Ngân hàng Credit Suise dự báo Trung Quốc có thể đầu tư tới 500 tỷ USD vào 60 quốc gia trong sáng kiến này 5 năm tới...
Ngành bán lẻ Mỹ chuẩn bị bước vào cuộc khủng hoảng mới?
- Cập nhật : 05/05/2017
Một cuộc chiến mới chuẩn bị diễn ra trong ngành kinh doanh các sản phẩm thiết yếu, điều đó đồng nghĩa với các cuộc chiến mới về giá, tái cơ cấu và phá sản.
Cho đến nay, các cửa hàng kinh doanh thực phẩm Mỹ vốn miễn nhiễm với cơn “càn quét” của xu thế mua sắm trực tuyến cũng như triển vọng kinh doanh u ám của ngành bán lẻ nước này. Đơn giản bởi họ bán những mặt hàng cực kỳ thiết yếu cho cuộc sống, ngoài ra, theo quan niệm của người Mỹ, họ không thích mua thực phẩm trực tuyến.
Thế nhưng theo dự báo của nhiều chuyên gia ngành bán lẻ, một cuộc chiến mới chuẩn bị diễn ra trong ngành kinh doanh các sản phẩm thiết yếu này, điều đó đồng nghĩa với các cuộc chiến mới về giá, tái cơ cấu và phá sản.
Đầu tháng Năm năm nay, nhiều báo lớn của Mỹ đồng loạt đưa tin Lidl, một hãng bán lẻ của Đức nổi tiếng với chiến lược giá thấp và hoạt động cực kỳ hiệu quả, sẽ bắt đầu chiến lược tranh giành thị phần táo bạo trên đất Mỹ bằng việc từ nay đến mùa hè năm 2018 sẽ mở thêm khoảng 100 cửa hàng trên khắp khu bờ Đông của Mỹ.
Thông tin không khỏi khiến các đại gia bán lẻ thực phẩm của Mỹ lo ngại bởi thị phần về tai Lidl đồng nghĩa nhiều hãng khác sẽ mất miếng ăn. Lidl đã từng có những thành công quá lớn về mở rộng thị phần tại châu Âu.
Hiện nay Lidl đang quản lý khoảng 10 nghìn cửa hàng ở châu Âu và đang lên kế hoạch bài bản để tấn công vào thị trường bang Texas, một trong những thị trường thực phẩm tiềm năng nhưng cũng đang chứng kiến sự cạnh tranh gắt gao của nhiều công ty bán lẻ. Nhiều chuyên gia Mỹ dự báo Lidl sẽ thành công, doanh thu riêng thị trường Mỹ có thể cán mốc 9 tỷ USD vào thời điểm năm 2023.
Sẽ không còn lâu nữa người ta sẽ chứng kiến tình trạng cạnh tranh gay gắt trong ngành kinh doanh thực phẩm Mỹ. Cho đến hiện tại, Amazon chưa tham gia vào cuộc chiến cung cấp thực phẩm nhưng không lấy gì đảm bảo, Amazon và nhiều hãng bán lẻ sẽ sớm nhảy vào cuộc đua này tại Mỹ.
Bằng chứng là ở Đức, hai thành phố Berlin và Postdam đã được Amazon thí điểm bán thực phẩm tươi sống đến tận nhà của khách hàng. Với hơn 85 nghìn sản phẩm thực phẩm tươi, khách chỉ cần ngồi nhà đặt hàng và nhân viên sẽ chở hàng đến tận cửa.
Chuyên gia phân tích ngành bán lẻ tại Bloomberg Intelligence, bà Jennifer Bartashus, dự báo: “Rõ ràng các công ty bán lẻ Mỹ sẽ gặp rất nhiều khó khăn bởi sẽ có hàng loạt thay đổi mới trong những năm tới.”
