Giới chuyên gia cho rằng các nước khác có thể trả đũa bằng cách áp thuế nhập khẩu lên hàng hóa Mỹ có giá rẻ hơn.
Trump hô hào bảo hộ thương mại: Thùng rỗng kêu to?
- Cập nhật : 30/05/2017
Các nền kinh tế mới nổi có thể sẽ không chịu nhiều thiệt hại từ ý định bảo hộ thương mại của Donald Trump.
Các nhà phân tích cho rằng các thị trường mới nổi đang phụ thuộc vào thương mại có thể không bị ảnh hưởng nhiều bởi những ý định bảo hộ của Tổng thống Mỹ Trump, ngay cả khi những lời nói của ông này trở thành hành động.
Tại phiên họp G-7 hôm thứ Bảy vừa qua, Trump đã đồng ý bổ sung một cam kết chống lại chủ nghĩa bảo hộ thương mại trong một bản thông cáo được công bố vào cuối ngày, theo một nguồn tin từ nhóm G-7 nói với Reuters. Trong một bài đăng trên Twitter, Trump đã ca ngợi kết quả của hội nghị thượng đỉnh G-7, và cam kết của nhóm này về việc loại bỏ các hành vi bóp méo thương mại.
Tuy nhiên, Chetan Sehgal, giám đốc mảng thị trường mới nổi toàn cầu tại Templeton Emerging Markets, lưu ý gần đây rằng các thị trường này không còn phụ thuộc vào thương mại phương Tây như trước đây nữa.
Sehgal nói: "Giờ đây hoạt động thương mại giữa các nước mới nổi còn quan trọng hơn cả thương mại với Mỹ. Hoạt động thương mại giữa các thị trường mới nổi đã tăng nhiều hơn thương mại với Mỹ".
Ông Sehgal chỉ ra số liệu cho thấy gần 60% xuất khẩu của các thị trường mới nổi là sang các thị trường mới nổi khác, trong khi tỷ lệ xuất khẩu sang các thị trường phát triển đã giảm xuống còn khoảng 40%.
Ngoài ra, Sehgal cũng lưu ý rằng nhiều doanh nghiệp thị trường mới nổi đã đi lên các nấc thang cao hơn trong chuỗi giá trị, và không còn đơn thuần chỉ lắp ráp hàng hoá cho các doanh nghiệp phương Tây.
Ông nói: "15 năm trước, các thị trường mới nổi thường chỉ chiếm 15-20% số đơn xin cấp bằng sáng chế của thế giới, nhưng bây giờ đã lên gần 45%. Động lực tăng trưởng trong tương lai sẽ dựa trên năng lực trí tuệ nhằm tạo ra các sáng chế và cách chúng ta tận dụng các công nghệ mới như thế nào. Tôi nghĩ rằng các doanh nghiệp thị trường mới nổi có thể làm được điều đó. Do đó chủ nghĩa bảo hộ, vốn là điều quan trọng đối với thương mại trước đây, bây giờ cũng không còn quá nhiều ý nghĩa nữa. "
Đã có những dấu hiệu khác cho thấy nước Mỹ không thể tiếp tục áp đặt hoạt động thương mại toàn cầu như trước đây được nữa.
11 quốc gia còn lại trong Hiệp định Quan hệ Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã đồng ý đánh giá các lựa chọn để "khẩn trương" tiến hành hiệp định mà không có Mỹ. TPP từng bị cho là vô hiệu lực sau khi Trump rút Mỹ khỏi Hiệp định, với tuyên bố rằng đây là một "thảm hoạ" có thể ảnh hưởng đến ngành sản xuất của Mỹ.
Mặc dù Trump đã tranh cử dựa trên mục tiêu chống toàn cầu hóa, kể từ sau cuộc bầu cử thì ông đã không thực hiện một số lời hứa hùng hổ của mình trước đây. Chẳng hạn, Trump từng thề thốt sẽ liệt Trung Quốc vào danh sách nước thao túng tiền tệ trong ngày đầu tiên nắm quyền, nhưng rốt cuộc đã không làm gì cả.
Nhưng Trump vẫn tiếp tục chỉ trích các đối tác thương mại khác của Mỹ, than phiền về hiệp định thương mại tự do của Mỹ với Hàn Quốc, và đưa ra kế hoạch thương lượng lại Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA) sau khi đe dọa chấm dứt toàn bộ hiệp định.
Một số tổ chức khác cũng chia sẻ quan điểm tương tự với Sehgal. Ngân hàng DBS (Singapore) đã so sánh chương trình Một Vành đai – Một con đường (OBOR) của Trung Quốc với kế hoạch xây tường chắn biên giới Mỹ - Mexico của Trump.
DBS bình luận rằng OBOR là "sự tương phản tuyệt đối với kế hoạch xây tường của Trump, một sự tương phản quá lớn và quá phân hóa, khiến cho không ai có thể giữ thái độ trung lập".
Ngân hàng này cũng lưu ý rằng châu Á xuất khẩu nhiều hơn nhập khẩu, nhưng thường đầu tư hầu hết thặng dư vào trái phiếu chính phủ Mỹ. Theo DBS, nếu muốn OBOR "cất cánh" thì các nước châu Á cần phải bắt đầu đầu tư thặng dư ngay tại châu lục này, thay vì vào trái phiếu chính phủ Mỹ vốn có mức sinh lời thấp.
Bá Ước
Theo nhipcaudautu.vn