Nhu cầu đầu tư cho phát triển ở châu Á, đặc biệt là các nước ASEAN, còn quá lớn, ở từng nước và lẫn của toàn khu vực.
Nhà đầu tư Nhật có thể rời ASEAN để quay lại Trung Quốc
- Cập nhật : 03/05/2017
Thái Lan, Việt Nam, Indonesia vẫn là điểm đầu tư ưa thích, nhưng vấn đề về nhân lực và ô nhiễm môi trường có thể khiến các công ty Nhật rút lui.
Các doanh nghiệp sản xuất Nhật Bản coi Đông Nam Á là khu vựcquan trọng nhất cho hoạt động kinh doanh của mình, nhưng họ vẫn lo lắng về tình trạng thiếu lao động và ô nhiễm ở khu vực này. Đó là kết quả một cuộc khảo sát gần đây của Viện nghiên cứu Mizuho tại Nhật.
Viện này đã tiến hành cuộc khảo sát trong tháng 2 đối với các công ty sản xuất Nhật Bản có vốn điều lệ từ 10 triệu yen (89.000 USD) trở lên, và nhận được phản hồi đầy đủ từ 1.121 công ty.
Liên quan đến câu hỏi rằng khu vực mà các công ty này dự định tập trung nhiều cho hoạt động trong tương lai, 42,1% các doanh nghiệp trả lời là ASEAN, với lý do là khu vực này đang phát triển và chi phí sản xuất thấp hơn. Ba nước ASEAN dẫn đầu danh sách điểm đến ưa thích là Thái Lan (57,8%), Việt Nam (50,2%) và Indonesia (43,9%).
Tuy nhiên, cuộc khảo sát cũng nêu lên những mối lo ngại của các nhà sản xuất Nhật Bản khi đầu tư vào ba nước này.
Đối với Thái Lan, 21,4% số phản hồi cho biết họ lo lắng rằng nguồn cung công nhân sẽ giảm xuống trong 2-3 năm tới. Trong khi đó, 17,3% phản hồi e ngại rằng nguồn cung nhân lực ở cấp quản lý sẽ co hẹp lại. Cả hai con số trên đều cao hơn số phản hồi cho rằng tình hình nhân công sẽ cải thiện.
Koji Sako, chuyên gia kinh tế cao cấp của Viện Nghiên cứu Mizuho, cho biết Thái Lan là nước thu hút nhiều công ty sản xuất của Nhật Bản nhất. Sako bình luận: "Cuộc khảo sát cho thấy rằng Thái Lan không chỉ thiếu hụt công nhân mà còn cả giới nhân viên văn phòng, những người đóng vai trò lớn trong việc gia tăng hiệu quả của nền kinh tế".
Đối với Việt Nam, 25% số phản hồi cho biết vấn đề ô nhiễm môi trường sẽ ngày càng tệ đi. Indonesia cũng có vấn đề tương tự, với 27,8% số phản hồi cho biết rằng các vấn đề môi trường sẽ tệ hơn trong tương lai gần.
Nhiều nhà sản xuất Nhật Bản muốn tìm kiếm các nước có chi phí sản xuất thấp thay thế cho Trung Quốc cũng đã thiết lập cơ sở sản xuất ở Đông Nam Á. Chiến lược này thường được gọi là "Trung Quốc cộng một".
Tuy nhiên, cuộc khảo sát của Mizuho cho thấy các công ty Nhật Bản đang có xu hướng quay trở lại Trung Quốc. Khi được hỏi họ muốn chuyển các hoạt động hiện tại ở Trung Quốc đi đâu, 21,1% phản hồi cho biết họ muốn chuyển tới "một nơi khác ở Trung Quốc, có hiệu quả chi phí cao hơn so với các địa điểm hiện tại). Đây là mức tăng khá lớn so với 9,7% của một cuộc khảo sát trước đây, và có thể cho thấy thời kì sụt giảm tăng trưởng tại Trung Quốc đã qua.
Việc nền kinh tế Trung Quốc hồi phục sẽ gây áp lực lên các nước Đông Nam Á. Nếu muốn thu hút đầu tư hơn nữa, các nước nàyphải giải quyết vấn đề lao động, môi trường và các vấn đề khác có thể khiến nhà đầu tư nước ngoài rút lui.
Theo Bá Ước - Nguồn Nikkei Asian Review - nhipcaudautu.vn