Năm 2017, các cửa hàng bán lẻ Mỹ đã đóng cửa với tốc độ nhiều kỷ lục. Không còn nghi ngờ gì nữa, chính Amazon đang lấy đi của họ hàng triệu khách hàng mua quần áo, hàng điện tử và rất nhiều sản phẩm khác. Chính Amazon đã khiến nhiều triệu khách hàng không còn có nhu cầu đến cửa hàng xem đồ và sắm đồ.
Trong lúc đó, ngành kinh doanh thực phẩm vẫn đang trong vùng an toàn của riêng mình. Trong khi nhiều công ty bán lẻ các sản phẩm khác phải đóng cửa hoặc chuyển địa điểm từ nơi có giá thuê cao sang nơi có giá thuê rẻ hơn thì các cửa hàng kinh doanh thực phẩm vẫn là một khách hàng được các công ty bất động sản chiều chuộng, săn đón.
Sức hấp dẫn của ngành kinh doanh các sản phẩm thiết yếu thậm chí đã lôi kéo thêm nhiều công ty khác gia nhập vào ngành, cung cấp thêm nhiều chủng loại đồ ăn sẵn, snack…Và cuối cùng, trong vai trò người tiêu dùng, chúng ta cứ phải dùng rồi thải ra thêm nhiều túi đựng rác mới.
Không chỉ các cửa hàng kinh doanh thực phẩm, nhiều cửa hàng dược phẩm và chuỗi cửa hàng kinh doanh sản phẩm đồng giá tại Mỹ cũng đang bán thêm thực phẩm nhằm giành khách hàng.
Chỉ riêng Dollar General đã mở thêm hơn 900 cửa hàng trong năm ngoái, tính đến cuối năm 2016, hãng đã có hơn 13 nghìn cửa hàng. Và trong năm nay, hãng sẽ mở thêm hơn 1 nghìn cửa hàng khác. Ở hiện tại, hơn 75% doanh thu của Dollar General đến từ việc bán các sản phẩm thiết yếu, chính vì vậy dù không chính thức kinh doanh thực phẩm nhưng Dollar General cũng có thể coi như đối thủ cực kỳ lớn trong ngành.
Còn với CVS, chuỗi cửa hàng dược phẩm đang vận hành khoảng 8 nghìn cửa hàng tại Mỹ, thực phẩm cũng sẽ là mặt hàng ưu tiên để kinh doanh trong những năm sắp tới.
Tất cả những nỗ lực cạnh tranh trên, không còn nghi ngờ gì nữa, sẽ dẫn đến cuộc chạy đua giá xuống của các sản phẩm thực phẩm trên đất Mỹ. Các hãng bán lẻ đã cùng tự đưa nhau vào cuộc chiến về giá vốn có lợi cho người tiêu dùng nhưng lại “ăn mòn” lợi nhuận của các cửa hàng kinh doanh. Và đáng tiếc xu thế này sẽ ngày một tồi tệ hơn.
Ít nhất cho đến hiện tại, thương mại điện tử vẫn chưa thể thành công trong ngành thực phẩm. Hơn một thập kỷ qua, Amazon đã khao khát để tìm cho được cách vận chuyển hàng thực phẩm tươi sống nhưng không thành công lắm. Và người tiêu dùng cũng chậm chấp nhận mua đồ thực phẩm trên mạng.
Thế nhưng chắc cũng chưa ai quên từng có thời người ta nghĩ không thể mua giầy được trên mạng bởi người tiêu dùng cần phải thử giầy. Cuối cùng, người tiêu dùng cũng mua giầy trên mạng được như bao nhiêu mặt hàng khác.
Đối với ngành hàng thực phẩm, cũng nhiều người đang nghĩ người tiêu dùng sẽ cần phải sờ vào quả bơ hay nói chuyện với người bán thịt hoặc nhìn thấy miếng thịt còn tươi rói. Nhưng biết đâu chỉ vài năm nữa thôi, khi việc kinh doanh thực phẩm trực tuyến lấy được niềm tin của người tiêu dùng, nhu cầu ấy sẽ không còn nhiều như hiện nay.
TRUNG MẾN
Theo Bizlive.vn