Úc đã có một thời kỳ mở rộng kinh tế dài nhất thế giới, khi nước này không có sự suy thoái nào gần 26 năm qua.
Nga, Ả Rập Xê Út và cuộc chiến giành thị trường năng lượng Trung Quốc
- Cập nhật : 06/06/2017
Giá dầu giảm từng giúp Nga và Ả Rập Xê Út xích lại gần nhau song giờ đây, cuộc đua đáp ứng nhu cầu năng lượng 'khủng' của Trung Quốc có thể đẩy hai nước này ra xa nhau.
Bộ trưởng Năng lượng Ả Rập Xê Út Khalid al-Falih (trái) và Bộ trưởng Năng lượng Nga Alexander Novak ẢNH: REUTERS
Theo CNN, Nga và Ả Rập Xê Út từng phối hợp chặt chẽ để cắt giảm sản lượng, hạ dư cung khiến giá dầu lao dốc vào năm ngoái đến mức thấp kỷ lục. Cùng với nhiều nhà sản xuất lớn khác, hai nước vừa đồng ý kéo dài thỏa thuận giảm sản lượng thêm 9 tháng hồi tuần trước.
Dấu hiệu hợp tác gần đây nhất của hai nước xuất hiện trong tuần này, khi Tổng thống Nga Vladimir Putin gặp Phó Hoàng thái tử Ả Rập Xê Út Mohammed bin Salman để củng cố thỏa thuận. Dù vậy, đằng sau sự hợp tác là cuộc cạnh tranh để làm nhà cung ứng hàng đầu cho Đại lục, nước nhập khẩu năng lượng lớn và luôn có nhu cầu dầu thô cao.
Giám đốc điều hành Robin Mills của hãng Qamar Energy so sánh sự cạnh tranh này với “trò chơi vĩ đại”, một trận cờ vua địa chính trị vào thế kỷ 19, khi Anh và Nga cạnh tranh giành vị thế ở Trung Á. Ông Mills cho hay: “Bây giờ Trung Quốc là mục tiêu. Các nước xuất khẩu dầu chính, cho dù là Ả Rập Xê Út, Iran hay Nga cũng đều phải ở trong thị trường đó”.
Giấc mơ Nga
Nga có bước đi lớn đầu tiên vào năm 2014 khi Tổng thống Putin, người không thể tiếp cận với các thị trường phương Tây vì các biện pháp trừng phạt, hướng về phía đông để phát triển kinh tế. Ông Putin tìm thấy điều nước Nga cần ở Trung Quốc. Sau nhiều năm đàm phán, năm 2014, Moscow và Bắc Kinh ký thỏa thuận cung cấp khí tự nhiên cho thị trường mới nổi lớn nhất thế giới trong 30 năm. Thỏa thuận trị giá 400 tỉ USD.
Giới chiến lược gia năng lượng cho hay ông Putin đã giảm giá cho Trung Quốc để hai bên ký thỏa thuận. Việc này giúp Nga bảo đảm tiếp cận thị trường Trung Quốc.
Tầm nhìn Ả Rập Xê Út
Quốc vương Ả Rập Xê Út Abdullah thăm Bắc Kinh vào năm 2006 và thành lập liên doanh giữa Tổng công ty Xăng dầu Trung Quốc (CNPC) với Saudi Aramco. Thỏa thuận bao gồm một nhà máy lọc dầu lớn trên Biển Đỏ, có khả năng xử lý khoảng 400.000 thùng dầu thô/ngày và việc xây dựng một nhà máy tương tự ở Trung Quốc. Ả Rập Xê Út cũng cam kết đặt trụ sở chính của Saudi Aramco ở Bắc Kinh.
Bộ trưởng Năng lượng Ả Rập Xê Út Khalid Al Falih cho hay nước này mới chỉ bắt đầu thu hút khách hàng lớn Đại lục. “Chúng tôi kỳ vọng có thêm nhiều nhà máy lọc dầu nữa trên đất Trung Quốc. Chúng tôi có rất nhiều mảng có thể phát triển và đối tác Trung Quốc của chúng tôi biết điều này”.
Chiến lược châu Á
Không chỉ có Trung Quốc mới thu hút được sự chú ý của Nga và Ả Rập Xê Út. Quốc gia Trung Đông vừa ký thỏa thuận dầu khí trị giá 13 tỉ USD với nhiều đối tác, trong đó có Malaysia và Indonesia. Châu Á chiếm gần 1/3 nhu cầu dầu thô toàn cầu hằng ngày, vốn ở mức 31,4 triệu thùng, theo FACTS Global Energy.
Ấn Độ, đất nước có 1,3 tỉ dân và nền kinh tế bùng nổ, là điểm sáng khác ở châu Á. Ông Mills cho hay Ấn Độ đang tăng nhu cầu dầu mỏ bằng hoặc nhiều hơn Trung Quốc.
Nga cũng đang chú trọng phát triển thị trường châu Á, gây ngạc nhiên cho các nhà quan sát trong ngành công nghiệp dầu mỏ khi trả 13 tỉ USD để mua Essar Oil, công ty dầu thô tư nhân lớn thứ nhì Ấn Độ, hồi năm ngoái. Thỏa thuận trên vẫn chưa được phê duyệt lần cuối song ông Putin còn thể hiện thiện chí của mình theo một cách khác khi mời Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đến Diễn đàn Kinh tế Quốc tế St. Petersburg hồi tuần trước. Đây là sự kiện thường niên được tổ chức ở quê nhà của lãnh đạo Nga.
Thu Thảo
Theo Thanhnien.vn