tuyến đường biển phía Bắc là “một ý tưởng tuyệt vời”. Bắc Kinh sẵn sàng hợp tác với Moscow để phát triển một “Con đường tơ lụa trên băng” mới chạy dọc theo bờ biển phía bắc của Nga.

Giáo sư Guo Peiqing, Giám đốc điều hành của Viện Nghiên cứu Luật và Chính trị tại Đại học Hàng hải của Trung Quốc, nói rằng tuyến hải trình xuyên Bắc Cực sẽ là tuyến đường biển an toàn nhất cho sáng kiến “Con đường tơ lụa” đầy tham vọng của Đại lục, đồng thời có thể trở thành động lực quan trọng cho việc hội nhập kinh tế Á - Âu. Giáo sư cũng nhấn mạnh rằng nền kinh tế lớn thứ hai thế giới rất quan tâm đến khu vực phía bắc nước Nga, đặc biệt trong lĩnh vực thương mại và hợp tác kinh tế. “Về vấn đề hợp tác, Nga luôn luôn là quốc gia ưu tiên hàng đầu của Trung Quốc”, ông Gou lưu ý.

Trên thực tế, các thành phố thuộc tỉnh Arkhangelsk và Murmansk ở phía bắc của Nga được dự đoán sẽ trở thành trung tâm vận chuyển chính ở châu Âu trong tương lai vì vị trí địa lý cho phép chúng kết nối với tuyến đường biển Artic, phía bắc châu Âu và các vùng nội địa của Nga. Do đó, không có nhiều ngạc nhiên khi cả Nga và Trung Quốc đều dành sự ưu tiên đặc biệt trong việc tận dụng tuyến đường biển này.

“Con đường tơ lụa thế kỷ 21 chủ yếu được triển khai ở phía nam. Nó đi qua Đông Nam Á, Ấn Độ Dương cũng như một số quốc gia và vùng lãnh thổ phức tạp, có nhiều xung đột. Tuy nhiên, tuyến đường biển ở phía bắc lại là một vấn đề khác vì chưa được khai thác. Hơn nữa, địa chính trị ở khu vực đó lại tương đối ổn định hơn. Vì vậy, phát triển con đường giao thương ở phía bắc đang dần trở thành động lực lớn cho hai nước”, ông Gou cho hay.

Được biết hơn nửa thập kỷ qua, Nga đã tận dụng nguồn nước nóng ở Bắc Băng Dương để phát triển cơ sở hạ tầng vận tải và năng lượng. Moscow từ lâu đã xem tuyến đường biển dọc vùng lãnh thổ phía bắc, trải dài từ eo biển Bearing ở phía đông ngang qua đến biển Barent ở phía tây, là một sự thay thế đầy tiềm năng cho các tuyến đường biển hiện đang nối liền châu Á và châu Âu khác.

Phương Anh
Theo Thanhnien.vn

Trở về

Bài cùng chuyên mục