Tập đoàn TH với thương hiệu sữa TH true MILK vừa khai mạc gian trưng bày sản phẩm tại hội chợ thực phẩm tại Nga, mở đường cho dự án đầu tư trang trại và dây chuyền chế biến sữa tại Nga trị giá 1 tỷ USD của tập đoàn này.
Chiến lược bán lẻ: Liệu có muộn?
- Cập nhật : 07/06/2016
Các đại gia bán lẻ nước ngoài đang ồ ạt đầu tư vào Việt Nam tạo sức ép không nhỏ cho doanh nghiệp Việt. Ảnh: Phan Thu.
Vẫn bảo lưu quan điểm chưa quá lo lắng về sự “bành trướng” của các nhà bán lẻ ngoại, ông Võ Văn Quyền, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho hay, sau 10 năm mở cửa, từ năm 2006 đến nay, doanh nghiệp FDI đang chiếm 3,4% tổng mức bán lẻ hàng hóa, trên 17% thị phần của kênh bán lẻ hiện đại và 9,3% tổng cơ sở bán lẻ hiện đại...
Mặt khác, để thực hiện việc mở cửa thị trường, Việt Nam đã có nhiều văn bản điều chỉnh pháp luật về vấn đề này như Luật Doanh nghiệp, Luật Cạnh tranh… Về mở cửa hệ thống phân phối và bán lẻ, đã có Luật Thương mại 2005, Nghị định 23/2007/NĐ-CP quy định chi tiết Luật Thương mại về hoạt động mua bán hàng hóa và các hoạt động liên quan trực tiếp đến mua bán hàng hóa của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.
“Do vậy, việc mua bán lại các hệ thống siêu thị như Metro, Big C của khối DN FDI cũng giống như Vingroup mua lại Vinatex Mart hay Ocean Mart là xu hướng bình thường khi các doanh nghiệp nội địa vừa kinh doanh vừa phát triển hệ thống bán lẻ thương mại. Căn cứ vai trò của mình, Bộ Công Thương sẽ xem xét, quản lý kinh doanh lĩnh vực này theo đúng luật pháp”, ông Quyền khẳng định.
Cung cấp thêm thông tin, vị này cho biết, trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục xây dựng các giải pháp để bảo vệ thị trường nội địa bằng khung khổ pháp lý phù hợp, đồng thời triển khai các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp mà luật pháp quốc tế cho phép như xem xét để bổ sung Nghị định 23 cho phép quản lý khi mở cửa thị trường, ưu đãi về môi trường đầu tư, hỗ trợ đầu tư, đào tạo, hỗ trợ mở rộng phát triển hệ thống phân phối, thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”…
Một điểm khá mới được ông Quyền cung cấp, hiện Vụ Thị trường trong nước đang xây dựng Chiến lược phát triển thương mại trong nước đến năm 2020, tầm nhìn 2030. Khi đã có đề án mang tính chiến lược và nền tảng, Bộ Công Thương sẽ tổ chức đánh giá lại, có biện pháp phù hợp để hỗ trợ tối đa cho các doanh nghiệp phân phối trong nước nâng cao sức cạnh tranh.
Sau ý kiến của Vụ Thị trường trong nước, ông Trần Tuấn Anh, Bộ trưởng Bộ Công Thương cho rằng, Vụ Thị trường trong nước cần nhanh chóng xây dựng chiến lược bán lẻ cũng như đề cương, làm việc với Hiệp hội, địa phương về xây dựng hệ thống bán lẻ để đánh giá những mặt được, chưa được trong lĩnh vực này. “Vụ Thị trường trong nước sớm có phương án để Bộ Công Thương trình Bộ Chính trị về chiến lược bán lẻ”, ông Trần Tuấn Anh yêu cầu.
Muộn còn hơn không
Hội nhập kéo theo sự mở cửa, sự tự do thông thương hàng hóa giữa Việt Nam và các nước là xu hướng tất yếu. Khi sức cạnh tranh của hàng Việt còn hạn chế thì việc mở cửa này sẽ kéo theo làn sóng hàng ngoại lấn át thị trường nội địa. Hiển nhiên, đây cũng là điều tất yếu.
Vậy nên, sự lo lắng của các chuyên gia trước tình trạng nhà bán lẻ nước ngoài “trấn áp” thị trường bán lẻ Việt Nam cũng là điều dễ hiểu. Động thái “xây thành” để giữ thị trường bán lẻ của Bộ Công Thương có lẽ cũng xuất phát từ những lo lắng này, chứ không còn bàng quan như suy nghĩ “thị trường bán lẻ vẫn nằm trong tay người Việt”. Liệu rằng, việc xây dựng chiến lược bán lẻ lúc này đã là quá muộn so với sự “bành trướng” của các đại nước ngoài?
Chia sẻ với phóng viên Báo Hải quan về câu hỏi này, ông Vũ Vinh Phú, Ủy viên Hiệp hội Bán lẻ Việt Nam, nguyên Giám đốc Sở Thương mại Hà Nội (nay là Sở Công Thương Hà Nội) khẳng định: “Muộn còn hơn không!”.
Chưa biết chiến lược mà Bộ Công Thương “vẽ ra” sẽ đi theo hướng nào nhưng ông Phú cho rằng, muốn xây dựng quy hoạch cần phải mời các chuyên gia bán lẻ tư vấn, hay nói cách khác là cần có hội nghị diên hồng cho ngành bán lẻ; cần có cơ chế chính sách cần và đủ để thúc đẩy ngành bán lẻ phát triển.
Tất nhiên, từ quy hoạch cho đến khâu thực hiện còn là một khoảng cách khá xa và đây cũng là một vấn đề cần phải khắc phục. Trên thực tế, ông Phú cho biết từng đề nghị Bộ Công Thương quy hoạch đại siêu thị phải cách nhau 30km “nhưng họ có nghe đâu”, khiến nhiều doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam lao đao. Tại phố Thái Thịnh (Hà Nội), chỉ trong phạm vi khoảng 700m mà có tới 3 siêu thị được cấp phép và đến nay cửa hàng của Hapro đã “chết oan uổng”.
Theo Báo Hải Quan