tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Bốn xu hướng dẫn đường ngành bán lẻ năm 2019

  • Cập nhật : 21/01/2019

Khi khách hàng ngày càng chú trọng sự tiện lợi hơn nhưng lại ít kiên nhẫn hơn và có nhiều sự lựa chọn hơn bao giờ hết, những xu hướng sau sẽ ngày một trở nên phổ biến trong ngành bán lẻ trong năm 2019.

bon xu huong dan duong nganh ban le nam 2019

Bốn xu hướng dẫn đường ngành bán lẻ năm 2019

Các nhà bán lẻ vẫn đang cố gắng tăng doanh thu cuối cùng từ đợt giảm giá cuối năm. Cùng lúc đó, họ bắt đầu suy tính tới những gì sẽ xảy đến trong năm tới. Nhiều yếu tố rủi ro hiện khiến các nhà bán lẻ băn khoăn chọn ra quân bài cho ván cờ mới sắp tới. Thứ nhất là thuế suất tăng cao do chiến tranh thương mại Mỹ - Trung. Tuy cả hai cường quốc đang trong giai đoạn đình chiến 90 ngày, nhưng tất cả những gì xảy ra sau đó vẫn còn nằm trong màn sương mờ. Các doanh nghiệp bán lẻ cũng đang hết sức chú ý tới tương lai của ngành bưu chính Mỹ và phập phồng lo sợ mức phí cao hơn sẽ được cơ quan chính phủ thông qua. Nếu kịch bản này thực sự xảy ra, những gã khổng lồ ngành bán lẻ như Amazon hay các doanh nghiệp khác sẽ phải gánh chịu mức phí giao hàng cao hơn bởi họ phụ thuộc rất nhiều vào dịch vụ bưu chính để mang hàng hóa tới tay khách hàng.

Từ khóa nóng hổi nhất trong ngành bán lẻ hiện tại chính là "trải nghiệm". Người tiêu dùng ngày nay kì vọng được thưởng thức những khoảnh khắc không thể nào quên nhờ công nghệ thực tế ảo (VR), tăng cường thực tế (AR) và được nhìn ngắm những hình ảnh phục vụ cho việc "sống ảo" trên mạng xã hội khi mua sắm.

Nhưng những xu hướng nào mới đem lại tác động sâu sắc và lâu dài nhất?

Mối quan hệ giữa bán lẻ online và bán lẻ tại cửa hàng thực sẽ ngày một bền chặt

Tại một sự kiện do công ty đầu tư mạo hiểm Fifth Wall tổ chức gần đây, Candid, một startup kinh doanh sản phẩm chăm sóc răng miệng trực tuyến, đi tìm những lời khuyên có liên quan tới việc mở cửa hàng thực từ những công ty lâu năm sành sỏi thị trường như UNTUCKit, Warby Parker và Allbirds. Họ tranh cãi với nhau về chiến lược kinh doanh tốt nhất, nhưng tất cả đều thống nhất một điều: Các cửa hàng thực là một yếu tố cần thiết nhằm gia tăng độ nhận diện và giúp tăng doanh số cho các thương hiệu online. Gã khổng lồ Amazon hoàn toàn có lý do khi mua lại Whole Foods và hợp tác với đối thủ Kohl's, bởi đây là xu hướng tất yếu của ngành bán lẻ.

Mặt khác, những doanh nghiệp bán lẻ truyền thống như Walmart hay Target đang bắt đầu khai phá con đường bán lẻ online. Một số doanh nghiệp khác lại mở rộng cửa để các công ty bán hàng online đặt gian hàng ngay trong chính "ngôi nhà" của họ với hy vọng thu hút được thêm nhiều khách ghé thăm. Những ví dụ cho loại hình cộng sinh này phải kể đến các gian hàng của The Market hay b8ta tại các cửa hàng của Macy's.

"Khách hàng sẽ hứng thú hơn nếu nhìn thấy những thứ mới mẻ," Kevin McKenzie, phó chủ tịch của tập đoàn bán lẻ Macerich nhận định.

Những cửa hàng nhỏ tại khu vực thành thị sẽ tiếp tục phát triển

Sự ra đi của những siêu thị địa phương tại khu Manhattan đã để lại khoảng trống trong suốt 18 tháng trời. Thế nhưng đối tượng thay thế đã sớm xuất hiện: Target đã ký hợp đồng thuê mặt bằng và sẽ sớm xuất hiện tại khu vực. Doanh nghiệp này đã và đang lấp đầy thành phố New York bằng những cửa hàng quy mô nhỏ hơn trước đây.

