Giữa lúc các biện pháp trừng phạt áp đặt lên Triều Tiên gắt gao hơn, ngày càng có nhiều hàng hóa địa phương xuất hiện trong cửa hàng nước này.
Nhật, Trung, Hàn quyết chống chủ nghĩa bảo hộ thương mại
- Cập nhật : 05/05/2017
Những mối lo về các chính sách kinh tế mang tính bảo hộ của Mỹ là có thật. Ba cường quốc Nhật, Trung Quốc, Hàn Quốc vừa lên tiếng sẽ chống lại điều đó.
Bộ trưởng Chiến lược và Tài chính Hàn Quốc Yoo Il Ho (trái) và thống đốc Ngân hàng trung ương Nhật Haruhiko Kuroda trước cuộc họp ba nước tại Yokohama sáng 5-5 - Ảnh: Reuters
Trong bản thông cáo chung vừa công bố sáng nay (5-5) sau cuộc họp tại Yokohama (Nhật Bản), các bộ trưởng Tài chính và thống đốc Ngân hàng trung ương của ba nước Nhật, Trung Quốc, Hàn Quốc đã thể hiện quyết tâm chống lại “mọi hình thức của chủ nghĩa bảo hộ”.
Thông cáo cho biết ba nước đông bắc Á đi đến nhận định chung “thương mại là một trong những động lực quan trọng của tăng trưởng kinh tế và của phát triển, góp phần nâng cao năng suất và tạo ra việc làm” và ba nước sẽ “chống lại mọi hình thức của chủ nghĩa bảo hộ”.
Những phát ngôn này được cho là mạnh mẽ hơn các phát ngôn được đưa ra hồi giữa tháng 3 vừa qua sau hội nghị các bộ trưởng Tài chính và thống đốc Ngân hàng trung ương khối G20 tổ chức ở Baden-Baden (Đức).
Hôm 18-3, vừa qua, kết thúc hai ngày hội nghị tại Đức, bản Tuyên bố chung của các lãnh đạo tài chính khối G20 đã không đưa ra cam kết cụ thể nào về thương mại tự do và chống bảo hộ thương mại.
Trong nhiều năm qua, các nước thành viên G20 đã cam kết không định giá thấp tiền tệ, đồng thời chống lại mọi hình thức bảo hộ thương mại.
Tại cuộc họp sáng nay bên lề Hội nghị thường niên của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tổ chức ở Yokohama, các lãnh đạo tài chính của ba nước cũng tuyên bố sẽ tăng cường hợp tác để chống lại những mối lo dai dẳng phát sinh từ tình hình kinh tế toàn cầu hiện nay cũng như từ những nguy cơ bất ổn về địa chính trị.
“Chúng tôi sẽ tiếp tục đối thoại và kết nối ở cấp độ cao giữa ba nước Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc đối phó với mọi tình huống bất ổn tài chính trong bối cảnh những căng thẳng địa chính trị và nguy cơ bất ổn ngày càng gia tăng của kinh tế toàn cầu”, bản thông cáo cho biết.
Các lãnh đạo tài chính của ba nước đông bắc Á cũng đồng tình nhận định rằng các nền kinh tế khu vực châu Á vẫn giữa được mức tăng trưởng “tương đối mạnh mẽ” nhưng đồng thời cũng cảnh báo rằng các nguy cơ vẫn tồn tại nên các nhà hoạch định chính sách cần đảm bảo có các công cụ cần thiết để duy trì mức tăng trưởng mạnh như dự báo.
Trong nỗ lực nhằm giảm thiểu sự tổn thương của khu vực trước sự biến động của đồng USD, Nhật Bản cũng đề xuất lập ra các thoả thuận hoán đổi song phương với các quốc gia Đông Nam Á, nhằm có thể cung cấp quỹ bằng tiền yen của Nhật trong những giai đoạn căng thẳng về tài chính.
Các bộ trưởng Tài chính và thống đốc Ngân hàng trung ương của ba nước cũng cho biết dự kiến nhóm họp tại Manila (Philippines) vào tháng 5-2018.
Trước đó, Báo cáo Triển vọng Kinh tế Khu vực ASEAN+3 của Cơ quan Nghiên cứu Kinh tế Vĩ mô ASEAN+3 (AMRO), công bố lần đầu vào ngày 4-5 tại Yokohama, cho biết chương trình khôi phục kinh tế của chính quyền Tổng thống Donald Trump có thể giúp kinh tế Mỹ tiến bộ hơn trong thời gian tới, tuy nhiên việc triển khai các chính sách hạn chế thương mại và nhập cư cũng có thể gây ra tác động bất lợi đến bức tranh tăng trưởng toàn cầu.
THANH LIÊM (từ Yokohama, Nhật)
Theo Tuổi Trẻ