Những cửa hàng nhỏ sẽ giúp các nhà bán lẻ dễ luồn lách trong những khu vực thành thị chật chội và đông đúc hơn. Đây chính là xu hướng mới của bán lẻ. Doanh nghiệp chuyên bán đồ nội thất IKEA chia sẻ vào tháng 12.2018 rằng họ sẽ mở cửa hàng quy mô nhỏ đầu tiên mang tên IKEA Planning Studio tại khu Manhattan sầm uất. Đây là một phần trong chiến lược tạo thêm 30 "điểm chạm" tới khách hàng trong vòng ba năm tới.

"Chúng tôi nhận ra mình đang sống trong môi trường bán lẻ liên tục thay đổi. Để đạt được tăng trưởng bền vững, IKEA đang thay da đổi thịt để có thể tiếp xúc gần hơn với khách hàng," Lars Petersson, giám đốc IKEA Mỹ chia sẻ.

Tiếp xúc gần hơn với khách hàng đồng nghĩa có mặt ngay tại nơi họ sinh sống. Vào tháng 9.2018, công ty bán lẻ thiết bị công nghệ AT&T nói rằng họ có kế hoạch mở thêm hơn 1.000 cửa hàng trong 18 tháng tới, bao gồm những cửa hàng tạm thời (pop-up) bên trong các tòa chung cư tại những khu vực thành thị, bao gồm New York và San Francisco.

"Chúng tôi muốn gần gũi với khách hàng hết mức có thể," Rasesh Patel, phó chủ tịch cấp cao của AT&T chia sẻ. "Nhiều khách hàng của chúng tôi không có xe hơi. Việc mở cửa hàng gần họ sẽ mang tới cho khách hàng sự tiện lợi và không phải đi xa khỏi khu vực họ thường lui tới."

Rô bốt sẽ trở thành nhóm nhân viên mới

Amazon đã đánh bật mọi đối thủ trên đường đua bán lẻ nhờ hệ thống logistic vượt trội. Doanh nghiệp này còn phụ thuộc rất nhiều vào các công nghệ như trí thông minh nhân tạo, thị giác máy tính và rô bốt. Amazon hiện đang sử dụng gần 100.000 rô bốt tại 26 nhà kho trên toàn thế giới. Những con rô bốt này không chỉ giúp tiết kiệm thời gian và nhân lực (nhân viên không cần phải đích thân đi lấy và trữ hàng), mà còn giúp tận dụng tối đa không gian kho hàng, xử lý đơn hàng nhanh hơn và mang sản phẩm tới tay khách hàng trong thời gian ngắn hơn.

Bằng cách này, nhân viên có thể dành nhiều thời gian để tương tác trực tiếp với khách hàng và thực hiện các nhiệm vụ khác. Không nằm ngoài cuộc, tháng 10.2018 Walmart chia sẻ mình đang sử dụng rô bốt lau sàn tại 78 cửa hàng và con số này sẽ nhân rộng lên 360 cửa hàng trong thời gian tới.

Tạm biệt việc xếp hàng chờ thanh toán

Hiện tại các cửa hàng Amazon Go có lẽ là hình mẫu lí tưởng nhất trong việc mang đến trải nghiệm mua sắm không xếp hàng thanh toán. Tuy vậy không bao lâu nữa, những nhà bán lẻ khác cũng sẽ sớm vào cuộc, mang đến những nét độc đáo của riêng họ vào hình thức cửa hàng này.

Kroger, Dollar General và Sam's Club của Walmart cho phép khách hàng quét mã và trả tiền hàng hóa ngay trên ứng dụng điện thoại di động. Chuỗi cửa hàng tiện lợi lớn nhất thế giới 7-Eleven cũng đã hối hả bước chân vào đường đua. Tháng 9.2018, doanh nghiệp này chia sẻ họ dự định sẽ mở rộng dịch vụ Quét mã và trả tiền sang nhiều thành phố vào năm sau. 7-Eleven có thể không mang lại yếu tố bất ngờ cho khách hàng như Amazon Go, nhưng đây không phải là điều Gurmeet Singh, giám đốc kỹ thuật số 7-Eleven, lo lắng.

"Tôi sẽ không cần bất cứ thiết bị công nghệ nào khác một khi đã giải quyết được vấn đề tốc độ," ông bộc bạch trong một phỏng vấn vào tháng 11. "Mọi chuyện đều xoay quanh câu hỏi: Làm thế nào để xếp hàng thanh toán đi vào quên lãng?"

Những xu hướng nói trên sẽ ngày một trở nên phổ biến bởi khách hàng ngày càng chú trọng sự tiện lợi, ít kiên nhẫn và có nhiều sự lựa chọn hơn bao giờ hết.  
 

Tác giả ADRIAN CHENG 
Nguồn: ForbesVietnam

Trở về

Bài cùng chuyên mục